iPhone 8 của Apple có thể là động lực giúp ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản tăng trưởng trở lại.
Sự thành công của dòng sản phẩm iPhone đã làm thay đổi vận mệnh của hàng chục nhà cung ứng linh kiện. Từ các nhà sản xuất màn hình, vỏ kim loại cho đến gia công và lắp ráp. Sắp tới đây, khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên sử dụng màn hình OLED, sẽ lại có nhiều công ty công nghệ được hưởng lợi.
Công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản có thể là một trong số đó, với công nghệ đi-ốt phát quang hữu cơ được bắt đầu nghiên cứu từ giữa những năm 1980. Hiện tại, nếu bạn nhìn vào những chiếc smartphone như Google Pixel hay Samsung Galaxy mới nhất, rất có thể các điểm ảnh màu xanh dương trên màn hình OLED đều được chế tạo từ vật liệu và công nghệ của Idemitsu.
Việc sử dụng màn hình OLED trong iPhone thế hệ mới sẽ làm thay đổi vận mệnh của nhiều công ty Nhật Bản, những nhà cung ứng chưa từng được hưởng lợi từ dòng sản phẩm iPhone của Apple.
Canon Tokki Corp là một ví dụ, công ty của Nhật Bản này chính là cái nôi của công nghệ màn hình OLED, độc quyền cung cấp công nghệ cho tất cả các nhà sản xuất màn hình OLED lớn trên thế giới. Các công ty Dai Nippon Printing và Toppan Printing cũng là nhà sản xuất lưới kim loại để in dấu các điểm ảnh OLED hàng đầu thế giới.
“Samsung cũng đã sử dụng màn hình OLED trong nhiều năm trở lại đây, nhưng khi Apple tham gia cuộc chơi này thì đó mới thực sự là một thay đổi lớn. Apple sẽ khiến nhiều nhà sản xuất khác cũng muốn tham gia cuộc chơi này. Sẽ có rất nhiều thứ thay đổi”, chuyên gia phân tích Alberto Moel của Sanford C. Bernstein cho biết.
Việc sử dụng màn hình OLED trên chiếc iPhone mới, kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt iPhone, sẽ thúc đẩy nhu cầu tấm nền OLED tăng trưởng thêm hàng trăm triệu đơn vị. IHS Markit nhận định cuộc chơi mới này có thể đạt giá trị lên tới 22,7 tỷ USD trong năm 2017, bất kỳ công ty và nhà sản xuất nào cũng muốn có một phần trong chiếc bánh này.
Tuy nhiên mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy, để có được một phần của miếng bánh thì các công ty này cần phải cạnh tranh với nhau trong một cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Ngay cả khi Idemitsu sở hữu công nghệ và vật liệu chế tạo các đi-ốt màu xanh trong tấm nền OLED, gần như là độc quyền và khiến các nhà sản xuất màn hình OLED phải phụ thuộc.
Thế nhưng các công ty khác như Dow Chemical, Merck & Co hay những đối thủ cạnh tranh cũng tham gia vào cuộc đua công nghệ màn hình OLED. Mục tiêu của họ là tìm ra cách tốt hơn để sản xuất các đi-ốt hữu cơ này.
Universal Display được thành lập bởi một cựu giáo sư Đại học Princeton vào năm 1994 và cũng nghiên cứu công nghệ OLED, mới đây đã thương mại hóa một phương pháp giúp chế tạo các đi-ốt hữu cơ có thể tạo ra nhiều ánh sáng hơn so với phương pháp truyền thống.
Phương pháp của Universal Display sử dụng iridium, một kim loại đất hiếm. Nhờ vậy mà Universal Display cũng có được lợi thế rất lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Thế nhưng với việc sử dụng kim loại đất hiếm iridium, các màn hình OLED của Universal Display lại mất đi sự linh hoạt.
Trong khi đó, Trung tâm Quang học hữu cơ và Nghiên cứu Điện tử tại Đại học Kyushu đã nghiên cứu thành công loại hợp chất carbon chưa từng tồn tại trước đây. Bước đột phá về công nghệ này đang đe dọa cả Universal Display lẫn Idemitsu Kosan.
Một cuộc chiến công nghệ mới đang nổ ra, đặc biệt là tại Nhật Bản. Nơi mà các công ty và nhà sản xuất đang chạy đua để phát triển các công nghệ màn hình OLED mới nhất. Và chính Apple là người đã khơi mào cuộc chiến này.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản gặp khó khăn, các ông lớn về công nghệ và điện tử gặp bế tắc, thì đây chính là ánh sáng và hướng đi mới giúp các công ty này có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Thế nhưng chơi với Apple cũng như chơi với hổ, bài học của các nhà cung ứng sống phụ thuộc vào Apple vẫn còn đó. Một khi Apple chấm dứt mối quan hệ, cũng là lúc các nhà cung ứng này rơi từ thiên đàng xuống địa ngục và đó có thể là dấu chấm hết.
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời