Năm cũ đi qua và năm mới đã đến. Đây cũng là lúc để chúng ta quên đi những thắng lợi và cả thất bại của năm cũ để sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Trên tinh thần này, hãy cùng đến với iPhone X - chiếc máy tuy còn hạn chế nhưng là sự hội tụ đầy đủ nhất của những công nghệ nền tảng cho một chiếc smartphone tương lai.
09/01/2007, Macworld San Francisco
“Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ ra mắt ba sản phẩm hoàn toàn mới
Đầu tiên là một chiếc iPod với màn hình cảm ứng
Thứ hai là một chiếc điện thoại di động mang tính cách mạng
Thứ ba là một thiết bị giao tiếp Internet đột phá.”
“Đây không phải ba thiết bị riêng lẻ. Đây là một thiết bị duy nhất.”
“Và chúng tôi gọi nó là iPhone. Hôm nay, Apple sẽ một lần nữa tái phát minh chiếc điện thoại.”
Đó là những lời mà Steve Jobs đã nói cách đây 10 năm khi ông đứng trên sân khấu ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên. Vào thời điểm đó, đã có rất nhiều người hoài nghi vào những gì Steve nói. Điện thoại là phát minh lớn của nhân loại, vậy nên khi một công ty nói rằng họ có thể “tái phát minh” lại một thứ quá vĩ đại như vậy, có chăng đó chỉ là một chiêu trò thu hút sự chú ý của dư luận để bán được nhiều hàng hơn mà thôi.
Steve Jobs ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007
Nhưng, 10 năm sau đó, tôi tin rằng tất cả mọi người, bao gồm cả những người khó tính nhất, cũng phải thừa nhận rằng: Apple đã đúng, và chiếc điện thoại đã được tái sinh vào ngày hôm đó. Thậm chí, tầm ảnh hưởng của iPhone còn hơn thế, khi nó không chỉ đơn thuần là định nghĩa mới của chiếc điện thoại, mà nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. iPhone thật sự là một trong những sản phẩm tiêu dùng quan trọng nhất được ra mắt trong 10 năm trở lại đây.
Thế nhưng, 10 năm sau đó, thế giới công nghệ cũng đã thay đổi rất nhiều. Samsung, Google, LG, Xiaomi, Oppo… đều đã có những chiếc smartphone của riêng mình với tính năng chẳng kém cạnh iPhone là bao. Apple cần một sản phẩm không chỉ để cạnh tranh trên cuộc đua ngày càng khốc liệt, mà còn là khẳng định vị thế dẫn đầu của mình về công nghệ, và quan trọng hơn, tạo ra một hình mẫu, một tiêu chuẩn để các nhà sản xuất khác sẽ phải học tập.
Và đó là lý do iPhone X ra đời. iPhone X có thể không phải chiếc smartphone tốt nhất, đặc biệt khi xét đến mức giá 1000 USD của nó. Tuy nhiên, tôi tin rằng, đây là chiếc smartphone hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố mà người dùng có thể trông đợi từ một sản phẩm đến từ tương lai.
iPhone X là chiếc smartphone với vai trò định hướng cho toàn bộ ngành công nghiệp di động trong 10 năm tới
(*) Gần như tất cả những bức ảnh trong khuôn khổ bài viết này đều được chụp bằng iPhone X
Thiết kế tương lai – từ trong ra ngoài
Năm 2007, chiếc iPhone đầu tiên sở hữu một thiết kế tối giản đến không tưởng khi chỉ có một nút Home duy nhất ở mặt trước, so với hàng chục phím bấm của các smartphone với bàn phím QWERTY thời đó. Chính thiết kế này đã góp phần không nhỏ cho sự bùng nổ của iPhone nói riêng và smartphone nói chung ngày nay, khi chỉ với một thiết kế đơn giản như vậy, người dùng mới có thể dễ dàng sử dụng nó.
Tuy nhiên, lợi thế này của Apple cũng dần phai nhòa theo thời gian. Với nút Home vật lý, Apple buộc phải dành ra một phần viền lớn ở trên và dưới màn hình. Khi mà các đối thủ như Samsung bắt đầu khuấy động trào lưu màn hình tràn viền, thiết kế này của iPhone nhanh chóng trở nên lỗi thời. Quan trọng hơn, nó đem lại một số vấn đề cho người sử dụng: viền màn hình lớn khiến trải nghiệm hình ảnh không đã, kích thước máy lại lớn và rất khó chịu khi đặt trong túi quần (đặc biệt là với dòng Plus).
iPhone X chứng kiến sự lột xác toàn diện – khi toàn bộ mặt trước của máy chiếm trọn bởi màn hình với bốn góc được bo cong mềm mại, đi kèm với đó là sự biến mất của nút Home vật lý. Thế nhưng, chẳng phải trước đó chúng ta đã có quá nhiều những chiếc smartphone viền siêu mỏng như Samsung Galaxy S8, LG G6, Xiaomi Mi Mix... hay sao? Vậy thì iPhone X có gì khác?
Thiết kế hoàn toàn mới của iPhone X
Đầu tiên, để đem lại trải nghiệm “toàn màn hình” thực sự, Apple đã đưa màn hình của iPhone X ra sát bốn cạnh. Điều này trái ngược với một số máy như Galaxy S8, khi mà ở cạnh trên/dưới màn hình của vẫn còn một phần viền đen, mặc dù nhỏ, nhưng vẫn tạo nên cảm giác màn hình đang bị “bó buộc”. iPhone X không gặp phải vấn đề này.
Màn hình của iPhone X được tràn sát ra bốn cạnh và bo tròn
Đương nhiên, không có gì là hoàn hảo. Với thiết kế này, một phần màn hình sẽ bị lẹm đi để dành chỗ cho loa thoại, camera trước và các loại cảm biến, chừa ra hai phần “tai thỏ” ở hai bên. Khi mới sử dụng iPhone X, một số người có thể cảm thấy không thích thiết kế này do nó khiến cho màn hình không còn là một khối chữ nhật hoàn chỉnh. Cá nhân tôi (cũng như rất nhiều người dùng khác) đều có thể làm quen sau một thời gian ngắn sử dụng. Dẫu sao thì sẽ thật tuyệt vời nếu như màn hình của iPhone X có thể chiếm trọn mặt trước mà không có phần cắt đó – tuy nhiên chúng ta biết rằng công nghệ vẫn còn quá xa vời để điều đó có thể xảy ra.
Thứ hai, Apple là nhà sản xuất duy nhất ở thời điểm hiện tại thiết kế một chiếc điện thoại không viền mà không có nút bấm và thao tác hoàn toàn qua các cử chỉ (gestures). Máy Android với màn hình viền mỏng có rất nhiều, nhưng nội dung hiển thị trên những chiếc máy này vẫn không thể tràn ra khắp màn hình được mà bị "kẹt" ở cạnh dưới, đơn giản là vì ba phím điều hướng đã chặn chúng lại.
Apple loại bỏ phím Home vật lý của iPhone X nhưng cũng không đặt các phím điều hưởng ảo vào trong màn hình như các máy Android
Tương tự như ý đầu tiên, việc loại bỏ phím Home và thay thế bằng các cử chỉ của iPhone X là một yếu tố quan trọng khác giúp cho chiếc máy này có được trải nghiệm “toàn màn hình” thực sự. Ngoài ra, thao tác bằng cử chỉ cũng được nhiều người đánh giá là “sướng”, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều, đặc biệt khi người dùng không cần tốn lực để bấm vào nút Home như trước đây.
Toàn bộ thao tác sử dụng phím Home đều được thay bằng các cử chỉ
Mặt trước với màn hình viền siêu mỏng rõ ràng là thứ “tương lai” nhất có thể thấy được ở iPhone X. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua các yếu tố còn lại của máy là lớp viền thép và mặt lưng kính. Khi mà nhôm dần trở thành một chất liệu bình dân (nhiều smartphone giá rẻ cũng đã có vỏ nhôm nguyên khối), thì thép và kính sẽ là chuẩn mực mới cho sản phẩm cao cấp. Vỏ kính cũng cho phép các nhà sản xuất tích hợp tính năng sạc không dây – một thứ không khả thi với các smartphone với mặt lưng bằng kim loại.
Khi mà nhôm đã trở nên bão hòa, iPhone X sử dụng kính và thép - hai chất liệu mà chỉ một sản phẩm cao cấp thật sự mới có
Câu chuyện về thiết kế của iPhone X chưa dừng lại ở đây. Bên ngoài là chưa đủ, iPhone X còn sở hữu một thiết kế phần cứng bên trong rất đột phá. Đây là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng bảng mạch 2 lớp, cũng như một viên pin chữ L với 2 cell. Có thể thấy những nỗ lực của Apple trong việc tối ưu hóa đến mức tối đa diện tích bên trong - một điều rất quan trọng khi bên trong smartphone là ngày một nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng kích thước và độ mỏng, nhẹ của chúng lại phải được giữ nguyên.
Nhằm tiết kiệm diện tích, iPhone X sử dụng bảng mạch chồng với hai lớp
Viên pin của iPhone X có dạng chữ L và bao gồm hai cell
Với tất cả những yếu tố trên, có thể nói iPhone X là chiếc smartphone với thiết kế tương lai nhất, từ trong ra ngoài, cả về phần cứng lẫn phần mềm.
Màn hình OLED
OLED không phải là một cái gì đó quá mới – các nhà sản xuất khác, trong đó điển hình là Samsung đã dùng nó trong suốt nhiều năm qua. Năm 2014, Apple bắt đầu tham gia vào cuộc đua, nhưng lại là trên chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch. Phải đến năm 2017, tức là 10 năm sau thế hệ iPhone đầu tiên, Apple mới nói lời chào từ biệt với IPS LCD để đến với OLED, và iPhone X là thế hệ smartphone đầu tiên nhận “vinh dự” này. Hãng gọi nó là “Super Retina Display”.
Phải thừa nhận rằng, tôi không phải là người có thể đưa ra những nhận định mang tính kỹ thuật; nhưng không sao, DisplayMate đã làm điều đó, và bạn có thể đọc bài đánh giá rất chi tiết về màn hình của iPhone X tại đây. Thay vào đó, tôi sẽ đưa ra những nhận định dưới góc độ của một người đã sử dụng qua nhiều chiếc smartphone khác nhau.
Màn hình OLED trên iPhone X đem lại chất lượng bậc nhất, nếu không muốn nói là tốt nhất hiện nay. Nó sở hữu độ tương phản tuyệt đối, độ sáng cao, màu sắc chân thực. Đây là điều đã được xác nhận bởi nhiều người dùng, và thực chất, nó cũng đã được dự đoán từ trước do màn hình luôn là yếu tố được Apple coi trọng, vì vậy trên siêu phẩm ngàn đô của mình, không đời nào hãng sẽ chịu chấp nhận sử dụng một màn hình với chất lượng thấp. Thậm chí, hãng còn cho biết màn hình trên iPhone X là màn hình OLED đầu tiên “đủ tốt để có mặt trên một chiếc iPhone”.
iPhone X sở hữu màn hình OLED do Samsung sản xuất với kích thước 5.8 inch và độ phân giải 2436x1135
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng iPhone X sở hữu màn hình OLED tốt nhất. Biết rằng OLED vượt trội hơn LCD trên nhiều khía cạnh, nhưng, nó cũng mang đến những vấn đề mới mà trước đây LCD không gặp phải. Và, màn hình OLED của iPhone X cho dù có tốt đến mấy, cũng không thể tránh khỏi những nhược điểm này.
Đầu tiên là tính đồng nhất (uniformity) trong hiển thị. Nếu như với công nghệ LCD, chúng ta sẽ có một tấm nền (backlight) nằm ở dưới và cung cấp nguồn ánh sáng đồng đều cho tất cả các điểm ảnh, thì với OLED, mỗi điểm ảnh sẽ tự phát ra một nguồn sáng riêng. Do không điểm ảnh nào giống hệt điểm ảnh nào, vậy nên vấn đề về sự đồng nhất giữa các vùng khác nhau trên màn hình chắc chắn sẽ xảy ra, có chăng là ít hay nhiều mà thôi.
Màn hình của iPhone X đang được hiển thị một bức ảnh màu xám hoàn toàn, ở độ sáng thấp nhất và trong một căn phòng tối. Có thể thấy, mặc dù màn hình của iPhone X có chất lượng đầu bảng hiện nay, nhưng tình trạng không đồng đều giữa các phần khác nhau trên màn hình vẫn xảy ra
Điểm yếu này của màn hình OLED rất dễ bị bộc lộ khi nó hiển thị các gam màu tối, đặc biệt là màu xám ở độ sáng thấp. Trong quá trình sử dụng chiếc iPhone X, tôi đã nhận thấy tình trạng banding xuất hiện xuyên suốt nhiều thành phần giao diện của iOS (do hệ điều hành này thường sử dụng hiệu ứng mờ đục), cũng như một vài ứng dụng bên thứ ba với phông nền tối. Nó không quá nghiêm trọng, tuy nhiên không khỏi khiến người dùng iPhone lâu năm tỏ ra khó chịu do đây là một điều chưa bao giờ xảy ra trên các dòng máy trước.
Một vấn đề nữa mà người dùng sẽ phải đối mặt là burn-in. Burn-in là hiện tượng hình ảnh bị “ám” vào màn hình sau một thời gian sử dụng, thường xuyên xuất hiện trên các thành phần cố định như thanh trạng thái hay bàn phím. Với iPhone X, Apple cho biết hãng đã thiết kế để hạn chế tối đa hiện tượng trên có thể xảy ra, tuy nhiên liệu nó hiệu quả đến đâu thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Burn-in là một điểm yếu chí mạng của công nghệ OLED. Liệu màn hình của iPhone X sẽ thể hiện ra sao trong quá trình sử dụng lâu dài?
Apple cũng thừa nhận vấn đề này và cho rằng đây là một "biểu hiện có thể lường trước được"
Mặc cho những nhược điểm trên, OLED rõ ràng là hướng đi đúng đắn của Apple và các nhà sản xuất smartphone nói riêng, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp màn hình nói chung. Nhìn vào những bước phát triển vũ bão của OLED chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, công nghệ này chắc chắn sẽ còn đạt được những bước tiến lớn trong tương lai, đặc biệt khi ngày một nhiều nhà sản xuất “nối bước” Apple và mang OLED lên sản phẩm của họ.
Camera đủ tốt để người dùng bỏ lại DSLR ở nhà
Có thể coi camera của iPhone X là bản nâng cấp của iPhone 8 Plus về ống kính tele. Thông số camera góc rộng của iPhone X là hoàn toàn tương đồng so với iPhone 8 Plus: đều có độ phân giải 12MP, tiêu cự 28mm, khẩu độ f/1.8 và hỗ trợ chống rung quang học (OIS). Với camera tele, iPhone X lại có tiêu cự ngắn hơn một chút so với iPhone 8 Plus (52mm so với 57mm), nhưng lại có lợi về khẩu độ (f/2.4 so với f/2.8) và cũng hỗ trợ OIS (iPhone 8 Plus không có). Do chất lượng ảnh của camera góc rộng là hoàn toàn tương tự so với iPhone 8 Plus, vậy nên chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào camera tele của máy.
Một vài bức ảnh đời thường được chụp bằng iPhone X
Cũng như các thế hệ iPhone trước, camera tele của iPhone X phục vụ cho hai tính năng: zoom quang học và chụp ảnh xóa phông. Giao diện chụp ảnh của iPhone X vẫn được giữ nguyên so với iPhone 7 Plus trước đó với nút 2X và chế độ chân dung riêng biệt.
Đầu tiên là zoom quang học. Năm ngoái trên iPhone 7 Plus, khả năng zoom của camera tele không thật sự hữu ích, khi do những hạn chế về phần cứng, nó chỉ được kích hoạt trong điều kiện ánh sáng tốt, chủ yếu là ở ngoài trời. Trong các điều kiện không lý tưởng, những gì người dùng nhận được thực chất chỉ là một bức ảnh zoom số từ ống kính góc rộng.
Với iPhone X, tình trạng này đã được cải thiện khá nhiều. Theo thử nghiệm của Studio Neat, trong khi iPhone 7 Plus cần độ sáng lên đến 88 lux thì mới cho phép sử dụng ống kính tele, thì iPhone X chỉ cần 16 lux, tức là ít hơn 2 bước sáng.
Ống kính tele của iPhone X có thể được kích hoạt ở độ sáng 16 lux, trong khi iPhone 7 Plus cần đến 88 lux
Thứ hai là chụp ảnh xóa phông. Đây là tính năng từng được coi là điểm nhấn chính của iPhone 7 Plus, tuy nhiên, trải nghiệm và chất lượng mà nó đem lại cũng vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu như thuật toán phân tách chủ thể và ngoại cảnh có thể được cải thiện bằng phần mềm, thì có một vấn đề về phần cứng mà không một bản cập nhật phần mềm nào có thể giải quyết được: đó là khẩu độ của ống kính nhỏ dẫn đến chất lượng ảnh chụp bị giảm sút nghiêm trọng khi ánh sáng yếu đi, thậm chí máy còn không cho phép chụp ảnh xóa phông.
Như vậy, có thể thấy hạn chế của cả tính năng zoom quang học và chụp ảnh xóa phông trên iPhone 7 Plus đều đến từ một nguyên nhân. Và với việc Apple đã nâng cấp ống kính tele trên iPhone X, cũng như cho phép chụp ảnh xóa phông với đèn Flash trên iOS 11, chế độ chân dung nay đã trở nên hữu dụng hơn rất nhiều.
Chỉ sau 1 năm, iPhone X đã cho chất lượng chụp ảnh xóa phông tốt hơn rất nhiều. Các chi tiết phức tạp như tóc người, vốn từng làm khó iPhone 7 Plus cách đây 1 năm, nay đã được xử lý đến mức độ mà người bình thường khó có thể nhận ra được đây là một bức ảnh chụp bằng điện thoại chứ không phải là máy ảnh chuyên nghiệp
Theo thử nghiệm của tôi với chiếc iPhone 7 Plus, chiếc máy này không thể chụp ảnh xóa phông khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Với iPhone X và bức ảnh trên đây, chúng ta có thể thấy điều này đã thay đổi. Đương nhiên, một lượng ánh sáng nhất định là vẫn cần thiết, nhưng một lần nữa, những gì mà Apple làm được chỉ sau 1 năm là rất đáng để hoan nghênh
Mặc dù không được thiết kế để hoạt động với các vật thể không phải là người, nhưng chế độ chân dung cũng cho kết quả khá tốt với động vật
... hay trong trường hợp này là một chiếc áo len và iPhone
Từ lâu, con người đã mơ về một tương lai khi mà camera trên những chiếc smartphone có thể cho ra những bức ảnh với hiệu ứng xóa phông như những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp. Biết rằng điều đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra (do những hạn chế cố hữu về kích thước cảm biến và ống kính), tuy nhiên hệ thống camera kép của iPhone X và chế độ chân dung là thứ gần nhất mà chúng ta có thể có được.
iPhone X có thể không phải smartphone chụp ảnh đẹp nhất, nhưng cách Apple thiết kế cụm camera kép và khả năng chụp ảnh xóa phông của nó đã thỏa đúng giấc mơ của người dùng về một chiếc smartphone có thể thay thế DSLR
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều mẫu máy với hệ thống camera kép, nhưng lại sử dụng camera thứ hai để chụp ảnh góc siêu rộng chứ không phải là chụp ảnh xóa phông. Rõ ràng đây là một hướng đi an toàn, do các nhà sản xuất chỉ cần tích hợp một ống kính góc rộng là xong mà không cần đầu tư quá nhiều về phần mềm. Hiệu ứng góc rộng cho ra rất rõ ràng và hoàn chỉnh, thế nhưng, nó lại không mang nhiều ý nghĩa về mặt tương lai – khát vọng cháy bỏng của người dùng là chụp ảnh “ảo diệu như DSLR” bằng smartphone kia mà?
Cụm camera kép và chế độ chân dung của iPhone X chắc chắn là vẫn còn thiếu sót, nhưng tương lai còn dài và đây là sự khởi đầu hoàn hảo để các nhà sản xuất tiếp tục chinh phục khát vọng ấy trong thời gian tới.
Face ID: Tương lai của bảo mật sinh trắc học
Do iPhone X đã bị loại bỏ phím Home vật lý, vậy nên cảm biến vân tay Touch ID cũng vì thế mà đi vào dĩ vãng. Để thay thế vào đó, Apple đã trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt Face ID là phương thức bảo mật sinh trắc học chính và cũng là duy nhất. Đã có nhiều tin đồn cho biết Face ID là bước đi tình thế do Apple không thể tích hợp cảm biến vân tay Touch ID vào màn hình, tuy nhiên, chính Apple đã nhiều lần nhấn mạnh: Face ID là phương thức bảo mật ưu việt hơn Touch ID và đã được đầu tư nghiên cứu trong thời gian dài.
Bảo mật bằng khuôn mặt không phải là một cái gì đó quá mới. Từ năm 2011, Google đã tích hợp công nghệ này lên mọi smartphone chạy hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Đầu năm 2017, Samsung tiếp tục giới thiệu nó trên Galaxy S8. Gần đây, các hãng smartphone khác như LG, Xiaomi, Oppo…. cũng đang liên tục đưa tính năng này lên các dòng sản phẩm của mình.
Nhưng bạn biết Apple rồi đấy. Apple chẳng bao giờ là người khai phá những cái mới, mà sở trường của hãng là mài giũa một ý tưởng sơ khai để nó trở nên hoàn hảo và hữu dụng hơn. Tương tự như vậy với Face ID – ý tưởng của nó đã cũ, nhưng đây chắc chắn là công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến, bảo mật và hiệu quả nhất hiện nay.
Face ID là công nghệ bảo mật sinh trắc học sử dụng khuôn mặt nhằm thay thế cho cảm biến vân tay Touch ID
Face ID được chia làm hai thành phần chính, đó là hệ thống camera TrueDepth (gồm flood illuminator, dot projector và camera hồng ngoại) và “bộ não” xử lý dữ liệu khuôn mặt (gồm Neural Engine bên trong con chip A11 Bionic và trí tuệ nhân tạo của iOS). Mỗi khi Face ID tiến hành xác thực, flood illuminator sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại, dot projector chiếu 30.000 điểm lên khuôn mặt để tạo sơ đồ chiều sâu và camera hồng ngoại chụp một bức ảnh. Dữ liệu này được gửi đến Neural Engine và AI để xử lý và quyết định có mở khóa hay không.
Chính nhờ sự tân tiến này, có thể tự tin mà khẳng định rằng Face ID là công nghệ nhận diện khuôn mặt hoàn thiện nhất hiện nay, vượt xa những gì mà các đối thủ (trong đó có Samsung) đang làm. Face ID cho tốc độ mở khóa nhanh, hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng, dễ sử dụng và thích ứng tốt khi khuôn mặt người dùng thay đổi. Tuy nhiên, cho dù Face ID có tiên tiến đến mấy thì nó vẫn mắc phải những nhược điểm cố hữu của công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đặc biệt là khi so sánh với cảm biến vân tay.
Face ID hoạt động ngay cả trong bóng tối
Đầu tiên là vấn đề về tốc độ. Face ID nhanh, tuy nhiên vẫn thua kém đôi chút so với Touch ID hay thậm chí là cả cảm biến vân tay trên nhiều mẫu máy Android khác. Một trong những lý do dẫn đến điều này là do thói quen sử dụng: khi người dùng rút điện thoại ra khỏi túi quần, theo phản xạ và tư thế cầm nắm, khả năng cao là ngón tay của họ đã chạm sẵn vào cảm biến vân tay và máy lập tức mở khóa. Trong khi đó với Face ID, người dùng buộc phải đặt song song máy với khuôn mặt theo một góc phù hợp, ngoài ra còn phải mở mắt và nhìn vào màn hình (nếu theo thiết lập mặc định).
Chính việc yêu cầu người dùng phải nhìn vào màn hình cũng tạo ra một vấn đề về tính thuận tiện: nếu như trước đây khi điện thoại đặt trên bàn, chúng ta có thể đặt ngón tay đến cảm biến vân tay để mở khóa, thì nay với Face ID, chúng ta lại buộc phải cầm chiếc điện thoại lên hoặc rướn người để máy nhìn thấy khuôn mặt.
Face ID mặc dù tiên tiến nhưng vẫn có những điểm yếu cố hữu của công nghệ bảo mật khuôn mặt và trong một số trường hợp kém thuận tiện hơn cảm biến vân tay
Vấn đề cuối cùng và cũng là nổi cộm nhất trong thời gian qua của Face ID là bảo mật. Apple cho biết tỷ lệ sai số của Face ID là 1:1.000.000, thấp hơn rất nhiều so với con số 1:50.000 của Touch ID. Vậy nhưng, trong thời gian qua đã có hàng loạt những dẫn chứng cho thấy Face ID lại dễ dàng bị vượt mặt bởi anh em,bố mẹ,bạn bè,thậm chí là cả… mặt nạ.
Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy khá hoài nghi về tính bảo mật của Face ID. Chưa cần xét đến các yếu tố kỹ thuật, chúng ta đã có thể thấy tỷ lệ hai người có dấu vân tay giống nhau là thấp hơn nhiều so với khuôn mặt; đặc biệt khi những người có khuôn mặt giống nhau thường có huyết thống gần gũi (ví dụ như anh/chị/em). Và do những người này có quan hệ với nhau, vậy nên khả năng một người trong gia đình có thể tiếp cận chiếc iPhone X của người khác để mở khóa là rất cao.
Với việc vẫn còn tồn tại những vấn đề nêu trên, sẽ có một số ý kiến cho rằng Face ID là hướng đi sai lầm của Apple. Cá nhân tôi không phản đối toàn toàn ý kiến này, đúng, Face ID vẫn còn điểm yếu. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây là thế hệ đầu tiên của Face ID, và Apple vẫn còn nhiều thời gian để tối ưu hóa cả về mặt phần cứng lẫn phần mềm. Nhớ rằng trên chiếc smartphone đầu tiên được trang bị cảm biến vân tay của Apple là iPhone 5s, người dùng cũng gặp vô vàn vấn đề với nó, đặc biệt là về tính ổn định và tốc độ. Nhưng rồi 2 năm sau, đến iPhone 6s với Touch ID thế hệ thứ hai, mọi thứ đã trở nên tốt hơn rất nhiều. Face ID cũng sẽ như vậy.
Quan trọng hơn, tầm nhìn của Apple về việc sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt để thay thế cho cảm biến vân tay, theo tôi thấy là hoàn toàn chính xác.
Một câu nói mà tôi rất tâm đắc trong lĩnh vực công nghệ là: “Chúng tôi tin rằng công nghệ đạt đến đỉnh cao khi nó vô hình” (We believe technology is at its very best when it’s invisible). Câu nói này thực chất đến từ chính Apple, nói về cách thức mà một sản phẩm công nghệ nên tồn tại: hãy để người dùng sử dụng một cách thật tự nhiên, hãy để họ hòa vào trải nghiệm mà quên đi rằng trước mặt mình đang là một thứ máy móc rất hiện đại với hàng loạt công nghệ tối tân bên trong.
Face ID là minh chứng rõ ràng nhất cho suy nghĩ này. Trước đây với Touch ID, người dùng luôn là người phải chủ động: mỗi khi mở khóa hoặc thực hiện các tác vụ bảo mật, họ sẽ phải đưa ngón tay đặt lên nút Home để xác thực. Với Face ID, thì thiết bị, trong trường hợp này là iPhone X, mới là đối tượng nắm giữ chủ động. Người dùng không cần làm bất kỳ điều gì, thậm chí, họ còn chẳng cần biết “xác thực” là gì – tất cả diễn ra một cách hoàn toàn tự động, hoàn toàn tự nhiên. Và đó là tương lai của công nghệ bảo mật sinh trắc học.
Tương lai của công nghệ bảo mật sinh trắc học là Face ID khi mà quá trình xác thực là hoàn toàn tự động, tự nhiên và người dùng không cần làm bất kỳ điều gì
Hệ thống camera TrueDepth: Animoji, chụp ảnh xóa phông và hơn thế nữa
Bên cạnh Face ID, camera TrueDepth còn mang đến hai tính năng mới, độc quyền trên iPhone X là Animoji và chụp ảnh selfie xóa phông.
Cụm camera TrueDepth
Animoji là sự kết hợp của Animated (hoạt hình/chuyển động) và Emoji. Người dùng sẽ hóa thân vào những Emoji ngộ nghĩnh như chó, mèo, robot hay thậm chí là.. bãi phân và gửi những đoạn clip ngắn cho bạn bè thông qua iMessage. Nghe chừng có vẻ nhảm nhí, nhưng đây lại là một trong những tính năng đầu tiên mà ai cũng muốn thử khi được trên tay iPhone X.
Có lẽ từ duy nhất phù hợp để có thể đánh giá Animoji là “vui nhộn”. Đương nhiên, xét về tính hữu dụng thì Animoji có lẽ sẽ không thể hiện được nhiều – trong những cuộc hội thoại hàng ngày, không phải ai, và lúc nào người dùng cũng sẽ “trợn mắt, chu mỏ” gửi Animoji cho người khác. Nhưng, Animoji lại là một cách rất vui nhộn và một lời giải thích trực quan của Apple với người dùng về sức mạnh của hệ thống camera TrueDepth, như một lời khẳng định rằng: đây là công nghệ mà không chiếc smartphone nào khác có được.
Animoji không thật sự hữu ích, tuy nhiên nó là một cách rất trực quan để trình diễn sức mạnh của cụm camera TrueDepth
Ngay từ tên gọi “TrueDepth” (chiều sâu thực), người dùng đã mường tượng ra rằng camera trước của iPhone X có khả năng phân tích chiều sâu, và, để phát huy lợi thế này một cách rõ ràng nhất, Apple đã trang bị chế độ chụp ảnh xóa phông/chân dung (Portrait Mode) cho nó, bao gồm cả tính năng Portrait Lighting.
Nhờ khả năng phân tích chiều sâu, cụm camera TrueDepth còn cho phép chụp ảnh selfie xóa phông
Thế nhưng, đừng quên rằng các lập trình viên cũng có thể tận dụng khả năng phân tích chiều sâu của camera TrueDepth để đem đến những ứng dụng chưa từng có trên smartphone. Ví dụ, Warby Parker – một hãng sản xuất kính mới đây đã cập nhật ứng dụng của mình để khai thác khả năng của camera TrueDepth, cho phép phân tích khuôn mặt của người dùng để gợi ý những cặp kính phù hợp nhất với họ. Trong tương lai, chúng ta sẽ còn được thấy vô vàn những ứng dụng như vậy, tất cả nhờ vào sức mạnh của camera TrueDepth.
Sử dụng camera TrueDepth, ứng dụng của Warby Parker có thể tìm ra một cặp kính phù hợp nhất với khuôn mặt của người dùng
Chiếc smartphone không dây nhất từ trước đến nay
Trên những chiếc smartphone hiện nay, thông thường chúng ta sẽ có hai cổng kết nối, một là cổng 3.5mm và hai là cổng Lightning/USB-C/microUSB. Apple đang từng bước để thay thế nhiệm vụ của dây dợ và những cổng kết nối này bằng công nghệ không dây – và iPhone X là kết quả rõ ràng nhất cho nỗ lực của hãng.
Chúng ta sử dụng những cổng kết nối trên điện thoại để làm gì? Ba công dụng chính của chúng là sạc, nghe nhạc và truyền dữ liệu (copy ảnh, nhạc…). Công nghệ không dây sẽ phải đảm nhiệm tốt cả ba thứ này, và Apple đã có một chiến lược rõ ràng trong một khoảng thời gian dài để biến điều này trở thành hiện thực với iPhone X.
Năm 2011, Apple giới thiệu iCloud. iCloud cho phép người dùng đưa hết dữ liệu của mình (ảnh, danh bạ, lịch, ghi chú…) lên đám mây. Tất cả những dữ liệu này sẽ được sao lưu và đồng bộ hóa giữa các thiết bị mà người dùng không cần kết nối bất kỳ sợi dây nào. Khi người dùng có một thiết bị mới, họ cũng có thể khôi phục dữ liệu từ bản sao lưu iCloud mà không cần kết nối với iTunes. Như vậy, vấn đề về truyền dữ liệu đã được giải quyết.
Năm 2015, Apple ra mắt dịch vụ nhạc số Apple Music, cho phép người dùng tận hưởng hơn 40 triệu bài hát. Người dùng không cần phải copy nhạc thủ công như trước đây nữa.
Năm 2016, Apple loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm trên iPhone 7 và trình làng chiếc tai nghe không dây AirPods. Mặc dù loại bỏ jack cắm tai nghe vẫn là một quyết định gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng nó đã giúp tạo động lực để các nhà sản xuất khác nói lời từ biệt với công nghệ cũ để đến với những cái mới, thúc đẩy toàn bộ ngành di động theo hướng đi lên. Quan trọng hơn, nó giúp cho người dùng có một trải nghiệm âm thanh tốt và tiện lợi hơn, thể hiện qua rất nhiều lời khen mà AirPods nhận được. Vậy là, vấn đề về sự thiếu vắng của jack cắm tai nghe cũng đã phần nào được giải quyết, khi chúng ta có ngày một nhiều những chiếc tai nghe không dây chất lượng tốt với mức giá phải chăng.
Việc Apple loại bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm trên iPhone từng bị chi trích, tuy nhiên, nó là cách duy nhất để thúc đẩy thị trường tai nghe không dây phát triển và giúp người dùng có một trải nghiệm tốt hơn
Và đến năm 2017, Apple giải quyết vấn đề cuối cùng là sạc, khi tích hợp công nghệ sạc không dây cho iPhone X. Sạc không dây đã có từ lâu, iPhone X đã bị nhiều sản phẩm khác vượt mặt, tuy nhiên sự tham gia của Apple chắc chắn sẽ khiến công nghệ này trở nên phổ biến hơn rất nhiều, giúp ích cho hãng sản xuất smartphone, hãng sản xuất phụ kiện, nơi công cộng (tích hợp sạc không dây trên bàn của quán café chẳng hạn) và đương nhiên là người dùng, bao gồm cả người dùng Android (vốn cũng sử dụng sạc không dây chuẩn Qi như iPhone X).
Tuy nhiên, vũ khí thật sự của Apple phải đến năm 2018 này mới được tung ra thị trường, đó là tấm sạc AirPower. Khi mà người dùng ngày càng có nhiều thiết bị không dây, sẽ thật ngớ ngẩn nếu như trên bàn của họ lại tràn ngập các sợi dây cáp chỉ để sạc cho từng thiết bị riêng biệt. Ý tưởng về AirPower – một tấm sạc duy nhất cho phép sạc không dây cả iPhone, Apple Watch và AirPods – không có gì đặc biệt. Nhưng, sau bao nhiêu năm phát triển của công nghệ sạc không dây với biết bao cơ hội cho các nhà sản xuất, vậy mà “kẻ chậm chân” Apple vẫn là người đầu tiên đưa ra được một giải pháp như vậy. Trong tương lai, khi mà công nghệ sạc không dây được phát triển, tôi tin rằng sẽ chẳng ai muốn cắm sạc cho chiếc điện thoại của mình nữa.
AirPower với khả năng sạc hàng loạt thiết bị cùng một lúc tỏ rõ sự tiện lợi khi người dùng ngày càng sở hữu nhiều thiết bị số
Tổng kết lại, iPhone X là chiếc smartphone không dây nhất từ trước đến nay. Nó là sự khởi đầu cho một tương lai khi mà các thiết bị di động trở nên di động thật sự - khi mà chúng không còn bị bó buộc bởi bất kỳ sợi dây nào.
AI, Machine Learning và Neural Engine
AI (trí tuệ nhân tạo) là một chủ để nóng trong thời gian qua – đặc biệt là trong lĩnh vực smartphone. Bất kể chiếc smartphone nào ra mắt gần đây đều nhấn mạnh, không ít thì nhiều, về AI. Từ chụp ảnh đẹp hơn, tăng cường hiệu năng, trợ lý ảo, nhận dạng giọng nói cho đến phân tích hành vi sử dụng… tất cả các nhà sản xuất đều sử dụng AI để giúp người dùng có một trải nghiệm tốt hơn. Trong số đó, iPhone X là chiếc smartphone áp dụng công nghệ AI một cách hiệu quả nhất và tạo ra những ứng dụng thiết thực nhất cho người dùng.
AI được Apple tận dụng xuyên suốt hệ điều hành iOS, có mặt trong rất nhiều tác vụ mà người dùng đôi khi không thể nhận ra. Ví dụ, bàn phím sẽ học hỏi những từ mà người dùng thường gõ để gợi ý. Hay, ứng dụng Ảnh sẽ phân tích những bức ảnh mà người dùng chụp để phát hiện khung cảnh, cũng như nội dung của nó để phục vụ cho tính năng tìm kiếm, hay tạo ra những đoạn video ngắn trong phần Kỷ niệm (Memories).
Apple sử dụng AI ngay cả trong những tác vụ nhỏ mà bạn có thể không nhận ra, ví dụ như bàn phím QuickType
Một trong những tác vụ mà AI đóng vai trò quan trọng nhất trên iPhone X là Face ID. AI của Face ID sẽ liên tục học (Machine Learning) các thông tin liên quan đến khuôn mặt của người dùng, để từ đó thích ứng với những thay đổi trên khuôn mặt họ và đưa ra phản hồi phù hợp về việc có quyết định mở khóa hay không. Để các tác vụ này thực hiện một cách trơn tru, Apple đã tích hợp bên trong con chip A11 Bionic một bộ phận riêng biệt dành riêng cho các tác vụ AI & Machine Learning mang tên Neural Engine.
Với khả năng xử lý hơn 600 tỷ phép tính trong 1 giây, Neural Engine không hề tầm thường. Khi nói về iPhone X, Apple luôn nhấn mạnh về Neural Engine - vốn là một thứ rất trừu tượng và khó hiểu với người dùng - đơn giản là vì Apple biết AI sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong trải nghiệm smartphone tương lai. Và, với sự mở đường của iPhone X, chúng ta sẽ còn được thấy nhiều chiếc smartphone khác cũng sẽ được trang bị bộ xử lý dành riêng cho AI, phục vụ cho các tác vụ thiết thực, chứ không chỉ dừng lại là một chiêu trò marketing như ở thời điểm hiện tại.
1000 USD: Mức giá của smartphone cao cấp trong tương lai?
Vào thời điểm iPhone thế hệ đầu tiên ra mắt, nó từng có cái giá 499 USD đi kèm hợp đồng – biến đây trở thành chiếc điện thoại đắt đỏ nhất ở Mỹ vào thời điểm ấy. Steve Ballmer – CEO Microsoft cười nhạo về iPhone: “500 USD cho một chiếc điện thoại đi kèm hợp đồng? Đó hẳn là chiếc smartphone đắt nhất thế giới.”
10 năm sau, chủ đề này lại một lần nữa được đem ra bàn tán. iPhone X là chiếc smartphone đắt nhất thế giới – 1000 USD (may thay, lần này thì là giá “mua đứt” và không kèm hợp đồng).
1000 USD có phải là cái giá mà người dùng phải trả cho một chiếc smartphone cao cấp của tương lai
Nếu bạn đã đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã phần nào thấy được iPhone X là một chiếc smartphone “tương lai” đến thế nào. Và, cái giá phải trả cho một thứ tương lai như vậy không bao giờ là rẻ. Chi phí để nghiên cứu những công nghệ như Face ID hay Neural Engine là không hề nhỏ. Chi phí cho những linh kiện như màn hình OLED hay camera TrueDepth là không hề ít. Khi mà công nghệ chưa trở nên phổ biến, thì chuyện người dùng phải trả một cái giá cao – tương tự như câu chuyện cách đây 10 năm trước – là hết sức bình thường.
Đặc biệt, cần phải xét đến vai trò của điện thoại trong cuộc sống của con người ngày nay. Trước đây, điện thoại chỉ là cái nghe gọi. Giờ đây, điện thoại không chỉ là thứ để liên lạc, mà còn là công cụ phục vụ giải trí và làm việc. Khi mà chúng ta sử dụng smartphone ngày càng một nhiều, thì không có lý do gì chúng ta lại không có những chiếc máy với mức giá 1000 USD. Chúng ta có những chiếc laptop 1000 USD, thậm chí gấp 2-3 lần con số đó, vậy tại sao smartphone lại không được như vậy? Điều quan trọng là giá trị mà nó đem lại có xứng đáng với số tiền mà bạn bỏ ra hay không mà thôi.
Dẫu sao, bên cạnh iPhone X thì Apple cũng đang bán rất nhiều những chiếc iPhone khác ở mọi phân khúc giá. iPhone 8, iPhone 7, hay thậm chí ngay cả chiếc iPhone SE rẻ nhất với giá 349 USD đều là những chiếc máy rất tốt và sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của đa số người dùng. Trải nghiệm tốt không phải lúc nào cũng đi đôi với mức giá cao.
Với 1000 USD, liệu bạn sẽ chọn iPhone X hay là một chiếc iPhone khác rẻ hơn và sử dụng số tiền còn lại cho Apple Watch, AirPods hay thậm chí là một chiếc máy ảnh?
Thực tế, điều mà chúng ta đáng lo ngại hơn là liệu Apple sẽ duy trì mức giá 1000 USD này trong bao lâu? Như đã nói ở trên, một trong những lý do chính khiến cho iPhone X có mức giá cao chính là chi phí linh kiện. Tuy nhiên, khi mà công nghệ trở nên phổ biến hơn cũng là lúc chi phí linh kiện giảm, và Apple cũng sẽ không còn lý do nào để đặt mức giá cao như hiện nay nữa.
Vậy liệu Apple sẽ làm gì? Apple đã thuyết phục thành công hàng chục triệu người dùng mua một chiếc iPhone với mức giá ngàn đô, liệu hãng có “nhả” món mồi ngon này trong các năm tiếp theo hay tiếp tục duy trì nó? Đây là điều mà chúng ta sẽ buộc phải để thời gian trả lời. Chỉ biết rằng ở thời điểm hiện tại, mức giá 1000 USD của iPhone X đã “tạo cảm hứng” cho rất nhiều nhà sản xuất smartphone khác cũng sẽ đặt mức giá tương tự cho sản phẩm của mình - “Apple làm được thì mình cũng làm được.”
An toàn với thực tại hay mạo hiểm với tương lai?
Dịp Tết này, rất nhiều người hỏi tôi rằng: "Nên mua iPhone 8/8 Plus hay iPhone X?" Thật sự mà nói đây là một câu hỏi rất khó để trả lời, không chỉ bởi sự khác biệt về mức giá, mà còn là vì hai chiếc máy này mang theo hai trường phái khác biệt hoàn toàn.
iPhone 8 Plus sở hữu những công nghệ đã cũ: viền dày, màn hình LCD, nút Home, cảm biến vân tay Touch ID. Nhưng, cũ cũng đồng nghĩa với việc những công nghệ này đã được mài giũa, phát triển đến độ hoàn hảo trong suốt 10 năm qua. Ai dám chê màn hình iPhone 8 xấu? Ai dám chê cảm biến vân tay Touch ID không thuận tiện? iPhone 8 đánh dấu cột mốc phát triển trong chặng đường 10 năm qua, và nó cũng là sản phẩm hoàn thiện nhất, kết tinh từ những gì tinh túy nhất của công nghệ trong khoảng thời gian này.
Trong khi đó, iPhone X lại được thiết kế với một lối suy nghĩ hoàn toàn khác. Gạt bỏ tất cả những gì liên quan đến quá khứ, iPhone X là tập hợp những công nghệ của tương lai. Đương nhiên, công nghệ mới sẽ không thể tốt ngay trong ngày đầu tiên, chính vì vậy iPhone X cũng sẽ gặp phải những vấn đề của riêng mình: Face ID còn quan ngại về bảo mật, màn hình OLED bị burn-in, hay thao tác bằng cử chỉ còn khó sử dụng với những người lần đầu làm quen. Nếu bạn không muốn phải đối mặt với những vấn đề này, đừng mua iPhone X.
iPhone X là chiếc smartphone của tương lai
Tuy nhiên, nếu như chúng ta luôn hài lòng với những gì đang có, nếu như chúng ta không tạo ra cho mình những thử thách mới, thì chúng ta sẽ mãi chỉ dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, tính chất của công nghệ thì lại hoàn toàn trái ngược, khi nó luôn chuyển động, luôn thay đổi từng ngày.
iPhone X là một sự khởi đầu mới của 10 năm tiếp theo
Hồi năm 2007, chiếc iPhone thế hệ đầu tiên từng bị chỉ trích kịch liệt vì những thiếu sót của mình. Nay, iPhone X cũng như vậy. Nhưng rồi thì sao? Thời gian và sự phát triển của công nghệ sẽ giải quyết tất cả. Tôi tin rằng, rồi sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhớ về chiếc iPhone X và vai trò của nó trong việc thúc đẩy công nghệ, như cách mà chúng ta đang nhớ lại thời điểm năm 2007 khi mà chiếc iPhone thế hệ đầu tiên ra mắt.
Đã đến lúc chúng ta bỏ lại quá khứ để tiến tới tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín