Jack Ma cũng từng phạm phải sai lầm xương máu như bao startup: Vung tiền mở hàng loạt văn phòng đẹp, thuê nhân sự ồ ạt, suýt nữa thì phá sản!
Chiến lược có rất nhiều ý nghĩa, chiến lược của những startup hay các công ty nhỏ thực ra rất đơn giản, đó là phải tồn tại. Tồn tại mới là điều quan trọng nhất.
Phương châm chiến lược đúng đắn là điều vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một công ty. Trong giai đoạn phát triển ban đầu của Alibaba, Jack Ma đã mắc sai lầm về mặt chiến lược, mù quáng theo đuổi việc quốc tế hóa và mở rộng ra thị trường nước ngoài quá sớm, dẫn đến việc Alibaba suýt chút nữa không thể trụ vững.
Thời điểm năm 2000, Jack Ma đã tỏ ra chủ quan và liều lĩnh khi đổ hàng chục triệu USD tiền vốn để tiến quân ra thị trường nước ngoài.
Tháng 2/2002, Jack Ma dẫn theo đội ngũ của mình “đổ bộ” lên thị trường châu Âu. Tại đó, ông hùng hồn tuyên bố: “Tôi sẽ chiếm lĩnh thị trường của từng quốc gia một, sau đó sẽ chiếm lĩnh thị trường Nam Mỹ, tiếp đến là châu Phi. Sang tháng 9 sẽ tiến đến New York, vào phố Wall và nói với bọn họ rằng: Này, chúng tôi đến rồi đây!"
Tuy nhiên, sang đến tháng 9, Alibaba vẫn chưa thể đặt chân đến New York và Jack Ma đã phải trả giá cho sự nóng vội của mình.
Năm 2000 - tức là thời điểm thành lập chưa đầy 2 năm, Alibaba rơi vào tình thế nguy hiểm. Nhằm đáp ứng nhu cầu quốc tế hoá, Jack Ma đã mời về rất nhiều nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, có những người là nhân tài quản lý đến từ các công ty đa quốc gia có người lại là sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, do đều là những người giỏi nên mỗi lần mở cuộc họp họ đều tranh luận mãi không dứt. Mỗi người đều có cái lý riêng khiến cho Jack Ma với vai trò người đưa ra quyết sách đã phải trăn trở rất nhiều.
Ngoài ra khi ấy, máy chủ và trung tâm kỹ thuật đều được Jack Ma đặt tại thung lũng Silicon, điều này khiến cho chi phí tăng cao. Cùng lúc đó, các văn phòng tại Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đang lần lượt được xây dựng.
Jack Ma cho rằng: “Về công tác quản lý, việc sử dụng nguồn vốn và các hoạt động toàn cầu của công ty đều phải nhất quyết thực hiện ‘Âu hoá’ một cách toàn diện… Điều Alibaba cần là nhìn ra thế giới, thách thức thế giới và thực sự tiến vào thị trường toàn cầu”.
Ban đầu quả thực Jack Ma đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý dành cho Alibaba. Nhìn bề ngoài, Alibaba đang nhanh chóng trở thành công ty quốc tế lớn nhưng tiềm ẩn bên trong lại là những hiểm họa khôn lường.
Trong khoảng thời gian Alibaba gấp rút mở rộng ra nước ngoài, nhu cầu về vốn là vô cùng lớn. Rất nhanh sau đó, khi bong bóng Dotcom vỡ, tài khoản của Alibaba chỉ còn lại 7 triệu USD. Lúc đó rất nhiều công ty Internet đã phải đóng cửa. Cứ theo đà đó, Alibaba cũng nhanh chóng phá sản.
Jack Ma đã nhận được một bài học xương máu, ông ngay lập tức cho dừng việc mở rộng thị trường, tiến hành cắt giảm nhân sự với số lượng lớn trên quy mô toàn cầu nhằm khôi phục và giữ được sức mạnh của công ty. Hành động này khiến rất nhiều người ngờ vực chiến lược kinh doanh của ông nhưng theo quan điểm của Jack Ma: "Chiến lược có rất nhiều ý nghĩa, chiến lược của công ty nhỏ thực ra rất đơn giản, đó là phải tồn tại. Tồn tại mới là điều quan trọng nhất".
Thực tế, mỗi ngày trên thế giới có vố số doanh nghiệp phải đóng cửa, đại đa số hiện tượng này xảy ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy tương lai của những doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn rất gian truân.
Andy Grove - Giám đốc điều hành Intel đã từng nói: “Một doanh nhân kiếm ra tiền là có đạo đức, một doanh nhân không kiếm ra tiền là thiếu đạo đức. Vì nếu doanh nhân không kiếm ra tiền, chắc chắn họ sẽ gây nên những tổn thất nghiêm trọng cho xã hội, gia đình, cá nhân và tập thể công nhân viên của mình".
Tương tự như vậy, Matsushita Konosuke - sáng lập tập đoàn Matsushita từng nói: “Sứ mệnh của doanh nhân là kiếm ra tiền, nếu không kiếm ra tiền thì đồng nghĩa với phạm tội”. Nếu một công ty không thể kiếm tiền, không có cách nào đem lại thu nhập cho công nhân viên thì công ty đó không thể tồn tại.
Chính vì vậy đối với doanh nhân, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là nỗ lực kiếm tiền với điều kiện tuân thủ nghiêm luật pháp và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ có kiếm tiền, giúp cho doanh nghiệp của mình tồn tại, chúng ta mới có động lực để giữ vững niềm tin và mục tiêu của bản thân, bằng không mọi lý tưởng đều giống như lâu dài xây trên cát, đều là điều viển vông.
* Nội dung trích từ cuốn sách: “Mã Vân: Triết lý sống đời tôi” của tác giả Trương Yến.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?