Jack Ma đau đầu vì điện toán đám mây: Từ con gà đẻ trứng vàng của Alibaba đến ‘cục nợ’ ghim hàng trăm triệu USD cổ phiếu
Việc tỷ phú Jack Ma hoãn bán nốt số cổ phiếu 871 triệu USD của Alibaba vì rắc rối mảng điện toán đám mây cho thấy một câu chuyện bi đát hơn nhiều so với tưởng tượng.
- Ngôi sao mới nổi, đe dọa vị thế của Alibaba đến nỗi Jack Ma phải "sốt sắng" lên tiếng sau 3 năm im lặng đang làm ăn ra sao?
- Jack Ma bất ngờ viết "tâm thư", khuyên Alibaba nên “sửa sai”
- Điều ít biết về một nơi Jack Ma 'nương náu' gần nửa năm trước khi tái xuất khởi nghiệp
- Nóng: Jack Ma khởi nghiệp lại ở tuổi 59, chưa thể "nghỉ hưu thảnh thơi trên bãi biển" như dự định
Hãng tin CNN cho hay Jack Ma đã hoãn bán hàng trăm triệu USD cổ phiếu của Alibaba sau khi giá cổ phiếu tập đoàn này lao dốc vì rắc rối mảng điện toán đám mây.
Nguồn tin của CNN cho hay vì "không được giá" như kỳ vọng nên nhà sáng lập Alibaba đã từ chối bán bất kỳ cổ phiếu nào theo kế hoạch. Ban đầu, Jack Ma dự định bán 10 triệu cổ phiếu Alibaba với tổng giá trị 871 triệu USD.
Tuy nhiên vào cuối tuần trước, tổng mức vốn hóa thị trường của Alibaba đã bốc hơi 20 tỷ USD vì bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch tách mảng điện toán đám mây của mình theo kế hoạch tái cơ cấu như đã cam kết với chính phủ.
Từ lúc tuyên bố hoãn kế hoạch cho đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu niêm yết trên sàn Hong Kong của Alibaba đã giảm 18%.
Mặc dù Alibaba viện dẫn lý do "không chắc chắn" về khả năng tìm nguồn cung chip cho các trung tâm xử lý dữ liệu của mảng điện toán đám mây trong bối cảnh cấm vận công nghệ từ Mỹ. Thế nhưng các nhà đầu tư lại cho rằng thị trường điện toán đám mây của Alibaba đang chịu tổn thương nặng vì hàng loạt doanh nghiệp quốc tế rút lui.
Trước đó, Alibaba đã công bố kế hoạch chia tách công ty thành 6 phần, bao gồm cả mảng điện toán đám mây nhằm tiếp tục tồn tại sau quãng thời gian bị "chấn chỉnh" bởi chính phủ. Các nhà đầu tư đã hào hứng với kế hoạch này và có lúc đưa giá cổ phiếu tăng đến 30%.
Tuy nhiên từ một con gà đẻ trứng vàng cho công ty, mảng điện toán đám mây của Alibaba đang nhanh chóng trở thành cục nợ trước sức ép từ Phương Tây, khiến Jack Ma dù muốn bán nốt cổ phiếu để lấy tiền khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn cũng chẳng xong.
Từ cục vàng thành cục nợ
Nhắc đến Alibaba thì mọi người thường liên tưởng đến thương mại điện tử. Thế nhưng ít ai biết rằng mảng điện toán đám mây của tập đoàn này mới là con gà đẻ trứng vàng đầy tiềm năng cho nhà sáng lập Jack Ma.
Hiện Alibaba Cloud là nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, dù thương hiệu này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đối thủ như Huawei. Dẫu vậy, Alibaba Cloud vẫn đứng thứ 2 về thị phần ở Châu Á Thái Bình Dương chỉ sau Amazon và đứng thứ 4 toàn cầu sau Amazon, Microsoft và Google.
Điện toán đám mây là nguồn doanh thu lớn thứ hai của Alibaba, nhưng đã ghi nhận mức giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 3 xuống còn 18,58 tỷ Nhân dân tệ (2,6 tỷ USD).
Nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 cũng như các chính sách cấm vận công nghệ của Mỹ khiến hàng loạt doanh nghiệp quốc tế, vốn là khách hàng chính của Alibaba Cloud, rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Thêm nữa, việc thiếu nguồn cung từ các hãng chip điện tử do lệnh cấm của Mỹ khiến mảng điện toán đám mây của Alibaba gặp áp lực cực lớn. Xin được nhắc rằng những chip điện tử như của Nvidia, Intel hay AMD là nguồn cung cực kỳ quan trọng cho các trung tâm dữ liệu cỡ lớn của mảng điện toán đám mây.
Tháng 4/2023, Alibaba Cloud đã công bố đợt giảm giá lớn nhất trong lịch sử của mình, với giá sản phẩm cốt lõi giảm từ 15% - 47%, gây ra cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực này. Đáp trả, gã khổng lồ công nghệ Tencent cũng công bố sẽ giảm giá các dịch vụ đám mây tới 40% kể từ tháng 6.
Trước đó vào tháng 5/2023, Alibaba Cloud đã tuyên bố cắt giảm 7% nhân lực nhằm chuẩn bị cho kế hoạch chia tách khỏi tập đoàn chính. Thế nhưng mọi chuyện lại không như mong đợi.
Tương lai mịt mù
Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy Alibaba Cloud vẫn sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ bán cho các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn, nhưng tình hình chung của thị trường lại không mấy sáng sủa.
Mảng thương mại điện tử của Alibaba đang chịu áp lực cực lớn từ sự bùng nổ của các đối thủ như PDD cũng như sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng nội địa suốt vài năm qua.
Mặc dù doanh thu của Alibaba Clous đã tăng từ 2,3 tỷ Nhân dân tệ năm 2015 lên 55,6 tỷ Nhân dân tệ năm 2020 nhưng tốc độ dần chậm lại.
Bước ngoặt đầu tiên là vào năm 2021 khi Tiktok của ByteDance từ bỏ dịch vụ đám mây của Aliaba, vốn đóng góp khoảng 8% doanh thu.
Bước sang năm 2022, doanh thu điện toán đám mây của Alibaba tiếp tục hạ nhiệt và đến quý I/2023 thì chính thức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình thê thảm đến mức thay vì báo cáo doanh thu như trước, tách biệt giữa khách hàng bên ngoài với doanh thu từ công ty nội bộ thì Alibaba hiện phải gộp cả 2 vào nhằm làm đẹp các con số.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay trong quý III/2023, Alibaba cho biết doanh thu điện toán đám mây từ các khách hàng ngoài hệ sinh thái của tập đoàn đã suy giảm nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Điều trớ trêu là trong khi Alibaba Cloud giảm tốc thì thị trường điện toán đám mây của Trung Quốc lại đang sôi động với các khách hàng nội địa.
Báo cáo của Viện công nghệ thông tin truyền thông Trung Quốc (CIACT) cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường này đạt 40,9% lên mức 455 tỷ Nhân dân tệ năm 2022, vượt xa mức trung bình 19% toàn cầu và dự kiến đạt 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025.
"Hàng loạt những yếu tố như cắt giảm nhân sự, thiếu người lãnh đạo tâm huyết và một thị trường cạnh tranh đầy gay gắt đã khiến mảng điện toán đám mây của Alibaba gặp khó khăn", chuyên gia phân tích Oshadhi Kumarasiri của hãng LightStream Research nhận định.
*Nguồn: Nikkei, CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời