Jeff Bezos lần đầu tiên tiết lộ lý do rời ghế CEO Amazon: Tập trung vào 1 startup mới, đối đầu trực tiếp Elon Musk

    Phương Linh ,  

    Jeff Bezos đang dành toàn bộ tâm huyết cho 1 startup đối đầu trực diện với Elon Musk.

    Đã hai năm kể từ khi Jeff Bezos từ chức CEO của Amazon. Trong thời gian đó, trong mắt công chúng, vị tỷ phú này dường như luôn bận rộn với việc mua lại bất động sản.

    Nhưng mới đây, Bezos đã tiết lộ rằng việc ông rời khỏi Amazon là vì muốn tập trung vào công ty tên lửa Blue Origin.

    "Tôi đã chuyển giao vai trò CEO và lý do chính khiến tôi làm điều đó là để có thể dành thời gian cho Blue Origin, tiếp thêm năng lượng, mang tới cảm giác cấp bách", Bezos nói trong tập mới nhất của "Lex Fridman Podcast" được phát trực tiếp vào thứ năm vừa qua.

    Bezos thành lập Amazon vào năm 1994. Ông từ chức Giám đốc điều hành vào tháng 7/2021 nhưng vẫn giữ chức chủ tịch điều hành của công ty.

    Theo Bezos, động thái này phải được thực hiện vì công ty tên lửa Blue Origin cần phải di chuyển nhanh hơn. Bezos nói với Fridman rằng ông sẽ không có đủ sức lực để quản lý Blue Origin nếu vẫn điều hành Amazon.

    "Khi còn là Giám đốc điều hành của Amazon, quan điểm của tôi về vấn đề này là 'Nếu tôi là Giám đốc điều hành của một công ty giao dịch đại chúng, tôi sẽ hoàn toàn đặt tâm trí đến điều đó'. Và đó cũng là cách tôi nghĩ về mọi thứ", Bezos nói trước đó trong podcast.

    "Điều đó rất quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm điều đó với tất cả các bên liên quan tại Amazon", ông tiếp tục

    Bezos hiện cho biết ông dành phần lớn thời gian tại Blue Origin và "chưa bao giờ làm việc chăm chỉ hơn thế".

    Bezos nói với Fridman về những ngày làm việc hiện tại của mình sau khi từ chức CEO Amazon: "Tôi đang làm việc rất chăm chỉ và hầu như tận hưởng mọi thứ, nhưng cũng có những ngày rất đau đớn".

    Bezos nói với Fridman: "Phần lớn thời gian của tôi dành cho Blue Origin và tôi đã gắn bó rất sâu sắc ở đây trong vài năm qua. Nhìn tổng thể thì tôi vẫn rất hài lòng, còn với những chuyện nhỏ hơn, luôn có những nỗi thất vọng đi kèm với mọi thứ".

    Blue Origin, được Bezos thành lập năm 2000, đã cạnh tranh với các đối thủ như SpaceX của Elon Musk và Virgin Galactic của Richard Branson. Cho đến nay, công ty đã phát triển ba phương tiện không gian – New Shepard, New Glenn và Blue Moon.

    Hôm thứ ba, Blue Origin cho biết họ đang tìm cách phóng tên lửa New Shepard vào không gian vào tuần tới.

    Dù có tham vọng lớn nhưng thực tế trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ trụ đang bùng nổ, không khó để nhận ra Blue Origin và Jeff Bezos đang bị cô lập, thậm chí là nhận nhiều chỉ trích dữ dội. Khả năng vị tỷ phú này thống trị cuộc đua tỷ đô theo đó khó lòng trở thành hiện thực.

    Theo The Guardian, nói "cuộc đua vào không gian của các tỷ phú" là dựa trên lý thuyết, trong khi thực tế, đây lại là cuộc chơi giữa SpaceX và những người bạn.

    Tờ báo này cho rằng chỉ SpaceX mới có thể đưa tên lửa đẩy vào quỹ đạo, sau đó quay trở lại Trái Đất an toàn. Chỉ SpaceX mới hạ cánh thành công nguyên mẫu Starship khổng lồ có kích thước tương đương một tòa nhà 15 tầng và giúp các phi hành gia của NASA đặt chân lên Trạm vũ trụ quốc tế. Và cũng chỉ có SpaceX mới có thể sản xuất hàng nghìn vệ tinh Internet mỗi năm với tần suất phóng gần như là hàng tuần. Sự thành công ngoài mong đợi này khiến Elon Musk hút mọi giấy bút của giới truyền thông và dư luận - những người đặt niềm tin vào cuộc đua tỷ đô đang diễn ra bên ngoài Trái Đất.

    Thực tế, lĩnh vực thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ vẫn đang phát triển và có tính cạnh tranh cao. Relativity Space đang chế tạo tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới cũng như lên kế hoạch chế tạo tên lửa đẩy bằng robot. Virgin Orbit, công ty con của tập đoàn Virgin Group cũng vừa hợp tác với sân bay Cornwall, Newquay tại Tây Nam nước Anh để thiết lập một sân bay không gian có thể phóng tên lửa đẩy. Tất cả dường như đang tăng tốc và Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng không ngoại lệ.

    Nếu có bất kỳ công ty vũ trụ nào được kỳ vọng có thể đạt trình độ và thành tựu công nghệ tương đương SpaceX, đó chính xác là Blue Origin. Công ty được thành lập bởi cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos hồi năm 2000, chỉ 2 năm trước khi SpaceX được thai nghén tại California.

    Đến năm 2015, Blue Origin trở thành công ty vũ trụ đầu tiên đưa thành công một tên lửa lên trên Tuyến Kármán, ranh giới không gian được quốc tế công nhận. Mặc dù nhiệm vụ này không thách thức bằng việc đưa một tên lửa vào quỹ đạo, như Musk vẫn thường mỉa mai Bezos, song đây vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng đế chế không gian tư nhân.

    The Guardian cho rằng Bezos thành lập Blue Origin với tầm nhìn xa, đó là đưa ngành công nghiệp nặng ra khỏi Trái đất và định hướng vào không gian để giảm phát thải khí nhà kính. Công ty của ông đang chế tạo loại tên lửa mạnh ngang thiết bị đã từng giúp các phi hành gia Apollo đặt chân lên mặt trăng, bắt tay hợp tác với nhiều nhà thầu quốc phòng hàng đầu bao gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper; đồng thời ký hợp đồng thành công với United Launch Alliance để cung cấp động cơ cho tên lửa Vulcan thế hệ mới.

    Vậy là rõ ràng, Bezos là người có tầm nhìn, song câu hỏi đặt ra, là vì sao Jeff Bezos lại chưa thể hiện thực hóa giấc mơ của mình?

    Tháng 4/2021, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã lựa chọn SpaceX để thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng, sớm nhất vào năm 2024. Nếu thành công, đây sẽ là sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng đầu tiên kể từ năm 1972. Sự kiện này chẳng khác nào đòn giáng mạnh mẽ vào Blue Origin khi NASA ngầm coi SpaceX là đối tác tư nhân đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

    Theo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ