150 tỷ USD tiền từ thiện của Jeff Bezos: Đến từ mồ hôi nước mắt của nhân viên Amazon, cho đi chỉ vì sợ nhận chỉ trích?
Việc cho đi khối tài sản trị giá hơn 150 tỷ USD có ý nghĩa gì?
- Ôm mộng tạo ra nguồn năng lượng gần như vô tận, các thiên tài như Jeff Bezos, Bill Gates... có đang mơ mộng hão huyền?
- Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos,.. sẽ ra sao khi ‘hóa nghèo’?
- Từ định giá 4 tỷ USD tụt còn 74 triệu USD, công ty dừng hoạt động và sa thải gần hết nhân viên: Chuyện gì khiến hãng đối thủ của Jeff Bezos đứng trên bờ vực phá sản?
- Amazon vỡ mộng trợ lý giọng nói Alexa: Hơn 1 thập kỷ công cốc, 'thuyền trưởng' Jeff Bezos ra đi, thứ còn lại chỉ là khoản lỗ 10 tỷ USD
- Tỷ phú chơi những môn thể thao gì: Jeff Bezos đánh quần vợt với Bill Gates, Mark Zuckerberg đấu võ MMA
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào mùa thu năm 2022, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos tiết lộ bản thân có ý định cho đi phần lớn tài sản trị giá 120 tỷ USD của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, tài sản của vị tỷ phú đã tăng lên 152 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ngay sau thông tin này, truyền thông thế giới đâm đầu ‘mổ xẻ’ kế hoạch từ thiện của Jeff Bezos. Họ thắc mắc ông chi tiêu như thế nào, phân bổ số tiền ra sao và ai sẽ may mắn được nhận chúng.
Thực tế, Jeff Bezos chưa từng công bố chi tiết đích đến của những khoản từ thiện. Người đàn ông này chưa ký Cam kết cho đi (Giving Pledge) - sáng kiến do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng vào năm 2010 nhằm kêu gọi những tỷ phú giàu nhất thế giới cam kết từ thiện ít nhất một nửa tài sản. Những người đã ký tên nổi tiếng bao gồm vợ cũ của Bezos bà MacKenzie Scott, Michael Bloomberg, Elon Musk, George Lucas, Mark Zuckerberg và thậm chí cả Sam Bankman-Fried - cựu CEO sàn FTX.
Lời cam kết thường đi kèm với lá thư nêu rõ động lực làm từ thiện. Chẳng hạn, trong tuyên bố của mình, bà MacKenzie Scott cho biết: “Tôi đang giữ khoản tiền không tương xứng cần phải chia sẻ... Hoạt động từ thiện của tôi sẽ tiếp tục được cân nhắc kỹ lưỡng. Cần nhiều thời gian, công sức nhưng tôi sẽ không chờ đợi và tiếp tục cho đến khi tài sản của mình vơi đi”.
Ngược lại, Bezos khá kín tiếng khi nhắc về động lực thúc đẩy bản thân cho đi. Theo Vox, vị tỷ phú này cho đến nay đã tài trợ số tiền khổng lồ tới đủ các lĩnh vực, từ vấn nạn vô gia cư tới khí hậu biến đổi.
“Jeff Bezos chỉ đưa ra những thông báo quan trọng nhưng không làm rõ chi tiết”, Rhodri Davies, nhà sáng lập trang web chuyên về phân tích Why Philanthropy Matters nói.
Nhiều người cho rằng động lực thúc đẩy Jeff Bezos làm từ thiện đến từ việc Amazon đang ngày càng chịu sự giám sát chặt chẽ. Giữa đại dịch, gã khổng lồ bán lẻ này thu về khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc khi nhu cầu mua sắm trực tuyến bùng nổ, để rồi giờ đây đối mặt với làn sóng dư luận phẫn nộ do tăng giá và bất bình lao động. Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát của CNBC thực hiện với 10.000 người Mỹ, phần lớn đều cho rằng quy mô ‘bán mọi thứ trên đời’ của Amazon có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ.
Không đưa ra thông tin chi tiết về cá nhân hay tổ chức nào được trao tặng, song Jeff Bezos cam kết đóng góp hàng tỉ USD cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời trao tặng hàng trăm triệu USD tới một số tổ chức, trong đó có viện bảo tàng hàng không vũ trụ quốc gia Smithsonian. Có ý kiến cho rằng tầm nhìn của ông là sai lầm và rời rạc, trong khi số khác lại yêu mến cách ông cho đi bởi chúng không hề phô trương hay cường điệu.
Trước năm 2018, tỷ phú Jeff Bezos không từ thiện nhiều. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến ông nhận về làn sóng chỉ trích dữ dội sau khi tổng tài sản chạm mốc 100 tỷ USD vào cuối năm 2017. Kể từ đó, vị tỷ phú đẩy mạnh làm từ thiện và cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho Quỹ Gia đình. Tính đến tháng 1/2023, 521,6 triệu USD đã được cấp cho các tổ chức hỗ trợ người vô cư. Quỹ Trái đất Bezos thành lập vào năm 2020 cũng cam kết đóng góp 10 tỷ USD trong hơn 10 năm nhằm giúp thế giới ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu - thảm họa mà ông gọi là “mối đe dọa lớn nhất của trái đất”.
“Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta. Tôi muốn làm việc cùng với những người khác để tìm ra cách thức chống lại tác động tàn khốc này trên hành tinh của chúng ta”, Jeff Bezos nói và lưu ý rằng công cuộc này cần sự chung tay của rất nhiều các tổ chức, cá nhân.
Sau khi rời khỏi chiếc ghế CEO, Bezos có thêm nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện. Trong một bài phỏng vấn vào tháng 11, ông cho biết đang chi rất nhiều tiền vào quỹ Trái đất Bezos như một cách để đáp trả lại những chỉ trích rằng bản thân chỉ đổ tiền vào du hành không gian.
Theo The Vox, quá trình xin tài trợ từ quỹ Jeff Bezos diễn ra rất nhanh chóng, dễ dàng. Solo Por Hoy - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Juan, Puerto Rico, chuyên hỗ trợ người vô gia cư đã nhận được một email bất ngờ vào tháng 8 với nội dung ban cố vấn đã đề xuất quỹ tài trợ 600.000 USD đã giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
“Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe nói về quỹ này”, Belinda Hill, giám đốc điều hành của Solo Por Hoy, nói với Vox. “Đây là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, đối với cả chúng tôi và những người vô gia cư kém may mắn”.
LA Family Housing, một trong những nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư lớn nhất khu vực Los Angeles, cũng đã nhận được khoản tài trợ trị giá 5 triệu USD từ quỹ của Jeff Bezos vào năm ngoái. Stephanie Klasky-Gamer, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn, cho biết quá trình này được lên kế hoạch và triển khai rất khoa học.
“Chúng tôi đã nhận được một cuộc gọi, sau đó là một email mời đăng ký. Tôi thấy sự chu đáo và tôn trọng”, bà Stephanie Klasky-Gamer nói.
Thế nhưng, bất chấp nỗ lực từ thiện của Jeff Bezos, Amazon vẫn bị chỉ trích với loạt cáo buộc trốn thuế, làm gia tăng lượng khí thải carbon và thống trị thương mại điện tử. Lúc này, mọi người bắt đầu đặt ra câu hỏi: Tiền vị tỷ phú dùng để từ thiện sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Amazon?
Thông thường, người giàu thường sẽ đợi đến ‘lúc chạng vạng’ mới ban tặng tài sản. Mô hình cũ này được Andrew Carnegie và John Rockefeller gọi là chu trình “Bạn kiếm tiền - Mọi người ghét bạn - Sau đó bạn mới bắt đầu cho đi”.
Ngày nay, áp lực từ phía công chúng ngày càng lớn. Họ cho rằng người giàu ngày càng giàu hơn, lại chỉ cần đóng một lượng thuế rất nhỏ so với tổng tài sản.
Cụ thể, Jeff Bezos chỉ phải nộp thuế 973 triệu USD, tức chưa tới 1% tổng giá trị tài sản tăng thêm 99 tỷ USD từ năm 2014-2018. Theo ProPublica, trong năm 2007 và 2011, ông Bezos thậm chí không phải nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào. Vụ rò rỉ hồ sơ thuế các tỷ phú giàu nhất diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang muốn tăng thuế suất tối đa thuế thu nhập cá nhân từ mức 37% và có lẽ, đây cũng chính là một trong những động lực để Jeff Bezos tuyên bố cho đi.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở sự mâu thuẫn giữa hoạt động từ thiện vì khí hậu của ông Bezos và lượng khí thải carbon ngày càng tăng của Amazon. Theo Vox, khí thải từ tập đoàn, từ các văn phòng công ty, trung tâm dữ liệu, kho hàng tới vận chuyển và hậu cần đã tăng 18% vào năm 2021. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu Amazon thực hiện kế hoạch mở rộng kho bãi.
“Việc tích lũy của cải dựa trên hoạt động kinh doanh khai thác. Số tiền này đến từ việc trả lương thấp và cho người lao động điều kiện làm việc khắc nghiệt”, đại diện Liên minh Công lý Khí hậu nói. “Với tư cách là một tổ chức về khí hậu, nếu chúng tôi không cố gắng tác động, khoản tiền trên sẽ tiếp tục đi tới những đích đến gây ô nhiễm”.
“Nếu bạn đặt gia đình lên trên hết thì tôi nghĩ Amazon không dành cho bạn”, một cựu nhân viên Amazon nói khi nhớ lại điều kiện làm việc khắc nghiệt tại kho vận. Được biết, nhân viên Amazon thường xuyên phải làm việc trên 80 tiếng một tuần - con số khủng khiếp so với thời gian làm việc trung bình tại Mỹ. Hơn thế nữa, khối lượng công việc đối với mỗi nhân viên ở Amazon cũng rất nặng nề.
“Trong suốt 2 năm làm việc tại đây, tôi đã từng thấy gần như tất cả đồng nghiệp của mình bật khóc trên bàn làm việc”, ông Bo Olso, Cựu trưởng phòng marketing sách của Amazon nói.
“Tính tức thời của các tác động Amazon gây ra đối với cộng đồng là rất tàn khốc. Từ điều kiện làm việc vô nhân đạo đến trốn thuế và gia tăng gánh nặng ô nhiễm. Jeff Bezos tái cơ cấu toàn bộ các ngành công nghiệp để lợi nhuận rơi nhiều hơn vào tay những người giàu có, từ đó gây bất lợi cho bộ phận lao động và cộng đồng”, một người trong cuộc bình luận.
“Nếu muốn khắc phục mọi thứ, Jeff Bezos cần thay đổi cách thức hoạt động của công ty mình”, Christine Cordero, đồng giám đốc của APEN, cho biết.
Theo các chuyên gia, hoạt động từ thiện có thể là một nỗ lực nhằm giúp Jeff Bezos xóa bỏ định kiến tiêu cực. Sau vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền số FTX, khái niệm “kiếm tiền để cho đi” bất ngờ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Phiên bản lòng vị tha hiệu quả của Bankman-Fried lập luận rằng một người nên tối đa hóa sự giàu có của mình vì điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể tối đa hóa số tiền mà mình có thể cho đi.
Hiện tại, Jeff Bezos và bạn gái Lauren Sánchez cho biết đang xem xét cách phân bổ tốt nhất khối tài sản của mình. Theo vị tỷ phú, phần khó nhất là tìm ra cách thức thực hiện để tạo đòn bẩy.
“Gây dựng Amazon không hề dễ dàng. Mất nhiều công sức và cần những đồng đội thông minh. Hoạt động từ thiện cũng vậy. Nó thực sự khó và bạn có thể mắc sai lầm theo nhiều cách. Chúng tôi đang xây dựng năng lực để có thể cho đi số tiền này một cách hiệu quả”, Jeff Bezos trả lời phỏng vấn cùng bạn gái Lauren Sanchez cho đài CNN.
Theo: The Vox, CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời