Kaspersky chính thức đóng cửa tại Mỹ, sa thải toàn bộ nhân viên

    Bình Minh,  

    Hạn chót để khách hàng Kaspersky tại Mỹ tìm một phần mềm diệt virus khác là vào ngày 29/09/2024.

    Kaspersky Lab, công ty phần mềm diệt virus và bảo mật đến từ Nga, thông báo chính thức đóng cửa toàn bộ hoạt động tại Mỹ kể từ ngày 20/7. Quyết định này được đưa ra sau khi 12 lãnh đạo cấp cao của Kaspersky bị trừng phạt và sản phẩm của công ty bị cấm bán tại thị trường Mỹ.

    Kaspersky Lab xác nhận với trang BleepingComputer về việc đóng cửa chi nhánh Mỹ và sa thải toàn bộ nhân viên. Theo báo cáo, đợt đóng cửa ảnh hưởng đến gần 50 nhân sự. Tuy nhiên, tác động lên lĩnh vực an ninh mạng có thể lớn hơn nhiều, bởi các nhà nghiên cứu của Kaspersky đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hoặc làm chậm vô số lỗ hổng bảo mật nguy hiểm.

    Chính phủ Mỹ lo ngại hoạt động của Kaspersky tại nước này gây ra rủi ro đáng kể về quyền riêng tư. Do trụ sở chính đặt tại Nga, giới chức Mỹ cho rằng chính phủ Nga có thể lợi dụng công ty an ninh mạng này để thu thập và vũ khí hóa thông tin nhạy cảm của Mỹ.

    Kaspersky chính thức đóng cửa tại Mỹ, sa thải toàn bộ nhân viên- Ảnh 1.

    Phần mềm diệt virus Kaspersky chính thức bị "cấm cửa" tại Mỹ

    Vào tháng 6, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Kaspersky. Quyết định cuối cùng của BIS dẫn đến lệnh cấm Kaspersky cung cấp bất kỳ giải pháp diệt virus hoặc bảo mật mạng nào cho bất kỳ ai tại Mỹ. Khách hàng của Kaspersky tại Mỹ có thời hạn đến ngày 29/09/2024 để tìm kiếm phần mềm bảo mật và diệt virus thay thế.

    Kaspersky cho biết họ đã "cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các yêu cầu pháp lý của Mỹ và đưa ra quyết định khó khăn này do các cơ hội kinh doanh ở nước này không còn khả thi."

    Trước đó, BIS đã đưa Kaspersky Lab vào Danh sách Thực thể của chính phủ Mỹ do mối quan hệ với Nga. Điều này ngăn cản Kaspersky tiến hành hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Đồng thời, 12 thành viên trong ban giám đốc và lãnh đạo của Kaspersky cũng bị trừng phạt cá nhân.

    Các lệnh trừng phạt này đóng băng tài sản của các giám đốc điều hành tại Mỹ và ngăn chặn quyền truy cập vào chúng cho đến khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Trong khi Kaspersky khẳng định lệnh cấm dựa trên lo ngại lý thuyết chứ không có bằng chứng về hành vi sai trái, các nguồn tin thân cận cho biết điều ngược lại. Họ khẳng định "cửa hậu" của Nga trong phần mềm Kaspersky là một "bí mật công khai" và quan chức Bộ Thương mại Mỹ tin rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng hơn chỉ là lý thuyết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ