Kế hoạch 3 bước thâu tóm cả thế giới của Facebook

    TVD,  

    Facebook đã đạt được mốc 1,5 tỷ người dùng hàng tháng, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu.

    Facebook luôn có một tham vọng lớn nhất đó là thâu tóm toàn bộ thế giới, gần đây mạng xã hội này đang thực hiện những bước đi để tiến tới việc biến tham vọng này thành hiện thực. Những bước đi này của Facebook đang hướng tới phần còn lại của thế giới, những người chưa được tiếp cận với internet.

    Theo thống kê trước đây, Facebook đã có khoảng 1,5 tỷ người dùng hàng tháng. Trong khi đó, các ứng dụng khác của Facebook như Instagram có 300 triệu người dùng, Messenger có 700 triệu người dùng và WhatsApp cũng đạt được con số 900 triệu người dùng.

     CEO Mark Zuckerberg.

    CEO Mark Zuckerberg.

    Đó là những con số rất ấn tượng mà bất kỳ một ứng dụng hay dịch vụ internet nào cũng phải mơ ước. Tuy nhiên Facebook cho biết đó mới chỉ là sự bắt đầu, tham vọng của Facebook là tiếp tục tấn công vào những thị trường mới nổi, vào hàng tỷ người chưa được truy cập internet.

    Facebook muốn đạt được con số doanh thu lên đến 3,8 tỷ USD hàng quý chỉ riêng trong mảng quảng cáo. Và mạng xã hội này đã lên một kế hoạch 3 bước chi tiết để biến điều đó trở thành sự thực.

    1. Phủ sóng Facebook ở khắp mọi nơi trên thế giới

    Những người dùng ở các nước phát triển như Mỹ có thể dễ dàng truy cập Facebook với tốc độ cao, tuy nhiên không phải tất cả mọi người trên thế giới đều được như vậy. Theo khảo sát của Facebook, khoảng 3 tỷ người sắp được kết nối internet chủ yếu là tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi mà phần lớn mạng internet di động chỉ là 2G.

    Do đó, để có thể thâu tóm phần còn lại của thế giới, Facebook cần phải đảm bảo rằng ứng dụng của mình có thể hoạt động được trên bất kỳ thiết bị di động nào với bất kỳ kết nối nào. Nhóm nghiên cứu kỹ thuật và đội ngũ sản phẩm đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này.

     Bản đồ tốc độ kết nối internet theo khu vực do Facebook thống kê.

    Bản đồ tốc độ kết nối internet theo khu vực do Facebook thống kê.

    Hồi đầu tháng 10, Facebook cho biết đã tạo ra một mạng lưới hệ thống cho phép các ứng dụng của mình đo được tốc độ kết nối internet của người sử dụng. Mà từ đó, nó có thể tự điều chỉnh News Feed để tối ưu nhất, ngay cả với tốc độ truy cập thấp.

    Nếu như bạn chỉ truy cập vào Facebook với một kết nối mạng 2G, ứng dụng này sẽ ưu tiên hiển thị đầy đủ các post mà người dùng đang nhìn vào thay vì tải về cả tá nội dung cùng lúc. Tương tự như vậy, nó sẽ ưu tiên tải về các hình ảnh với độ phân giải thấp thay vì cố gắng hiển thị hình ảnh ở mức đẹp nhất. Tất cả các nỗ lực để chắc chắn rằng người dùng vẫn có thể sử dụng Facebook cho dù kết nối internet là vô cùng chậm.

    Cũng nhằm để giúp các nhân viên của mình hiểu được khách hàng của họ cần gì, Facebook đã đưa ra một sáng kiến được gọi là “Ngày thứ ba 2G”. Trong ngày đó, tất cả nhân viên chỉ được sử dụng kết nối 2G với tốc độ chậm, giúp họ tự trải nghiệm việc sử dụng Facebook với kết nối internet chậm sẽ như thế nào.

    2. Kiếm tiền từ tất cả những người sử dụng mới

    Đó là mục đích rất thiết thực, kiếm tiền từ các khách hàng của mình. Facebook không thể chỉ phủ sóng internet miễn phí và giúp mọi người sử dụng dịch vụ của mình như một hành động từ thiện. Mà mục đích cuối cùng vẫn là có thể kiếm được tiền từ quảng cáo tại các thị trường mới nổi này.

    Đây cũng là lý do tại sao Facebook phải nỗ lực tìm ra những cách thức quảng cáo mới, để có thể hiển thị tốt nhất ngay cả với kết nối internet chậm. Và với việc khai thác được thị trường tiềm năng này, Facebook có thể thu về lợi nhuận từ quảng cáo thậm chí còn cao hơn tại các nước phát triển.

     Facebook muốn kiếm tiền từ những khách hàng mới.

    Facebook muốn kiếm tiền từ những khách hàng mới.

    Facebook đã tạo ra một mạng lưới quảng cáo được gọi là Creative Accelerator , cho phép các nhà quảng cáo nghĩ ra cách để tiếp cận tốt nhất tới các khách hàng trong khu vực và phù hợp với cơ sở hạ tầng ở địa phương. Ví dụ như ở Ấn Độ, Facebook có một tính năng được gọi là “missed call”, mà qua đó các nội dung quảng cáo sẽ không tốn dung lượng internet của người dùng, thay vào đó các nhà quảng cáo sẽ trả chi phí cho các dữ liệu này.

    Facebook cũng liên tục tìm ra những cách thức hiển thị quảng cáo mới, như dạng slideshow thay cho các video để tối ưu cho các kết nối internet chậm. Công ty cũng tích cực mở thêm các văn phòng tại những thị trường mới nổi như tại Châu Phi, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các khách hàng địa phương.

    3. Phủ sóng internet toàn cầu

    Để những người sử dụng dịch vụ của mình có thể online bất kỳ lúc nào họ muốn, Facebook không phụ thuộc vào chính quyền địa phương hay các nhà cung cấp dịch vụ. Thay vào đó, mạng xã hội này muốn chủ động bằng cách tự mình phủ sóng internet trên toàn cầu.

     Phủ sóng internet toàn cầu bằng những chiếc drone khổng lồ.

    Phủ sóng internet toàn cầu bằng những chiếc drone khổng lồ.

    Đó chính là dự án Internet.org, cho phép tất cả mọi người có thể kết nối internet miễn phí, tất nhiên là trong giới hạn quy định của Facebook. Tuy nhiên điều đó phần nào cũng giúp Facebook tăng thêm số lượng người sử dụng các dịch vụ của mình và ngăn không cho họ sử dụng các dịch vụ của đối thủ.

    Thậm chí, trong năm tới Facebook sẽ khởi động dự án máy bay không người lái sử dụng năng lượng Mặt Trời để phủ sóng internet tới những nơi xa xôi mà ngay cả sóng điện thoại cũng không tới được.

    Với những nỗ lực này, Facebook có thể đảm bảo một số lượng ổn định người dùng dịch vụ của mình. Và từ đó, doanh thu quảng cáo của Facebook cũng được đảm bảo và duy trì.

    Facebook ở mọi nơi ,mọi lúc

    Giám đốc các thị trường mới nổi của Facebook, bà Nikila Srinvisan cho biết: “Chúng tôi muốn tiếp cận với tất cả mọi người trên thế giới, bất kể tốc độ kết nối internet của họ như thế nào, bất kể đâu và bất kể thời gian nào”.

    Và Facebook cho thấy rằng mình không chỉ có những lời nói suông, nó đang từng bước để biến tham vọng này thành hiện thực.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày