Kế hoạch điên rồ của bác sỹ người Trung Quốc: Ghép đầu người này với thân người khác
Việc ghép tạng là hoàn toàn bình thường trong nền y học hiện đại. Nhưng ghép đầu một bệnh nhân liệt toàn thân với cơ thể được hiến tặng thì quả là đi ngược với đạo đức con người.
Sáu năm trước, tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, ông Wang Huanming đã bị liệt toàn thân sau khi gặp chấn thương trong một cuộc đấu vật với bạn. Nhưng y học Trung Quốc ngày hôm nay có thể đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời ông, khi mà ông có thể sẽ có được một cơ thể hoàn toàn mới gắn vào đầu của mình.
Ông Wang là một công nhân 62 tuổi nay đã nghỉ hưu, ông có mặt trong số ít những người tình nguyện tham gia vào chương trình cấy ghép toàn bộ cơ thể cho một bệnh viện thuộc thành phố Cáp Nhĩ Tân.
Ý tưởng thay thế ghép một cơ thể vào đầu của một người đã khiến chuyên gia toàn thế giới lo ngại về những bước tiến y học "quái đản" của Trung Quốc, đi quá những giới hạn đạo đức cũng như giới hạn của chính nền khoa học. Việc cấy ghép toàn bộ cơ thể là bất khả thi (tính tới thời điểm này), khi mà việc gắn hệ thần kinh vào cột sống là cực kì khó. Thất bại đồng nghĩa với việc giết chết bệnh nhân.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Ren Xiaoping thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, người đã góp công trong ca ghép tay đầu tiên năm 1999 tại Mỹ, nói rằng ông sẽ không bị những yếu tố khác cản trở. Ông đã đang xây dựng một đội ngũ nghiên cứu và sẵn sàng thử ngay việc phẫu thuật này ngay khi việc nghiên cứu hoàn tất.
Kế hoạch của ông sẽ là tháo rời hai đầu bệnh nhân khỏi cơ thể họ, gắn mạch máu từ đầu của bệnh nhân cần ghép với cơ thể của người hiến tạng, gắn vào cổ bệnh nhân một miếng kim loại để có thể cố định được hai phần cơ thể mới. Với xương sống, một chất hỗ trợ tái tạo hệ thần kinh sẽ được thêm vào.
Nhưng việc phẫu thuật này sẽ xảy ra hay chưa thì nó cũng đã bị chỉ trích cực kì gay gắt từ các chuyên gia y học đầu ngành. “Đây là một hành động ấu trĩ và cực kì nguy hiểm”, theo lời giáo sư y học James L. Bernat tại Đại học Darthmouth, Mỹ.
Theo như lời cựu Bộ trưởng Y tế Mỹ, bác sỹ Huang Jiefu, “Cột sống bị cắt ra thì dây thần kinh không thể nối liền lại được, việc này là hoàn toàn bất khả thi về mặt khoa học”.
“Thậm chí là bất khả thi về cả mặt đạo đức nữa. Làm sao mà có thể đặt đầu một người vào cơ thể của một người khác được”, bác sỹ Huang phẫn nộ nói thêm.
Một vài nhà nghiên cứu tại Trung Quốc khác cũng tỏ mối lo ngại rằng các thử nghiệm tại đất nước này đang đi quá xa và với một tốc độ chóng mặt. “Chúng tôi không muốn rằng mọi người có một ấn tượng xấu về các bác sĩ, học giả Trung Quốc, rằng chúng tôi làm việc không có giới hạn, rằng là mọi thứ đều có thể xảy ra”, theo phát biểu của giáo sư về y đức học tại Đại học Peking, nói về các kế hoạch “điên rồ” của bác sỹ Ren.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-sen phía nam Quảng Châu đã có những nghiên cứu làm chấn động giới y học. Họ thay đổi gen gây bệnh tan máu bẩm sinh trong phôi thai người, sử dụng một kĩ thuật được phát triển tại Mỹ. Việc thí nghiệm thay đổi gen trong phôi thai người đã vượt qua mọi giới hạn đạo đức.
Trong tháng Tư vừa rồi, một đội ngũ y bác sỹ khác cũng tại Quảng Châu cũng đã thay đổi cấu trúc phôi thai để khiến chúng kháng lại HIV. Các nhà khoa học tại nhiều nước đã lên tiếng lên án thử nghiệm này của Trung Quốc.
Các vấn đề liên quan tới mặt đạo đức đã là vấn đề bám dính dai dẳng với nền y học ghép tạng tại Trung Quốc từ rất lâu rồi. Trước đây, Trung Quốc vẫn sử dụng lại nội tạng từ những tù nhân bị xử tử, việc này đã khiến y học nhiều nước chối bỏ nền y học tại Trung Quốc. Dù rằng đất nước này nói rằng họ không còn sử dụng những phương pháp ấy nữa, các bác sỹ Trung Quốc vẫn đưa ra các nghiên cứu dựa trên nội tạng của tử tù trong những Hội nghị y tế cao cấp gồm nhiều quốc gia.
Nhiều nhà khoa học và y đức học tại Trung Quốc nói rằng những phản ứng của cộng đồng y học thế giới là thái quá. Đơn giản là họ ghen tị với những thành quả y học cũng như những bước tiến kinh tế cực lớn của đất nước này trong những thập kỷ gần đây.
Giáo sư Ren, người đã nghiên cứu 16 năm tại Mỹ trước khi trở về quê hương vào năm 2012, đã thử nghiệm việc cấy ghép đầu trên cơ thể chuột trước đây, nhưng những con chuột này chỉ sống được trong một ngày sau khi phẫu thuật. Ông nói rằng ông cũng đã thử nghiệm trên tử thi người nhưng ông từ chối việc cung cấp thông tin thêm về việc này.
Thí nghiệm ghép đầu cho chuột không thành công của bác sỹ Ren.
Bác sỹ Ren cũng nói rằng nghiên cứu của ông sẽ giúp được rất nhiều người liệt toàn thân hay gặp những bệnh khiến cơ thể họ không hoạt động bình thường.
Theo một vài khía cạnh nhất định, kế hoạch này không hoàn toàn bất khả thi, theo như lời tiến sĩ Abraham Shaked tại Viện Nghiên cứu Penn, thuộc Đại học Pennsylvania. Ông nói rằng có thể bảo quản não người bệnh và cơ thể của người hiến trước khi ghép. Tuy nhiên ông cũng nói việc gắn hệ thần kinh giữa đầu và xương sống cơ thể là bất khả thi.
“Tôi sẽ gọi cố gắng của bác sỹ Ren là ngu ngốc hơn là điên rồ. Điên rồ có nghĩa là có thể nó sẽ thực hiện được. Còn ngu ngốc có nghĩa là ông ta không nên làm vậy”.
Bác sỹ Ren đồng ý rằng việc này sẽ cực kì khó khăn. “Tôi đã làm nghề y tại Trung Quốc cũng như tại nước ngoài đã 30 năm. Tôi đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật cực kì phức tạo. Nhưng với ca này, thì không có gì có thể so sánh được cả”.
Mặc dù vậy, bác sỹ Ren có nói thêm rằng: “Dù có phù hợp đạo đức hay không, thì đây vẫn là tính mạng con người. Không có gì cao hơn tính mạng con người và đó chính là trọng tâm của chuẩn mực đạo đức”.
Dù ca phẫu thuật của bác sỹ Ren có được phê duyệt hay không, thì gia đình của ông Wang chỉ còn biết chờ đợi. Trong suốt ba năm trời, vợ và con gái của ông đã phải tự tay bơm oxy vào phổi để giúp ông níu giữ lấy sự sống. Đến hôm nay thì họ đã được hiến tặng một máy bơm oxy tự động. Dù vậy thì chi phí duy trì sự sống cho ông Wang đã làm toàn bộ tài sản trong nhà tiêu tán. “Ông ấy không thể sống, mà cũng không thể chết. Một cuộc phẫu thuật tưởng chừng như bất khả thi có thể sẽ cứu được chúng tôi”, bà Wang nói trong nước mắt.
Theo NYTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI