Kế hoạch hất cẳng Google khỏi Android của Huawei có một lỗ hổng lớn: Google
Mọi kế hoạch đều là hoàn hảo cho đến khi người dùng đặt ra câu hỏi: Tôi sẽ làm gì khi không có Google?
Như thế, sự kiện mà các Huafan mong chờ và lo sợ nhất cũng đã xảy ra: tối ngày 19/9, Huawei chính thức vén màn Mate 30. Mang trong mình màn hình "thác nước", bộ ba camera 40MP và con chip Kirin 990 5G, Mate 30 chỉ thiếu một tính năng duy nhất: chợ ứng dụng của Google. Ngay trong buổi lễ, CEO mảng di động của Huawei là Richard Yu đã lên tiếng thừa nhận: "Chúng tôi không được quyền sử dụng Google Mobile Services, thay vào đó chúng tôi được dùng bộ lõi Huawei Mobile Services".
Với bộ lõi Android riêng, Huawei đã chính thức tuyên chiến với Google. Huawei vừa thẳng thừng thừa nhận sẽ tạo ra một hệ sinh thái mới thay vì phụ thuộc vào Google Mobile Services (Play, Chrome, YouTube và Search). Dựa theo những gì gã khổng lồ smartphone Trung Quốc vừa tuyên bố, Huawei Mobile Services tuy sinh sau đẻ muộn nhưng vẫn rất đáng gờm: Huawei hiện có 570 triệu người dùng thường xuyên trên 170 quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng kho ứng dụng "App Gallery" có hẳn 390 triệu người dùng hàng tháng và 180 triệu lượt tải trong năm.
Những con số "khủng" được Huawei đem ra làm minh chứng cho thấy khả năng lật đổ Google.
Trong lễ ra mắt Mate 30, Huawei không quên chia sẻ sẽ đầu tư tới 1 tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái Android mới. 1 tỷ USD tương đương với 1/9 lợi nhuận mà Huawei kiếm được trong cả năm 2018. Gã khổng lồ Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh tổng lực để giành lấy Android khỏi tay Google. Đáng tiếc thay, Huawei chỉ thiếu duy nhất một vũ khí sống còn: thứ vũ khí mang tên... "Google".
Không phải kẻ đầu tiên
Bởi Huawei không phải kẻ đầu tiên dám tuyên chiến để giành lấy quyền kiểm soát Android. Trước Huawei, có một gã khổng lồ khác đã từng mang cùng một tham vọng: Microsoft. Là kỳ phùng địch thủ của Google, Microsoft đã không chỉ một lần cố giành lấy Android: Microsoft từng đầu tư vào bản ROM đình đám CyanogenMod, từng phát triển hẳn một nền tảng riêng (Nokia X), từng bắt tay với nhiều nhà sản xuất để cài đặt ứng dụng Microsoft lên điện thoại Android...
Kẻ đã liên tiếp giúp Microsoft "đánh" Google không ai khác ngoài Samsung. Chính bản thân Samsung cũng mang tham vọng loại bỏ Google khi không chỉ vén màn hệ điều hành riêng mà còn ra mắt cả chợ ứng dụng riêng cho Android. Năm 2014, Samsung khoe Galaxy Apps có 13.000 ứng dụng dành cho 130 triệu người dùng toàn cầu. Những con số này có thể không bằng Huawei hiện tại, nhưng cần nhớ rằng Samsung vẫn là hãng smartphone số 1 thế giới một cách tuyệt đối.
Có những kẻ ĐỨNG TRÊN Huawei cũng đã từng mang mộng lật đổ Google khỏi Android.
Chưa hết, còn cả BlackBerry, còn cả những cái tên hơi xa lạ với người dùng phổ thông như Aptoide và F-Droid: những kẻ mang tham vọng biến Android thành của riêng mình đâu có ít. Còn cả Amazon, công ty liên tục vượt mặt Google về trị giá vốn hóa nữa. Trên những chiếc Fire Tablet và trước đây là Fire Phone, Amazon đã luôn tạo ra phiên bản Android của riêng mình chứ không dùng đến Google.
Xin quay trở lại
Kẻ là thù, kẻ là bạn-thù, tất cả đều đã thất bại cay đắng. Bởi người dùng đơn giản là không muốn lựa chọn bất cứ thứ gì thay cho Google cả: thị phần tìm kiếm chiếm 93%, lượng người dùng Gmail lên tới 1,5 tỷ, số lượt view YouTube hàng ngày lên tới 5 tỷ... Loại bỏ được Google khỏi Android là loại bỏ tất cả các dịch vụ thống trị này. Chỉ có những kẻ hoang tưởng mới dám mang tham vọng ấy - đến cuối cùng, Microsoft, Samsung, BlackBerry... đều đã tìm đường quay về "chung sống" với Android-của-Google.
Huawei không hẳn là hoang tưởng. Ở vị thế như hiện tại, Huawei phải tìm mọi cách để tung hô Huawei Mobile Services. Gã khổng lồ Trung Quốc cần chứng minh rằng một phiên bản Android do Huawei làm chủ vẫn sẽ giúp Mate 30 bành trướng ra toàn cầu, theo cái cách Mate 20 đã bùng nổ vào năm ngoái.
Vừa khoe HMS, Huawei vừa bày tỏ nguyện vọng được đưa Google trở lại với Mate 30...
Nhưng sự thật chỉ có một: Huawei bị ÉP phải từ bỏ Google và tự tạo ra Android của riêng mình. Bởi thế mà từ sự kiện Harmony OS vài tháng trước cho đến sự kiện Huawei Mobile Services của ngày 18/9, Huawei vẫn cứ đưa ra những thông điệp trái ngược. Những gì gã khổng lồ Trung Quốc mới khoe về sự kiện mới có thể gói gọn trong một câu: HMS hấp dẫn thật đấy, nhưng Huawei cũng đã có sẵn cơ chế cập nhật từ xa cho Google. Đến một ngày được nước Mỹ nương tay, Huawei sẽ tìm mọi cách đưa Google trở lại với Mate 30 Pro...
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"