Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội

    Huệ Anh/ Thiết kế: Hà Mĩ,  

    Từ ‘người hùng’, Sam Bankman-Fried hóa phạm nhân trong khi FTX chật vật bán tài sản để trả nợ.

    Đó là vào năm 2017, thời điểm một cựu giao dịch viên quỹ Jane Street Capital phát hiện ra điều thú vị khi theo dõi CoinMarketCap.com: Chênh lệch giá trị Bitcoin tại các sàn giao dịch khác nhau. Sam Bankman-Fried (SBF) lúc này bắt đầu nảy ra sáng kiến mua Bitcoin giá rẻ trên một sàn giao dịch, sau đó bán lại với giá cao hơn trên một sàn giao dịch khác và kiếm lời.

    Hoạt động kinh doanh kiểu này, trước đây, đặc biệt sôi động tại Hàn Quốc, nơi giá Bitcoin niêm yết cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Chúng được ví von như “Kimchi Premium” - ám chỉ món ăn truyền thống của Hàn Quốc làm từ bắp cải muối lên men cao cấp.

    Sau một tháng tự tìm hiểu thị trường, Bankman-Fried thành lập công ty giao dịch riêng có tên Alameda Research. Lúc cao điểm, công ty có khi kiếm được tới 1 triệu USD/ngày và được định giá gần 40 tỷ USD.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 1.

    SBF dành được nhiều sự tín nhiệm do các giao dịch kiểu như vậy không dễ thực hiện trên thị trường tiền số cách đây 6 năm. Mua bán chênh lệch giá Bitcoin liên quan đến việc thiết lập, kết nối nền tảng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng phức tạp và Alameda Research rất giỏi trong lĩnh vực này.

    Từ đó, đế chế Sam Bankman-Fried bùng nổ. Thành công của Alameda thúc đẩy sự ra đời của sàn giao dịch tiền số FTX vào mùa xuân năm 2019, sau đó kéo theo các quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD. Gương mặt Bankman-Fried xuất hiện nhan nhản trên khắp các tấm áp phích quảng cáo, trong khi logo FTX tô điểm từ đường đua Công thức 1 đến một đấu trường bóng rổ Miami.

    Thời điểm nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ USD, Bankman-Fried khoe khoang rằng một ngày nào đó có thể mua được Goldman Sachs và trở thành nhân vật sừng sỏ ở Washington. Đáng buồn, đây chỉ là hoang tưởng.

    Khi giá tiền số lao dốc trong năm nay, y tự tin rằng sàn giao dịch của mình sẽ miễn nhiễm, song trên thực tế, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chung của công ty.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 2.

    Alameda vay tiền để đầu tư vào các công ty tài sản số đang ngắc ngoải, thậm chí bòn rút tiền gửi của khách hàng FTX để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ. Cuộc chiến trên Twitter của Giám đốc điều hành sàn giao dịch đối thủ Binance đã lật tẩy kế hoạch này.

    Alameda, FTX và một loạt công ty con do Bankman-Fried thành lập đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware. Bankman-Fried cũng từ bỏ vai trò lãnh đạo sau khi chứng kiến phần lớn tài sản cá nhân bốc hơi chỉ trong 1 ngày.

    Từ “anh hùng”, y trở thành nhân vật phản diện. Hiện Bankman-Fried đang ngồi tù tại Trung tâm giam giữ Brooklyn trong quá trình chờ tuyên án vì 7 tội danh nghiêm trọng.

    Tập hợp mảnh ghép từ nhiều nguồn tin tức khác nhau, chúng ta sẽ có bức tranh tô vẽ một sàn giao dịch điên cuồng che đậy sai lầm của mình bằng nhiều cách thức đáng ngờ và bất hợp pháp.

    Đầu năm 2022, làn sóng những gã khổng lồ trong lĩnh vực tiền số thoái trào sau khi thanh khoản thị trường giảm mạnh. Đáng nói nhất phải kể đến sự sụp đổ xoá sạch 60 tỷ USD của dự án stablecoin terraUSD (hay gọi tắt là UST) cùng đồng tiền chị em LUNA.

    Three Arrows Capital, hay 3AC, một trong những quỹ phòng hộ tiền số quan trọng của ngành sụp đổ ngay sau đó, kéo theo sự ê chề của một loạt các nhà môi giới và người cho vay tiền số như Voyager Digital và Celsius.

    Vấn đề lớn là mọi người đều vay mượn lẫn nhau. Điều này chỉ diễn ra trơn tru nếu giá của tất cả các đồng tiền số tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, Bitcoin và Ether đều mất hơn 50% giá trị trong 1 năm.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 3.

    “Đòn bẩy là nguồn gốc của mọi sự bùng nổ trong các tổ chức tài chính, cả thị trường truyền thống lẫn tiền số. Lehman Brothers, Bear Stearns, Long-Term Capital, Three Arrows Capital và giờ là FTX đều trở thành những bong bóng khổng lồ vì đòn bẩy”, Hart Lambur, chuyên gia quản lý tiền tệ và quỹ phòng hộ, cho biết.

    Giữa làn sóng phá sản, một số nhà đầu tư cho Alameda vay tiền đã yêu cầu hoàn trả. Dĩ nhiên, công ty này không thể đáp ứng.

    Để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ, FTX lợi dụng tiền gửi của khách hàng và âm thầm bảo lãnh cho Alameda. Bankman-Fried đã thừa nhận điều này trong cuộc phỏng vấn, song từ chối tiết lộ con số chính xác.

    Theo CNBC, sử dụng trái phép tiền của khách hàng chính là vi phạm các điều khoản và điều kiện của chính FTX. Với Phố Wall, hành vi này rõ ràng đã vi phạm luật chứng khoán Mỹ.

    “FTX và Alameda có một mối quan hệ cực kỳ rắc rối”, Nic Carter của Castle Island Venture chia sẻ với CNBC. “Điều này không chính thống và không được sự cho phép của thị trường”.

    Thông thường, các công ty tạo ra nhiều mã giao dịch tiền số để lôi kéo người dùng, trong khi giá trị thực của chúng chỉ đơn thuần là hình thức đầu cơ hy vọng giá sẽ tăng.

    Điểm mấu chốt là FTX đã bòn rút tài sản của khách hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, sau đó lấp liếm bằng một mã giao dịch mới.

    Trong lúc đó, Bankman-Fried vẫn tiếp tục đi diễn thuyết khắp nơi và được vinh danh là một trong những doanh nhân công nghệ trẻ vĩ đại. Danh tiếng có được phần lớn đến từ sự trợ giúp của Michael Kives - người đàn ông đóng vai trò ‘siêu kết nối’.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 4.

    Michael Kives, nhà đầu tư Hollywood, cùng đối tác kinh doanh của mình là Bryan Baum đã giúp nhà sáng lập trẻ tuổi vun đắp mối quan hệ với Orlando Bloom, ca sĩ Katy Perry, cựu Tổng thống Bill Clinton cùng rất nhiều người nổi tiếng và quan chức, từ Leonardo DiCaprio đến thống đốc Ả Rập Xê-Út. Đây là mối quan hệ win-win, đôi bên cùng có lợi.

    Hồ sơ đệ trình lên tòa án cho thấy Bankman-Fried đã rót 700 triệu USD vào công ty đầu tư mạo hiểm của Kives. Kives, người sáng lập kiêm gương mặt đại diện công ty, và đối tác kinh doanh Baum, mỗi người nhận được 125 triệu USD như một phần của thỏa thuận.

    Michael Kives và Bryan Baum nằm trong mạng lưới trung gian bí mật, có nhiệm vụ giới thiệu, lôi kéo những người nổi tiếng đến với ngành công nghiệp tiền số vốn từng rất thịnh hành. Trước khi FTX sụp đổ vào năm ngoái, sự tán dương rầm rộ từ các ngôi sao Hollywood, vận động viên chuyên nghiệp, doanh nhân và các chính trị gia khét tiếng đã khiến tiền số trở nên đáng tin cậy hơn bất cứ lúc nào.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 5.

    Chỉ sau khi Bankman-Fried vướng vào một cuộc tranh cãi công khai với Binance - sàn giao dịch đối thủ, mọi chuyện mới bắt đầu sáng tỏ.

    Vào năm 2019, Binance công bố khoản đầu tư chiến lược vào FTX. Sàn giao dịch này tuyên bố mua FTX Token (FTT) để phục vụ cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái FTX. Vài năm sau, đến mùa hè năm 2022, không rõ gì lý do gì, Bankman-Fried thúc giục các cơ quan quản lý giám sát Binance, đồng thời công khai chỉ trích sàn giao dịch.

    Ngày 2/11, CoinDesk thông tin về một bảng cân đối kế toán, cho thấy một lượng đáng kể tài sản của Alameda được giữ trong token FTT kém thanh khoản của FTX. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về khả năng thanh toán của công ty cũng như điều kiện tài chính của FTX.

    “Do những tiết lộ gần đây đã được đưa ra ánh sáng, chúng tôi quyết định thanh lý nốt những FTT còn lại”, CZ, CEO Binance nói.

    Các nhà đầu tư sau đó đua nhau rút tiền khỏi FTX. Tính đến ngày 6/11/2022, theo Bankman-Fried, sàn giao dịch đã mất khoảng 5 tỷ USD với hàng chục triệu USD được rút ra kỷ lục mỗi ngày.

    Kết cục buồn của FTX: Từng được định giá gần 40 tỷ USD, kiếm 1 triệu USD/ngày bỗng phá sản trong chớp mắt, CEO tù tội- Ảnh 6.

    “Những người chơi tiền số phản ứng nhanh hơn với tin tức và tin đồn. Cuộc khủng hoảng thanh khoản theo đó diễn ra nhanh hơn nhiều so với thị trường tài chính truyền thống”, Fabian Astic, người đứng đầu bộ phận tài chính phi tập trung và tài sản kỹ thuật số của Moody, nói.

    Ngày 11/11/2022, FTX và Alameda nộp đơn xin phá sản. FTX, từng được định giá 32 tỷ USD hồi đầu năm 2022, đến nay chẳng còn gì ngoài một quá khứ hoàng kim không bao giờ lặp lại. Sam Bankman - người vốn luôn ủng hộ ý tưởng tiền số “nuốt chửng” lĩnh vực tài chính truyền thống - thì bị kết tội ăn cắp hàng tỷ USD từ khách hàng, đồng thời lừa gạt các nhà đầu tư cùng chủ nợ.

    Với 7 tội danh nghiêm trọng, Bankman-Fried phải đối mặt với mức tù lên tới 110 năm. Phán quyết của toà dự kiến được ấn định vào ngày 28/3/2024. Bankman-Fried dự kiến sẽ kháng cáo.

    “Chúng tôi tôn trọng quyết định của bồi thẩm đoàn nhưng rất thất vọng với kết quả này. Ông Bankman Fried khẳng định mình vô tội và sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các cáo buộc”, luật sư Mark S. Cohen của Bankman-Fried cho biết.

    Mới đây nhất, tờ Bloomberg cho biết FTX đang bán nốt tài sản số để huy động tiền mặt trả lại cho khách hàng. Bốn chi nhánh lớn nhất – bao gồm FTX Trading và Alameda Research - đã cùng nhau tăng gần gấp đôi lượng tiền mặt lên 4,4 tỷ USD vào cuối năm 2023.

    Dẫu vậy, phía FTX không cam kết toàn bộ khách hàng sẽ được hoàn trả đầy đủ. Đại diện sàn cho biết trong một tuyên bố ngày 27/12 rằng việc ấn định giá trị tiền số dựa trên ngày nộp đơn xin phá sản là cách thực tế duy nhất để bắt đầu trả nợ cho khách hàng.

    Theo: Bloomberg, WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ