Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác

    Kim,  

    Đại kiện tướng hàng đầu cũng từng khẳng định: độ chính xác của nước cờ không phải tiêu chí đánh giá khả năng gian lận.

    Vốn được biết tới nhờ những danh hiệu ít người có được, thời gian gần đây thanh danh đại kiện tướng cờ vua Vladimir Kramnik nổi lên theo một cách khác. Vua cờ 48 tuổi liên tục đưa ra cáo buộc gian lận cho những kỳ thủ có tiếng, mà “nạn nhân” gần đây nhất của ông là kỳ thủ số một Việt Nam, Lê Quang Liêm.

    Môn thể thao trí tuệ thu hút được thêm một lượng lớn người chơi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, và vẫn tiếp tục giữ được phong độ cho tới ngày nay. Nhưng đáng buồn thay, tỷ lệ thuận với số lượng kỳ thủ ngày một đông là số người gian lận ngày một nhiều.

    Những phương pháp gian lận trong cờ vua

    Xưa kia, khi đối mặt trên một bàn cờ, tất cả những gì một người có thể làm là tận dụng trí lực của mình để chiếm thế thượng phong, hòng tìm được chiến thắng. Nhưng theo thời gian, khi tiền tài và danh vọng được đặt lên bàn cân, người ta bắt đầu ứng dụng những mánh lới không trung thực nhằm thắng cuộc.

    Gian lận theo kiểu đơn giản, thì một kỳ thủ có thể cố tình thua để phải đối đầu với những đối thủ dưới cơ để tìm kiếm chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể giúp họ đả bại những người chơi cao tay hơn. Mọi sự thay đổi khi máy tính nhập cuộc: bằng một bộ não máy, kỳ thủ thấp cờ cũng có thể hạ được đại kiện tướng.

    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 1.

    Hình minh họa.

    Tại giải đấu Thế giới Mở rộng diễn ra năm 1993, lịch sử cờ vua thế giới ghi nhận một trong những trường hợp gian lận bằng công nghệ đầu tiên. Một kỳ thủ không có thứ hạng đã thắng 4½ trong tổng số 9 ván cờ, thậm chí cầm hòa được một đại kiện tướng.

    Tuy nhiên, kỳ thủ này sử dụng tai nghe trong khi chơi và giấu trong túi áo một vật thể đáng nghi - thứ đã rung lên vài lần trong suốt quá trình thi đấu. Khi phát hiện ra người chơi này không hề biết những luật cơ bản nhất của cờ vua, ban tổ chức mới hay "kỳ thủ" này đã gian lận.

    Máy tính ngày một mạnh mẽ khiến khả năng chơi cờ của chúng ngày càng cao. Những cỗ máy chơi cờ chuyên dụng, hay thuật ngữ chuyên môn gọi là các “chess engine”, có khả năng tính trước tới 18 nước cờ, dự đoán được lối chơi của các đại kiện tướng để có thể cho ra nước đi tối ưu nhất giúp kẻ gian lận nắm phần hơn.

    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 2.
    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 3.
    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 4.

    Thiết bị gian lận trên người một kỷ thủ tham dự giải Dr. Hedgewar Open, tổ chức tại New Delhi hồi năm 2015 - Ảnh: Dharmendra Kumar.

    Vấn đề gian lận lên tới đỉnh điểm trong đại dịch COVID-19, khi số lượng người rảnh rỗi chơi cờ đông hơn, và khi các dịch vụ cung cấp “chess engine” ngày một sẵn. Các giải cờ vua online không còn yên bình với làn sóng dữ của những người chơi gian lận hòng kiếm tìm tiền tài, danh vọng.

    Để đối đầu với những cỗ máy chơi cờ vô tri, các giải đấu thường áp dụng một cỗ máy chơi của riêng mình. Máy móc sẽ so sánh nước cờ của kỳ thủ với nước cờ tối ưu nhất mà máy tính có thể đưa ra, đồng thời tính thêm những biến số như nước đi của đối thủ hay trình độ hiện tại của người chơi, ... để tìm ra những điểm “không giống người” trong nước cờ. Nhờ những hệ thống dạng này, các giải đánh cờ có thể chỉ đích danh kẻ gian lận, mong muốn mang lại sự trung thực cho môn trò chơi trí tuệ ngàn năm tuổi.

    Tuy nhiên, máy tính vẫn chưa đạt được độ chính xác tuyệt đối. Từ trước tới nay, vẫn có những kỳ thủ nổi danh lên tiếng cáo buộc những người chơi khác tội gian lận. Đôi khi là sự nghi ngờ có cơ sở, đôi khi là do cái tôi thôi thúc, đôi khi là nỗi xấu hổ lúc bại trận, một kỳ thủ có thể đưa lời cáo buộc gian lạn.

    Độ chính xác của nước đi: căn cứ cáo buộc gian lận của Vladimir Kramnik

    Cách đây không lâu, đại kiện tướng Vladimir Kramnik liên tục lên tiếng cáo buộc các kỳ thủ khác gian lận trong nhiều giải đấu lớn nhỏ. Những cái tên quen thuộc bao gồm kỳ thủ số ba thế giới Hikaru Nakamura hay Hans Niemann - kỳ thủ từng đả bại Magnus Carlsen trong một trận cờ gây tranh cãi; và rồi danh sách “bị cáo buộc” xuất hiện một cái tên thân thuộc, Lê Quang Liêm.

    Kramnik dựa vào độ chính xác trong nước cờ của Quang Liêm để hậu thuẫn cho cáo buộc gian lận. Đại kiện tướng người Nga cho rằng độ chính xác trung bình của Quang Liêm trong 9 giải gần đây là 90,5%, trong đó có một giải anh đạt độ chính xác lên tới 93,8%.

    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 5.

    Kỳ thủ Lê Quang Liêm tại giải Grand Chess Tour - Ảnh: GCT.

    "Độ chính xác trung bình của Quang Liêm rất cao, mức 93,8% của một kỳ thủ trong một giải đấu khá bất thường", Kramnik cho hay. "Ít nhất không có kỳ thủ hàng đầu nào đạt được chỉ số 93,8% tại một giải đấu trong vòng một năm qua. Có lẽ các ván đấu của Quang Liêm cần được kiểm tra kỹ hơn".

    Vậy chính xác thì … độ chính xác này là gì?

    CAPS - công cụ tính điểm nước đi do Chess.com công bố

    Về cơ bản, CAPS, viết tắt cho “Computer Aggregated Precision Score”, tạm dịch là “Điểm Chính xác Tổng từ Máy tính”, là công cụ đánh giá sức chơi của một kỳ thủ, hay chất lượng của các nước đi trong một ván cờ. Thay vì số điểm ELO vốn được tính bằng những công thức toán học nhất định để chỉ ra thứ hạng kỳ thủ, CAPS sẽ áp một thang điểm từ 0-100% cho một ván cờ.

    Điểm 0% cho thấy tất cả nước đi do người chơi đưa ra đều là nước tệ nhất có thể, và 100% chứng tỏ mọi nước đi đều là nước đi tối ưu nhất, giống với những gì máy chơi cờ đưa ra. 

    Để tính ra được CAPS, máy tính sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có số nước đi hay nhất, số nước đi thiếu chính xác hay số sai lầm nghiêm trọng mắc phải. Quan trọng nhất: chỉ số CAPS không được sử dụng trong phát hiện gian lận.

    Đằng sau sự việc kỳ thủ Lê Quang Liêm bị cáo buộc gian lận vì có những nước cờ quá chính xác- Ảnh 6.

    Chỉ số CAPS giúp người chơi mới tự đánh giá khả năng bản thân - Ảnh: Chess.com

    Theo lời kiện tướng quốc tế Daniel Rensch hiện đang công tác tại Chess.com, chỉ số CAPS được thiết kế để lập tức cho người mới học cờ vua biết họ phạm sai lầm nghiêm trọng ở đâu, có nước đi nào hiệu quả. Nó là công cụ giúp người chơi mới nhập cuộc nhanh chóng làm quen với trò chơi ngàn năm.

    Số điểm ELO của một người sẽ cho thấy vị thế của người chơi so với bảng xếp hạng và đôi phần khó hiểu với người mới, nhưng điểm CAPS sẽ lập tức cho người chơi thấy khả năng của mình, thông qua độ chính xác của các nước đi khi so với những cỗ máy chơi cờ hiện đại.

    Hơn nữa, chỉ số CAPS có thể sẽ thay đổi nếu như được phân tích bởi những máy chơi cờ khác nhau: một cỗ máy cấp thấp có thể đánh giá một người chơi có CAPS cao, nhưng những cỗ máy chơi cờ cỡ “đại kiện tướng” có thể sẽ chỉ chấm cho người chơi một số điểm CAPS khiêm tốn. 

    Nói tóm lại, CAPS không phải tiêu chuẩn dùng trong phát hiện gian lận.

    Chuyện gì đã xảy ra, và sẽ xảy ra với những cáo buộc gian lận?

    Đại kiện tướng Vladimir Kramnik đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc người chơi gian lận mà không có căn cứ, đế nỗi Chess.com phải chặn quyền đăng bài của vị kỳ thủ lên nền tảng. Diễn đàn cờ vua lớn nhất thế giới cho rằng Kramnik đã “công kích ngày một mạnh và những kỳ thủ được tôn trọng”, và vì các cáo buộc của ông “không có cơ sở”. Thực tế, ông Kramnik vi phạm cả luật của Chess.com lẫn các quy tắc ứng xử do Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE) đề xuất.

    Trả lời báo giới về quan điểm của Kramnik, kỳ thủ Quang Liêm nói: "Tôi tôn trọng Kramnik với tư cách là một nhà cựu vô địch cờ vua thế giới. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách tiếp cận vấn đề của ông ấy thiếu sức thuyết phục. Kramnik đã viết nhiều bài trên Chess.com và mạng xã hội X ám chỉ nhiều kỳ thủ mạnh khác gian lận online, nhưng Chess.com đã ra thông báo khẳng định những cáo buộc của Kramnik là không có cơ sở. Là một kỳ thủ, tôi tin vào những quy trình của Chess.com và các Ban tổ chức, hơn là ý kiến chủ quan của cá nhân kỳ thủ khác".

    Kỳ thủ Nakamura cũng bác bỏ cáo buộc của đại kiện tướng Kramnik, đồng thời tái khẳng định “độ chính xác” không phải tiêu chí đánh giá khả năng gian lận của kỳ thủ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ