Khá "bảnh" kiếm hàng tỷ đồng trên mạng: Ai quản lý luồng tiền?

    PV, Theo VOV.VN 

    Một "giang hồ mạng" như Khá Bảnh có nguồn thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng. Vậy, cơ quan nào quản lý những luồng tiền này?

    Số liệu của Socialblade cho thấy, kênh YouTube của Khá Bảnh được xếp vào nhóm A- (mức gần như cao nhất), với gần 2 triệu người theo dõi, 410 video đã đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem.

    Khá bảnh kiếm hàng tỷ đồng trên mạng: Ai quản lý luồng tiền? - Ảnh 1.

    Số tiền mà kênh Youtube của Khá Bảnh kiếm được theo thống kê của SocialBlade.

    Trung bình mỗi ngày kênh của Khá Bảnh có thêm 11.500 subcriber và 2,17 triệu lượt xem, mỗi tháng có hơn 345.000 và 65,2 triệu lượt xem. Do đó, số tiền mà YouTube trả cho Ngô Bá Khá cũng khá “khủng”, dao động trong khoảng từ 15.300 USD - 244.700 USD, tương đương với 355 triệu - 5,67 tỷ đồng/tháng.

    Trong trường hợp duy trì liên tục được lượng người xem như vậy, Ngô Bá Khá sẽ có thể kiếm về từ 183.500 USD đến 2,9 triệu USD mỗi năm, tương đương từ 4,25 tỷ - 67,2 tỷ đồng.

    Những nội dung do nhóm Khá Bảnh phát tán lên các mạng xã hội, dù chỉ là các video dàn dựng thu hút sự tò mò, song cũng gây nhiều hệ lụy xấu, nhất là với giới trẻ. Bởi lẽ, những video này luôn cổ súy cho lối sống giang hồ bạo lực, khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật.

    Khá bảnh kiếm hàng tỷ đồng trên mạng: Ai quản lý luồng tiền? - Ảnh 2.

    Lượng view và thu nhập thụ động (tính theo USD) mỗi ngày của Khá Bảnh từ kênh YouTube.

    Hiện, YouTube đã tắt tính năng kiếm tiền trên kênh của Khá Bảnh. Theo đó, tất cả các hình thức quảng cáo đều đỡ bị Google gỡ khỏi các video trên kênh YouTube của Ngô Bá Khá. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 2/4 đã có văn bản yêu cầu YouTube xóa toàn bộ các video clip do nhóm Khá Bảnh đăng lên.

    Thất thu do không kiểm soát được luồng tiền

    Ngoài vấn đề quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, từ con số thu nhập "khủng" của một nhóm "giang hồ mạng" như Khá Bảnh mà dẫn tới câu hỏi nguồn tiền từ những video bạo lực, phản cảm này sẽ được quản lý ra sao? Và với sự "bất lực" quản lý của cơ quan chức năng với những luồng tiền này, thì liệu những "giang hồ mạng" kiểu như Khá Bảnh, Phú Lê hay Dương Minh Tuyền... sẽ còn tiếp tục mọc lên như "nấm sau mưa" nhờ chính sách dễ dãi của các nền tảng xã hội như YouTube, Facebook?

    Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra chiều 2/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện các hoạt động, diễn biến trên mạng xã hội rất phức tạp, nhiều nội dung phản cảm, khó kiểm soát.

    Bộ TT&TT đang tích cực làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, đấu tranh với Facebook và Google để giảm thiểu các nội dung phản cảm, tiêu cực, tục tĩu…

    "Bộ cũng đang rà soát các văn bản pháp luật liên quan bảo đảm quản lý được các mạng xã hội nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo đúng pháp luật Việt Nam, tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tài chính", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết.

    Tại diễn đàn Thương mại điện tử 2019 diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế phát triển của các loại hình kinh doanh điện tử mới, trong đó có giao dịch xuyên biên giới (như Facebook, YouTube, Google...), cho vay ngang hàng...

    Thông thường để xác định dòng tiền luân chuyển cần thông qua ngân hàng hoặc cơ quan thuế, song hai đơn vị này ở Việt Nam vẫn chưa có sự liên kết đủ để kiểm soát vấn đề này.

    Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, các Ngân hàng thương mại không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phát hiện khi cơ quan Thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

    “Ở Việt Nam đang có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản ngân hàng. Thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Các ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin trong trường hợp được cơ quan Thuế yêu cầu. Đây là khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam”, ông Huy cho biết.

    Việc quản lý dòng tiền để đánh thuế dịch vụ xuyên biên giới là rất khó khăn. Các quốc gia trên thế giới, cụ thể là Liên minh châu Âu cũng phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra giải pháp. Do đó, Việt Nam cũng cần các giải pháp vĩ mô, có tầm nhìn dài hạn để có thể quản lý công khai, minh bạch được các mô hình kinh doanh mới này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ