Dưới lăng kính của tình trạng ung thư thì Trung Quốc đang phải chứng kiến một làn sóng “tị nạn” nội địa.
Dưới bóng đen của một trong những bệnh viện ung thư hàng đầu ở Bắc Kinh, một mạng lưới nhà gạch đổ nát, nhìn chẳng khác nào những hầm mộ, lại đang mọc lên như những ngôi nhà thứ 2 dành cho hàng trăm bệnh nhân ung thư và người thân của họ lưu trú.
Những con người khốn cùng này bắt buộc phải ở lại đây, trong cụm 9 tòa nhà liên kết bởi những lối đi nhỏ hẹp tối tăm. Đó là biểu tượng không thể tốt hơn cho sự bất bình đẳng trong hệ thống y tế đang quá tải ở Trung Quốc.
Những tòa nhà lụp xụp (phía trước) đang là nơi lưu trú cho hàng trăm bệnh nhân ung thư nghèo và người thân chăm sóc họ
Bên cạnh các bệnh viên trên khắp đất nước Trung Quốc, những khu được gọi là “khách sạn ung thư” đang mọc lên ngày một nhiều. Đó đáng tiếc sẽ là ngôi nhà mới cho rất nhiều người trong số hơn 3 triệu ca chẩn đoán mắc mới ung thư ở đất nước này mỗi năm.
Một người quản lý một trong những khách sạn này cho biết hầu hết các bệnh nhân sẽ ở lại đây từ một vài tháng đến một năm. Đó là khoảng thời gian mà họ điều trị, hoặc nếu không may mắn hơn còn phải chờ đợi những bệnh nhân khác trước khi đến lượt mình.
Dưới lăng kính của tình trạng ung thư thì Trung Quốc đang phải chứng kiến một làn sóng “tị nạn” nội địa. Bệnh nhân ở những khu vực có thu nhập thấp, nơi điều kiện y tế nghèo nàn không thể đáp ứng việc điều trị, bắt buộc phải di chuyển hàng trăm cây số để đến các bệnh viện ở thành phố lớn. Họ sẽ tiếp tục sống ở đó với số tiền ít ỏi, bên cạnh việc trả một khoản lớn khác cho chi phí khám chữa bệnh.
Một người đàn ông đang đi trong hành lang siêu nhỏ của khu nhà
“Có một sự mất cân bằng giữa các thành phố lớn và thành phố nhỏ. Các bác sĩ giỏi không muốn làm việc ở những bệnh viện nhỏ”, Liu, một công nhân 46 tuổi di cư đến Bắc Kinh từ tháng 5 cho biết. Ông đã phải đưa người vợ ung thư của mình vượt hơn 750 km để tới được đây, với hi vọng cô sẽ nhận được chất lượng chăm sóc y tế tốt hơn.
Vợ Liu là bà Wang, 42 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung vào hồi đầu năm. Gia đình cô quyết định rằng rời khỏi quê hương Nội Mông sẽ là con đường giúp Wang kéo dài được những năm tháng chiến đấu với bệnh tật. “Nếu bạn mắc một căn bệnh hiểm nghèo thì bạn nên đến Bắc Kinh”, Liu nói.
Cửa của căn phòng phủ một tấm rèm mỏng, Wang đang ngồi phía bên trong
Gánh nặng tài chính
Hãy nói về cuộc hành trình của Liu và vợ anh. Họ đến Bắc Kinh bằng một cặp vé tàu giá rẻ. 342 Nhân dân tệ (khoảng hơn 2 triệu VND) cho một hành trình dài 16 tiếng. Một phòng trong “khách sạn ung thư” mà họ đang ở có giá 70 Nhân dân tệ mỗi đêm, tương đương 230.000 VND. Nhưng nó vẫn rẻ hơn cái giá gấp đôi cho một giường trong bệnh viện.
Căn phòng họ ở rất đơn giản. Ngoài những điều kiện vệ sinh, ngủ nghỉ, những thiết bị bổ sung chỉ có một chiếc ti vi và một chiếc quạt máy. Cũng may là họ được cho phép tự nấu ăn tại “khách sạn” kiểu này.
Trong phòng, một người đàn ông đang ăn bữa tối
Điều đó chứng minh cho một thực tế rằng gánh nặng tài chính đặt trên vai những bệnh nhân ung thư ở Trung Quốc là rất lớn. Số liệu thống kê chính thức cho thấy đến 44% gia đình họ sẽ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo.
Nhiều trường hợp, người thân và bệnh nhân rơi vào bước đường cùng, họ phải chuyển sang điều trị không được phê duyệt. Nhiều người phải ngủ ngoài đường phố, nhiều người xin tiền nơi công cộng.
Mặc dù bảo hiểm Y tế nhà nước gần như đã với tới 1.4 tỷ người dân Trung Quốc, nhưng bảo hiểm cũng chỉ ở mức cơ bản. Nghĩa là người bệnh trung bình vẫn phải thanh toán 50% hóa đơn viện phí. Đối với những bệnh nhân ung thư chi phí điều trị vẫn tăng cao và vượt quá khả năng chi trả của họ cho dù có bảo hiểm.
Người bệnh ung thư là một gánh nặng lớn cho gia đình
Đối với tầng lớp thấp, thách thức lớn nhất với bệnh nhân ung thư thậm chí không còn là tinh thần của họ. “Điều khó khăn nhất cho chúng tôi là tiền”, Pan, một người đàn ông đã 60 tuổi nói. Ông cũng sống với vợ của mình, Huang, tại một trong những “khách sạn ung thư” ở Bắc Kinh sau khi cô nhận chẩn đoán khối u trực tràng vào năm 2013.
“Chúng tôi chỉ là những người nông dân. Chúng tôi đã tiêu tốn hơn 270.000 Nhân dân tệ (hơn 900 triệu VND) kể từ năm 2013”, ông Pan chia sẻ.
Pan và vợ ông trong căn phòng mà hai người đang ở
Đó chỉ là một trong số vô vàn trường hợp tương tự ở Trung Quốc. Số tiền quá lớn đối với một gia đình nông dân và họ đã phải vay mượn từ người thân, bạn bè cho tới cả những nguồn tín dụng đen. Tất cả để chi trả cho quá trình đi lại, chờ đợi và điều trị.
Nhưng số bệnh nhân cũng nhiều đến nỗi một đội ngũ cò mồi được hình thành giúp họ rút ngắn thời gian xếp hàng dài, chờ đợi nhiều ngày trong những “khách sạn ung thư”. Dĩ nhiên, không ai làm điều đó một cách không công.
Khung cảnh khu "khách sạn" về đêm, nó giống với một khu hầm mộ hơn
Suy cho cùng thì những khách sạn và dịch vụ như thế này mở ra sẽ giúp một vài người kiếm được tiền. Nhưng gánh nặng cuối cùng lại chồng chất nhiều thêm cho những người bệnh nghèo khổ.
“Chỉ một nửa chi phí điều trị của chúng tôi được chi trả bởi bảo hiểm y tế”, ông Pan nói. “Chúng tôi không phải những người dân thành phố, những người mà có thể cho người khác mượn hàng ngàn Nhân dân tệ một lúc. Các gia đình ở chỗ chúng tôi đều là những người nghèo. Chúng tôi phải phải vay mượn để có tiền trị bệnh”.
Tham khảo Reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập