(GenK.vn) - Bé gái 3 tuổi người Mỹ là một trong những người thông minh nhất thế giới, với chỉ số IQ lên tới 160. Tuy nhiên, nó không quyết định toàn bộ thành công của một con người.
Chỉ số thông minh của cô bé Alexis Martin khiến nhiều người ngạc nhiên. Từ lúc hơn một tuổi, cô bé đã thuộc mọi câu chuyện mà bố mẹ kể lúc chuẩn bị ngủ. Hiện nay, cô bé có thể sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha nhờ tự học bằng máy tính bảng của bố mẹ. Trường hợp của bé Martin làm dấy lên nhiều câu hỏi về trí thông minh của con người và ảnh hưởng của nó tới tương lai của mỗi cá nhân.
Ý nghĩa của chỉ số IQ
Chỉ số thông minh (IQ) là cách các nhà tâm lý gọi khả năng tư duy và ghi nhớ của một người. Người ta có nhiều cách khác nhau để xác định chỉ số IQ dựa vào khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh của não bộ. Kết quả của các bài kiểm tra chính là chỉ số IQ.
Van Gemert, chuyên gia về tài năng trẻ người Mỹ, giải thích: “Những người có chỉ số IQ cao có thể tiếp nhận, xử lý thông tin ở mức độ sâu hơn và nhanh hơn so với người bình thường”. Chỉ số thông minh trung bình của chúng ta là 100. Những người như bé Martin chỉ chiếm 2% dân số thế giới.
Chỉ số thông minh không phải là tất cả
Tuy nhiên, ông Richard Nisbett, giáo sư tâm lý tại Đại học Michigan, cho biết, chỉ số IQ không quyết định thành công của mỗi người ngoài thực tế. Chỉ số này không thể đo độ sáng tạo và sự tò mò, những yếu tố đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình tích lũy kiến thức của mỗi người.
Chỉ số IQ cũng không phải tiêu chuẩn mà giáo viên hoặc các bậc phụ huynh có thể dựa vào để biết được cảm xúc của một đứa trẻ. Chỉ số IQ cao giúp một đứa trẻ 5 tuổi có khả năng đọc và hiểu những vấn đề về kinh tế nhưng không ai dám chắc chúng biết rõ về chiến tranh hoặc án tử hình.
Theo chuyên gia về tài năng trẻ Van Gemert, chỉ số IQ là một trong những đặc điểm tạo nên con người. Nó giống như đôi mắt màu xanh, chiếc mũi lớn. Nó chỉ phần nào quyết định nên con người. “Nếu bạn không phát triển những phẩm chất tốt đẹp khác, bạn sẽ lãng phí trí thông minh của chính mình”, Gemert khẳng định.
Chỉ số thông minh thay đổi theo thời gian
Chỉ số thông minh của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới chỉ số thông minh. Đói nghèo, dinh dưỡng và căng thẳng có thể tác động rất nhiều tới trí thông minh của mỗi người. Nghiên cứu của giáo sư Nisbett chỉ ra rằng, trẻ em nhà nghèo có thể tăng 15 – 20 điểm chỉ số IQ nếu chúng sống trong một gia đình trung lưu.
“Chỉ số thông minh không bền vững như một số người vẫn tin. Nó chịu tác động rất mạnh từ yếu tố môi trường”, giáo sư Nisbett rút ra kết luận sau quá trình nghiên cứu kéo dài 4 năm trên 33 thanh, thiếu niên. Trong quãng thời gian này, chỉ số IQ có thể lên hoặc xuống tới 20 điểm.
Người ta dễ dàng nhận thấy một đứa trẻ thông minh xuất chúng nhưng không ai dám chắc nó vẫn vượt trội hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa khi tới tuổi trung niên. Môi trường giáo dục, kinh nghiệm sống và điều kiện sống quyết định điều này.
Chúng ta thông minh hơn những thế hệ trước
Khi phương pháp kiểm tra chỉ số thông minh ra đời đầu những năm 1990, các nhà khoa học nhận thấy mức IQ trung bình tăng đáng kể qua các thế hệ. Theo đó, chỉ số IQ trung bình của những đứa trẻ 10 tuổi ngày nay sẽ cao hơn chỉ số trung bình của những đứa trẻ 10 tuổi năm 1954. Điều này không có nghĩa là não bộ của chúng ta lớn hơn não bộ những thế hệ trước. Nó chỉ cho thấy, chúng ta đã cải thiện khả năng tư duy và cách thức giải quyết các vấn đề.
Các nhà khoa học giải thích rằng, môi trường giáo dục và tính chất công việc thay đổi buộc chúng ta phải thường xuyên giải quyết những vấn đề phức tạp, đòi hỏi khả năng nhận thức. Ngoài ra, các yếu tố sức khỏe cũng đóng góp tích cực vào vấn đề này. Con người ít phải chống chọi với bệnh tật, tạo điều kiện để não bộ hoàn thiện hơn.
Theo CNN, Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"