Ứng dụng theo dõi giấc ngủ lại khiến bạn mất ngủ

    Billvn,  

    Liệu các thiết bị và ứng dụng theo dõi giấc ngủ có giúp bạn có một giấc ngủ tốt hơn trên thực tế hay không hay nó lại là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó đi vào giấc ngủ sâu?

    Theo dõi giấc ngủ thường xuyên là một cách để đánh giá tình hình sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, liệu các thiết bị được sử dụng để làm công việc này như vòng đeo tay thông minh, đồng hồ thông minh… đã thật sự hiệu quả hay đây chỉ là một hình thức biến tướng tinh vi hơn của chiếc đồng hồ báo thức truyền thống?

    Giấc ngủ, chế độ ăn uống và tập thể dục rất quan trọng với sức khỏe và việc theo dõi giấc ngủ là một thói quen tốt trong việc chăm sóc sức khỏe tổng thể. Hầu hết chúng ta đều rất hiếu kỳ với những gì xảy ra sau khi mình chìm vào giấc ngủ. Với kiến thức khoa học hiện tại, chúng ta biết rằng ngủ không phải là một trạng thái bị động với sự ngừng hoạt động tạm thời của một số bộ phận trên cơ thể. Việc nghiên cứu giấc ngủ đã trở thành một lĩnh vực khoa học chuyên biệt, nó giúp con người hiểu biết để đánh giá đúng tầm quan trọng của giấc ngủ và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động và khả năng gặp tai nạn của con người nếu mất ngủ.

    Không ngạc nhiên khi mọi người tìm mọi cách để theo dõi giấc ngủ của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ vào việc theo dõi giấc ngủ có thể mang lại nhiều tác hại hơn so với lợi ích thật sự.

    Các thiết bị theo dõi sức khỏe của chúng ta như thế nào?

    Sự ra đời của các máy chăm sóc sức khỏe và các ứng dụng theo dõi giấc ngủ trên smartphone làm cho việc giám sát giấc ngủ trở nên dễ dàng hơn. Các thiết bị chăm sóc sức khỏe phố biến nhất hiện nay là vòng đeo tay của các thương hiệu như như Fitbit, Jawbone và Garmin.

    Các thiết bị này sẽ cho chúng ta biết về thời gian ngủ và chất lượng ngủ (được đánh giá dựa vào số lần bạn thức giấc vào ban đêm). Và tùy thuộc vào từng thiết bị mà nó có thể cho bạn biết thêm các thông tin như thời gian bạn rơi vào giấc ngủ sâu hay ngủ nhẹ là bao nhiêu.

    Các thiết bị và ứng dụng làm việc bằng cách sử dụng công nghệ gia tốc. Điều này có nghĩa là chúng sẽ cảm nhận các chuyển động của người dùng trong một khoảng thời gian xác định và áp dụng một thuật toán để biết được người đó đang thức hay ngủ.

    Chỉ có một vài nghiên cứu khoa học nhỏ liên quan đến vấn đề theo dõi thời gian và chất lượng giấc ngủ của con người. Hầu hết các thiết bị theo dõi giấc ngủ hiện nay không đủ thông minh để biết bạn có đang rơi vào giấc ngủ sâu hay chưa vì chúng chỉ đơn giản đánh giá mọi thứ căn cứ vào chuyển động. Ví dụ, khi chúng ta chuyển động mắt (ngủ mơ), cơ thể của chúng ta có thể không chuyển động cơ bắp nào trừ vùng xung quanh mắt. Lúc này, thiết bị thường đánh giá chúng ta đang ngủ sâu mặc dù sự thật thì ngược lại.

    Độ nhạy của các thiết bị cũng có nhiều điểm khác nhau, điều này không chỉ do khả năng phát hiện chuyển động của phần cứng mà còn do các thuật toán được nạp vào thiết bị. Trong cùng một trường hợp, có thiết bị sẽ cho là bạn đang ngủ nhưng lại có thiết bị đánh giá bạn đang tỉnh giấc.

    Mất ngủ

    Từ những phân tích trên, chúng ta nên bỏ qua các thiết bị theo dõi giấc ngủ? Cũng không hoàn toàn là như vậy, những thiết bị này ở một khía cạnh nào đó vẫn cho chúng ta đánh giá tổng quát về chất lượng giấc ngủ của mình, từ đó có kế hoạch cụ thể để cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân.

    Không ngủ được có thể là nguyên nhân lo lắng của nhiều người cho dù đó là kết quả của chứng rối loạn giấc ngủ hay do hội chứng ngủ chậm, do căng thẳng…Việc phải chú ý quá nhiều vào các ứng dụng theo dõi giấc ngủ có thể càng khiến bạn khó ngủ hơn.

    Cách tốt nhất là bạn hãy học cách đừng quá lưu tâm vào các ứng dụng theo dõi giấc ngủ. Việc ghi dữ liệu của những ứng dụng này thường không hoàn toàn chính xác, đặc biệt là thời gian bạn ngủ bao lâu hay thời điểm thức dậy nửa đêm. Rõ ràng, nếu bạn đang bị ám ảnh bởi các số liệu thống kê và nó đã trở thành một nguồn của sự lo lắng thì trong trường hợp này việc sử dụng các thiết bị theo dõi giấc ngủ lại có tác dụng ngược.

    Có nhiều cách để đánh giá được giấc ngủ mà không cần thiết phải sử dụng các thiết bị theo dõi, ví dụ, bạn hẳn phải cảm nhận được mình đã ngủ trong thời gian bao lâu hay đêm qua mình ngủ có ngon giấc không hoặc tình trạng sức khỏe của bạn sau khi thức giấc như thế nào… nếu cảm thấy có vấn đề về giấc ngủ, tốt nhất bạn nên tìm đến một chuyên gia y tế thay vì tin tưởng vào một thiết bị theo dõi.

    Tham khảo: gizmodo

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ