Biết đâu chúng lại có thể cứu cả thế giới.
Bạn còn nhớ nhân vật Người khổng lồ xanh (Hulk) trong truyện tranh và các loạt phim siêu anh hùng của Marvel? Nhà khoa học Bruce Banner sẽ biến thành một con quái vật với sức mạnh khủng khiếp, giật tung những cánh cửa và đập phá mọi thứ xung quanh mỗi khi anh tức giận.
Bây giờ, các nhà khoa học nói rằng: Những phân tử thuốc kháng sinh cũng có thể biến thành “người khổng lồ xanh” trong thế giới của chúng.
Trong bối cảnh vi khuẩn kháng kháng sinh đang xảy ra trên toàn cầu, rất nhiều loại thuốc của con người đã mất tác dụng, nhưng phiên bản “Hulk” của chúng thì không. Với sức mạnh gấp 11.000 lần trạng thái bình thường, "kháng sinh khổng lồ xanh" có thể xé toạc vi khuẩn trong tức khắc. Và biết đâu, chúng lại có thể cứu cả thế giới.
Kháng sinh cũng có thể được biến thành "người khổng lồ xanh"
Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học London (UCL), trong đó, các nhà khoa học tập trung quan sát sức mạnh của hai loại kháng sinh: vancomycin và oritavancin. Trên thực tế, oritavancin là một phiên bản “Hulk” của chính vancomycin, những phân tử kháng sinh này được tinh chỉnh lại để có một sức mạnh tăng lên đến khủng khiếp.
Trong thử nghiệm, oritavancin có thể giết chết vi khuẩn chỉ trong vòng 15 phút, những gì mà vancomycin phải mất từ 6 đến 12 tiếng mới có thể hoàn tất. Các nhà khoa học nhận định, nếu biến vancomycin thành oritavancin, kháng sinh này sẽ mạnh hơn bình thường tới 11.000 lần. Mặc dù cả hai đều có chung một cơ chế làm việc.
Tiến sĩ Joshep Ndieyra, tác giả chính của nghiên cứu, so sánh oritavancin như một “người khổng lồ xanh”. Ông nói: “Một số phân tử kháng sinh có sức mạnh ghê gớm, chúng giật bung cánh cửa khỏi bản lề và giết chết các vi khuẩn ngay lập tức”.
“Các lực mà oritavancin tạo ra thực sự có thể làm rách tế bào vi khuẩn và xé tọac nó”. Tiến sĩ Ndieyra nói thêm, phát hiện này sẽ giúp chúng ta có hy vọng trong một hướng nghiên cứu mới. Không cần tạo ra thêm kháng sinh, chỉ cần biến những kháng sinh hiện có thành những “người khổng lồ xanh” trong thế giới của chúng.
Một điều thú vị không kém, để có được sức mạnh ghê gớm, oritavancin cũng phải trở nên khổng lồ giống như Hulk. Chúng kết dính lại với nhau, hình thành lên từng cụm phân tử rồi bám vào bề mặt vi khuẩn, xé nó ra từng mảnh.
Các nhà nghiên cứu cho biết bề mặt vi khuẩn khuyến khích những trạng thái kết cụm này, do đó, thuốc kháng sinh trở nên hiệu quả hơn.
Công việc tiếp theo, Tiến sĩ Ndieyra và nhóm của mình đang tìm kiếm các loại thuốc kháng sinh khác có hiệu ứng tương tự, nhằm tạo ra cả một “thế hệ” kháng sinh mới. Nếu những loại kháng sinh đều có thể biến thành “người khổng lồ xanh”, chúng có khả năng sẽ đánh bại được những siêu vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh nhất.
Với sức mạnh gấp 11.000 lần, "kháng sinh khổng lồ xanh" có thể xé toạc vi khuẩn trong tức khắc
Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn chống lại được thuốc điều trị. Hiện tượng này khiến mọi bệnh nhiễm trùng đều trở nên nguy hiểm hơn, mà trong một số trường hợp là không thể chữa khỏi.
Đầu năm 2017, báo cáo về trường hợp một người phụ nữ Mỹ,tử vong vì vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh đã gây ra nhiều mối lo ngại. Tiến sĩ Alexander Kallen đến từ Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ngậm ngùi thừa nhận: Vi khuẩn đã chiến thắng được tất cả những gì mà nước Mỹ hiện có.
Tồi tệ hơn, đó không phải là một trường hợp đơn lẻ. Mỗi năm, kháng kháng sinh giết chết hơn 700.000 người trên thế giới, trong đó có 200.000 trẻ sơ sinh. Theo dự đoán của một dự án tài trợ bởi chính phủ Anh, tới năm 2050 kháng kháng sinh có thể bắt đầu gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn cả số người chết vì bệnh ung thư.
Bởi vậy, CDC từng gọi kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa cấp thiết nhất của thời đại. Năm ngoái, lần đầu tiên vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận trong một cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong đó, kháng kháng sinh được đánh giá ngang hàng với đại dịch Ebola và HIV/AIDS.
Kháng kháng sinh có thể gây ra hơn 10 triệu cái chết vào năm 2050
Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh phát triển mạnh. Bản thân các vi khuẩn có khả năng tiến hóa không ngừng để thích nghi với điều kiện sống chung với kháng sinh. Nhưng bởi sự lạm dụng quá nhiều của con người bắt đầu ngay từ thập niên 40-50, mà các loại thuốc trở nên nhanh mất tác dụng hơn.
Chúng ta đã sử dụng kháng sinh cho cả các bệnh như cảm cúm (bệnh gây ra bởi virus trong khi kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn). Mọi người không tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị. Và đặc biệt nhất là sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp, trộn vào thức ăn chăn nuôi như một loại phụ gia tăng trưởng.
Khi vi khuẩn có thể đánh bại ngay cả các loại thuốc dự phòng cuối cùng như colistin, các nhà khoa học phải cố gắng nghiên cứu để tìm ra loại thuốc mới. Mặc dù vậy, thực tế vài thập kỷ trở lại đây, các công ty dược phẩm không hề phát triển thêm được một lớp kháng sinh mới nào. Lý do vì đầu tư vào lĩnh vực này rất tốn kém mà lợi nhuận lại không cao.
Bây giờ, với phát hiện mới của các nhà khoa học tại Đại học College London, chúng ta sẽ có nhiều hi vọng hơn về tương lai. Bởi trong trường hợp tiếp tục không phát triển được thêm kháng sinh mới, quay trở lại tinh chỉnh phiên bản thuốc cũ cũng sẽ là giải pháp. Biến kháng sinh thường thành những “người khổng lồ xanh”, biết đâu chúng lại có thể cứu cả thế giới.
Tham khảo Iflscience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập