(Tổ Quốc) - Trí tuệ nhân tạo dường như đang muốn thay đổi lĩnh vực nghệ thuật một cách mạnh mẽ, như cách chúng đã thể hiện sự áp đảo trong bộ môn cờ vây.
Diễn đạt hình ảnh trong tâm trí bạn bằng một câu, càng chi tiết càng tốt, sau đó nhấp chuột, và chỉ trong vài giây, bạn đã có một bức ảnh đẹp với độ chi tiết cao. Tất nhiên, bạn cũng có thể chỉ nhập một vài từ mơ hồ, nhưng mô tả càng mơ hồ thì kết quả càng bất ngờ. Ngay cả khi bạn thậm chí không có cọ vẽ, bạn vẫn có thể "vẽ" ra một bức tranh "Đêm đầy sao" như của Van Gogh hay bức "Ấn tượng, mặt trời mọc" của Monet. Nếu giàu trí tưởng tượng hơn, bạn cũng có thể “vẽ”ra một củ hành tây theo phong cách cyberpunk, hoặc phong cảnh thủy mặc của Trung Quốc theo phong cách kinh dị Cthulhu.
Ngưỡng cửa dành cho nghệ thuật kỹ thuật số chưa bao giờ thấp đến như thế, cho đến khi con người phát minh ra hội họa AI (trí tuệ nhân tạo). Trong năm nay, một số hệ thống hỗ trợ vẽ tranh bằng AI đã trở thành chủ đề nóng nhất trong giới nghệ thuật và nhanh chóng lan truyền đến một số lượng lớn người dùng bình thường. AI dường như đang lật đổ nghệ thuật một cách mạnh mẽ, giống như cách nó đã phá vỡ trò chơi cờ vây.
Cũng như cách hệ thống AlphaGo đã lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa của trò chơi trí tuệ bằng cách học đi học lại nhiều lần các trận cờ vây, AI hội họa cũng đã hấp thụ tác phẩm được tạo ra bởi một số lượng lớn các nghệ sĩ, từ đó giúp người dùng dễ dàng tạo ra bất kỳ phong cách vẽ nào mà họ muốn. Và điều này đã khiến nhiều họa sĩ lo lắng. Rõ ràng, học vẽ cả đời mà giờ chẳng bằng người ta gõ vài chữ?
Lo lắng hơn nữa là những người dựa vào vẽ và thiết kế kỹ thuật số để kiếm sống, chẳng hạn như trong lĩnh vực trò chơi, phim ảnh, thiết kế công nghiệp và các ngành công nghiệp khác. Khi họ nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống vẽ tranh bằng AI, một tương lai u ám mang tên “thất nghiệp” dường như đang tới gần.
Nhưng sự phát triển nhanh chóng của hội họa AI đã kéo theo hàng loạt vấn đề về đạo đức. Khi tác phẩm của một nghệ sĩ được AI nắm bắt ngẫu nhiên và học hỏi từ Internet, tức là mỗi khi họ tạo ra một tác phẩm mới, họ lại đang chính tay đào tạo ra cho mình một đối thủ vô hình và mạnh mẽ. Nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối, nói rằng AI phải bị cấm sử dụng các tác phẩm của họ, nhưng các nhà phát triển phần mềm này đang bận túi bụi để nâng cấp cho hệ thống của mình, nên họ không có thời gian phản hồi.
Nghệ thuật sẽ chết?
Vào tháng 4 năm nay, Disco Diffusion, một chương trình vẽ tranh AI dựa trên nền tảng kỹ thuật của Google, bất ngờ trở nên phổ biến. Giao diện của Disco Diffusion khá kém thân thiện và hầu như không thể làm quen với những người không có kinh nghiệm lập trình. May mắn thay, một số cư dân mạng đã viết ra một bài hướng dẫn chi tiết, thay đổi các thông số cho đúng vị trí, để sau khi nhập lệnh bằng tiếng Anh và nhấp chuột để chạy, chỉ sau vài chục phút, bạn có thể nhận được tác phẩm hoàn thiện.
Sau đó, tổ chức Open AI đã tung ra đoạn video quảng cáo về hệ thống vẽ tranh bằng AI mang tên DALL-E2 của mình. Đoạn video này khiến nhiều người ngạc nhiên rằng AI có thể đã vẽ tranh đã đạt đến trình độ cao tới như vậy, và việc thao tác trên nó cũng dễ dàng hơn nhiều so với Disco Diffusion.
“Thật không thể tin được”, nhiều họa sĩ kỹ thuật số và blogger công nghệ đã phải thốt lên. "Tôi không thể tưởng tượng được sự tồn tại của thứ này.”
So với Disco Diffusion, độ chính xác và độ trong của DALL-E2 được cải thiện đáng kể. Trong ba hoặc bốn tháng sau đó, các công ty công nghệ Internet lớn lần lượt nhảy vào cuộc chơi. Google phát hành Imagen và Parti, Facebook phát hành Make-A-Scene, Microsoft phát hành NUWA và một công ty khởi nghiệp phát hành Midjourney... Tại Trung Quốc, Baidu cũng ra mắt một công cụ vẽ tranh AI mang tên Wenxin Yige.
Các hệ thống này mang trong mình những đặc tính riêng. Một số người cho rằng tác phẩm của Disco Diffusion thường nằm ngoài sức tưởng tượng của người dùng, đôi khi gây ngạc nhiên bởi dường như nó ấp ủ một tham vọng nghệ thuật riêng, Trong khi đó sản phẩm của Midjourney gần với trí tưởng tượng của mọi người hơn, có thể chuyển thể chính xác hơn hình ảnh trong tâm trí của mọi người.
Việc vẽ tranh bằng AI nhanh chóng được quảng bá một cách tự phát với tốc độ chưa từng có. Midjourney đã có 1,5 triệu người dùng và dự kiến sẽ con số sẽ tăng gấp 5 lần trong vòng một tháng. Và chính bản thân người dùng cũng đang không ngừng cải tiến công nghệ này trong quá trình tận hưởng bước nhảy vọt của bản thân từ tân binh thành họa sĩ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là các hệ thống này thể hiện sự tiến bộ với tốc độ cực nhanh. Tháng trước, kỹ năng vẽ khuôn mặt người của nó có thể còn thô kệch, nhưng giờ đây bạn khó có thể phân biệt tác phẩm của AI với một nghệ sĩ nhiều năm kinh nghiệm. Một số hình thức ứng dụng mới hơn cũng đã được phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như Dall-E có thể làm cho các nhân vật trong một bộ tranh AI trở nên nhất quán và có thể được sử dụng trong truyện tranh và hoạt hình. Tính năng Clip do Open AI xây dựng có thể trực tiếp sử dụng loạt tranh để làm thành ảnh động. Phim ngắn "The Crow" do Clip tạo ra đã giành được giải thưởng tại Liên hoan phim ngắn Cannes năm nay.
Và trong tháng 8, cuộc chiến về công nghệ vẽ tranh AI giữa các gã khổng lồ lớn đã bước sang một chương mới với việc phát hành Stable Diffusion. Không chỉ sở hữu khả năng vẽ tuyệt vời hơn dựa trên cơ sở dữ liệu 5,9 tỷ hình ảnh, mà còn vì nó là một phần mềm mã nguồn mở. Các nhà phát triển công nghệ toàn cầu đã có thể phát triển nhiều công cụ mới dựa trên các mô hình của họ, và các bức tranh AI đã tạo ra một hiệu ứng như vụ nổ hạt nhân. Ví dụ, trong tuần đầu tiên sau khi mã nguồn mở được đưa ra, một plug-in cho Photoshop dựa trên Stable Diffusion đã xuất hiện, dễ dàng đưa Photoshop vào kỷ nguyên của các bức tranh AI.
Nhưng cũng từ thời điểm này, các tranh cãi về những bức tranh do AI vẽ đã lan truyền từ Internet đến đời thực. Trong cuộc thi “Nghệ thuật kỹ thuật số” tại hội chợ bang Colorado ở Mỹ, một thí sinh tên là Jason Allen đã gửi bức tranh được thực hiện bằng AI mang tên "Théâtre D'opéra Spatial" và giành giải cao nhất. Có rất nhiều sự phấn khích và ủng hộ, nhưng các thí sinh khác và một số cư dân mạng đã tố cáo anh chàng này gian lận. Nhưng vấn đề là Allen đã không vi phạm bất kỳ quy tắc nào, tác phẩm cũng được ghi chú rõ ràng là “Jason Allen sử dụng công cụ Midjourney". Hơn nữa, ban tổ chức cuộc thi cũng chưa cho biết sẽ thu hồi giải thưởng.
“Nghệ thuật đã chết”, trong cuộc phỏng vấn sau cuộc thi, đối mặt với những tranh cãi nảy lửa, người đàn ông 39 tuổi này đã trả lời một cách cứng rắn: “AI thắng, con người thua”.
Các họa sĩ sẽ mất việc?
So với các hệ thống AI có khả năng chơi cờ và làm thơ, vẽ tranh bằng AI mang lại cảm giác tác động sâu hơn đến con người. Nó không chỉ thông báo rằng các cỗ máy đang đạt đến đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật, mà dường như nó còn có thể nắm bắt được nhiều hơn về tính thẩm mỹ, thứ mà con người tự hào. Bên cạnh đó, nó cũng thực sự là mối đe dọa đối với một số ngành nghề. Ví dụ, trong lĩnh vực đồ họa game, nghệ thuật phim và truyền hình, thiết kế công nghiệp và các lĩnh vực khác, AI dường như có thể thay thế các họa sĩ bằng một chút đào tạo và đôi khi trí tưởng tượng của nó thậm chí còn vượt xa con người. Trên Internet, một trong những câu hỏi được thảo luận nhiều nhất về các hệ thống AI vẽ tranh là: “Liệu chúng có khiến các họa sĩ thất nghiệp?”hay ”Nghệ thuật game có bị AI giết chết?”...
“Các họa sĩ có thể vẽ ra 100 loại đống gạch đá không hề bị lặp lại, nhưng AI có thể tạo ra ngẫu nhiên 10.000 loại để bạn chọn một cách từ từ", một họa sĩ làm việc trong lĩnh vực game cho biết. Cô cho biết nhóm của mình đã sử dụng Stable Diffusion để tạo ra các biểu tượng và hình ảnh đống đổ nát trong trò chơi. Đây là một công việc từng đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhân lực, nhưng nay đã có thể được đơn giản hóa thành chỉ cần một người ngồi chọn hình ảnh. Cô cũng sử dụng AI để thiết kế các huy chương trong game, bằng cách nhập từ khóa và treo máy qua đêm. Sáng hôm sau, thành quả nhận được sẽ là hàng nghìn sản phẩm. Cô cho biết hầu hết chúng có thể được đưa vào sử dụng ngay lập tức, trong khi những người lao động thủ công chỉ có thể vẽ được khoảng một chục hoặc hơn một chút mỗi ngày.
Và một trong những vấn đề đau đầu trong ngành công nghiệp game là rào cản giao tiếp giữa nhà sản xuất và nhân viên sản xuất nghệ thuật. Liang Qiwei, người sáng lập công ty khỏi nghiệp về game Lingyoufang, đơn vị sản xuất của series trò chơi Shadow Blade, nói rằng các nhà sản xuất thường không thể bày tỏ rõ ràng mong muốn của họ tới các nhân viên sáng tạo nghệ thuật, khiến họ chỉ có thể tự tìm hiểu mày mò. Điều này dẫn đến việc quá trình sản xuất bị lặp lại rất nhiều lần, gây tốn chi phí và mất thời gian. Nhưng với các hệ thống vẽ tranh bằng AI, chúng sẽ mang lại những thay đổi rất lớn. Trong giai đoạn thiết kế ban đầu, AI có thể tạo ra một số lượng lớn các bản phác thảo dựa theo các cài đặt về bầu không khí, ánh sáng, phong cách, kết cấu… Trên cơ sở này, nhà sản xuất và các nghệ sĩ có thể nhanh chóng hiểu được nhu cầu của nhau.
Ở Trung Quốc, ngành công nghiệp trò chơi là lĩnh vực đầu tiên thử nghiệm vẽ tranh bằng AI. Ngành này có yêu cầu cực kỳ cao về số lượng và hiệu quả của các nguồn tài nguyên nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp hiệu quả nào để làm thế nào để “chế ngự con quái vật” có khả năng vô hạn này.
Liang Qiwei gần đây đã suy nghĩ về vấn đề này và anh cho rằng các nền tảng AI này sẽ có ý nghĩa hơn đối với những người khởi xướng, hơn là đối với bên thực hiện nghệ thuật. Nói cách khác, cách vẽ bằng AI chỉ là thứ yếu, quan trọng hơn, AI sẽ cho chúng ta biết “nên vẽ gì”. Ví dụ, trước khi thiết lập một dự án, nhà sản xuất có thể giao những ý tưởng mà anh ta đã nghĩ ra cho AI, thêm một số từ khóa và thử nghiệm lặp đi lặp lại để xem những gì có thể được tạo ra và liệu nó có phù hợp với "cảm giác" mà mình mong muốn không. Và AI sẽ làm việc không biết mệt mỏi để đáp ứng bất kỳ yêu cầu phi lý này, giải quyết quá trình mà các nhà sáng tạo nghệ thuật thường coi là “cơn ác mộng”.
“Hãy tham gia nếu bạn không thể đánh bại nó”, Simon_Awen, một nhà thiết kế kiêm blogger công nghệ đã nói một cách lạc quan. “AI sẽ không khiến tôi thất nghiệp, mà nó sẽ giúp tôi có thể được nghỉ việc sớm hơn.”
Ban đầu, khi mới thử vẽ tranh bằng AI, anh nhận thấy rằng công nghệ này khá thô sơ, có thể giúp tạo các họa tiết nhưng yêu cầu anh phải thêm vào các chi tiết. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, việc vẽ tranh bằng AI đã có những bước phát triển nhảy vọt. Simon cảm thấy rằng giờ đây AI đã đạt đến trình độ của những họa sĩ tầm trung và điều này chắc chắn sẽ khiến một nhóm họa sĩ bị thay thế. Nhưng đây mới chỉ là vài tháng khởi động và sẽ không ai có thể tưởng tượng nó có thể đạt đến mức nào trong vài năm tới. Anh nhận ra nếu sử dụng công cụ này, chi phí phát triển các dự án nghệ thuật sẽ giảm ít nhất một nửa.
Và trên thực tế, một số họa sĩ sẽ không những không bị đào thải mà còn trở thành “bất khả chiến bại” vì giờ đây họ đã có trong tay một công cụ chưa từng có. Khi những họa sĩ quen thuộc với cách sử dụng và chỉ huy AI hội họa, các tác phẩm được tạo ra sẽ tuyệt vời hơn nhiều so với những bức tranh hiện nay. Bởi trong tay một người bình thường, AI thường mất kiểm soát, nhưng trong tay các họa sĩ, chúng giống như những con tuấn mã đã được thuần hóa. Simon_Awen nói: “Bạn có thể trở thành một nghệ sĩ rất giỏi được hỗ trợ bởi AI nếu bạn muốn.”
Tạo ra nghệ thuật hay ăn cắp nghệ thuật?
Khi mọi người nhập lệnh: “Cô bé, đầu to, Nara Yoshitomo”, AI sẽ vẽ ra một bức tranh giống với phong cách cổ điển của họa sĩ lừng danh Nara Yoshitomo chỉ trong ba giây. Nhưng, tác giả của bức tranh này là ai?
Đó là Yoshitomo Nara, người dùng hay lập trình viên đã viết mã cho hệ thống AI này? Khi tác phẩm cả đời của một nghệ sĩ được AI học và bắt chước một cách chính xác, thì nghệ sĩ đó có thể bảo vệ quyền của mình như thế nào?
Greg Rutkowski, một nghệ sĩ mỹ thuật người Ba Lan, đang tỏ ra lo ngại. Ông từng được biết đến với những tác phẩm giả tưởng hoành tráng theo phong cách sơn dầu, nhưng giờ đây các tác phẩm này đã trở thành chủ đề được nhái lại khá nhiều bởi Stable Diffusion. Khi ông tìm kiếm tên của mình trên Internet, tất cả các bức tranh hiện lên đều là tranh của AI và các tác phẩm của chính ông đã bị nhấn chìm. Chỉ trong một tháng, tên của ông đã được AI sử dụng hơn 93.000 lần làm từ khóa, trong khi những cái tên như Michelangelo, Picasso và Leonardo chỉ được sử dụng hơn 2.000 lần. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Rutkowski than thở rằng ông cảm thấy sự nghiệp của mình đang bị đe dọa.
Đối với mối quan tâm của các nghệ sĩ, David Holz, người sáng lập hệ thống vẽ tranh AI Midjourney, giải thích rằng điều đó là “hơi viển vông”.
Bởi theo Holz, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thậm chí muốn muốn AI có thể "đánh cắp" phong cách của họ tốt hơn, để nó có thể được sử dụng như một phần của quá trình sáng tạo. Rất nhiều nghệ sĩ cũng nói rằng họ cảm thấy công cụ này rất thú vị, bởi điều đó giống như một sinh viên nghệ thuật khi nó tham chiếu tên của một nghệ sĩ để tạo ra một bức tranh. Giống như cách một sinh viên nghệ thuật tạo ra thứ gì đó lấy cảm hứng từ một nghệ sĩ.
Nhưng không phải ai cũng thoải mái với chúng. Một nhóm họa sĩ vẽ tranh biếm họa Nhật Bản đã lên tiếng tố cáo tập thể và yêu cầu các nhà phát triển nghiêm cấm việc cho phép AI bắt chước phong cách vẽ của mình. Một số nghệ sĩ quốc tế thậm chí đang thành lập liên minh, hy vọng sẽ thúc đẩy các chính sách và quy định mới để quản lý các AI hội họa. Hai nghệ sĩ có trụ sở tại Berlin đã thành lập một trang web nơi mà các nghệ sĩ khác có thể tìm kiếm xem liệu tác phẩm của họ có được đưa vào cơ sở dữ liệu đào tạo của AI hay không. Cũng có một số tiếng nói kêu gọi ít nhất các nghệ sĩ phải được trả tiền, nếu không thể ngăn cản AI sao chép mình.
Tuy nhiên, trước sự phản đối của nghệ sĩ, các nhà phát triển AI hoặc chỉ đáp trả một cách chiếu lệ, hoặc đơn giản là im lặng.
Nghệ sĩ kỹ thuật số R.J. Palmer đã tranh luận với một nhà phát triển phần mềm AI trên mạng xã hội, nhưng sau đó bị người này “chặn” tài khoản. Palmer sau đó đã tuyên bố công khai rằng các nhà phát triển AI có trách nhiệm thu thập hình ảnh một cách có đạo đức để đào tạo AI của họ, chứ không phải là không ngừng đánh cắp chất xám của các nghệ sĩ.
Nghệ sĩ tự do Andy Bayo thì mô tả AI hội họa giống như một chiếc hộp Pandora. Ông tổng kết ba quan điểm tranh luận của mình là: Liệu có đạo đức không khi đào tạo một AI bằng số lượng lớn các tác phẩm sáng tạo có bản quyền mà không được cấp phép? Có đạo đức không khi cho phép mọi người tạo ra tác phẩm mới theo phong cách của các nhiếp ảnh gia, họa sĩ minh họa và nhà thiết kế mà họ không được bồi thường? Có đạo đức không khi tính phí dịch vụ dựa trên công sức của người khác?
Rõ ràng, ông chỉ có thể thảo luận vấn đề này trong lĩnh vực đạo đức, vì luật pháp vẫn chưa thể tác động điều chỉnh với những điều mới mẻ như thế này.
Nhưng một điều đáng lo ngại không kém là các bức tranh do AI tạo ra cũng cho thấy một số khuynh hướng nguy hiểm. Khi có thể được tạo và xuất bản tự do, người dùng có thể tạo ra những hình ảnh bạo lực và khiêu dâm đáng lo ngại. Bản thân người sáng lập Midjourney, David Holz, đã thừa nhận sự tồn tại của mối nguy hiểm này trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông. Ông cho biết mỗi khi đội vận hành nhìn thấy những bức ảnh như vậy, họ sẽ dọn dẹp và đặt lệnh cấm những từ nhạy cảm khi cần thiết. Nhưng đội ngũ kỹ thuật của Midjourney chỉ có mười người và những bức ảnh mà nó tạo ra đang tăng lên theo cấp số nhân mỗi phút.
Một mối nguy hiểm khác là chúng có thể tạo ra hình ảnh từ các khuôn mặt thật và biến đổi chúng. Stable Diffusion cho phép người dùng tạo hình ảnh chân dung người nổi tiếng, thậm chí cả ảnh khỏa thân. Thậm chí một trang web tạo hình ảnh khiêu dâm dựa trên Stable Diffusion đã xuất hiện.
Sau cái chết của Nữ hoàng Anh, nhiều người dùng đã tạo ra các bức ảnh của Nữ hoàng theo nhiều phong cách khác nhau để bày tỏ sự chia buồn của họ, nhưng cũng có một số người đã tạo ra những hình ảnh gây tranh cãi.
Vì Stable Diffusion là mã nguồn mở nên đội ngũ kỹ thuật không thể quản lý mọi thứ, vì vậy rất khó để hạn chế thông tin có hại dựa trên mô hình này. Mặc dù đã bị lên án nhiều lần, nhưng trong bối cảnh mọi thứ vừa mới bắt đầu như hiện nay, lợi thế cạnh tranh do tinh thần cởi mở này mang lại khiến đội ngũ phát triển khá e dè trong việc siết chặt hệ thống quản lý.
Tranh của AI có phải là tranh nghệ thuật?
Trong thập kỷ qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển nhảy vọt nhờ vào ba yếu tố quan trọng: Chip xử lý đồ họa (GPU), chức năng học sâu ( Deep Learning) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trong những năm 2010, hiệu suất của GPU được phát triển bởi các công ty như Nvidia cho trò chơi điện tử đã tăng ở mức báo động. Khả năng xử lý một lượng lớn các tính toán đã khiến nó là công cụ lý tưởng để sử dụng trong mạng thần kinh - các chương trình bắt chước cách tế bào trong bộ não con người tương tác. Hành vi học tập này cung cấp các năng lực nền tảng cho AI. Sự bùng nổ của dữ liệu lớn trong các lĩnh vực khác nhau trên Internet - ảnh, tranh, nhạc, cờ vây ... đã cung cấp nguồn tài nguyên vô tận, giúp AI dễ dàng nắm bắt được những thành tựu trí tuệ mà con người tích lũy được.
Công nghệ cơ bản cơ bản nhất của AI hội họa cũng giống như công nghệ của AlphaGo, một AI giỏi chơi cờ vây, là cả hai đều cho phép hệ thống tìm hiểu sâu các tác phẩm của con người, từ đó tạo ra các hành vi bắt chước. Cũng giống như cuộc tranh luận đi kèm AIphaGo, sự nghi ngờ và coi thường mạnh mẽ nhất đối với các bức tranh AI xuất phát từ sự nghi ngờ về tính độc đáo của nó. Nói cách khác, AI thiếu đi cái gọi là "hương vị con người" và do đó chỉ có thể tạo ra “hàng giả”.
Theo quan điểm này, AI không thể diễn tả cảm xúc tinh tế của con người, như không thể phác họa nụ cười yếu ớt của nàng Mona Lisa. Ngay cả khi một số chi tiết cảm động được AI tạo ra, sức hấp dẫn của nghệ thuật cũng sẽ mất đi vì chúng ta đã biết rằng chi tiết đó đến từ một thuật toán, chứ không phải là sự thể hiện nội tâm của người sống.
Tuy nhiên, với khả năng học hỏi của AI, liệu một ngày nào đó vấn đề này có thể được giải quyết?
Zhang Ji, một phó giáo sư tại Trường Nghệ thuật và Nhân văn của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, lại tin rằng đây thực sự là một mệnh đề sai lầm. “Tôi nghĩ nó không chỉ là con người, mà còn giỏi hơn nhiều người”, cô khẳng định. “Vì khả năng và tốc độ học của AI cao hơn người thường rất nhiều nên nó sẽ vẽ tốt hơn những người làm nghệ thuật thông thường".
Zhang Ji đã theo dõi nghệ thuật trí tuệ nhân tạo trong bảy hoặc tám năm qua. Năm 2016, khi Deep Dream của Google tổ chức triển lãm nghệ thuật trí tuệ nhân tạo đầu tiên, rồi năm 2018 nhà đấu giá Christie's đã đấu giá bức "Edmond de Belamy" do một nhóm kỹ thuật người Pháp tạo ra, cô cảm thấy những tác phẩm đó đều có những sai sót, nhưng thị trường lại công nhận chúng. Hiện tại, chất lượng của nghệ thuật vẽ tranh và hoạt hình bằng AI đã có một bước tiến lớn.
Người sáng lập Midjourney, David Holz, thì duy trì một sự khiêm tốn khi nói về nghệ thuật của AI. Ông tin rằng nghệ thuật thường là về những câu chuyện và cảm xúc, nhưng AI thì không có những câu chuyện và cảm xúc.
Từ xa xưa, nghệ thuật là khả năng độc nhất của con người, nhưng sau khi xuất hiện một siêu năng lực chưa từng có của con người như AI, liệu những tác phẩm do nó tạo ra có thể được gọi là nghệ thuật? AI sẽ thay đổi định nghĩa của nghệ thuật?
Khi AI tiến bộ nhảy vọt, câu hỏi triết học này có thể sẽ tồn tại trong nhiều năm. Một trong những góc độ được bàn luận nhiều là tác phẩm nghệ thuật có liên quan nhiều hơn đến tác giả hay với người thưởng thức. Theo một số quan điểm, ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật được tái tạo liên tục trong các tương tác của nó với độc giả, khán giả và người thưởng thức. Và nghệ thuật cũng như các khái niệm nghệ thuật chưa bao giờ ngừng việc tiến hóa. AI được coi như một hình thức nghệ thuật mới, và các hình thức nghệ thuật cũng sẽ định hình khái niệm mỹ thuật.
Trong hơn 100 năm qua, phong cách nghệ thuật cũ luôn bị đe dọa thường xuyên từ các công nghệ mới. Ví dụ như nhiếp ảnh, phim… nhưng nghệ thuật hội họa vẫn tồn tại, dù một số nghề như vẽ chân dung gần như đã tàn lụi. Các phần mềm hỗ trợ việc vẽ như Photoshop ra đời cũng đã gây ra một cú sốc khác, nhưng nghệ thuật vẫn tồn tại. Vậy lần này, liệu mọi thứ có khác gì không? Hãy để thời gian đưa ra đáp án.
Tham khảo Sina, iFeng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming