Khi AI lấn át nhiếp ảnh truyền thống: Máy ảnh thay bằng bàn phím, kĩ năng chụp không bằng trình độ đặt câu lệnh, tay ngang cũng có thể trở thành ‘nghệ sĩ’
Sự trỗi dậy của AI trong ngành nhiếp ảnh đặt ra nhiều tranh cãi, khi không ít nhiếp ảnh gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có nên chấp nhận những bộ ảnh tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo là một tác phẩm nhiếp ảnh, và những người đưa câu lệnh cho AI thực hiện là nghệ sĩ?
- Nghi vấn kỹ sư Google nghỉ việc sau khi phát hiện AI của Google "học lỏm" từ ChatGPT
- Elon Musk chê hiểu biết của Bill Gates về AI "hạn hẹp"
- AI nguy hiểm thế nào: Elon Musk và hơn 1.000 tinh hoa công nghệ yêu cầu dừng phát triển, chính ‘cha đẻ’ còn lên tiếng cảnh báo hiểm họa
- Blogger du lịch điểm tên một nơi ở Việt Nam 'trông không giống thật': Không phải ai cũng có thể đặt chân tới
- Sự đáng sợ của siêu AI: Sẽ khiến hàng trăm triệu người thất nghiệp, luật sư, nhân viên hành chính có nguy cơ cao nhất
Vào tháng 2/2023, làng nhiếp ảnh thế giới xôn xao trước thông tin Jos Avery - một 'nhiếp ảnh gia' nổi tiếng với gần 30.000 người theo dõi trên Instagram - thừa nhận rằng, những tác phẩm chụp chân dung của mình thực chất được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
"Tài khoản Instagram của tôi đã tăng vọt lên tới gần 12 nghìn người theo dõi kể từ tháng 10, nhiều hơn tôi mong đợi", Jos Avery thú nhận.
"Bởi vì đó là nơi tôi đăng những bức chân dung do AI tạo ra và do con người hoàn thiện. Có lẽ hơn 95% người theo dõi không nhận ra đây là ảnh do AI thực hiện. Tôi muốn tự mình làm rõ điều này."
Theo đó, Jos Avery đã đăng những 'bức ảnh' ấn tượng của mình từ tháng 10 năm ngoái, lừa dối những người theo dõi mình tin rằng rằng chúng là những bức chân dung chân thực — thậm chí còn mô tả cả thiết bị máy ảnh mà 'nhiếp ảnh gia' này sử dụng (một chiếc Nikon D810 với ống kính 24-70mm).
Hóa ra, 180 bức ảnh của Jos Avery đăng tải trên Instagram đã được chọn lọc từ 14.000 bức ảnh, vốn được tạo ra bởi MidJourney - một công cụ tổng hợp hình ảnh được hỗ trợ bởi AI khá phổ biến.
"Tôi tạo ra tới 85 bức ảnh để lọc ra một tấm ảnh có thể sử dụng được, và vứt bỏ toàn bộ những tấm không đạt chuẩn", Jos Avery thừa nhận.
Sau khi chọn ra bức ảnh ưng ý, Avery chỉnh sửa lại một lần nữa bằng phần mềm Adobe Lightroom và Photoshop, trước khi đăng tải lên trang Instagram của mình. Avery nhấn mạnh, mặc dù những hình ảnh này không phải là ảnh thực, nhưng chúng vẫn đòi hỏi rất nhiều tính nghệ thuật và chỉnh sửa từ phía anh để được coi là ảnh chân thực.
Công đoạn này khiến Jos Avery, vốn trước đó còn không có tên tuổi trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có cảm giác như mình là một người 'nghệ sĩ' trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
"Phải tốn rất nhiều nỗ lực để tạo thứ gì đó trông giống như được chụp bởi một nhiếp ảnh gia con người từ các tấm ảnh do AI tạo ra. Quá trình sáng tạo vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tay người nghệ sĩ hoặc nhiếp ảnh gia, chứ không phải máy tính.", Jos Avery chia sẻ với trang Ars Technica.
Vốn từng có rất nhiều hoài nghi ban đầu về AI, Avery dường như đã thay đổi quan điểm về loại hình nghệ thuật mới mẻ này.
"Thành thật mà nói, tôi cảm thấy rất mâu thuẫn," Avery thừa nhận. "Mục đích ban đầu của tôi là đánh lừa mọi người để giới thiệu AI và sau đó viết một bài báo về nó. Nhưng bây giờ nó đã trở thành một lối thoát nghệ thuật. Quan điểm của tôi đã thay đổi."
Trên thực tế, những 'nghệ sĩ' như Jos Avery không còn hiếm gặp. Họ được gọi là 'synthographer', vốn kết hợp giữa từ tổng hợp (synthesis) và nhiếp ảnh gia (photographer), mô tả về những người sử dụng các trình tạo hình ảnh AI để tạo ra các phương tiện kĩ thuật số. Họ hoạt động trong một lĩnh vực được gọi là synthography, tức phương pháp tạo phương tiện kĩ thuật số tổng hợp bằng cách sử dụng máy học.
Khác với các nhiếp ảnh gia truyền thống, vốn luôn quan tâm về góc chụp, không gian - ánh sáng, các synthographer trong thời đại AI lại tập trung vào một yếu tố khác. Họ quan tâm tới việc làm sao để tạo ra được một lời nhắc (prompt) hay từ khóa có độ chuẩn đúng như mong muốn và hình dung của mình về một bức ảnh. Để có được một bức ảnh đẹp, synthographer phải dành nhiều thời gian để mày mò với các prompt khác nhau, kèm theo đó là sự kiên trì và mức độ hiểu biết nhất định, theo chuyên trang về nhiếp ảnh kĩ thuật số PetaPixel.
Đương nhiên, sân chơi chính của các synthographer cũng khác các nhiếp ảnh gia truyền thống. Chẳng hạn, họ không đi tìm bối cảnh hoặc đối tượng phù hợp để thực hiện các bộ ảnh chân dung hay đường phố. Thay vào đó, các synthographer lại dành nhiều thời gian trên các nền tảng hoặc công cụ tạo hình ảnh từ văn bản như MidJourney, Stable Diffusion và DALL-E.
Đây là đều là những mô hình AI được đào tạo dựa trên cơ sở dữ liệu là những bức tranh của hàng trăm, hàng nghìn họa sĩ nổi tiếng khác nhau, giúp trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng và xây dựng nên những phong cách nghệ thuật cho riêng mình.
Nhờ cơ sở dữ liệu khổng lồ cùng thuật toán phức tạp, các công cụ AI này sẽ phân tích thông tin đầu vào của người dùng (nhập chuỗi mô tả để hướng dẫn tạo ảnh ở dạng văn bản) để tiến hành lấy dữ liệu và trả về kết quả là các hình ảnh.
Thực tế, những hình ảnh từ những nền tảng như MidJourney tạo ra đã gây sốt trong cộng đồng mạng và cả giới nghệ sĩ bởi tính nghệ thuật cao, khả năng phối màu và chọn bố cục đẹp mắt không thua kém gì những họa sĩ thực thụ. Nhiều người cho rằng, khi nhìn vào những bức tranh vẽ do AI tạo ra, họ khó có thể tin rằng đây là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Một số người thậm chí còn cho rằng, MidJourney "vượt trội trong việc nhanh chóng biến hình ảnh trong tâm trí thành hiện thực".
Tuy nhiên, sự xuất hiện của synthographer cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng nhiếp ảnh gia thế giới gần đây, trong bối cảnh các tác phẩm do AI tạo ra liên tiếp đoạt giải trong các cuộc thi nhiếp ảnh. Cụ thể, một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất, chính là việc liệu ảnh do AI tạo ra có được coi là một tác phẩm nhiếp ảnh, và synthographer liệu có thể coi là một nhiếp ảnh gia.
Theo đó, một số nhiếp ảnh gia truyền thống tỏ ra đặc biệt gay gắt trước việc một số synthographer như Jos Avery tự coi mình là một nghệ sĩ, hay một nhiếp ảnh gia.
Theo trang blog về nhiếp ảnh The Phoblographer, một bức ảnh phải là một sản phẩm được tạo ra bởi máy ảnh. Cho dù đó là một bức ảnh chụp bằng máy ảnh đời siêu cũ hay chiếc iPhone 14 Pro Max mới nhất, chúng đều được tạo ra sau khi ánh sáng đi vào ống kính của thiết bị. Thứ chắc chắn không phải là một bức ảnh là thứ không được tạo ra khi tiếp xúc với ánh sáng, chẳng hạn như những bức tranh siêu thực hoặc 'ảnh do AI tạo ra'.
"Đó có thể là một thứ gì đó, nhưng chắc chắn không phải là nhiếp ảnh. Bạn không bấm nút chụp ảnh, và máy tính cũng vậy. Bạn chỉ đơn thuần là nhập một tập hợp các từ vào một chương trình hoạt động dựa trên các tập dữ liệu và chương trình này sẽ tạo ra các pixel cho bạn", quan điểm được trang Phoblographer đưa ra trong một bài viết có tiêu đề "Hình ảnh do AI tạo ra không xứng đáng gọi là ảnh".
"Ngay cả khi hình ảnh do AI tạo ra sau đó đã được sửa đổi, photoshop hoặc chỉnh sửa – chúng vẫn do AI tạo ra là chính chứ không phải do người dùng tạo ra", Dirk Kultus, nhiếp ảnh gia người Đức phản bác quan điểm của các synthographer như Jos Avery về việc họ cũng nên được coi là một nghệ sĩ ảnh.
"Bạn chỉ cần cung cấp các thuật toán, sau đó tính toán kết quả dựa trên tính ngẫu nhiên và xác suất thuần túy trên một cơ sở dữ liệu nhất định do người khác tạo. Nó chỉ sửa đổi và thao tác các kết quả hiện có - văn bản, hình ảnh, bất cứ thứ gì - và tạo ra một biến thể hoặc sự kết hợp. Một quá trình gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các thuật toán của AI. Bạn, với tư cách là người dùng, chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế đến sản phẩm đầu ra", nhiếp ảnh gia Dirk Kultus chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, không ít nhiếp ảnh gia kỳ cựu trong nghề lại có cái nhìn trung hòa hơn trước sự chiếm lĩnh của AI trong lĩnh vực ảnh. Một số đưa ra quan điểm, AI nên được coi như một 'cánh tay nối dài', giúp các nhiếp ảnh gia dễ dàng tác nghiệp hơn. Đồng thời, AI sẽ mở ra cánh cửa cho những người mới dễ dàng bước vào bộ môn nhiếp ảnh
"AI giúp ích rất nhiều cho những người mới trong phần chỉnh sửa ảnh, nó rút ngắn đi thời gian làm việc để họ có tác phẩm cuối nhanh hơn, mình nghĩ đó là điều tốt. Thay vì phải học các phần mềm chỉnh sửa ảnh phức tạp và ngồi hằng giờ để chỉnh một tấm ảnh thì giờ đây, chỉ cần năm phút bạn có thể hoàn thành các bước đó một cách chuẩn xác. Điều này giúp những người mới bớt e ngại với nhiếp ảnh, giúp họ tự do sáng tạo hơn, có nhiều thời gian để chụp và cảm nhận hơn", nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung Vũ Mạnh Tuấn, hiện là Đại sứ Leica M tại Vietnam, nhận xét.
Đáng chú ý, trước các tranh cãi xung quanh synthographer, bản thân nhiếp ảnh gia này cho rằng những người đứng sau các tác phẩm làm bằng AI cũng có thể được coi là một nghệ sĩ.
"Đó là những tấm ảnh hoàn hảo, nhưng tất nhiên, sự hoàn hảo đó đều phụ thuộc vào người đặt ra câu lệnh, khi tìm hiểu kĩ thì chúng ta thấy những người đặt câu lệnh cho AI làm việc cũng là những nghệ sĩ xuất sắc và các bức ảnh đó đều mang phong cách riêng của họ", ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, anh Chu Việt Hà, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong lĩnh vực chụp ảnh đường phố (Street Life), khẳng định AI sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hiện thực hóa các ý tưởng.
"Nếu nhiếp ảnh gia biết cách biến sản phẩm do AI làm ra để làm ý tưởng cho dự án của bản thân, hoặc hiện thực hóa một sản phẩm nào đó mà bạn không thể thực hiện được thì nó hay chứ. Ví dụ, trong một giấc mơ, hoặc một khung cảnh, bối cảnh nào đó mà gần như bạn sẽ không bao giờ thực hiện được ở điều kiện bình thường, thì bạn có thể làm điều đó nhờ AI. Mình nghĩ là nó sẽ làm cho nhiếp ảnh gia giải tỏa được rất nhiều thứ", nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà đưa ra nhận định về việc các nhiếp ảnh gia trong thời đại AI sẽ tập trung hơn vào việc đưa ra câu lệnh thật chuẩn, thay vì trau dồi kĩ năng bản thân.
"Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia lạm dụng việc này, coi nó là một sản phẩm của bản thân và không dùng nó để sáng tạo thêm nữa thì mình lại không đồng tình với điều đó. Với quan điểm của mình, tất cả đều là công cụ và nó chỉ nên giúp cho việc sáng tạo hơn nữa của chúng ta", nhiếp ảnh gia này nói thêm.
Trước câu hỏi về việc liệu AI có thể vượt mặt hay thay thế con người trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhiều nhiếp ảnh gia có tiếng tại Việt Nam đều có chung một nhận định, các tác phẩm ảnh do AI tạo ra hiện tại vẫn chưa mang lại cảm xúc như các bộ ảnh do con người chụp. Song song đó, sự hoàn hảo quá mức của các bức ảnh do AI tạo ra khiến các tác phẩm thiếu đi 'cái hồn'.
"Lợi thế của con người là trải nghiệm thực tế, là cảm xúc thật. Và AI chỉ đang tái hiện một phần trải nghiệm, một phần ý nghĩ của con người mà thôi. Với mình, nhiếp ảnh không hẳn chỉ dừng lại việc đó. Ngoài ra, một cái nữa con người vẫn đang có lợi thế đó là sự "không hoàn hảo". Mình đã xem và thấy thì hầu hết sản phẩm AI đều mang đến những sản phẩm thật sự hoàn hảo. Tuy nhiên, cái mình thấy hay và cái tạo nên sản phẩm mà có cảm xúc nó lại từ những cái gọi là "không hoàn hảo" của con người", nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà đánh giá.
"Giá trị của nhiếp ảnh là lưu giữ những khoảnh khắc, ghi lại những tâm trạng, tình cảm và cảm xúc của nhân vật, sự kiện. Nên theo mình nghĩ, AI sẽ đồng hành cùng nhiếp ảnh trong thời gian sắp tới chứ không thể hoàn toàn thay thế được", nhiếp ảnh gia Vũ Mạnh Tuấn kết luận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI