Khi khoa học không tin vào máy tính, người đàn ông này đã góp công đảm bảo mọi phép toán đưa con người lên Mặt Trăng là đúng

    Dink,  

    Dennis Sager, một trong những bộ óc toán học cho phép nhân loại lên Mặt Trăng.

    Người ta vẫn có câu đùa khó như khoa học tên lửa, và trò đùa này dựa trên sự thật hiển nhiên: khoa học về tên lửa khó thật! Để đưa được phi hành gia lên không, mọi phép toán phải thật sự chính xác: từ đường bay của tên lửa, số Newton lực cần để tàu vũ trụ bay vượt lực hấp dẫn của Trái Đất cho tới … số kilogram hành lý phi hành gia có thể mang theo. 

    Phần lớn những phép toán phức tạp và nhiêu khê này đều chạy qua Tổ hợp Máy tính Thời gian Thực - Real-Time Computer Complex (RTCC), một căn phòng chất đầy sức mạnh tính toán do IBM dựng lên. Nhưng chỉ dựa vào sức máy, NASA đã không thể đưa được con người lên Mặt Trăng.

    Ngoài căn phòng RTCC, còn một địa điểm chứa sức mạnh tính toán siêu việt khác, đó là một căn phòng đầy ắp … các chuyên gia toán học, những người kiểm tra độ chính xác của những phép toán kết quả từ RTCC. 

    Khi khoa học không tin vào máy tính, người đàn ông này đã góp công đảm bảo mọi phép toán đưa con người lên Mặt Trăng là đúng - Ảnh 1.

    Dennis Sager.

    Nơi này có tên Cơ sở Phụ Tính toán trên Thời gian Thực - Real-Time Auxiliary Computing Facility (RTACF), đã hoạt động từ hồi Dự án Gemini - sứ mệnh bay lên Vũ trụ thứ hai của NASA và góp công lớn trong những sứ mệnh Apollo đầu tiên. Trong căn phòng sở hữu sức mạnh tính toán bậc nhất ấy, Dennis Sager là một trong những nhà toán học ít tuổi nhất đứng trong hàng ngũ chuyên gia.

    Họ có thể làm một việc tốt hơn cả máy, đó là sẵn sàng đối mặt với những yếu tố bất ngờ, ứng phó với mọi thay đổi có thể có trong một sứ mệnh vũ trụ phức tạp. RTCC phải chuẩn bị mọi đường bay và tính toán logic trước khi tàu cất cánh, còn RTACF túc trực sự kiện bay để đối phó tình hình một cách linh hoạt.

    Chúng tôi có khả năng tạo ra thay đổi thời gian thực ngay khi chuyến bay đang diễn ra. Chúng tôi có thể làm những thứ chưa ai nghĩ ra được trước khi tàu du hành lên không”, cựu chuyên gia toán học Dennis Sager cho hay.

    Dù biết rằng “Người tính không bằng trời tính”, nhưng nhóm làm việc cho RTACF vẫn cố gắng hết sức để ứng phó với “trời”: ví dụ như khi gió bão ảnh hưởng tới khu vực phóng tàu, họ phải tính toán ra vài đường bay của tên lửa khi nó đang ở vị trí hiện tại, để xem liệu có lỗi sẽ xảy ra hoặc phải hủy chuyến bay khẩn cấp. Tính chất tức thời của công việc khiến họ thường xuyên gặp bất ngờ.

    Khi khoa học không tin vào máy tính, người đàn ông này đã góp công đảm bảo mọi phép toán đưa con người lên Mặt Trăng là đúng - Ảnh 2.

    50 năm trước, Apollo 11 bay vào lịch sử nhân loại.

    Một trong những tình huống đó là ứng phó trước tàu du hành của người Nga. Trong thời điểm diễn ra sứ mệnh Mặt Trăng huyền thoại Apollo 11, Nga cũng đang nhăm nhe lên Mặt Trăng. Họ cho phóng tàu không người lái Luna 15, mục đích vượt mặt người Mỹ trong cuộc đua tới nhà chị Hằng.

    Họ dự định lên Mặt Trăng, nhặt vài viên đá rồi ném chúng về lại Trái Đất, và rồi họ sẽ có thể tuyên bố mình đã mang được đá Mặt Trăng về trước và chiến thắng Mỹ”, Sager nói. “Họ sẽ đi trước Apollo 11 khoảng một tới hai ngày”.

    Dù biết tới sự tồn tại của dự án Luna 15, nhóm các nhà toán học tại RTACF không biết quỹ đạo tàu du hành ra sao. “Chúng tôi tính toán đường bay của [Luna 15] để Apollo 11 có thể tránh nó hoàn toàn”, Sager nói. Họ làm được vậy là nhờ dữ liệu do đài thiên văn Anh Quốc cung cấp. Cuối cùng, Luna 15 đáp Mặt Trăng ở một địa điểm đủ xa, và chỉ vài giờ trước khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin bắt đầu chuyến hành trình trở về.

    Nhưng sau sứ mệnh Apollo 11, thời thế thay đổi, công nghệ ngày một tiên tiến hơn. Các nhà khoa học đã đặt đủ niềm tin vào máy tính để … khiến RTACF trở thành bộ phận thừa. Tới sứ mệnh Apollo 12, NASA cắt giảm nhân sự, đội ngũ RTACF chỉ còn 2 thành viên là Al Divalerio và Dennis Sager. 

    Theo lời Sager, DiValerio là một “ông già” dễ mến, và lúc đó mới … 34 tuổi. Điều đáng buồn xảy đến ngay khi Apollo 12 đang trên không, chuyên gia toán học DiValerio qua đời đột ngột tại nhà vì lên cơn đau tim. Vậy là Sager là người cuối cùng trấn giữ “cỗ máy tính toán” RTACF. Sager sớm nhận ra mình sắp trở thành phần thừa của ngành hàng không vũ trụ.

    Khi khoa học không tin vào máy tính, người đàn ông này đã góp công đảm bảo mọi phép toán đưa con người lên Mặt Trăng là đúng - Ảnh 3.

    Đây là Tổ hợp Máy tính Thời gian Thực, nhưng rồi nó cũng sớm bị cho về hưu, khi NASA có những cỗ máy tính toán mạnh mẽ hơn.

    Không lâu sau, Sager rời ngành để theo đuổi giấc mơ nghề thuốc. “Thời điểm đó, một làn sóng buồn ‘hậu Apollo’ quét qua nước Mỹ. Một lượng không nhỏ chúng tôi rời ngành kỹ thuật để vào trường y. Và vậy đó, tôi quyết định trở thành bác sĩ”.

    Thế nhưng Sager chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ vũ trụ dễ dàng thế. Nhiều năm sau, ông lại một lần nữa xin làm phi hành gia. Mọi thứ suôn sẻ cho tới khi thị lực yếu đã khiến Sager không thể cống hiến. Sager chẳng hơi đâu mà cắn rứt buồn bã, vẫn tự hào lắm khi được góp một phần công sức vào sứ mệnh Mặt Trăng lịch sử năm xưa.

    Làm việc với Apollo quả là một trải nghiệm khó tin”, ông nói. “Cũng chẳng phải tôi khám phá ra điều đặc biệt gì ở bản thân. Họ vẫn có thể lên Mặt Trăng mà chẳng cần tới công sức của tôi mà, việc tôi được tham gia vào sứ mệnh này quả là điều may mắn”.

    Tham khảo Technology Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày