Khi nghề ăn xin cũng hội nhập Tiktok: Tự quay clip khóc lóc, rách rưới để xin tiền online, chính phủ kêu gọi người dân nên đặt tình thương đúng chỗ
Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, nhiều TikToker tại Indonesia đã tạo các video livestream thể hiện sự khổ sở, nghèo đói nhằm lấy các món quà ảo để đổi ra tiền thật.
- ChatGPT có thể là ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử internet, phá vỡ kỷ lục của TikTok
- Các nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy lệnh cấm TikTok trên toàn quốc
- Chiến trường TMĐT 2022: Lượt truy cập Shopee gấp 5 lần Lazada, tất cả đều lỗ triền miên và nguy cơ mất doanh thu vào tay TikTok Shop
- Video trên TikTok bị ‘thao túng’ thành video triệu view thế nào?
- Chuyện gì đây: Các nhà quảng cáo từng bỏ sang TikTok đang đồng loạt quay lại với Meta nhờ một thứ từng bị công ty loại bỏ năm 2020
Đầu năm 2023, người dùng mạng xã hội ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã choáng váng trước số lượng người ăn xin trực tuyến ngày càng tăng, những người lợi dụng các tính năng tặng quà do TikTok cung cấp.
Nền tảng chia sẻ video ngắn này cho phép bất kỳ tài khoản nào có ít nhất 1.000 người theo dõi có thể quay video phát trực tiếp và người xem có thể thể hiện sự đánh giá cao bằng cách gửi những món quà ảo có khả năng chuyển đổi thành tiền thật.
Khóc trên môi trường ảo để lấy tiền thật
Không giống ngoài đời thực, nơi những người ăn xin ngồi nhiều giờ dưới cái nóng như thiêu đốt hoặc đi lang thang khắp nơi để xin tiền, nhiều trong số những người ăn xin trên TikTok, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, đổ nước sông bẩn lên người theo yêu cầu để đổi lấy quà ảo.
Song, khi những video tương tự được lan truyền vào đầu tháng này, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu những người đáng thương trong clip đang tự nguyện thực hiện hay bị người khác lợi dụng?.
Hình ảnh một người dân tắm bùn được chia trên mạng xã hội ở Indonesia với mục đích xin tiền người dùng mạng
"Người phụ nữ này có vẻ bị ép làm như vậy, thật tội nghiệp cô ấy", một người dùng TikTok để lại bình luận.
Trong video live stream khác, một số phụ số phụ nữ mặc quần áo đầy đủ thay phiên nhau tắm bùn, được ghi hình lại dưới tài khoản của người tên Sultan Akhyar. Tài khoản này đã bị xóa theo yêu cầu từ Bộ Thông tin và Tin học Indonesia.
Loạt video này nhanh chóng vấp phải sự phản ứng dữ dội ở quốc gia có hơn 99 triệu người dùng TikTok, cao thứ hai thế giới.
Ngày 19/1, Sultan cho biết lần đầu làm video tắm bùn với bạn bè nhằm kiếm chút tiền từ người theo dõi trên TikTok. Những người hàng xóm sau đó đề nghị được tham gia "vì nghèo và vướng vào nợ nần".
Ban đầu, Sultan giới hạn thời gian phát trực tiếp trong 1 tiếng nhưng sau đó kéo dài hơn khi thấy lượt xem tăng và quà tặng đến. Có thời điểm, nam TikToker thậm chí phát trực tiếp trong 24 tiếng.
Raimin, một trong những phụ nữ trong livestream, cho biết bà không bị ép làm vậy bởi cũng muốn kiếm tiền.
"Tôi nghèo, không có tiền mua nhu yếu phẩm, tôi sống một mình", người phụ nữ 66 tuổi nói, cho biết thêm đã làm việc này 5 lần, kiếm được 2 triệu rupiah (133 USD) cho mỗi lần lên sóng.
Một phụ nữ khác ở Gowa Regency, tỉnh South Sulawesi cũng gây chú ý khi tìm cách kiếm quà trên TikTok bằng cách cho đứa con 7 tháng tuổi uống cà phê hòa tan thay vì sữa. Bà mẹ đơn thân trước đó còn đăng video quay cảnh cho con ăn cơm chiên và gà cay, dù khai với cảnh sát rằng chỉ giả vờ làm vậy trước ống kính. Người phụ nữ làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng. Hiện các video của người này đã bị gỡ xuống.
Xã hội lên án, chính phủ vào cuộc
Tri Rismaharini, Bộ trưởng Nội vụ Indonesia, kêu gọi công chúng báo cáo các video tương tự cho chính quyền địa phương. Bà cũng kêu gọi các nhân viên ngăn chặn các hoạt động ăn xin, cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội nhằm lợi dụng người già, trẻ em, người khuyết tật hoặc các nhóm khác dễ bị tổn thương để chuộc lợi.
Muhammadiyah, nhóm Hồi giáo ôn hòa lớn thứ 2 tại Indonesia, nói rằng ăn xin và xin tiền, hàng hóa miễn phí hạ thấp danh dự con người, và điều này bị cấm trong đạo Hồi.
Các video đánh vào lòng thương hại của người xem - Ảnh minh họa: Shutterstock.
Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno cuối tuần trước đã kêu gọi những người sáng tạo nội dung tạo ra "nội dung hay với những giá trị tốt" không lợi dụng sự hào phóng của người Indonesia.
Bộ Truyền thông và Tin học đầu tuần này cho biết họ đã yêu cầu TikTok gỡ các video tắm bùn xuống. Bà Devie Rahmawati, nhà xã hội học tại Đại học Indonesia, cho biết những video như vậy có thể sẽ tiếp tục lan rộng, miễn là còn "có những người cảm thấy họ đã làm điều tốt bằng cách giúp đỡ trực tiếp những người ăn xin trên mạng".
"Trong thế giới kỹ thuật số, cách chúng ta giúp đỡ người khác đã thay đổi, chẳng hạn như tặng quà, biểu tượng hoặc tính năng. Những món quà này sau đó có thể được tận dụng bởi người yêu cầu giúp đỡ," bà nói.
Bà Devie kêu gọi chính phủ tuyên truyền cho người dân để đảm bảo các khoản đóng góp của họ được sử dụng đúng mục đích.
Về phần Sultan, người này đã xin lỗi về các video tắm bùn và cam kết tạo ra những nội dung mang giá trị tích cực trong tương lai. "Tôi sẵn sàng xóa mọi thứ để những người khác không làm theo. Tôi xin lỗi vì đăng tải những nội dung không hay lên tài khoản của mình", anh nói.
Trước đó, vào năm 2020, nhờ sự phổ biến của các nền tảng thanh toán trực tuyến, ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến tình trạng xin tiền online phát triển ở Mỹ.
Một sinh viên đại học xin tiền để mua đồ tạp hóa, một tài xế cần tiền sửa xe, một công nhân thất nghiệp vì Covid-19, một bà mẹ đơn thân cần tiền để trang trải học phí của con... Tất cả đều lên Twitter để xin. Không phải hàng nghìn USD, họ chỉ xin vài USD. Đây là số tiền lẻ mà những người trên mạng xã hội có thể dễ dàng cho, nhờ sự phổ biến của các nền tảng thanh toán điện tử.
Quá trình này diễn ra rất đơn giản. Ai đó đăng một bài viết trên mạng xã hội về nhu cầu tài chính của mình kèm thông tin chi tiết về nền tảng thanh toán ngang hàng thường sử dụng, gồm: Tên, số tài khoản hoặc đường dẫn liên kết. Sau đó nhờ bạn bè chia sẻ bài viết. Chỉ với vài cú nhấp chuột, một người lạ có thể tình cờ nhìn thấy bài đăng và hoàn tất việc cho tiền theo lời "kêu cứu". Trong trường hợp này, tiền được chuyển thẳng từ người cho đến người xin - một kiểu "ăn xin" hiện đại, nhanh gọn, mới mẻ.
Ăn xin trực tuyến ngày càng phổ biến trên mạng xã hội Mỹ, một phần nhờ sự phát triển của các nền tảng thanh toán điện tử
Để được nhiều người chú ý, những bài đăng tìm kiếm trợ giúp này được chia sẻ trên nhiều kênh khác nhau nhằm "tăng tín hiêu". Những nút "chia sẻ", "thích", "đăng lại" và "xuất bản" đa nền tảng đã tạo ra nhiều tiềm năng hơn cho nhu cầu ăn xin trực tuyến. Các nhà hảo tâm cá nhân là thành trì của "xu hướng ăn xin" loại mới.
Jenna Drenten, nhà nghiên cứu Xã hội học tại Đại học Loyola, Chicago nói: "Ngày càng nhiều người xin tiền trên Twitter, TikTok và Instagram thông qua những nền tảng thanh toán trực tuyến, như PayPal, Venmo, Cash App và Zelle". Điều này khác hoàn toàn với việc quyên góp từ cộng đồng. Đó không phải sự kiện gây quỹ trực tuyến, nhưng cũng không phải một hình thức đòi nợ. Đó là ăn xin trực tuyến.
Ăn xin trực tuyến khiến nhiều người sống bằng tiền lương chuyển sang sống bằng tiền đi xin. Một mặt nào đó, sự gia tăng của mô hình ăn xin trên mạng xã hội có thể làm thay đổi tư duy "người nghèo ăn xin". Nó cũng làm thay đổi ít nhiều những lầm tưởng về đạo đức, sự kỳ xoay quanh vấn đề nghèo đói.
Ở Mỹ, việc xin tiền người lạ vốn bị kỳ thị từ lâu. "Giấc mơ Mỹ" được xây dựng trên một niềm tin mãnh liệt rằng: Bất kỳ ai có lòng can đảm, đều có thể làm việc chăm chỉ để tự tồn tại. Chủ nghĩa cá nhân ngầm khẳng định rằng nếu bạn không làm được điều gì, đó là lỗi của chính bạn. Nếu cần đến sự trợ giúp, bạn phải tìm đến lòng hảo tâm của các tổ chức hoặc gia đình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín