Khi những người xây nên “giấc mơ vàng cho nước Nhật” phải chết trong đau đớn

    PV,  

    Giữa một đất nước giàu có và thịnh vượng như Nhật, sẽ thật khó có thể tưởng tượng rằng nhiều người già Nhật chết vì đói và tuyệt vọng

    Giáo sư Scott North thuộc đại học University of Chicago đã từng có nhiều năm ở Nhật để nghiên cứu về hiện tượng kodokushi. Ông chỉ ra rằng, mặt trái cho những năm tháng hoàng kim của Nhật Bản chính là đã tạo ra thế hệ những người rơi vào tình trạng này. Họ dành cả cuộc đời để cống hiến cho đất nước, tâm huyết đến mức không thiết lo đến hạnh phúc của cá nhân và cuối cùng chết trong đau khổ.

    Daisuki Nakamura cũng có quan điểm tương tự.

    Trong một lần đi dọn xác ở Nagoya, khi nhìn vào thân thể của người đàn ông 63 tuổi đang thối rữa trong nhà tắm, Nakamura không khỏi xót xa. Ông ấy từng là những “thanh niên vàng” của những năm kinh tế Nhật tăng trưởng bùng nổ, tâm điểm của những “giấc mơ Nhật”. Nào ai biết giấc mơ vàng nước Nhật cách đây vài thập kỷ giờ đây lại có cái kết cay đắng thế này.

    Thập niên 1970s - 80s, họ là những thanh niên trẻ trung, sức lực tràn trề hàng ngày đến công sở cống hiến để xây dựng nên nước Nhật hùng mạnh. Họ quên luôn cả những mối quan hệ bạn bè, gia đình vì công việc. Đến thập niên 1990, kinh tế Nhật bước vào khủng hoảng, họ bị mất việc. Đồng nghĩa với việc đó là họ bị gạt ra bên lề cuộc sống, không có người thân bạn bè, trợ cấp xã hội cực kỳ kém.

    Việc bước vào những căn hộ của “kodokushi” không khỏi để lại nhiều ấn tượng cực kỳ khó quên đối với người làm nghề nhặt xác. Cả căn hộ ngập tràn thiêu thân, rèm thường đóng kín bất kể mùa đông mùa hè. Và đặc biệt nhất, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ có dù chỉ là một mối liên lạc với người khác.

    Không có bức thư, ảnh cá nhân, ảnh gia đình, bưu thiếp, bức tranh hay số điện thoại của bất kỳ ai thân thích. Cảnh sát thường gặp rất nhiều khó khăn mới có thể tìm kiếm được ai đó tạm coi là “thân quen” để liên lạc xem họ có muốn nhận người thân không. Đáng tiếc trong phần lớn trường hợp, họ chỉ nhận được thái độ khá lạnh lùng. Cấu trúc gia đình Nhật đang tan vỡ quá nhanh.

    Đã suốt nhiều thế kỷ, người Nhật sống trong cấu trúc gia đình 3 thế hệ. Thế nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại đất chật người đông, sau Chiến tranh, tư tưởng tự do phương Tây tràn vào, con người đề cao sự tự do và quyền lợi cá nhân thì cấu trúc trên cứ dần tan vỡ.

    Tháng 12/2014, giáo sư ngành tâm lý học Yasuyuki Fukukawa tại đại học Waseda công bố một nghiên cứu cho thấy, vấn đề dân số già đang vượt quá sức chịu đựng của nước Nhật. Hiện cứ 5 người Nhật thì có 1 người trên 65 tuổi. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân rất đắt đỏ và hạ tầng còn rất yếu. Ước tính năm 2015 cho thấy hiện có khoảng 420 nghìn người Nhật đang chờ để được xếp giường bệnh.

    Văn hóa Nhật BẢn đề cao sự tự lập. Chính vì thế nhiều người dù không thể vào được bệnh viện nhưng không muốn làm phiền người thân. Chính vì thế họ chọn sống một mình và rồi chết cũng chỉ có một mình.

    Giữa một đất nước giàu có và thịnh vượng như Nhật, sẽ thật khó có thể tưởng tượng rằng nhiều người già Nhật chết vì đói. Họ quá yếu để đi mua thức ăn nhưng lại không chịu gọi ai giúp đỡ và cứ thế chịu đựng. Họ được dạy từ lúc bé, rằng nhờ người khác giúp đỡ tức là làm phiền. Chính vì thế cánh cửa nhà họ cứ mãi đóng chặt, cùng với nỗi buồn cô đơn giấu phía sau.

    Nơi ở của phần lớn những người chết cô đơn nhìn chung là giống nhau. Nó hết sức lộn xộn với túi ni lông, vỏ chai, vỏ gói mì ramen xếp dọc tường. Ngoài ra là rất nhiều bát ăn dở đã bốc mùi thiu thối. Những chiếc đồng hồ (nếu có) trong phòng thường đã ngừng chạy từ rất lâu và những tờ lịch cũng đã không còn ai động đến nó nữa. Tờ gần nhất của cuốn lịch sẽ cách đó 3-4 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào lần cuối cùng chủ nhân còn nhớ ra sự tồn tại của nó là khi nào.

    Nakamura cho biết ban đầu công việc nhặt xác thực sự là một cực hình đối với anh. Lần đầu tiên đi làm, chỉ bước vào căn phòng thôi anh và các cộng sự của mình đã quay ngay ra ngoài và nôn ồng ộc. Sau này họ còn phải cạo trọc đầu bởi khi về đến nhà dù tắm gội sạch sẽ đến đâu họ vẫn thấy có mùi tử khí đeo bám. Rồi có nhiều khi hình ảnh của người chết cứ ám ảnh trong những giấc mơ và trên mọi nẻo đường mà họ đi qua.

    Họ dằn vặt, đau khổ vì cảm thấy mình bất lực không thể ngăn được những cái chết một mình đó. Họ xót xa khi nghĩ đến những phút giây cuối cuộc đời của người mang đến “giấc mơ vàng nước Nhật” cay đắng đến thế nào.

    Nhiều khi họ băn khoăn liệu việc chuyển nghề có đúng hay không và liệu có phải mình đang hy sinh vô ích. Thế nhưng rồi thời gian trôi qua, họ cũng quen dần với thực tại cuộc sống đau buồn xung quanh mình và tiếp tục với công việc.

    Những người làm nghề nhặt xác sẽ chụp ảnh hiện trường và gom tất cả đồ đạc nói trên lại. Sau đó phun thuốc khử trùng và khử mùi đặc kín căn hộ để đảm bảo chất độc không bị vương lại.

    Trong nhiều trường hợp, đồ đạc đắt tiền sẽ được trả lại cho người thân thích nhất của người chết mà cảnh sát có thể tìm được. Thế nhưng thường khi phần lớn trong số họ không có liên lạc với ai đã nhiều năm. Khi đó, đồ đạc sẽ được trả lại cho chủ nhà để người đó bán kiếm lại chút tiền bù cho việc người đã khuất phải chịu nợ nần vì căn hộ. Chắc chắn tiếng dữ thường đồn rất xa, rất nhanh. Sau này rồi chẳng ai còn muốn thuê những căn hộ có vong hồn đó nữa.

    Năm này qua năm khác, công việc của những người dọn xác như Nakamura vẫn tiếp tục. Và bằng tất cả lòng thành kính của mình, những người như anh làm việc đó với sự tôn trọng người chết cũng như lòng biết ơn đối với sự cống hiến của những thế hệ trước cho nước Nhật. Không ai ghê tởm, ngần ngại hay phán xét.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ