Khó giải ngân quỹ 100 tỷ đồng vì Startup Việt chạy theo công nghệ, ít lựa chọn ngành cơ bản như nông nghiệp
Trong khi IDG, Cyber Agent… cùng các quỹ khác rót vốn khá mạnh vào các Startup Việt Nam, quỹ của SSI lại đang gặp khó trong vấn đề tìm Startup để giải ngân.
Việc quỹ 100 tỷ đồng của SSI dành cho Startup Việt Nam chưa tìm được chốn giải ngân, ông Nguyễn Khánh Quỳnh - Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết: Như một trào lưu, các Startup ở Việt Nam hiện chủ yếu theo lĩnh vực ICT (Công nghệ, Thông tin và Truyền thông)…, khá phù hợp với tiêu chí đầu tư của Cyber Agent, IDG… và các quỹ đầu tư mạo hiểm tương tự.
Trong khi đó, thực tế là không nhiều Startup lựa chọn các ngành nghề căn bản như nông nghiệp, thực phẩm – những lĩnh vực SSI ưu tiên rót vốn - do có nhiều rào cản về nguồn lực để gia nhập thị trường (như quỹ đất, tài chính, thương hiệu…) và quá trình xây dựng mất rất nhiều thời gian và công sức và khó có thể nhân rộng nhanh chóng.
Lý do thứ 2, theo ông Quỳnh, quỹ này khó giải ngân do các Startup trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thường bị ảnh hưởng bởi các start-up trong lĩnh vực công nghệ, internet…trong vấn đề định giá (valuation).
“Họ có thể kỳ vọng một mức định giá rất không hợp lý. Điểm khác biệt trong định giá hai loại hình doanh nghiệp này là khả năng nhân rộng và khả năng tăng trưởng nhanh”, ông Quỳnh nói.
“Với doanh nghiệp hàng tiêu dùng, thực phẩm, nông nghiệp…không thể nhân rộng nhanh như doanh nghiệp internet (có thể nhân hàng nghìn lần trong một tuần), mà đòi hỏi phải một quá trình lâu dài và bền vững để có được sản phẩm chất lượng, tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng và mở rộng được thị trường tiêu thụ”.
3 tiêu chí lựa chọn Startup để rót vốn
Theo ông Quỳnh, các Startup sẽ được ưu tiên rót vốn theo các tiêu chí sau:
- Lĩnh vực kinh doanh: Nông nghiệp, thực phẩm, hàng hóa & dịch vụ tiêu dùng, logistics…
- Đội ngũ sáng lập/quản lý nòng cốt (Founders/Key management team): Quỹ rất coi trọng yếu tố con người trong việc đánh giá các mục tiêu tiềm năng. Cho nên, đội ngũ nòng cốt của Startup phải là những con người giàu nhiệt huyết, có tầm nhìn và khát vọng làm lớn, tập trung cao vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Đội ngũ này cũng cần có cam kết với công ty để xây dựng và phát triển công ty trong một thời gian dài, không phải xây để bán.
- Giai đoạn phát triển của Startup: Đã có sản phẩm và thị trường (chưa cần có lợi nhuận, nhưng không còn chỉ là ý tưởng hay sản phẩm mẫu), đang cần vốn và các nguồn lực để nhân rộng, mở rộng quy mô.
Quỹ sẽ hỗ trợ các Startup được lựa chọn thế nào?
Theo ông Quỳnh, CTCP Tập đoàn PAN (nơi Chủ tịch HĐQT SSI – ông Nguyễn Duy Hưng - cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT) đang xây dựng và phát triển theo mô hình 3F (Farrm- Food- Family).
Do đó, đơn vị này có thể hợp tác bao tiêu sản phẩm của các Startup (và các doanh nghiệp vừa và nhỏ- SMEs) nếu các sản phẩm phù hợp với tiêu chí/cam kết của PAN về chất lượng, an toàn và kiểm soát nguồn gốc.
Bao tiêu sản phẩm, nếu phù hợp, chỉ là một phần trong các nguồn lực mà PAN/ SSI có thể hỗ trợ. Không chỉ đơn thuần hỗ trợ về tài chính, PAN/SSI còn hỗ trợ về khả năng quản trị hệ thống, xây dựng và thực hiện chiến lược và kế hoạch kinh doanh, đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững… - những yếu tố mà các Startup, SMEs của Việt nam đang còn thiếu.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về khả năng M&A Startup được hỗ trợ trong tương lai, ông Quỳnh cho biết: Về hợp tác đầu tư, Quỹ sẽ sở hữu khoảng từ 20-30% vốn điều lệ công ty Startup/SMEs, tùy từng trường hợp và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
“Việc hợp nhất hay không tùy thuộc vào ý chí, nguyện vọng của đội ngũ điều hành, của những người sáng lập, và cần phải xem xét dựa trên tiêu chí đầu tư của PAN ”, ông Quỳnh cho biết.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?