Bạn có thể viện lý do mình là người hướng nội để bào chữa cho sự lười biếng giao tiếp của bản thân. Nhưng có phải cứ hướng nội là sẽ ngại giao tiếp?
Gần đây, tôi đã làm một chuyện khiến tâm can mình giày vò khá nhiều.
À đâu, không phải, chính xác hơn phải là tôi đã không làm một chuyện.
Đầu đuôi là thế này,
Hôm ấy, tôi có mặt ở trung tâm bowling với mấy đứa bạn. Cùng thời điểm ấy, một nhóm bạn khác cũng đến trung tâm.
Họ là những người mà tôi đã từng rất thân thiết trong quá khứ.
Nếu dựa vào khoảng thời gian vui vẻ trước đây, đáng lẽ ra tôi phải thật mừng rỡ khi nhìn thấy họ, sẽ phải hò reo và nhảy cẫng lên sung sướng trước cuộc chạm trán bất thường mang đầy tính kịch bản của định mệnh này. Nhưng không, mọi sự lại rẽ sang một hướng khác biệt không tí màu sắc, cũng chả chút cảm xúc dâng trào. Đó là một tối lặng yên đến chẳng còn gì bất ngờ.
Một người trong số nhóm bạn ấy đã chuyển đi được một thời gian dài, bỗng nhận ra tôi. Cậu ta bước gần đến, giơ tay ra hiệu và chào tôi một cách thân tình. Chúng tôi có nán lại nói dăm ba câu chuyện, cho đến khi tới lượt ném bóng của tôi thì cậu lịch sự rút lui về nhóm.
Chiếu theo những gì được quy ước trong cuốn "Cẩm nang về phép tắc giao tiếp cơ bản dành cho trẻ lên 3" mà xã hội tự vẽ ra, đến lượt tôi sau khi kết thúc lượt ném sẽ tới chào hỏi nhóm bạn cũ, chứ không phải ngồi ì ở đấy đợi cả nhóm từng bạn ra chào như sao hạng A tới phát tặng chữ ký.
Vấn đề là tôi không nhích cái thân hình lên để chào hỏi họ.
Sự lo âu xích tôi lại ngay chỗ tôi đứng, không cho phép tôi nhúc nhích ra để tái hợp những người từng là bạn thân. Khoảnh khắc ấy bỗng dưng tôi trở thành con vịt xấu xí đang cố thu mình che giấu bản thân với cộng đồng. Bản thân tự sản sinh cảm giác sợ sệt, lo lắng không biết nên nói gì, hỏi gì, sợ sệt trước sự ngượng ngùng của tình huống gặp nhau giữa những người bạn cũ mất liên lạc lâu ngày. Thế là tôi không thể tự mình tiến đến tiếp cận họ.
Sau một tiếng đồng hồ bứt rứt khó chịu, cố gắng để không ai trong số đó nhận ra sự tồn tại của mình, cuối cùng tôi cũng đủ dũng cảm để liếc mắt sang đường băng bên ấy. Thật tuyệt vời là họ đã rời đi tự lúc nào.
Ừ thì bạn có thể bĩu môi phì phọt một cái: "Ôi giời cái chuyện thường hơn cả cân đường hộp chân gà sả ớt này thì có gì để mà kể", tôi biết, và tôi cũng hiểu.
Tuy nhiên, rắc rối ở đây là sau sự việc ấy, tôi không thể ngưng nghĩ về chuyện đã xảy ra. Tại sao tôi lại cảm thấy như vậy, tại sao tôi lại không thể hành động vậy? Suốt những ngày hôm sau tôi không thể dừng được câu hỏi trong đầuđầu: "Mình bị cái quái gì thế nhỉ?"
Tại sao tôi lại tách biệt với quá khứ của mình, tách biệt khỏi tuổi thơ đã từng rất vui vẻ với nhau của mình, tách biệt khỏi cái quãng thời gian mà cả đám không ai cảm thấy mình là người ngoài. Chẳng nhẽ theo thời gian, tự tôi đã xây dựng cho mình pháo đài cô độc và cũng tự nhốt mình trong đó, chẳng giống như Rapunzel cố thoát ra với mái tóc mây diệu kỳ, mà rõ ràng là tôi cố thủ trong ấy chẳng chịu mở lòng.
Hay là vì cái lối sống tự lập của tuổi trưởng thành đang dần rẽ sang hướng cô độc, khiến cho việc chạm trán thân tình giữa những con người thân quen nhau tự dưng trở thành bài kiểm tra căng thẳng của ý niệm.
Tôi là người hướng nội, vấn đề là ở đó.
À khoan, thực chất không phải thế.
Vấn đề thực sự là tôi biết rằng tôi là người hướng nội.
Và từ đấy, tôi sử dụng sự hướng nội của mình như một tấm khiên chống lại bất cứ sự dò xét, hay trách móc dành cho sự khép kín của bản thân. Giống y như những gì mà người hướng nội thường làm: ỷ mình sống nội tâm nên nhất quyết khước từ giao thiệp bên ngoài.
Tôi, và các bạn, những đồng chí trong đội quân hướng nội, dường như đã quên rằng bản chất của sự hướng nội là một phương thức tạo ra năng lượng cho bản thân mỗi người, tức là nếu người hướng ngoại lấy năng lượng từ những hành động tiếp cận thế giới, con người, xã hội bên ngoài thì chúng ta, những người hướng nội, có xu hướng tự tạo năng lượng cho chính mình. Hướng nội đâu phải là sự sắp xếp vị trí cộng đồng đâu?
Chúng ta quan niệm rằng sự hướng nội là rào cản ngăn cách bản thân đến với sự thành công trong các hoạt động giao tiếp xã hội. Giống như những con ốc mượn hồn cố co cụm mình trong một lớp vỏ bọc mà chúng tìm thấy, trong khi bản thân chúng có thể "trần trụi" để tiến ra thế giới bên ngoài.
Khi chúng ta cứ cố nói với bản thân những điều như trên, khi ấy tự cái sự hướng nội của chúng ta sẽ biến thành sự bào chữa vụng về cho bất cứ sai lầm giao tiếp nào mà chúng ta gặp phải. Dần dần, nó trở thành cái cớ để chúng ta được dại dột, được khó gần, được chống lại xã hội.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự ích kỷ, biến thành cái cảm giác thèm muốn được dành thời gian cho bản thân, bỏ quên các kết nối xã hội.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự thô lỗ. Chúng ta sẽ cảm thấy việc tương tác với người khác trở thành cái gì đó năng nề khó nhọc, đôi khi là chướng ngại, là vật cản.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự hèn nhát. Chúng ta bị ngăn cách khỏi cộng đồng bởi một bức tường vô hình mang đầy nỗi sợ hãi rằng bất cứ điều gì mà chúng ta làm cũng sẽ đem lại toàn thảm hoạ.
Như vài người bạn hướng ngoại của tôi (yên tâm, họ hướng ngoại đến phát điên) đã trấn an tôi rằng, chuyện đó xảy ra với rất nhiều người. Vậy tức là hướng nội không phải lý do để dẫn đến việc tôi không dám bước tới và nói tiếng xin chào.
Cái tối hôm ấy ở trung tâm bowling, tôi không phải là một gã hướng nội.
Tôi hôm đó tôi là một gã nhát chết, thô lỗ và ích kỷ.
Tôi không bao giờ muốn trở thành kẻ đó một lần nào nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4