Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình

    Thanh Long, Thể thao & Văn hóa 

    Năm 2006, các bác sĩ Thụy Sĩ báo cáo một trường hợp kỳ lạ trên tạp chí Research Report. Trong đó, một bệnh nhân có khối u não nói rằng ông nhìn thấy tới bảy bản thể của mình cùng hiện diện trong một căn phòng.

    Nếu bạn từng có những cảm giác kỳ lạ này, thì bạn không hề đơn độc: Bước vào một căn phòng khách sạn, hoặc đôi khi là chính căn nhà mình và cảm thấy có "ai đó" đang ở trong – mặc dù khi bạn tìm xung quanh thì chẳng có ai cả - bạn rõ ràng là đang ở một mình.

    Tương tự, đi qua một con phố tối tăm và cảm giác như có người đang đi sau lưng mình, nhưng khi bạn ngoảnh mặt lại thì con đường vẫn trống trơn, không hề có ai hết.

    Đáng sợ nhất là cảm giác thức dậy khi đang ngủ, và giật mình khi thấy có người đang ở ngay bên cạnh mình, lặng lẽ ngồi đó từ lâu mà không phát ra bất kỳ âm thanh hay tiếng động nào.

    Nhưng một lần nữa, khi bạn dụi mắt thì hình bóng đó biến mất. Giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bạn không biết đâu mới là sự thật – Liệu có phải đúng là có ai đó vừa ngồi bên cạnh giường của bạn không?

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 1.

    Giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bạn không biết đâu mới là sự thật – Liệu có phải đúng là có ai đó vừa ngồi bên cạnh giường của bạn không? Ảnh: Theconversation.

    Hầu hết mọi người khi rơi vào một trong những tình huống này đều nghĩ rằng mình đã gặp ma. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết: Tất cả những cảm giác được coi là tâm linh đó đều có thể được giải thích bằng khoa học thần kinh ở thế kỷ 21.

    Cảm giác có "ai đó" vô hình đang hiện diện thực chất đến từ một gián đoạn trong não bộ, liên quan đến các vùng não đang làm nhiệm vụ nhận thức vị trí của bạn trong không gian.

    Một báo cáo kỳ lạ trong y văn: Người đàn ông nhìn thấy 7 bản thể của mình trong cùng một căn phòng

    Đó là trường hợp của một nghệ nhân làm gốm 41 tuổi người Thụy Sĩ, được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Zurich báo cáo trên tạp chí Research Report vào năm 2006. Bệnh nhân được đặt biệt danh là "PH" đến phòng khám với triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, ăn không ngon.

    Thỉnh thoảng, ông ấy gặp phải những cơn co giật và chính những cơn co giật này đã đem ông đến gặp bác sĩ. Tại phòng khám, PH mô tả lại một trong những ký ức sống động nhất của ông ấy, một sự kiện xảy ra ba tháng trước mà ông tin rằng đó chính là khởi điểm của căn bệnh.

    Vào một đêm khi đang ngủ, ông PH đột nhiên thức dậy và thấy cơ thể mình bị chia làm hai phần: Nửa bên trái cơ thể vẫn bình thường, trong khi nửa bên phải bị tách ra cả về mặt vật lý lẫn ý thức.

    Bên cạnh nửa bên phải cơ thể, PH còn nhìn thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Không hiểu tại sao bệnh nhân cảm thấy người đàn ông này cũng là một phần của chính mình, mặc dù ông ấy trông già hơn, có mái tóc vàng khác màu.

    Tò mò, PH đứng dậy, đi về phía người đàn ông tóc vàng để nhìn rõ mặt ông ta. Nhưng kỳ lạ thay, khi ông đứng dậy thì người đàn ông kia cũng đứng dậy, khi PH nhìn sang phải thì người đàn ông tóc vàng cũng nhìn sang phải.

    Bản thể này lặp lại y chang những hành động của PH.

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 2.

    Mô phỏng cảm giác hiện diện của bệnh nhân PH. Bằng linh cảm, ông nghĩ rằng có tổng cộng 7 người đang xuất hiện trong phòng cùng mình- bao gồm một cậu bé thoắt ẩn thoắt hiện. Nguồn: ResearchReport.

    Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi PH cố gắng nhìn rõ người đàn ông tóc vàng, ông chợt nhận ra phía bên phải ông ấy còn có cả một nhóm người nữa. "Cách mình khoảng 2 mét, tôi nhìn thấy một người phụ nữ khoảng 50 tuổi nữa với bím tóc vàng. Cách thêm 4 mét nữa có hai cô gái, cả hai đều trạc 20 tuổi", PH thuật lại.

    Và cuối cùng, cách 20 mét về phía cuối căn phòng, ông nhìn thấy một cậu bé không rõ tuổi. Cậu bé này thường đứng ở ranh giới lập lờ giữa sáng và tối, đôi khi xuất hiện, đôi khi biến mất.

    Bằng linh cảm, PH nghĩ rằng có tổng cộng 7 người đang xuất hiện trong phòng cùng mình. Cả 7 người đều có mối liên hệ với nhau và với ông. PH gọi họ là một "gia đình", tin rằng cả gia đình này đang "chia sẻ cùng linh hồn" với mình.

    Bằng chứng là khi PH đứng dậy, tất cả những người khác đều đứng dậy, khi ông quỵ gối, tất cả đều quỵ gối. Khi PH nhìn sang phải, tất cả đều nhìn sang phải, chỉ trừ hai cô gái sẽ đứng nói chuyện với nhau trong khi nhìn về phía ông ấy.

    Ở khoảng cách xa nhất về phía cuối căn phòng, cậu bé nọ là bản thể duy nhất có hành động tương đối tự do. Cậu bé ấy thoải mái chơi đùa, thoắt ẩn thoắt hiện và khá độc lập với hành động của PH.

    Điều gì đã xảy ra với người đàn ông này?

    Với báo cáo kỳ lạ của PH, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Zurich đã cho ông ấy thực hiện một loạt các xét nghiệm, chụp ảnh não bộ và kiểm tra nhận thức. Kết quả cho thấy thị giác của ông ấy hoàn toàn bình thường. PH cũng hoàn thành tốt các bài kiểm tra trí nhớ, tâm lý và thần kinh.

    Duy chỉ có ảnh chụp cắt lớp não cho thấy người đàn ông này có một khối u ở bán cầu não trái. Khối u hiện đã xâm lấn và ảnh hưởng đến hai khu vực, thùy đảo sau và vùng khớp nối thái dương đỉnh (temporalparietal junction-TPJ).

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 3.

    Ảnh chụp CT cắt lớp não cho thấy người đàn ông này có một khối u ở bán cầu não trái. Nguồn: ResearchReport.

    Các bác sĩ cho biết có thể đây chính là nguyên nhân khiến PH nhìn thấy các bản thể khác nhau của mình cùng hiện diện trong căn phòng. Thùy đảo sau là vùng não có chức năng xử lý thông tin nội bộ của cơ thể. Nó liên quan đến việc bạn cảm nhận cơ thể mình, từ nhịp tim đang đập trong lồng ngực đến linh cảm và trực giác trong nhận thức.

    Còn khớp nối thái dương đỉnh là nơi mà thùy đỉnh và thùy thái dương trong não bộ gặp nhau. Tại đây, não bộ chúng ta xử lý một loạt các thông tin về giác quan, cho phép nó vẽ ra một bản đồ định vị vị trí của chúng ta trong không gian.

    Hãy làm một thí nghiệm nhỏ với vùng não này bằng cách nhắm mắt lại. Có phải bạn vẫn lờ mờ hình dung được bạn đang ngồi đâu trong căn phòng, đồng thời biết vị trí của các vật cản, bàn ghế, giới hạn của những bức tường đúng không?

    Bây giờ, tiếp tục lấy tay phải chạm vào vai trái, khủy tay trái thậm chí vị trí của từng ngón tay trái của bạn. Nếu khớp nối thái dương đỉnh của bạn hoạt động tốt, bạn hoàn toàn có thể làm được những động tác này một cách chính xác mà không cần mở mắt.

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 4.

    Đó chính là cách mà TPJ xác định ranh giới cơ thể của bạn với không gian bên ngoài, định vị chúng đang ở đâu trong phòng và vẽ ra một bản đồ ảo thể hiện sự hiện diện của mình trong thế giới.

    Bằng thí nghiệm trên tình nguyện viên, các nhà khoa học đã chứng minh được những kích thích vào vùng khớp nối thái dương đỉnh sẽ tạo ra những trải nghiệm kỳ lạ, trong đó, người bị kích thích có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy chính cơ thể mình từ một góc nhìn khác.

    Kích thích TPJ ở bán cầu não trái sẽ tạo ra một chiếc bóng phía sau tình nguyện viên, trong khi kích thích TPJ ở bán cầu não phải sẽ tạo ra cảm giác bên ngoài cơ thể (Out of Body), khiến tình nguyện viên báo cáo cảm giác nhìn thấy chính mình từ góc nhìn của người thứ ba:

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 5.

    Một thí nghiệm tái tạo sự hiện diện của người khác trong phòng

    Trở lại với PH, bệnh nhân này có khối u đang chèn ép khớp nối thái dương đỉnh ở bán cầu não trái. Do đó, các bác sĩ nghi ngờ nó đã làm rối loạn hoạt động của TPJ, khiến người đàn ông nhìn thấy một loạt các bản thể xuất hiện phía bên tay phải của mình.

    Y văn cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự, chẳng hạn như một bệnh nhân bị đạn bắn vào não trái năm 1959 nói cơ thể mình sau đó đã bị chia tách thành ba phần. Bản thân ông ấy nhìn thấy hai bản thể khác của chính mình ở bên trái và bên phải cơ thể vật lý đang hoạt động.

    Năm 1924, một nữ bệnh nhân tâm thần phân liệt 32 tuổi thậm chí đã nhìn thấy "bảy bản thể thoát ra khỏi mình, người này nối tiếp người kia… Tất cả họ đều trông giống tôi và họ bắt chước lại hành động giống với suy nghĩ của tôi".

    Nhưng có một sự thật là bạn không cần phải có một khối u não, bị đạn bắn vào đầu hay mắc tâm thần phân liệt thì mới có thể cảm nhận được những hiện tượng kỳ lạ này.

    Năm 2014, nhà thần kinh học người Thụy Sĩ Olaf Blanke đã thực hiện một thí nghiệm cho thấy não bộ con người rất dễ bị đánh lừa để tạo ra ảo giác phân thân hoặc cảm thấy sự hiện diện của một người lạ trong phòng.

    Thí nghiệm liên quan đến một robot "chủ/tớ", có khả năng bắt chước hành vi của nhau:

    Robot được sử dụng trong thí nghiệm

    Người tham gia thí nghiệm sẽ lần lượt đứng vào giữa hai robot này. Họ điều khiển robot chủ, trong khi robot nô lệ lặp lại đúng các chuyển động của robot chủ, tạo ra những cú chọc vào lưng tình nguyện viên.

    Khi các cú chọc đồng bộ với nhau và không có thời gian trễ, các tình nguyện viên bị bịt mắt báo cáo một cảm giác kỳ lạ, trong đó, họ cảm thấy như thể mình đang đứng đằng sau và chọc vào lưng của chính mình:

    Điều gì xảy ra khi các cú chọc đồng bộ?

    Thế nhưng, khi robot nô lệ được lập trình lại để tạo ra các cú chọc có độ trễ và không đồng bộ với robot chủ, cảm giác kỳ lạ bị biến thành có ai đó trong phòng đang đứng phía sau họ và thực hiện những cú chọc:

    Cảm giác kỳ lạ xuất hiện khi những cú chọc không đồng bộ

    Ảnh quét não được thực hiện trong quá trình thí nghiệm tiếp tục xác nhận vùng khớp nối thái dương đỉnh có liên quan đến cảm giác hiện diện này. Một số bệnh nhân Parkinson tham gia vào thí nghiệm là những người bị ảnh hưởng nặng nhất.

    Các nhà khoa học giải thích: Bất cứ khi nào chúng ta thực hiện một chuyển động, bộ não của chúng ta sẽ đưa ra một loạt dự đoán về những gì sẽ xảy ra với các giác quan của chúng ta. Ví dụ khi bạn chuẩn bị vỗ tay, bộ não của bạn đã sẵn sàng cho một hình ảnh và âm thanh mới, tất cả đều xảy ra vào đúng thời điểm.

    Nhưng nếu bạn làm hỏng điều đó, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Robot đang phá vỡ những kỳ vọng giác quan của bạn. Nó khiến cho bạn bắt đầu cảm thấy những gì bạn làm xuất phát từ một người khác.

    Rất nhiều bệnh nhân Parkinson thường ngày vẫn báo cáo họ cảm nhận được có ai đó khác đang ở trong phòng với mình. Điều này khiến họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những cú chạm ảo của robot. 

    Hai trong số các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm này còn cảm thấy sự hiện diện rõ đến nỗi họ rùng mình và phải dừng thí nghiệm giữa chừng.

    Khoa học giải thích hiện tượng: Cảm thấy có "ai đó" trong phòng dù bạn chỉ đang ở một mình - Ảnh 9.

    Ngày nay, các nghiên cứu thần kinh học hiện đại có thể xác định chính xác vùng não nào gặp vấn đề sẽ gây ra ảo giác hiện diện dạng nào. Ảnh:CORE.

    Tóm lại, bằng các thí nghiệm khéo léo, các nghiên cứu thần kinh học và báo cáo trường hợp của các bệnh nhân trong quá khứ, các nhà khoa học đã chứng minh cho chúng ta thấy cảm giác hiện diện của một "ai đó" xung quanh bạn không đến từ giác quan thứ sáu hay việc bạn có thể nhìn thấy ma.

    Thay vào đó, đây chỉ là một sự mất đồng bộ tạm thời giữa các tín hiệu trong não bộ, thường liên quan đến một vùng não được gọi là khớp thái dương đỉnh TPJ. Bệnh nhân có tổn thương não, mắc các tình trạng như Parkinson, ung thư hoặc tâm thần phân liệt là những người dễ gặp cảm giác này nhất.

    Nhưng người bình thường trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi khó ngủ, gặp căng thẳng và kiệt sức cũng có thể trải nghiệm cảm giác hiện diện kỳ lạ này.

    Tham khảo TheconversationSciencedirectTimeViceBMC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ