"Thực tại" mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác?

    zknight,  

    Trong vô thức, đôi khi có những suy luận của não bộ được hóa thân thành "sự thật" khéo đến nỗi bạn không còn nhận ra đó là một suy luận hay ảo giác nữa.

    Hãy tập trung nhìn vào chấm đen ở phía bên trái của tấm hình này. Nhưng khoan, hãng gượm lại một chút, bạn phải đọc xong yêu cầu đã. Trong khi tập trung vào chấm đen bên trái, hãy cố gắng trả lời câu hỏi này: 

    Bạn thấy đối tượng bên phải đang di chuyển theo hướng nào?

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 1.

    Rồi, chắc bạn đã thấy nó rồi. Đối tượng bên phải trôi theo đường chéo đúng không? Bạn thấy nó lăn chéo lên bên phải, sau đó thì chéo xuống phía dưới phía bên trái?

    Gần như tất cả mọi người đều có câu trả lời giống bạn. Nhưng thực tế thì, chúng ta đều đã sai! Đối tượng bên phải chỉ đang di chuyển lên xuống theo một đường thẳng đứng vuông góc. Nó không lăn chéo một tý nào.

    Nếu không tin, bạn cứ thử di ngón tay mình theo ảnh mà xem.

    Ảo ảnh thị giác này đã xuất hiện bởi vật thể đã di chuyển lên xuống, nhưng bản thân những mảng màu đen trắng trong đó lại di chuyển ngang. Tổng hợp lại, chúng đã làm rối loạn thị giác của chúng ta và tạo ra nhận thức về chuyển động chéo.

    Bức hình đơn giản này là một bài học cho chúng ta, rằng kinh nghiệm không phải lúc nào cũng đúng. Đừng bao giờ tin ngay vào những gì bạn nhìn thấy, hoặc nghĩ rằng bạn đã nhìn thấy bản chất của một việc. Nhưng liệu có còn gì sâu sắc hơn nữa không?

    Trên thực tế, khi các nhà khoa học đào sâu vào sự thật trong ảo giác này, họ gần như đã chạm đến một vùng ranh giới được cho là bản chất ý thức của con người. Ở đó, có những câu hỏi mang tính triết học, và câu trả lời nếu có sẽ định hình lại mọi thứ trong thế giới mà chúng ta đang nghĩ rằng mình sống ở trong đó.

    Nó là một thế giới có thật hay không có thật? Và nếu có thật, nó thật đến mức nào?

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 2.

    Patrick Cavanagh, một giáo sư thần kinh học tại Đại học Dartmouth, Canada cho biết: "Điều quan trọng cần hiểu, đó là chúng ta đang không nhìn thấy một thực tế nào cả. Chúng ta chỉ đang nhìn thấy một câu chuyện được tạo ra cho chúng ta".

    Hầu hết thời gian, câu chuyện mà bộ não của chúng ta tạo ra phù hợp với thế giới thực, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Bộ não của chúng ta luôn vô thức uốn cong nhận thức của chúng ta về phía một thực tế mà chúng ta muốn nó phải xảy ra.

    Theo một cách tương tự, não bộ thường tự sáng tác ra những "thực tế" để điền vào những khoảng trống mà nó không nhìn thấy hay không nhận thức thấy.

    Chẳng hạn như bằng kinh nghiệm, một người đàn ông có thể đoán vẻ đẹp của một người phụ nữ từ phía sau. Tất nhiên, không phải lúc nào những tưởng tượng ấy cũng đúng. Nhưng nếu cô gái vĩnh viễn không ngoảnh mặt lại, anh ấy có thể biến tưởng tượng ấy thành một thực tại suốt đời mình.

    Điểm mù của não bộ nằm ở đâu?

    Các ảo ảnh thị giác là ví dụ tốt nhất chứng minh cho chúng ta thấy não bộ có những điểm mù. Và cũng là phương tiện tốt nhất để chúng ta đi tìm những điểm mù ấy. Chúng nằm ở đâu trong não bộ? Khi chúng ta nhận thức sai về một ảo giác, rốt cuộc, não bộ đã sai ở đâu?

    Năm 2019, giáo sư Cavanagh và một số đồng nghiệp của mình đã sử dụng chính tấm ảnh động về vật thể di chuyển chéo để thăm dò cách bộ não của chúng ta tạo ra chuyển động ảo tưởng ấy. Họ đã sử dụng máy cộng hưởng từ chức năng fMRI để quét vào vùng vỏ thị giác của các tình nguyện viên, trong khi cho họ xem hai hình ảnh của chuyện động chéo.

    Hình ảnh thứ nhất chính là ảo giác mà bạn đã thấy ở đầu bài viết này, chuyển động chéo là giả. Trong khi hình ảnh thứ hai dưới đây, chuyển động chéo là thật:

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 3.

    Kết quả thật bất ngờ, vùng vỏ thị giác, chịu trách nhiệm xử lý tín hiệu thị giác trong não bộ, có vẻ không bị đánh lừa bởi ảo giác. Các tín hiệu khác nhau bật lên giữa hai hình ảnh cho thấy vỏ thị giác có thể nhận biết được các chuyển động lên xuống và chéo riêng biệt. 

    Nghĩa là khi ánh sáng từ màn hình máy tính đập vào võng mạc của bạn, sau đó được vỏ thị giác xử lý, tín hiệu đến đây vẫn đúng, ảo giác chưa xuất hiện.

    Các nhà khoa học cho biết mô hình tín hiệu não chỉ bắt đầu trùng lặp khi đi đến thùy trán của các tình nguyện viên – đó là khu vực tư duy cao cấp hơn, dành riêng cho hoạt động dự đoán và ra quyết định. Vỏ trán trước hóa ra chính là nơi đồng bộ hai chuyển động để tạo thành ảo giác.

    "Thùy trán là cả một miền đất, ở đó các phân tích thị giác, khả năng tính toán và dự đoán đang diễn ra. Và chúng xảy ra bên ngoài hệ thống thị giác", giáo sư Cavanagh cho biết. Đó là nơi mà não bộ đã sáng tác ra câu chuyện khác với thực tế - ít nhất là trong ví dụ này.

    Để chắc chắn: Thị giác là một hệ thống phức tạp lôi kéo vào đó sự tham gia của khoảng 30 vùng não. Có những ảo giác khác có vẻ như sẽ đánh lừa vỏ não thị giác ngay lập tức khi bạn nhìn thấy nó, không cần chạm tới vùng thùy trán.

    Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, một khi một phần trong não bộ bạn đã bị đánh lừa bởi ảo giác, nó sẽ gặp khó khăn trong việc ghi đè lên "sự thật" ấy. ngay cả khi bạn biết tấm ảnh mình thấy là một ảo giác rồi, khi bạn nhìn lại nó một lần nữa, bạn vẫn thấy chuyển động đó là chuyển động chéo.

    Đây là một ví dụ tương tự:

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 4.

    Mặc dù hai ô A và B đặt cạnh nhau hoàn toàn là một màu. Nhưng khi nó được đặt vào một bối cảnh, nơi ô B bị che bởi bóng tối của một vật thể khác, ngay lập tức nó trở nên sáng hơn ô A.

    "Vậy là ngay cả khi biết trước được sự thật của những gì đang diễn ra, bạn vẫn nhìn thấy một thực tế dưới dạng ảo giác", Justin Gardner, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Stanford, cho biết. Bạn bị bất lực trong việc ghi đè lên nhận thức sai của mình, một khi não bộ chính là thứ đã tạo ra nó. Giống với một con dao không bao giờ có thể gọt được cán chuôi của mình.

    Chúng ta không nhìn thấy thực tế. Nhận thức thị giác của chúng ta chậm hơn 100 mili giây so với thế giới thực.

    Tại sao chúng ta thấy một câu chuyện về thế giới - một câu chuyện được tạo ra chứ không phải một thực tế khách quan? Nhiều khi đó không phải lỗi, mà thực ra lại là một tính năng.

    Não bộ của chúng ta không đủ nguồn lực để xử lý tất cả những thông tin mà chúng ta liên tục tiếp nhận qua các giác quan, điển hình là thị giác, Susana Martinez-Conde, một nhà nghiên cứu về thần kinh học và ảo giác tại SUNY Trung tâm y tế SUNY cho biết.

    Hãy suy nghĩ về ảo giác mà bạn vừa nhìn thấy ở đầu bài. Khi các đối tượng trong hình ảnh chuyển động, ánh sách từ chúng phát ra từ màn hình sẽ chiếu vào võng mạc ở phía sau nhãn cầu của chúng ta.

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 5.

    Võng mạc biến tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu điện, sau đó chuyển nó tới vỏ não thị giác, rồi từ vỏ não thị giác đi đến thùy trán, nơi thông tin được xử lý. Toàn bộ quá trình này tốn một chút thời gian tạo ra một độ trễ nhỏ.

    Nhận thức trong não bộ của chúng ta bị "lag" khoảng 50 mili giây, trong trường hợp với thị giác, khi các tín hiệu được gửi loanh quanh, con số lên tới hơn 100 mili giây. Vì vậy, những gì bạn nhìn thấy bây giờ thực chất đã có thể là một quá khứ diễn ra hơn 100 mili giây trước, Adam Hantman, nhà thần kinh học tại Cơ sở nghiên cứu Janelia của Viện Y khoa Howard Hughes nói.

    Tuy nhiên, có một điều hết sức thú vị ở đây. Nếu chúng ta chỉ dựa vào những thông tin bị lag này để điều hướng cơ thể trong thế giới thực, mọi thứ sẽ trở nên rất lộn xộn. Bạn sẽ không thể đập được con muỗi bay trước mặt mình, hoặc chụp lấy một quả bóng đang rơi tới.

    Nhưng sự thật là chúng ta vẫn làm được điều đó đúng không? Đó là do não bộ đã vẽ ra một "thực tế" ở tương lai, bù trừ cho những chuyển động bị lag mà bạn thấy.

    Ảo giác dưới đây là một ví dụ, nó được đặt tên là "flash-lag".

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 6.

    Thực tế diễn ra ở đây là dấu chấm màu đỏ đang di chuyển trên màn hình và chấm xanh nhấp nháy tại chỗ. Dấu chấm xanh sẽ sáng lên đúng lúc dấu chấm đỏ đi ngang qua vị trí thẳng đứng so với nó. 

    Nhưng thật khó để bạn thấy hai dấu chấm này thẳng hàng phải không? Dấu chấm màu đỏ luôn có vẻ đi xa hơn một chút về phía trước.

    Đó chính là "thực tế" mà não bộ đã vẽ ra. Nó dự đoán đường đi của dấu chấm đỏ và kéo nó về phía trước một khoảng bằng quãng đường nó đi được trong 100 mili giây, trùng vào độ trễ của thị giác.

    "Chúng ta luôn thấy những vật di chuyển ở phía trước vị trí phía trước một đoạn trên con đường mà chúng chuyển động", giáo sư Cavaghagh giải thích. Ảo giác khi đó thực sự là một chức năng chứ không phải một lỗi. Nó giúp chúng ta bù trừ lại độ lag mà hoạt động xử lý trong não không bắt kịp với thế giới thực.

    Và đây là một ảo giác khác tương tự:

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 7.

    Bạn luôn thấy hình vuông màu đỏ có vẻ nhỏ hơn hình vuông màu xanh. Nhưng hãy kê chuột vào mà xem, chúng thực ra có kích thước giống hệt nhau. Chính chuyển động của nền đã tạo ra ảo giác.

    Những câu chuyện mà bộ não của chúng ta sáng tác ra bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm sống.

    Bộ não đang kể cho chúng ta một câu chuyện về chuyển động của các vật thể ngay khi bị di chuột trên màn hình hoặc vuốt điện thoại để đọc dòng chữ này. Nhưng đó không phải là câu chuyện duy nhất mà nó có thể kể cho bạn.

    Bộ não cũng rất giỏi trong việc kể những câu chuyện về các khía cạnh phức tạp hơn trong thế giới thị giác của chúng ta, ví dụ như màu sắc.

    Hãy nhìn vào ảo giác dưới đây được thiết kế bởi nhà tâm lý học và nghệ sĩ Nhật Bản Akiyoshi Kitaoka:

    Một ảo giác màu sắc của Akiyoshi Kitaoka

    Thực tế, màu sắc của hình vuông di chuyển trong đây không hề thay đổi. Nhưng trên các tấm nền khác nhau, bạn dường như thấy nó có những màu sắc khắc hẳn nhau. Rõ ràng, nhận thức về màu sắc trong não bộ chúng ta chỉ là một thứ gì đó tương đối chứ không hề tuyệt đối.

    Vậy điều gì đã diễn ra vậy?

    Chúng ta có thể chấp nhận hiện tượng này khi coi màu sắc thực ra chỉ là một suy luận của não bộ. Mắt chúng ta đã hoạt động như một cỗ máy thu photon chính xác, với các bước sóng chính xác của vật thể cho ra các màu sắc chính xác và riêng biệt.

    Nhưng một phần trong não bộ chúng ta không chấp nhận điều đó. Với kinh nghiệm sống vốn có, bộ não biết một vật thể màu đỏ sẽ không có vẻ là màu đỏ nếu nó được tắm dưới ánh sáng xanh. 

    Mà mục đích cuối cùng của bộ não là xác định màu của vật thể, chứ không phải đo bước sóng đến từ nó. Do đó, bộ não tự áp dụng cho nó một bộ lọc màu, bộ lọc sẽ lọc hết ánh sáng xanh ra khỏi vật thể, và biến nó trở lại thành màu đỏ.

    Khái quát thì mùi và màu sắc chỉ là những ảo giác được tạo ra bởi bộ não của chúng ta mà thôi, Sam Schwarzkopf, một nhà khoa học về thị giác tại Đại học Auckland cho biết.

    Và bạn còn nhớ ảo giác với chiếc váy này chứ?

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 9.

    Năm 2015, ảo giác này đã chia rẽ cộng đồng mạng trên toàn cầu. Một nửa nói rằng nó có màu vàng trắng, trong khi nửa còn lại nói nó màu xanh đen. Đó chỉ là hệ quả của các bộ lọc màu khác nhau mà não bộ mỗi nhóm sử dụng.

    Một nửa cho rằng chiếc váy này đang được tắm ánh sáng ban ngày chiếu từ phía trước tới, nên não bộ sẽ thiết lập một bộ lọc màu xanh ra khỏi tấm hình, trả lại màu sắc của nó là vàng trắng. Nửa còn lại cho rằng chiếc váy được chụp vào ban đêm, dưới ánh sáng nhân tạo nên não bộ thiết lập một bộ lọc màu sáng khiến nó có màu xanh đen.

    Thú vị là một nghiên cứu trực tuyến trên 13.000 người đã cho thấy những người cú đêm hay thức khuya, dậy muộn thường nhìn thấy chiếc váy có màu xanh đen. Ngược lại, những người dậy sớm nhiều khả năng cho nó màu vàng trắng.

    Nói tóm lại, khi phải đối mặt với sự mơ hồ - như ánh sáng kỳ lạ trong bức ảnh của chiếc váy này - bộ não của chúng ta sẽ tự lấp đầy sự mơ hồ đo bằng bất cứ thứ gì mà nó thấy quen thuộc nhất. 

    Trong vô thức, đôi khi có những suy luận của não bộ được hóa thân thành "sự thật" khéo đến nỗi bạn không còn nhận ra đó là một suy luận hay ảo giác nữa.

    Hãy thử nhìn ảo giác về hình tam giác dưới đây.

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 10.

    Trong vô thức, bạn sẽ tưởng tượng ra một hình tam giác giữa các hình tròn như pacman. Nhưng thực ra, tam giác đó không hề tồn tại. Đó chỉ là một suy luận về tam giác mà vô thức đã tạo ra trong đầu bạn mà thôi, chỉ bởi từ bé đến lớn, bạn đã nhìn thấy quá nhiều hình tam giác.

    Năm 2003, tạp chí Nature Neuroscience đã xuất bản một bài báo về trường hợp của một người đàn ông (được gọi là Patient MM) bị mất thị lực từ năm 3 tuổi, nhưng đã phục hồi được nó bằng một ca phẫu thuật ở độ tuổi 40.

    Khi được đưa cho xem ảo giác này, người đàn ông đã không hề thấy một tam giác nào cả. Thứ anh ấy thấy đơn thuần là những hình tròn khuyết và những hình như góc nhọn.

    Nhưng bẵng đi qua hai năm, người đàn ông quay lại nói với các nhà khoa học rằng giờ ông ấy đã thấy những hình tam giác. Quá trình xây dựng kinh nghiệm thị giác lại từ đầu ở tuổi 40 cuối cùng tại đưa người đàn ông vào một ảo giác kéo dài từ tuổi 42 cho đến hết cuộc đời của ông ấy.

    Liệu chúng ta còn có thể tin vào mắt mình?

    Đó là một câu hỏi chắc chắn sẽ làm đau đầu những người theo chủ nghĩa cầu toàn, những người bị ám ảnh bởi sự thật và không bao giờ chịu sống trong một thế giới ảo tưởng như Matrix.

    Rốt cuộc, nếu tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là ảo ảnh, chỉ là những câu chuyện được xây dựng bởi não bộ, làm thế nào để chúng ta thoát ra khỏi đó?

    Có những người sẽ chọn viên thuốc màu xanh để tiếp tục sống với một hệ thống đã được lập trình sẵn, trong một thế giới với những sự thật tương đối. Nhưng nếu chọn viên thuốc màu đỏ, bạn sẽ phải liên tục tìm các nguồn thông tin mới, cũng như nghiêm túc đặt câu hỏi về bản chất của sự việc xung quanh mình.

    Thực tại mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác? - Ảnh 11.

    Các ảo giác thị giác chỉ là một trong số những thực tế nhỏ nhoi bị bẻ cong để đáp ứng với kinh nghiệm trước đây, những cảm xúc và một thế giới ảo mà bạn vô thức muốn sống trong đó. Ngoài ra, những ảo giác còn có thể xảy ra cả với các quá trình phức tạp hơn như suy nghĩ về chính trị, đại dịch hay thực tế của biến đổi khí hậu.

    Các nhà khoa học gọi đó là ảo ảnh xã hội. Ví dụ tâm lý phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng giống như một ảo ảnh. Những nghiên cứu xã hội học cho thấy nhiều người Mỹ nghĩ rằng đàn ông da màu thường to cao hơn đàn ông da trắng (do đó, họ có khả năng đe dọa cao hơn).

    Tương tự, màu da tối hơn của cũng bị gán cho những đặc điểm của tội phạm. Những cảnh sát Mỹ có thể nhầm một người đàn ông da màu đang rút ví ra và tưởng tượng một ảo ảnh rằng họ đang rút súng.

    Tóm lại, trong mọi tình huống nếu muốn chọn viên thuốc màu đỏ, bạn phải tự ý thức được một sự thật rằng cái nhìn đầu tiên của bạn không phải lúc nào cũng phản ánh bản chất của một sự việc.

    Và một ảo ảnh có thể giống thật đến nỗi ngay cả khi bạn đã biết đó là ảo ảnh, nó vẫn có thể hiện ra như thật trước mắt bạn.

    Tham khảo Vox

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày