Khoa học phán xử: Bạn phải học cách quên đi để thông minh hơn

    FRTK,  

    Ừm nhưng ít nhất nên nhớ bài viết này nói gì nhé!

    Các nghiên cứu mới đây cho thấy sự quên lãng của chúng ta có thể được gây nên bởi cơ chế phòng vệ của não, được thiết kế để đảm bảo chúng ta không bị quá tải thông tin. Nói cách khác, đây là một hành động nhằm duy trì sức khỏe cho 'hệ điều hành' não bộ của chúng ta.

    Thật dễ chịu biết bao khi biết điều này nếu xưa nay bạn vẫn khổ sở vì quên hết thứ này đến thứ nọ, từ chìa khóa xe cho đến bài tập về nhà. Không những thế phát hiện trên cũng hé lộ cho chúng ta thêm một chút về cách mà não bộ hoạt động.

    Theo hai nhà nghiên cứu đến từ Đại học Toronto ở Canada, hệ trí nhớ không hề có ý định truyền tải các thông tin chính xác nhất, mà là các thông tin hữu ích nhất giúp chúng ta quyết định thông minh hơn trong tương lai.

    "Sẽ là cực kì quan trọng khi bộ não của chúng ta quên đi các chi tiết không phù hợp và thay vào đó tập trung vào những điều giúp tạo nên ảnh hưởng trong cuộc sống thực," Blake Richards, một trong các nhà nghiên cứu giải thích.

    Richards và đồng nghiệp của ông Paul Frankland đã xem lại các báo cáo khoa học từng được xuất bản trước đây với những cách tiếp cận khác nhau về trí nhớ. Một số nhìn vào khia cạnh sinh học thần kinh của việc nhớ, hay tính ổn định, trong khi số khác nhìn vào khía cạnh sinh học thần kinh của việc quên, hay tính thời vụ.

    "Chúng tôi đã tìm ra hàng loạt các bằng chứng từ các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có một cơ chế thúc đẩy quá trình quên, và điều này hoàn toàn khác biệt với quá trình lưu trữ thông tin," Frankland cho biết.

    Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các bằng chứng về việc làm yếu đi một cách có chủ đích các kết nối synap giữa các neuron giúp mã hóa trí nhớ, cũng như các dấu hiệu về việc các neuron mới viết đè lên trí nhớ đã tồn tại, và khiến chúng khó có thể được tiếp cận.

    Vậy tại sao não bộ lại cố khiến chúng ta quên? Richard và Frankland nghĩ rằng có hai lý do cho việc đó.

    Thứ nhất, việc quên giúp chúng ta điều tiết với các tình huống mới bằng việc giải phóng các kí ức mà chúng ta không cần đến - vậy nên nếu quán cafe ưa thích của bạn có chuyển sang chỗ khác, quên đi địa chỉ cũ sẽ giúp bạn nhớ những địa chỉ mới.

    Thứ hai, việc quên đi giúp chúng ta tổng quát hóa các sự kiện diễn ra trong quá khứ để đưa ra quyết định cho những sự kiện mới, một khái niệm được biết tới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là sự thể thức hóa (regularization). Nếu bạn nhớ ý chính của những lần viếng thăm quán cafe thay vì chi tiết, thì bộ não của bạn sẽ nhẹ gánh đi nhiều trong việc tìm ra cách ứng xử phù hợp ở lần viếng thăm kế tiếp.

    "Nếu bạn đang cố gắng định hướng thế giới quan của mình trong khi não bộ cứ liên tục gợi lên những kí ức 'chọi nhau chan chát', thì sẽ rất khó cho bạn để đưa ra một quyết định hợp lý," Richards nói.

     Các nguyên thủ quốc gia, những người có khi phải ra tới cả trăm quyết định mỗi ngày, có lẽ cần hơn ai hết khả năng quên chọn lọc

    Các nguyên thủ quốc gia, những người có khi phải ra tới cả trăm quyết định mỗi ngày, có lẽ cần hơn ai hết khả năng 'quên chọn lọc'

    Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng lượng thông tin mà chúng ta quên đi có thể tùy thuộc vào môi trường, với môi trường có tốc độ thay đổi càng nhanh sẽ càng yêu cầu tốc độ quên nhanh hơn.

    Một thí nghiệm được nhắc đến trong báo cáo mà Frankland cũng đóng góp đó là về việc chuột tìm kiếm đường trong mê cung. Khi sự định vị của mê cung chuyển dời, những chú chuột được dùng thuốc để quên đi các địa điểm cũ sẽ tìm kiếm lối đi mới nhanh hơn

    Không nghi ngờ gì rằng việc quên đi thông tin chúng ta cần quá thường xuyên là một trải nghiệm khó chịu - và thậm chí còn là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng - tuy nhiên nghiên cứu mới này đề xuất rằng một mức độ quên lãng nhất định thực ra chính là một cơ chế bẩm sinh giúp chúng ta thông minh hơn.

    Có thể đây sẽ là điều mà bạn nhắc đến trong quán bar vào tối mai, khi cùng với những người bạn của mình thi thố tài năng trong việc ai nhớ nhiều các kiến thức vặt vãnh hơn"

    "Chúng ta luôn luôn hình tượng hóa mấy anh chàng cô nàng vô địch mấy trò chơi như vậy, nhưng mục đích mà mẹ tự nhiên ban tặng trí nhớ cho chúng ta không phải là việc nhớ xem ai đã vô địch cup Stanley vào năm 1972," Richards nói.

    "Mục đích của trí nhớ là để giúp bạn trở thành một người thông minh, có khả năng ra quyết định trong các trường hợp cụ thể, một khía cạnh quan trọng giúp bạn làm được điều đó là quên đi."

    Nghiên cứu này được đăng tải trên Neuron

    Tham khảo: Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ