Khoa học tự nhiên cho tôm hùm chơi... cần sa: Tưởng rảnh rỗi mà hóa ra lý do đằng sau nhân văn đến bất ngờ

    J.D, Theo Pháp luật & Bạn đọc 

    Chỉ là, thí nghiệm cũng chẳng thành công lắm thôi.

    Tôm hùm - những con tôm to khủng khiếp của thế giới tự nhiên vẫn luôn là món hải sản rất ngon và bổ dưỡng của nền ẩm thực thế giới. Nhưng dành cho những ai chưa biết, việc xử lý tôm hùm ra sao từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi đối với giới khoa học và các nhà hoạt động vì quyền động vật.

    Nguyên do là bởi khoa học chứng minh rằng tôm hùm có thể cảm nhận được sự đau đớn, trong khi phương pháp nấu tôm hùm từ bao đời nay vẫn luôn là... cho thẳng vào nồi khi chúng vẫn còn sống. Các nhà hoạt động vì thế yêu cầu phải "đánh ngất" tôm hùm, hoặc giết chúng trước khi cho vào nồi - khá rắc rối và chưa chắc nhiều người đã làm theo.

    Khoa học tự nhiên cho tôm hùm chơi... cần sa: Tưởng rảnh rỗi mà hóa ra lý do đằng sau nhân văn đến bất ngờ - Ảnh 1.

    Tranh cãi vẫn như vậy cho đến mùa thu năm 2018, một nữ đầu bếp nhà hàng tại Maine thử làm một thí nghiệm cho tôm hùm dùng cần sa (một loại ma tuý bị cấm tại Việt Nam) trước khi nấu. Mục đích là để ngăn nước sủi bọt trong quá trình nấu. Cô làm vậy bằng cách cho tôm hùm vào một cái hộp chứa nước, bên dưới bơm cần sa dạng hơi vào để làm nóng.

    Chưa rõ kết quả thí nghiệm ra sao, chỉ biết rằng các chuyên gia y tế phải yêu cầu nhà hàng ngừng thử nghiệm này lại. Tuy nhiên, ý tưởng của nữ đầu bếp đã khiến các nhà khoa học chú ý, từ đó mang đến một nghiên cứu khác mới được công bố thời gian gần đây.

    Cụ thể, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí bioRxiv (chưa được bình duyệt) của các nhà khoa học từ ĐH California San Diego, ĐH Colorado, ĐH Washington và Viện nghiên cứu Scripps Hoa Kỳ. Trong đó, các chuyên gia quyết tìm hiểu xem liệu cần sa có thể giúp tôm hùm Mỹ (Homarus americanus) bớt đau đớn khi được nấu hay không.

    "Thí nghiệm năm 2018 thực sự là một cột mốc. Có một số kết luận được đưa ra, và tôi nghĩ mình có thể thử kiểm nghiệm chúng," - Tiến sĩ Michael A Taffe, tác giả nghiên cứu chia sẻ.

    Nhóm chuyên gia quyết định thử làm lại phương pháp thí nghiệm của nhà hàng. Tôm hùm được đưa vào bể nước trong khoảng 30 - 60 phút, với THC (chất kích thích có trong cần sa) được bơm vào liên tục.

    Tôm hùm hô hấp qua mang, vậy nên không rõ chúng có thể hấp thụ THC qua khí hay không. Tuy nhiên sau khi xét nghiệm, họ xác nhận rằng trong "máu", càng, đuôi, não, tim và gan của tôm hùm có dư chất THC. Tuy nhiên, khả năng giảm đau thì chưa được kiểm nghiệm. Theo dõi qua camera, họ xác nhận rằng cần sa làm giảm chuyển động của tôm hùm, nhưng khả năng làm giảm cảm nhận trước nước nóng (nghĩa là bớt đau đớn) thì chưa rõ.

    Khoa học tự nhiên cho tôm hùm chơi... cần sa: Tưởng rảnh rỗi mà hóa ra lý do đằng sau nhân văn đến bất ngờ - Ảnh 2.

    "Hiệu quả của THC có vẻ rất nhỏ. Các số liệu có ủng hộ 1 trường hợp, nhưng mức độ không nhiều," - Tiến sĩ Taffe giải thích.

    Nói cách khác, hiệu quả của THC trong việc giảm đau cho tôm hùm chỉ ở mức không đáng kể, dù chúng có thư giãn được đôi chút.

    Trên thực tế, khả năng cảm nhận đau đớn của tôm hùm cũng gây tranh cãi ngay trong chính cộng đồng khoa học. Một số nghiên cứu cho rằng tôm hùm khi gặp cú sốc quá lớn sẽ tự động bỏ qua các bộ phận chịu ảnh hưởng - cũng là chìa khóa quan trọng cho cảm nhận đau đớn. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng việc não tôm hùm quá nhỏ khiến chúng không có khả năng bỏ qua đau đớn được.

    Khoa học tự nhiên cho tôm hùm chơi... cần sa: Tưởng rảnh rỗi mà hóa ra lý do đằng sau nhân văn đến bất ngờ - Ảnh 3.

    Ảnh minh họa

    Vậy nên nhìn chung, nghiên cứu cho tôm hùm dùng cần sa vẫn chưa thể chấm dứt sự tranh cãi này. Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng biết được rằng những con tôm được dùng chất kích thích cũng chẳng giúp gì cho chúng phải đối mặt với một nồi nước sôi cả.

    Nguồn: IFL Science


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ