Không cần phong tỏa, Hàn Quốc vẫn kiểm soát được Covid-19, đó là nhờ bài học xương máu trong dịch MERS năm 2015
Cái giá họ phải trả 5 năm về trước là 36 mạng sống của các y bác sĩ, bệnh nhân và cả người thân của họ, chỉ từ một ca siêu lây nhiễm.
Châu Âu hiện đang là tâm điểm của đại dịch Covid-19. Tây Ban Nha, Pháp, Đức và đặc biệt là Ý đã chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong những ngày qua. Nhiều quốc gia thuộc khối liên minh EU đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới.
Trong khi đó, hệ thống xét nghiệm của Hoa Kỳ đang gặp trục trặc khiến các chuyên gia chỉ có thể đoán, tình hình thực tế ở Mỹ cũng trên cùng một quỹ đạo với các quốc gia Châu Âu.
Giữa những xu hướng tàn khốc này, Hàn Quốc đã nổi lên như một tia hy vọng, một hình mẫu cho các quốc gia khác học tập. Đất nước với 50 triệu dân này dường như đang làm rất tốt trong việc kìm hãm sự lây lan của Covid-19.
Hàn Quốc chỉ báo cáo 93 trường hợp nhiễm mới trong ngày hôm qua 18/3, giảm từ 909 ca tại cao điểm của dịch ngày 29/2. Và họ đã làm được điều này mà không cần phong tỏa các thành phố như Trung Quốc.
"Hàn Quốc là một nước cộng hòa dân chủ, chúng tôi cảm thấy phong tỏa không phải là một lựa chọn hợp lý", ông Kim Woo-Joo, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hàn Quốc cho biết.
Thành công của Hàn Quốc có thể trở thành một bài học tham khảo cho các quốc gia khác, nhưng cũng là một cảnh báo: Ngay cả sau khi số ca nhiễm mới đã giảm theo từng ngày, quốc gia này vẫn đang phải chuẩn bị cho một làn sóng Covid-19 gia tăng trở lại.
Chiến lược xét nghiệm hàng loạt
Đứng đằng sau thành công của Hàn Quốc không thể không kể đến chiến lược xét nghiệm Covid-19 mở rộng, được đánh giá là một chương trình xét nghiệm tốt nhất thế giới.
Trong khi một số quốc gia còn không có đủ bộ kit xét nghiệm Covid-19 để chẩn đoán cho những bệnh nhân nghi ngờ, Hàn Quốc đã cung cấp miễn phí các bộ kit xét nghiệm nhanh cho mọi bệnh nhân mà bác sĩ thấy họ cần phải làm xét nghiệm.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) biết nước này có 118 cơ sở y tế có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Tất cả đều đặt dưới sự giám sát và phải báo cáo với KCDC.
Đứng đằng sau thành công của Hàn Quốc không thể không kể đến chiến lược xét nghiệm Covid-19 mở rộng, được đánh giá là một chương trình xét nghiệm tốt nhất thế giới.
Theo trang web của Worldometer, Hàn Quốc hiện đã xét nghiệm Covid-19 được cho hơn 270.000 người, tương đương với hơn 5.200 xét nghiệm trên mỗi 1 triệu dân. Đó là một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Bahrain nhỏ bé.
Trong so sánh, Hoa Kỳ hiện mới chỉ thực hiện được 74 xét nghiệm trên 1 triệu dân, theo dữ liệu ghi nhận từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết.
Kết hợp với xét nghiệm để tìm ra người nhiễm bệnh, Hàn Quốc còn thực hiện một chiến lược cách ly triệt để người nhiễm bệnh và truy tìm để cách ly cả những người đã tiếp xúc với họ.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy rằng "khả năng chẩn đoán trên quy mô lớn là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh", Raina MacIntyre, một học giả về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học New South Wales, Sydney nhận định.
"Theo dõi những người đã tiếp xúc cũng tạo ra ảnh hưởng rất lớn trong việc kiểm soát dịch, và biện pháp cách ly các trường hợp này cũng vậy".
Tuy nhiên, liệu Hàn Quốc có tiếp tục giữ được thành công của mình hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có đáp án rõ ràng.
Số lượng ca nhiễm mới Covid-19 giảm trong những ngày qua, phần lớn là do nỗ lực điều tra một cụm khổng lồ hơn 5.000 ca nhiễm, chiếm 60% tổng số ca tại Hàn Quốc. Cụm ca nhiễm này liên quan đến những thành viên của một tổ chức dị giáo có tên là Giáo phái Tân Thiên Địa.
Tập trung vào dập ổ dịch này có thể đã khiến Hàn Quốc lơ là các khu vực bùng phát khác, Oh Myoung-Don, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Các cụm lây nhiễm Covid-19 mới hiện đang xuất hiện. Kể từ tuần trước, nhà chức trách Hàn Quốc đã báo cáo 129 ca nhiễm mới, hầu hết có liên quan đến một tổng đài điện thoại ở Seoul. "Đây có thể là khoảnh khắc khởi đầu cho dịch bệnh lây lan trong cộng đồng", ở Seoul và các khu vực lân cận tỉnh Gyeonggi, Kim nói.
Dân số trong khu vực này hiện vào khoảng 23 triệu người.
Bài học xương máu của Hàn Quốc trong dịch MERS
Hàn Quốc đã học được tầm quan trọng của sự chuẩn bị cho dịch bệnh, với một cái giá không hề rẻ. Vào năm 2015, một doanh nhân Hàn Quốc đã mắc hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) sau khi trở về từ chuyến thăm ba nước ở khu vực này. Ông đã được điều trị tại 3 cơ sở y tế của Hàn Quốc, trước khi được chẩn đoán mắc MERS và khi đó mới được cách ly.
Khoảng thời gian này đủ để một quá trình siêu lây nhiễm xảy ra. Người đàn ông này đã truyền virus MERS sang cho 186 người khác và giết chết 36 người trong số họ. Những người tử vong bao gồm các nhân viên y tế tại bệnh viện, các bệnh nhân nhập viện vì mắc phải một bệnh khác, và cả người nhà đến thăm họ.
Hàn Quốc đã có một bài học xương máu trong dịch MERS.
Hàn Quốc đã phải mất tới 2 tháng, xét nghiệm và cách ly gần 17.000 người để dập tắt ổ dịch năm ấy. Bóng ma của một virus xổng chuồng đã đặt cả đất nước vào tình trạng báo động và làm sứt mẻ nền kinh tế.
"Kinh nghiệm đó đã cho thấy xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là điều cần thiết để kiểm soát một bệnh truyền nhiễm mới nổi", Oh nói. "Ngoài ra, kinh nghiệm trong dịch MERS chắc chắn đã giúp chúng tôi cải thiện việc kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm chéo tại bệnh viện".
Cho đến nay, Hàn Quốc chưa báo cáo bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nào trong số các nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình, ông nói.
Các điều chỉnh luật pháp sau dịch MERS cũng đã cho phép cơ quan chính phủ thu thập điện thoại di động, thẻ tín dụng và các dữ liệu khác từ mọi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, nhằm vẽ lại lịch trình gần nhất của họ.
Các thông tin này không còn được coi là thông tin cá nhân, và sẽ được chia sẻ trên các ứng dụng truyền thông xã hội, cho phép mọi người xác định liệu họ có từng chạm mặt với người bị nhiễm bệnh hay không.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết ngay sau khi virus corona nổi lên ở Trung Quốc, họ đã lao vào một cuộc chạy đua để phát triển một phương pháp xét nghiệm virus này. KCDC cũng triển khai hợp tác với các nhà sản xuất để phát triển bộ kit xét nghiệm thương mại.
Quá trình này cán đích vào ngày 7 tháng 2, khi Hàn Quốc mới chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhiễm Covid-19. Ngay sau đó, kit xét nghiệm đã được phân phối tới các trung tâm y tế ở từng địa phương.
Phải đợi tới 11 ngày sau, biến cố mới xảy ra. Một phụ nữ 61 tuổi là thành viên của Giáo phái Tân Thiên Địa dương tính với Covid-19. Trong khi đã phát bệnh và có các triệu chứng, người phụ nữ được gọi là Bệnh nhân số 31 này vẫn tham dự các buổi lễ ngày 9 và 16 tháng 2 tại một nhà thờ của giáo phái ở Daegu, cách Seoul khoảng 240 km về phía đông nam.
Theo báo cáo địa phương, trong nhà thờ khi đó đã có hơn 500 tín đồ ngồi kề vai trên sàn nhà để tham gia một nghi lễ kéo dài 2 giờ đồng hồ.
Chỉ trong 12 ngày sau đó, Hàn Quốc đã xác định được hơn 2.900 trường hợp nhiễm Covid-19, đại đa số là thành viên giáo phái Tân Thiên Địa. Chỉ riêng ngày 29 tháng 2, KCDC đã báo cáo hơn 900 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca tích lũy lên 3.150. Hàn Quốc khi thời điểm đó trở thành ổ dịch bùng phát lớn nhất ở ngoài Trung Quốc đại lục.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc, nước này đã phân phối đủ kit xét nghiệm tới từng địa phương.
Làn sóng gia tăng này ban đầu đã gây quá tải cho hệ thống xét nghiệm của KCDC, 130 nhân viên của họ phải làm việc liên tục nhưng cũng bị quá tải, Kim nói. Nỗ lực truy tìm những người tiếp xúc được tập trung vào cụm Tân Thiên Địa, trong đó 80% những tín đồ báo cáo các triệu chứng hô hấp đã cho kết quả dương tính, so với chỉ 10% ở các cụm khác.
Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các căn bệnh nền tiềm ẩn được ưu tiên nhập viện. Những người có triệu chứng vừa phải được gửi đến các cơ sở dã chiến được trưng dụng, nơi họ được giám sát và hỗ trợ y tế cơ bản.
Những người phục hồi và có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần được cho về. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng chỉ có triệu chứng rất nhẹ, các thành viên trong gia đình không mắc các bệnh mãn tính và những người có thể tự đo thân nhiệt được yêu cầu tự cách ly trong 2 tuần.
Một nhóm giám sát y tế địa phương sẽ gọi cho họ hai lần mỗi ngày để đảm bảo rằng việc cách ly được thực hiện nghiêm túc, đồng thời theo dõi các triệu chứng nếu chúng tiến triển xấu. Những người vi phạm cách ly kiểm dịch phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 3 triệu won (tương đương hơn 55 triệu VNĐ). Nếu một dự luật gần đây trở thành luật, khoản tiền phạt sẽ lên tới 10 triệu won và cao nhất là một năm tù.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ ấy, làn sóng bệnh nhân vẫn khiến các bệnh viện ở khu vực Daegu-Gyeongbuk bị quá tải. Họ đã hết chỗ cho những người bệnh nặng. Theo truyền thông địa phương, có ít nhất 4 bệnh nhân đã chết khi họ phải chờ giường bệnh ở nhà với triệu chứng trở nặng.
Tuy nhiên về tổng thế, số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc đã giảm xuống trong 2 tuần qua. Một phần kết quả đó đến từ việc người dân ở khu vực Daegu-Gyeongbuk và cả Hàn Quốc đã tự có ý thức thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách xã hội.
Chính phủ khuyên mọi người nên đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập thành đám đông và hoãn các cuộc hội họp không cần thiết. Những người nào có thể làm việc từ xa thì hãy ở nhà, và các hoạt động tôn giáo nên được tổ chức trực tuyến thay vì mọi người phải đến nhà thờ.
Đặc biệt, những ai bị sốt hoặc mắc bệnh hô hấp được khuyến khích ở nhà và theo dõi các triệu chứng của họ trong 3 đến 4 ngày. Chun Byung-Chul, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hàn Quốc cho biết người Hàn Quốc đã bị sốc bởi cụm lây nhiễm ở Tân Thiên Địa, điều này đã thúc đẩy họ tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Chưa đầy 1 tháng sau sự kiện Bệnh nhân số 31, "cụm lây nhiễm này đang được kiểm soát tốt", Oh cho biết thêm.
Tuy nhiên, các cụm Covid-19 mới lại đang xuất hiện và có 20% các trường hợp dương tính với virus nói rằng họ không rõ đã bị nhiễm bệnh như thế nào. Điều này cho thấy ở Hàn Quốc vẫn còn sự hiện diện của các nguồn lây lan trong cộng đồng chưa được phát hiện.
"Chừng nào sự không chắc chắn này còn tồn tại, chúng ta không thể nói rằng dịch đã qua đỉnh", Chun nói.
Cần thêm dữ liệu
Chính phủ Hàn Quốc bây giờ hy vọng họ có thể kiểm soát các cụm lây nhiễm mới giống như cách mà họ đã đối đầu với cụm ở Tân Thiên Địa. Sức mạnh của Hàn Quốc lúc này đã cho phép họ xét nghiệm 15.000 trường hợp mỗi ngày, một con số đáng kinh ngạc.
Hàn Quốc cũng đã triển khai 43 trạm xét nghiệm ngay trên đường quốc lộ. Các tài xế sẽ đi qua đó, dừng lại một lát cho những nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ toàn thân lấy mẫu dịch bên trong họng và mũi của mình.
Quá trình kiểm tra y tế này diễn ra chỉ trong vài phút mà cả tài xế và hành khách không cần rời khỏi xe của mình. Mô hình xét nghiệm di động này đang được các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh học theo.
Hàn Quốc đã triển khai 43 trạm xét nghiệm ngay trên đường quốc lộ. Mô hình này đang được các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh học theo.
Trong tuần đầu tiên của tháng 3, Bộ Nội vụ Hàn Quốc cũng đã tung ra một ứng dụng điện thoại thông minh có thể theo dõi việc tuân thủ và thu thập dữ liệu về các triệu chứng của người đang cách ly.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh nước này đã liên tục cập nhật các báo cáo về số lượng ca mắc cũng như tử vong vì Covid-19 mỗi ngày. Các báo cáo này chứa thông tin cơ bản của các bệnh nhân như độ tuổi, giới tính và độ lớn của các cụm lây nhiễm.
Tuy nhiên, Chun cho biết các nhà khoa học như ông rất mong muốn có được thêm nhiều dữ liệu dịch tễ học hơn nữa. "Chỉ thế thì chưa đủ", Chun nói. "Thực sự, chúng tôi đang giậm chân tại chỗ".
Ông và những người khác muốn nghiên cứu dữ liệu chi tiết của từng bệnh nhân, cho phép các nhà dịch tễ học mô hình hóa các ổ dịch và dự đoán được số ca nhiễm mới lây từ mỗi trường hợp. Con số này còn được gọi là hệ số lây truyền cơ bản R0.
Chun cũng muốn xác định được khoảng thời gian trung bình từ khi một bệnh nhân phơi nhiễm với virus, cho tới khi xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra còn một câu hỏi là liệu được chẩn đoán sớm có cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hay không.
Hiện Chun cùng một nhóm các nhà dịch tễ học và các nhà khoa học ở Hàn Quốc đã đề xuất hợp tác với KCDC để thu thập và chia sẻ những thông tin đó. "Và chúng tôi đang chờ phản hồi của họ", ông ấy nói.
Về phần mình, Kim cho biết các bác sĩ y khoa cũng đang lên kế hoạch chia sẻ thông tin chi tiết về các đặc điểm lâm sàng của từng ca mắc Covid-19 ở nước này. Họ sẽ bắt đầu xuất bản các bài báo khoa học nói về chúng. "Chúng tôi hi vọng kinh nghiệm của mình sẽ giúp các quốc gia khác kiểm soát đại dịch Covid-19 lần này", Kim nói.
*Bạn đã biết các biện pháp phòng ngừa Covid-19 cho bản thân, gia đình và xã hội? Làm bài trắc nghiệm sau để kiểm tra nhé:
Tham khảo Sciencemag
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập