Không cần quan tài, bộ quần áo này sẽ giúp "lợi cả đôi đường" cho cả thiên nhiên và con người

    NPQM,  

    Một khía cạnh tế nhị ít được chú ý trong cuộc sống nhưng lại liên quan đến khá nhiều góc độ quan trọng bên lề.

    Thử tưởng tượng rằng thay vì chôn cất những người thương yêu đã khuất bên trong cỗ quan tài lạnh lẽo, bạn có thể mặc cho họ một bộ quần áo đặc biệt, có khả năng tự động phân rã và chỉ sau một thời gian sẽ không để lại dấu vết gì cả.

    Nghe có vẻ hơi rùng rợn và sửng sốt, nhưng đó đã và đang là một dự án được khởi động và phát triển, mang tên "áo quan sinh học", đóng vai trò giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường của những lễ tang. Cụ thể, bộ quần áo được làm từ nấm và những hợp chất hữu cơ khác, có tác dụng phân hủy và loại bỏ những chất độc hại trong cơ thể người chết.

    Jae Rhim Lee, CEO và đồng sáng lập của Coeio, đã thành lập công ty vào năm 2015 sau khi dành thời gian nghiên cứu các loại nấm cũng như thực tế của những lễ chôn cất. Từ đó, cô đã quyết định tìm ra một giải pháp thay thế quan tài, góp phần xúc tiến những ảnh hưởng tích cực với môi trường Trái Đất hơn.

    Cơ thể chúng ta luôn chứa những kim loại nặng và chất hóa học có hại mà chúng ta hấp thụ khi còn sống. Khi chết đi, cơ thể lại sản sinh đầy formaldehyde nhằm ngăn chặn sự phân hủy. Tựu chung lại, những chất hóa học trên sẽ dần ngấm vào lòng đất khi con người được chôn cất.

    Xét đến những hệ quả tiêu cực của hình thức chôn cất truyền thống, dần dần những biện pháp thân thiện với môi trường hơn đã được giới thiệu và áp dụng. Ngoài ra, một điều tra tiến hành bởi Hội đồng Phụ trách Tang lễ vào năm 2015 đã cho thấy 64% số người tham gia đồng ý với những giải pháp "xanh" trên (43% vào năm 2010).

    Bộ đồ cotton đặc biệt được sáng chế bởi Coeio đi liền với những hỗn hợp nấm và nguyên liệu hữu cơ trong kết cấu vải. Những tế bào nấm sẽ sản sinh enzyme có khả năng phá vỡ liên kết phân tử, biến các chất độc thành những thể đơn giản và ít nguy hiểm hơn. Nhìn chung, những thành phần ấy sẽ tác động vào quá trình phân hủy, trung hòa chất hóa học có hại, trở thành những chất dinh dưỡng cho sinh vật khác.

    Lee cũng thổ lộ quá khứ của mình rằng khi còn nhỏ, bà ngoại của cô đã mất vì đột quỵ, khiến cho mẹ cô bị suy sụp tinh thần rất nhiều, dẫn đến chính Lee cũng luôn sợ đối mặt với cái chết.

    "Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều như vậy. Đó là bản năng sống tất yếu của mỗi con người, không cần phải nói hay lên kế hoạch gì cả...," Lee chia sẻ với Tech Insider. "Nó để lại nỗi đau rất lớn cho chúng ta."

    Khi trưởng thành hơn, cô bắt đầu nghĩ đến những cách thay đổi ý kiến và suy nghĩ của mọi người về cái chết, kiểm soát nó một phần nhằm không để lại hậu quả gì tiêu cực về sau hơn nữa. Và từ đó, ý tưởng về một bộ quần áo chôn cất đặc biệt đã ra đời.

    5 năm trôi qua và 3 lần cải cách, nâng cấp thiết kế, cuối cùng cô đã cho ra mắt sản phẩm cuối cùng: bộ áo khoác ngoài màu đen với những rễ cây đính kèm xung quanh tay áo và cổ áo. Cơ chế mặc của nó cũng khá dễ dàng, vì cấu tạo ban đầu ở dạng phẳng, do đó người chăm sóc chỉ cần đặt cơ thể người chết lên, sau đó gập theo nếp có sẵn.

    Cấu tạo sợi của bộ áo được lấy cảm hứng từ những loài nấm bên dưới lòng đất có hình dáng mảnh như sợi chỉ, cung cấp chất dinh dưỡng qua đất. Lee cũng cho biết ý nghĩa thiết kế của bộ quần áo hướng đến mục đích giáo dục rằng con người vốn cũng thuộc về mẹ thiên nhiên.

    Chi phí cho mỗi sản phầm là 1.500 USD, mức giá khá cạnh tranh đối với những quan tài loại tốt trên thị trường.

    Người chết khi được mặc bộ quần áo này sẽ không cần thêm quan tài nữa. Nhưng có vẻ như viễn cảnh trơ vơ như vậy dưới độ sâu 6 feet dưới lòng đất sẽ khó được đón nhận ngay lập tức, do đó Coeio cũng đã cho ra mắt kèm theo một bộ khung chôn cất bao bọc để phục vụ tùy theo nhu cầu khách hàng.

    Chưa có trường hợp nào được ghi nhận đã sử dụng sản phẩm này, nhưng đã có khá nhiều người tình nguyện hiến cơ thể mình sau khi chết để thử nghiệm tiềm năng của nó. Công ty sẽ sớm tiến hành bước kiểm tra trên, đảm bảo tính hiệu quả của sản phẩm tỏng tương lai.

    Lee hy vọng rằng phát minh của cô sẽ góp phần tạo nên một bước ngoặt trong suy nghĩ của mọi người về cái chết: Cái chết cũng chỉ là một giai đoạn khởi đầu khác của cuộc sống - cơ thể chúng ta chuyển hóa thành chất dinh dưỡng giúp ích cho thiên nhiên và Trái Đất.

    "Một trong những cách tốt nhất để sống một cuộc sống mãn nguyện là chấp nhận những thứ cuối cùng rồi sẽ phải xảy đến, như cái chết chẳng hạn," trích lời Lee.

    Tham khảo: Tech Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ