Không chỉ là thú vui, livestream đang trở thành “cỗ máy hái ra tiền” ở Trung Quốc

    Hồng Lam, Theo Trí Thức Trẻ 

    Live-stream mang đến cơ hội kiếm tiền cho các cô gái trẻ và kích thích nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ và môi giới người dẫn chương trình.

    Jing Qi, một thành viên trong diễn đàn giao lưu trực tuyến Huajiao, vừa tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trong tháng 3 với mong muốn trở thành ngôi sao trên mạng xã hội. Sau năm giờ đồng hồ nằm im để bác sĩ nâng mũi và tiêm chất làm đầy khuôn mặt, mặc dù “đau đến chết đi sống lại”, cô gái 27 tuổi vẫn cảm thấy rất xứng đáng.

    “Tôi muốn mọi người ngắm nhìn tôi, rồi tặng tiền Huajiao cho tôi”. Jing Qi chia sẻ với Reuters. Cô cho biết tiền Huajiao là một loại tiền ảo người xem tặng cô sau khi xem live-stream và cô có thể đổi chúng sang tiền thật để sử dụng sau này.

    “Đến một ngày nào đó, tôi vừa xinh đẹp lại giàu có, tôi sẽ có thể kết hôn với một người đàn ông cũng đẹp trai, cao ráo và giàu có”, Jing Qi nói.

    Jing chỉ là một trong số hàng chục nghìn cô gái trẻ Trung Quốc nuôi mộng làm giàu nhờ cơn sốt live-stream đang quét qua thị trường đại lục.

    Ba năm trở lại đây, live-stream đã trở thành ngành công nghiệp có nhuận khổng lồ ở Trung Quốc. Thống kê của ngân hàng đầu tư chứng khoán Renaissance cho thấy live-stream mang về doanh thu 30 tỷ NDT (hơn 97.000 tỷ đồng) trong năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba trong năm 2020 và sẽ sớm vượt xa doanh thu của ngành chiếu phim.

    Tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” của ngành live-stream đã thu hút nhiều “ông lớn” đổ tiền vào, trong đó có Tencent, Alibaba hay Baidu. Các công ty này hy vọng sự phát triển của live-stream sẽ kéo theo một số ngành khác phát triển như: thương mại điện tử, mạng xã hội và kinh doanh trò chơi trực tuyến.

    Tencent, hãng game online và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã hỗ trợ rất nhiều công ty giải trí tương tác, ví dụ như nền tảng game Douyu. Trong khi đó, trang mua sắm điện tử Taobao của Alibaba cũng ra mắt nền tảng live-stream vào năm ngoái, cho phép người bán quảng cáo sản phẩm và giao lưu trực tiếp với người mua.

    Tại Trung Quốc, hiện có khoảng 150 trang mạng và diễn đàn chuyên về live-stream, thu hút sự quan tâm của 344 triệu người, tương đương 47% tổng số người sử dụng Internet.

    Livestream cũng thúc đẩy sự phát triển của một số ngành đi kèm như môi giới người dẫn chương trình, cho vay tiêu dùng hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ.

    Jin Xing, người sáng lập ứng dụng môi giới phẫu thuật thẩm mỹ Soyoung ước tính khoảng 95% người dẫn chương trình đã nhờ đến phẫu thuật để cải thiện ngoại hình.

    “Khi live-stream, người dẫn chương trình không thể giả vờ xinh đẹp được. Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp họ tăng khả năng được nhận quà ảo”, Jin cho biết. Ứng dụng Soyoung của anh sẽ kết nối người có nhu cầu chỉnh sửa với các trung tâm thẩm mỹ. Khoảng 1/5 lượng khách hàng của Soyoung đến từ ngành công nghiệp live-stream.

    Tương tự như với Jin Xing, ngành live-stream đã mang đến cơ hội làm ăn cho Deng Jian, chủ tịch của Three Minute TV, công ty chuyên cung cấp người dẫn chương trình cho các trang web live-stream. Deng cho biết họ có cả một cỗ máy chuyên nghiệp để phục vụ nhu cầu của thị trường.

    Tại một văn phòng của Three Minute TV ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục cô gái trẻ đang làm việc theo ca mỗi ngày. Mỗi cô gái là một người dẫn chương trình, được công ty bố trí cho một buồng nhỏ trang trí giống phòng ngủ và một cái máy tính.

    Nhiệm vụ của họ là phải hát, cười đùa với người xem và khuyến khích những người này mua các món quà ảo như hoa hồng, xe thể thao hay biệt thự. Số tiền người xem bỏ ra để mua quà sẽ được phân chia theo thỏa thuận giữa công ty môi giới, website và người dẫn chương trình.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định sau thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, rất ít website live-stream có thể tiếp tục tồn tại, đặc biệt khi có sự cạnh tranh từ các đại gia công nghệ. Bên cạnh đó giới chức Trung Quốc cũng đang “mạnh tay” đóng cửa hàng nghìn phòng lives-tream, và phạt nhiều kênh lớn vì có nội dung "bạo lực, khiêu dâm, không phù hợp thuần phong mỹ tục".

    Dù vậy, hàng nghìn người trẻ Trung Quốc vẫn không từ bỏ hy vọng trở thành ngôi sao trên mạng Internet.

    Jing Qi, cô gái được nhắc đến ở đầu bài, cho biết cô muốn trở nên nổi tiếng để tích lũy tiền mở một cửa hàng thương mại điện tử cho riêng mình. "72 giờ phẫu thuật đau đớn để đổi lấy 3-5 năm xinh đẹp là hoàn toàn xứng đáng", cô nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ