Không chỉ phụ nữ sau sinh, Coder cũng cực dễ trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực, đây là 5 cách để phòng tránh!

    Neo,  

    Những người thường xuyên làm việc với máy tính, ít tiếp xúc trực tiếp với mọi người và luôn phải gồng mình trước deadline như coder rất dễ mắc chứng trầm cảm.

    Với những người làm việc trí óc, đặc biệt là coder, chống trầm cảm, chán nản và cảm giác mệt mỏi là một cuộc chiến đáng sợ. Thời tiết khó chịu, công việc không suôn sẻ, dự án bị đình trệ, thiếu ngủ, lạm dụng nicotine... tất cả những lý do này khiến coder dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.

    Để chống trầm cảm, bạn phải dùng quyết tâm và năng lượng của bản thân. Tuy nhiên, căn bệnh tinh thần này thường hút hết quyết tâm và năng lượng mà bạn có, nó làm suy yếu mọi thứ mà bạn có thể dùng để chống lại nó như các mối quan hệ, tham vọng, tính hài hước.

    Vậy bạn phải làm gì khi ngồi trước máy tính, cố gắng tập trung vào những dòng code trước mặt nhưng thất bại? Làm thế nào để đánh bại trầm cảm và tránh những biến chứng của căn bệnh tâm lý này? Chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn một số giải pháp.

    1. Hãy chăm gặp gỡ, chia sẻ với mọi người

    Trong ngày làm việc điển hình, các coder thường ngồi trước màn hình máy tính, đôi khi đeo tai nghe, thi thoảng trả lời tin nhắn Facebook... nhưng hầu hết là ngồi một mình. Đôi khi, có các dự án mà coder phải cặm cụi làm việc trong nhiều tháng trời trước máy tính, không họp hành, không gọi điện. Nghe thì có vẻ lý tưởng với những người làm việc trí óc nhưng nó không lành mạnh.

    Não của chúng ta cần có sự tương tác với người khác. Bộ não của con người được tiến hóa một cách đặc biệt để điều khiển các mối quan hệ xã hội phức tạp. Hãy gặp gỡ, nói chuyện với mọi người bởi nếu bạn không làm như vậy trong thời gian dài bộ não sẽ bị ức chế và tạo ra các cảm giác như lo lắng, sợ hãi và tức giận.

    Bên cạnh đó, những buổi họp mặt gia đình, trà đá với bạn bè còn giúp bạn tìm thấy và tiếp cận những ý tưởng và công cụ giúp bạn cải thiện sức khỏe tâm lý.

    2. Ngủ đủ thời gian cần thiết

    Giấc ngủ chính là liều thuốc giúp bộ não của chúng ta phục hồi. Thiếu ngủ khiến bộ não trì trệ, cứng nhắc. Thiếu ngủ thường xuyên sẽ khiến bạn giảm khả năng sáng tạo, giảm sự sâu sắc và nói chung, giảm khả năng giải quyết vấn đề. Với một coder, đây là vấn đề nghiêm trọng.

    Lập trình viên thiếu ngủ giống như một vị bếp trưởng đánh mất vị giác. Bạn vẫn có thể làm việc nhưng chất lượng công việc không thể được đảm bảo ở mức cao. Ngủ không đủ khiến bạn chậm chạp, giảm năng suất và buộc bạn phải làm thêm giờ, hoặc thậm chí code xuyên đêm. Quá trình này lặp lại liên tiếp và rồi bạn sẽ bị trầm cảm mà không hề hay biết.

    3. Chia việc thành những phần nhỏ

    Sự thất vọng và hoảng loạn mà căn bệnh trầm cảm gây ra sẽ khiến chúng ta ngày càng tụt về phía sau và làm cho mọi thứ ngày càng tệ hơn. Một trong những kỹ năng chính của nhà phát triển phần mềm đó là định hình, ghi nhớ và điều chỉnh các mô hình phức tạp trong não. Một bộ não bị trầm cảm sẽ không thể thực hiện trôi chảy những tác vụ trên.

    Khi dự án càng kéo dài, coder với bộ óc mệt mỏi càng lạc lối trong chúng bởi họ không thể giữ mọi thứ đi đúng hướng. Khi rơi vào tình trạng này, bạn hãy cố gắng liệt kê mọi thứ trong não có liên quan tới dự án ra giấy. Không cần liệt kê theo thứ tự hoặc cố viết chữ đẹp. Khi mọi thứ được viết ra trên giấy, bạn có thể tập trung vào phần này hoặc phần khác của dự án và ghi chú một cách chi tiết hơn. Cuối cùng, với những ghi chú chi tiết, bạn sẽ có thể hoàn thành từng đoạn code. Nếu không tách công việc thành những phần nhỏ bạn rất dễ bị phân tâm hoặc một lúc nào đó suy sụp hoàn toàn.

    Mỗi lần hoàn thành một phần nhỏ của dự án, bạn sẽ thấy trách nhiệm trên vai nhẹ đi, áp lực giảm đi một chút. Những thành công nhỏ luôn mang lại nhiều ý nghĩa hơn là bị mắc kẹt ở ngay gần vạch đích của một thành công lớn. Hoàn thành các phần nhỏ của công việc sẽ khuyến khích bạn, khiến sếp của bạn hài lòng và cho bạn động lực tiến lên phía trước.

    4. Hãy đi khám và dùng thuốc chống trầm cảm theo đơn của bác sĩ

    Khi có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm như mất ngủ, ăn không ngon miệng, chán nản, không thể tập trung vào công việc... các bạn hãy gác công việc lại và tới gặp bác sĩ tâm lý.

    Một số người mắc trầm cảm từ chối dùng thuốc do bác sĩ kê đơn bởi họ không muốn cả đời phụ thuộc vào một số loại thuốc. Đây là một tư tưởng sai lầm. Dù có nhiều biện pháp chống trầm cảm khác như tư vấn tâm lý, các liệu pháp tâm lý trị liệu... nhưng dùng thuốc vẫn là một phương pháp được nhiều chuyên gia khuyến khích.

    5. Hãy luôn lạc quan và cam kết với bản thân rằng sẽ sống tốt hơn

    Cuối cùng, bạn phải luôn lạc quan và cam kết rằng sẽ sống tốt hơn, bất chấp cảm giác cô đơn, bất chấp việc bị choáng ngợp trong sự thất vọng và mơ hồ. Bạn chỉ sống một lần do vậy thật lãng phí khi sống trong đau khổ.

    Hãy luôn hướng tới hạnh phúc và hãy luôn nghĩ rằng gia đình bạn muốn bạn sống vui vẻ. Hãy luôn cảm thấy tự hào về những gì bạn đạt được trong ngày dù ngày hôm đó bạn code lỗi vài lần. Hãy dùng tất cả những gì bạn có, tất cả năng lượng trong bạn để đánh bại trầm cảm.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850 000 mạng người mỗi năm, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

    Theo muddylemon

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ