Không có khả năng sàn tiền số lớn nhất nước Mỹ phá sản
Những lời đồn đoán gần đây về khả năng phá sản của Coinbase chỉ là sự hoảng sợ của nhà đầu tư khi thị trường tiền mã hóa lao dốc.
Những ngày gần đây, cùng lúc với cơn địa chấn về sự gục ngã của 2 đồng tiền mã hóa danh tiếng UST và LUNA, giới công nghệ và tiền số còn xôn xao trước thông tin cho biết về khả năng phá sản của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ, Coinbase.
Điều này bắt nguồn từ hồ sơ mã số 10-Q được công ty nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ SEC trong đó nhắc đến các yếu tố rủi ro với tài sản tiền mã hóa của nhà đầu tư tiền mã hóa trong trường hợp Coinbase phá sản – dù rằng Brian Amstrong, CEO của Coinbase nhấn mạnh rằng khả năng phá sản rất khó có thể xảy ra.
Đây cũng là lần đầu tiên yếu tố rủi ro này được công ty đề cập trong báo cáo của mình gửi lên SEC.
Cùng với điều đó là hàng loạt biến cố bất lợi khác khi báo cáo quý vừa qua của Coinbase cũng không đạt được các mục tiêu kinh doanh chính, cũng như sự đổ vỡ của đồng tiền mã hóa danh tiếng LUNA và đồng stablecoin gắn với nó, UST. Không những thế sự sụt giảm của BTC về mốc thấp nhất trong hơn 9 tháng nay càng khiến nhiều người hoảng loạn và tin vào khả năng phá sản của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ hiện nay.
Trên thực tế, đến tận bây giờ Coinbase mới công bố về rủi ro phá sản này vì một yêu cầu mới của SEC có tên SAB 121 – mẫu văn bản công bố thông tin dành cho các công ty đại chúng đang nắm giữ tài sản tiền mã hóa cho các bên thứ ba khác.
Theo SEC, "do các đặc điểm riêng của loại tài sản và thiếu tiền lệ pháp lý", nên các công ty nắm giữ tiền mã hóa phải công bố việc xử lý những tài sản này như thế nào trong các trường hợp có tranh chấp pháp lý như gian lận, mất mát, trộm cắp hoặc phá sản.
Điều này nghĩa là bảng thông tin mà công ty nộp lên SEC phải trả lời theo một mẫu chung mà Ủy ban này quy định, bao gồm cả việc trả lời các câu hỏi về hướng xử lý tài sản mã hóa trong trường hợp công ty phá sản. Đó là lý do Coinbase nói về khả năng mình phá sản trong báo cáo mới đây – một điều hoàn toàn bình thường và hợp lý theo quy định – nó chắc chắn không phải là dấu hiệu về khả năng phá sản trong tương lai gần của công ty này.
Trên thực tế, gần như công ty nào cũng có khả năng phá sản, nhưng là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ hiện nay, nên ông Amstrong nhấn mạnh rằng khả năng này là rất khó xảy ra. Nếu có, nó chỉ có thể xảy ra trong những tình huống "Thiên Nga đen" – các sự kiện có chấn động lớn và khó dự đoán, nằm ngoài phạm vi của những kỳ vọng thông thường.
Trong những trường hợp đó, công ty cho biết: "Bởi vì việc nắm giữ các tài sản mã hóa được xem như quyền sở hữu của tài sản bị phá sản, nên trong trường hợp phá sản, các tài sản mã hóa được chúng tôi nắm giữ thay mặt cho khách hàng có thể là mục tiêu của tiến trình phá sản và những khách hàng đó có thể được xem như các chủ nợ không được đảm bảo của chúng tôi."
Điều này có nghĩa người dùng có thể mất quyền truy cập vào các tài sản này vì chúng được xem như quyền sở hữu của Coinbase. Điều này khác với quy định của Mỹ, khi người gửi tiền được bảo hiểm tới 250.000 USD cho mỗi tài khoản trong trường hợp ngân hàng họ gửi tiền phá sản.
Cho dù không có gì bất thường trong công bố của Coinbase, nhưng rõ ràng khi thị trường tiền mã hóa đang trên đà suy yếu, tâm lý của nhà đầu tư cũng dễ trở nên hoảng loạn và nhạy cảm trước bất kỳ thông tin nào.
Tham khảo MarketWatch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương