Không có smartphone như Apple và Google, liệu cái bắt tay của Amazon và Microsoft có làm nên chuyện?
Alexa và Cortana có thể đứng top về chất lượng và phạm vi phủ sóng trong cuộc chiến trợ lý ảo, nhưng cả Microsoft và Amazon đều không có chỗ đứng trên thị trường phần cứng “hot” nhất thế giới: smartphone.
Một trong những sự kiện “sốc” nhất tuần qua là cú bắt tay lịch sử của 2 trợ lý ảo Amazon Alexa và Microsoft Cortana. Theo tuyên bố hợp tác mới, người dùng loa Echo có thể dùng Alexa để truy cập các công cụ lịch hẹn được lưu trên Cortana, còn người dùng Microsoft có thể gọi tới Alexa để điều khiển thiết bị smarthome cũng như để mua hàng trên Amazon.
Đại diện của Microsoft cho biết quyết định này là kết quả của cuộc đàm phán đã kéo dài hơn 1 năm kể từ khi CEO Microsoft Satya Nadella và CEO Amazon Jeff Bezos gặp gỡ tại sự kiện CEO Summit do Microsoft tổ chức vào tháng 5 năm ngoái.
Ai cũng có thể thấy rằng đây là một bước đi đầy mạo hiểm của cả hai bên. Amazon hiện đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Microsoft trên mảng điện toán đám mây, và việc Alexa “tiếp sức” cho các tính năng đặt lịch thông qua Cortana sẽ càng giúp Microsoft siết chặt sức kiểm soát lên thị trường doanh nghiệp. Ở phía còn lại, với tầm nhìn “đám mây và rìa thông minh” được công bố tại BUILD 2017, Microsoft chắc chắn cũng đã đắn đo rất nhiều khi cho phép Amazon tăng tốc xâm chiếm smarthome bằng chính trợ lý ảo của mình.
Việc chấp nhận những đánh đổi cho thấy Amazon và Microsoft sẽ bằng mọi giá tạo ra một liên minh thống trị lĩnh vực trợ lý ảo đang lên ngôi. Câu hỏi đặt ra là, khi gần như không có chỗ đứng trên thị trường di động (cả Amazon và Microsoft đều không có smartphone và chỉ chiếm thị phần 1 chữ số với tablet), liệu 2 gã khổng lồ của lĩnh vực đám mây có thể đánh bại Apple, Google và Samsung?
Câu trả lời, trái với những gì bạn nghĩ, là “có”.
Thực tế là trợ lý ảo chưa thực sự bành trướng trên smartphone.
Khi nhìn lại cuộc cách mạng trợ lý ảo giọng nói, bạn sẽ nhận thấy một sự thật khá kỳ lạ: dù bắt nguồn bằng Siri (2011) nhưng các trợ lý ảo lại không được quá ưa chuộng trên điện thoại. Google phải đến tận 2015 mới ra mắt một trợ lý ảo thực thụ để thay thế cho Google Now quá kém cỏi trước Siri và Cortana. Đến cả đối thủ duy nhất có thể vượt mặt Apple về thị phần smartphone là Samsung cũng phải đợi đến 2017 mới ra mắt Bixby. Trong khi Samsung chưa bao giờ là một thế lực phần mềm, rõ ràng là nếu muốn, gã khổng lồ Hàn Quốc đã có thể bắt đầu dự án Bixby từ rất lâu chứ không phải đến bây giờ mới thực hiện.
Sự thờ ơ tương đối của chính các thế lực smartphone bắt nguồn từ chính sự thờ ơ của người tiêu dùng. Số liệu được Verto Analytics công bố vào tháng 5 vừa qua cho thấy trong vòng 1 năm, Siri đã mất tới 7,3 triệu người dùng. Ấy vậy mà ngoại trừ Apple, vẫn không một hãng nào dám công bố lượng người dùng tích cực cho trợ lý ảo của mình. Tại WWDC 2017, Apple đưa ra con số 375 triệu người dùng hàng tháng cho Siri.
Đó là một con số quá nhỏ so với hơn 1 tỷ thiết bị Apple được sử dụng trên toàn cầu, một cột mốc mà Apple đã đạt được từ tận tháng 1/2016.
Không khó để nhận thấy vì sao trợ lý ảo trên smartphone lại không được ưa chuộng: chiếc điện thoại thường được sử dụng trong các môi trường không thực sự riêng tư và cũng không được đảm bảo chất lượng kết nối. Cho đến tận ngày hôm nay, phần đông các trợ lý ảo vẫn khó có thể đạt độ trễ phản hồi tương đương với con người – tốc độ của Siri hay Google Assistant vẫn sẽ phụ thuộc vào tốc độ mạng 3G/4G LTE của bạn. Cũng chẳng có ai muốn ra lệnh “Hãy mua cho tôi 1 túi giấy vệ sinh 8 cuộn” khi đang đứng giữa văn phòng hoặc tại quán cà phê cả.
Đặt trong môi trường yên tĩnh của căn nhà, trợ lý ảo sẽ khoác lên mình bộ mặt mới. Người dùng có thể thoải mái đặt ra các câu lệnh bằng giọng nói mà phải lo nghĩ đến đôi tai tò mò của người khác. Cũng nhờ mạng cáp quang ngày một ổn định trong căn nhà, chất lượng phản hồi của trợ lý ảo sẽ được đảm bảo. Chính lý do này đã giúp tạo ra thành công của Amazon Echo và khai phá ra lĩnh vực loa thông minh mà cả Google, Apple lẫn Samsung đều đã tiếp bước.
Microsoft cũng có nền tảng loa thông minh của riêng mình để cung cấp cho các đối tác phần cứng, song điểm làm nên thế mạnh của gã khổng lồ phần mềm lại là vị thế thống trị trên PC. Cũng giống như loa thông minh, PC (kể cả laptop và tablet lai) là loại thiết bị không có tính di động rõ rệt và nhờ đó giảm được các lo ngại về quyền riêng tư hay chất lượng kết nối. Với vi xử lý mạnh mẽ hơn hẳn ARM di động, PC hứa hẹn tốc độ phản hồi vượt trội hơn cả smartphone lẫn loa thông minh.
Với màn hình lớn, PC cũng là chìa khóa để tạo ra trải nghiệm giải trí và mua sắm vượt trội so với smartphone hay tablet. Hiện tại, 400 triệu PC trên toàn cầu đã được cài đặt sẵn Windows 10 và Cortana. Kịch bản bất kỳ một chiếc PC nào cũng được cài đặt sẵn Cortana là tất yếu khi Windows 10 dần dần thay thế toàn bộ số PC chạy Windows 7 và Windows 8 còn sót lại.
Như vậy, việc thua cuộc rõ rệt trên smartphone vô tình đã giúp tạo ra 2 trợ lý ảo trên những môi trường thực sự phù hợp để sử dụng trợ lý ảo. Nếu tính về số lượng thiết bị có cài đặt, mức độ phủ sóng của Alexa và Cortana vẫn còn thấp hơn nhiều so với Siri, Google Assitant và Bixby. Song, nếu tính về chất lượng và nhu cầu thực tế của người dùng, sẽ là rất khó để trải nghiệm trợ lý ảo từ các ông lớn smartphone có thể đè bẹp 2 kẻ thua cuộc Amazon và Microsoft.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?