Bên cạnh cái tên Nokia, HMD giới thiệu điện thoại "cục gạch" 4G đầu tiên tại Việt Nam, giá chỉ hơn 600.000 đồng
HMD 105 4G là mẫu điện thoại "cục gạch" đầu tiên được hãng này giới thiệu dưới cái tên thương hiệu "HMD" thay vì là "Nokia" như trước đây.
HMD 105 4G là mẫu điện thoại phổ thông đầu tiên tại Việt Nam dưới thương hiệu HMD Global, thay vì sử dụng tên thương hiệu Nokia quen thuộc. Dù mang thương hiệu mới, thiết bị vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế và tính năng của những mẫu điện thoại Nokia kinh điển, nhưng đi kèm nhiều cải tiến đáng chú ý để phù hợp với xu hướng hiện đại.
Thiết kế bền bỉ, thân thiện người dùng
Không khác gì các mẫu điện thoại phổ thông Nokia, HMD 105 4G đi kèm đủ phụ kiện bao gồm củ sạc với dây USB-C tích hợp, sách hướng dẫn sử dụng và pin rời. Phiên bản chúng tôi đang có trong bài viết là phiên bản màu hồng, ngoài ra máy còn có thêm tùy chọn màu xanh và màu đen.
HMD 105 4G có thiết kế nhỏ gọn, với trọng lượng chỉ 92,99g và kích thước vừa phải, giúp người dùng dễ dàng cầm nắm. Màn hình 2,4 inch với độ phân giải QVGA cung cấp hình ảnh rõ ràng, mặc dù lớp kính bên ngoài dễ bị phản chiếu ánh sáng, gây khó khăn khi sử dụng dưới trời nắng gắt. Sản phẩm đi kèm với bàn phím T9 truyền thống, các phím bấm lớn và nổi, giúp người dùng lớn tuổi hoặc người có ngón tay to thao tác dễ dàng.
Thân máy hoàn thiện toàn bộ từ nhựa, với mặt lưng được vát cong cho cảm giác cầm nắm thoải mái. Phần viền có màu đen, đáng chú ý, phiên bản này sử dụng cổng sạc USB-C, có jack tai nghe 3.5mm ở dưới và một đèn pin ở cạnh viền trên
Điểm đáng chú ý là lớp vỏ polycarbonate cứng cáp, có khả năng chống nước nhẹ đạt chuẩn IP52, và khả năng chống va đập cao, rất phù hợp với những ai tìm kiếm một chiếc điện thoại bền bỉ. Nắp lưng có thể tháo rời để thay thế pin, một tính năng không còn phổ biến ở nhiều dòng điện thoại hiện nay.
Tính năng cơ bản nhưng không lỗi thời
Mặc dù là một chiếc điện thoại phổ thông, HMD 105 4G được trang bị nhiều tính năng hữu ích. Máy hỗ trợ kết nối 4G, cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi chất lượng cao qua VoLTE. Ngoài ra, người dùng có thể truy cập Facebook và duyệt web cơ bản bằng mạng 4G. Điều đặc biệt là FM radio trên máy có thể hoạt động mà không cần cắm tai nghe như các mẫu điện thoại trước đây.
Lướt Facebook bằng trình duyệt Opera Mini với giao diện mbasic vẫn khá ổn. Một số trang web vẫn được tối ưu hiển thị trên màn hình nhỏ
HMD 105 4G chạy hệ điều hành Symbian 30+, quen thuộc với người dùng từ các mẫu Nokia trước đây. Đây là hệ điều hành đơn giản, thân thiện, phù hợp với nhu cầu nghe gọi, nhắn tin, và giải trí nhẹ nhàng như chơi game "rắn săn mồi" nổi tiếng.
Cấu hình đủ dùng, thời lượng pin ấn tượng
Về phần cứng, máy được trang bị vi xử lý Unisoc T217, RAM 64 MB và bộ nhớ trong 128 MB, hỗ trợ mở rộng qua thẻ nhớ microSD tối đa 32 GB. Máy hỗ trợ kết nối Bluetooth 5.0, giúp người dùng kết nối tai nghe không dây một cách dễ dàng.
Viên pin 1450 mAh có thể tháo rời mang đến thời gian đàm thoại liên tục lên đến 8 giờ và thời gian chờ khoảng 12 ngày. Đây là một lợi thế lớn đối với người dùng cần một thiết bị có thời lượng pin dài mà không cần sạc thường xuyên.
Đối tượng sử dụng
HMD 105 4G hướng tới đối tượng người dùng điện thoại phổ thông đang tìm kiếm một thiết bị có khả năng kết nối 4G, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cắt sóng 2G và 3G. Sản phẩm phù hợp với người lớn tuổi hoặc những người muốn sử dụng điện thoại dự phòng cho các tác vụ cơ bản, nhưng vẫn muốn trải nghiệm những tính năng như duyệt web và nghe radio.
HMD 105 4G là lựa chọn phù hợp cho những ai cần một chiếc điện thoại phổ thông bền bỉ, dễ sử dụng, và có những tính năng cần thiết như kết nối 4G, pin lâu, và FM radio không dây. Sản phẩm có giá bán chính hãng tại thị trường Việt Nam là 650.000 đồng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI