Không được dùng Gmail, người dùng Huawei có thể sẽ phải dùng ProtonMail làm trình email mặc định
Chính sách cấm vận của Mỹ có khả năng sẽ khiến Huawei không thể sử dụng được toàn bộ hệ sinh thái Android.
ProtonMail đang đàm phán với Huawei Technologies Co. về việc tích hợp dịch vụ email mã hóa của hãng vào các thiết bị di động trong tương lai của hãng điện tử Trung Quốc - đây là một phần trong kế hoạch của Huawei nhằm phát triển một hệ sinh thái thay thế cho hệ sinh thái của Google.
Dịch vụ email của công ty đến từ Thụy Sỹ có thể sẽ được cài đặt sẵn trong các thiết bị di động Huawei trong tương lai, hoặc được cung cấp cho người dùng thông qua cửa hàng ứng dụng của Huawei - tức AppGallery - theo lời Andy Yen, CEO của ProtonMail. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhằm cung cấp dịch vụ cho Huawei.
Huawei có thể sẽ mất quyền sử dụng các chương trình của Google sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen về kinh tế, buộc các công ty Mỹ phải có một giấy phép đặc biệt nếu muốn giao dịch với công ty Trung Quốc này. Những chính sách hạn chế này còn ảnh hưởng đến các bản cập nhật của hệ điều hành Google Android, vốn đang được cài đặt trên mọi mẫu smartphone mà Huawei đang bán ở thị trường nước ngoài, và không có ANdroid, Huawei sẽ không thể cung cấp cho người dùng những ứng dụng thiết yếu như Gmail. Kết quả là Huawei phải chạy đua để xây dựng nên một hệ điều hành di động của riêng mình, HarmonyOS, và kêu gọi các nhà phát triển đưa các dịch vụ của họ lên cửa hàng ứng dụng của Huawei.
"Họ thấy ở chúng tôi một dịch vụ thay thế được cho Google trong trường hợp họ không thể dùng Google nữa" - Yen nói.
ProtonMail hiện đang có mặt trên Play Store của Google, và việc tham gia vào cửa hàng ứng dụng của Huawei sẽ giúp đảm bảo các khách hàng của công ty Thụy Sỹ có thể truy cập đến ứng dụng ngay cả khi Google bị chặn.
Đại diện của Huawei và Google vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Giao diện ProtonMail
Thụy Sỹ trung lập
Mặc cho mọi nỗ lực nhằm phát triển các giải pháp của riêng mình, doanh số smartphone Huawei ở nước ngoài vẫn có khả năng bị sụt giảm đến một nửa trong 12 tháng tiếp theo nếu người dùng không thể sử dụng Google Maps hay các dịch vụ khác của Google.
Yen nói rằng dù công ty của ông muốn duy trì thế trung lập đối với bất kỳ vấn đề chính trị nào, yếu tố quyết định việc hợp tác với Huawei chính là nhằm đảm bảo sự bảo mật và riêng tư của người dùng đang sử dụng dịch vụ ProtonMail.
Mối quan hệ hợp tác với Huawei sẽ mở cửa để các dịch vụ của ProtonMail tiếp cận một lượng người dùng lớn hơn, nhưng "chúng tôi cần cân nhắc điều này bên cạnh những nguy cơ khác trong kinh doanh, đặc biệt tại Trung Quốc, bởi bạn không bao giờ thực sự biết bạn đang làm cho ai" - Yen nói.
Việc ProtonMail đàm phán với Huawei chỉ là một vụ việc nhỏ trong một trào lưu lớn hơn nhiều đang diễn ra giữa các nhà cung cấp Trung Quốc - những hãng đang bắt đầu tìm những giải pháp thay thế cho công nghệ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày một tăng cao.
"Đây là một cơ hội kinh doanh cho châu Âu nói chung nhằm cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho công nghệ Mỹ và để cạnh tranh" - Yen nói.
Dịch vụ ProtonMail, trụ sở đặt tại Geneva, hiện cung cấp dịch vụ email mã hóa hai đầu cho 17 triệu người dùng toàn cầu. Hãng này lưu trữ dữ liệu tại các trung tâm dữ liệu của riêng mình, bao gồm một trung tâm đặt tại một boong-ke được canh gác cẩn mật nằm sâu dưới 1.000 mét đá granite. Công ty này được thành lập vào năm 2014 khi các nhà sáng lập vẫn còn đang nghiên cứu tại CERN, tổ chức nghiên cứu về hạt nhân của EU.
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời