Không làm từ thiện nhiều như Bill Gates, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos sử dụng 150 tỷ USD tài sản của mình như thế nào?
Jeff Bezos, nhà sáng lập và CEO của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, là người giàu nhất còn sống trên thế giới và là người đầu tiên trong lịch sử hiện đại tích trữ được khối tài sản vượt quá con số 100 tỷ USD.
Bezos có giá trị ròng ước tính 156 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phần của ông trong Amazon. Từ bất động sản cho đến du hành không gian, dưới đây là những cách mà Bezos đã tiêu số tiền khổng lồ của mình.
Jeff Bezos sáng lập ra Amazon vào ngày 5/7/1994.
Bố mẹ ông đã bị sốc khi nghe tin con trai mình từ bỏ một công việc khá ưng ý tại Phố Wall để đi bán sách trên Internet.
Cuối cùng, hai vị phụ huynh đã đầu tư khoảng 1/4 triệu USD vào công ty còn non trẻ này - một khoản đầu tư mà ngày nay trị giá khoảng 30 tỷ USD.
Amazon thực hiện IPO vào ngày 15/5/1997. Kể từ thời điểm đó, giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 97.000%.
Sự trỗi dậy của Amazon khiến các đối thủ vào thời kỳ đầu của Internet phải sững sờ. Trong thư gửi cổ đông tiền IPO, Bezos nhắc đến các quan hệ đối tác chiến lược với nhiều công ty như America Online, Prodigy, và Yahoo - mà nay hoặc đã ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc đã bị các đối thủ mua lại.
Amazon đã tăng trưởng đều đặn trong 2 thập kỷ qua, và hiện công ty này bán nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, đồ điện tử và các loại nội dung số đa phương tiện khác.
Một lĩnh vực lớn mới phát triển gần đây của Amazon là Web Services. Đến tháng 2/2018, dịch vụ đám mây của công ty đã có giá trị 17,5 tỷ USD.
Sự trỗi dậy của Amazon là nguồn chính trong khối tài sản trị giá 150 tỷ USD của Bezos. Bezos vẫn là cổ đông lớn nhất của Amazon, sở hữu 16% gã khổng lồ thương mại trực tuyến này.
Tài sản của Bezos lớn đến nỗi, theo ước tính của Business Insider, thì khoản chi tiêu 88.000 USD của ông cũng chỉ như người Mỹ bình thường tiêu... 1 USD mà thôi.
Bezos là một trong những chủ đất lớn nhất nước Mỹ. Ông và gia đình sở hữu 5 ngôi nhà trên khắp đất nước.
Một mảnh đất rộng 5,3 arc, với hai ngôi nhà, tại Medina, WA, không xa trụ sở Amazon ở Seattle là bao.
Bezos còn sở hữu một dinh thự phong cách Tây Ban Nha ở Beverly Hills, California.
Ông cũng sở hữu một trang trại ở Van Horn, Texas, nơi đóng vai trò trụ sở cho công ty thám hiểm không gian Blue Origin của mình.
Bezos mua một ngôi nhà ở Washington, DC, vào năm 2016.
Cuối cùng, Bezos sở hữu 3 căn hộ trong tòa nhà Century ở số 25 Central Park West tại Manhattan.
Bezos có truyền thống khá tằn tiện trong việc đi lại trên bộ. Đến năm 2013, ông vẫn lái một chiếc Honda Accord.
Tuy nhiên, Bezos lại sở hữu một chiếc máy bay riêng Gulfstream G650ER trị giá 65 triệu USD. Chiếc máy bay này đã đỗ nhiều lần tại khu vực Washington, DC, khiến người ta suy đoán rằng đây có thể là vị trí đặt trụ sở HQ2 của Amazon.
Một trong những lần mua sắm đáng kể nhất của Bezos trong vài năm trở lại đây là vụ thâu tóm tờ The Washington Post vào năm 2013 với giá 250 triệu USD.
Bezos không làm từ thiện nhiều như các bạn bè tỷ phú, như Warren Buffett và Bill Gates - vốn là những người đã cam kết hiến tặng phần lớn gia tài của mình cho từ thiện.
Tuy nhiên, Bezos lại hỗ trợ Mary's Place - một tổ chức ở Seattle cung cấp nơi ở và dạy nghề cho những người vô gia cư, và TheDream.US, tổ chức hỗ trợ những người nhập cư không giấy tờ đến Mỹ từ khi còn là trẻ nhỏ.
Bezos còn hỗ trợ nhiều công ty khác thường, như Long Now Foundation - công ty đang tìm cách xây dựng một chiếc đồng hồ cơ khí khổng lồ có thể hoạt động trong 10.000 năm dưới lòng đất ở West Texas.
Chiếc đồng hồ này được dự định sẽ trở thành "biểu tượng cho tư duy dài hạn" - theo một đoạn tweet từ Bezos.
Công ty tham vọng nhất của Bezos có lẽ là Công ty thám hiểm không gian Blue Origin.
Công ty này đã thực hiện thành công nhiều chuyến bay thử nghiệm bằng tên lửa có khả năng tái sử dụng New Shepard, và hiện đang phát triển một hệ thống tên lửa lớn hơn, tái sử dụng được nhiều hơn là New Glenn nhằm cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk.
Về dài hạn, Bezos dự định Blue Origin sẽ hỗ trợ các chuyến bay chở người trên quy mô lớn nhằm thuộc địa hóa Thái Dương hệ.
Bezos nói với Matthias Dopfner - CEO của Axel Springer - rằng ông xem Blue Origin là "công việc quan trọng bậc nhất mà mình đang làm".
Quả thực, Bezos có kế hoạch tiêu toàn bộ tài sản của mình vào thám hiểm không gian. "Tôi sẽ dùng số tiền trúng xổ số từ Amazon để tài trợ cho Blue Origin".
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời