Không may bị đuổi việc? Đừng lo, đây là 9 bước để lấy lại phong độ

    Long.J,  

    Bị đuổi việc đương nhiên là một trải nghiệm không mấy thú vị, tuy nhiên, kẻ học cách đứng dậy sau vấp ngã sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Elizabeth Gross là một trợ lý giám đốc trẻ tuổi tại một công ty lớn, đây là lần đầu tiên trong đời cô bị đuổi việc.

    Công ty trải qua một cuộc tái tổ chức, tên cô nằm trong danh sách nhân sự bị cắt giảm. Với một nhân viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và tham vọng như Gross, đây thực sự là một cú sốc.

    "Cảm giác giống như chết lâm sàng vậy. Bạn bị mất việc, những người cùng làm việc và gặp gỡ mỗi ngày sẽ không còn tồn tại trong cuộc sống của bạn nữa. Chúng tôi luôn có xác định lâu dài với nghề nghiệp nhưng tất cả đã chấm hết rồi", cô chia sẻ.

    Trong khoảng hai thập kỷ qua, Gross bị đuổi việc tổng cộng 4 lần: 2 lần có thông báo trước, 2 lần còn lại là hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, cô đã vượt qua chúng và hiện tại, Gross đang làm quản lý sản phẩm tại một ngân hàng lớn. Elizabeth Gross đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như cách vượt qua cú sốc bị thôi việc tại hội nghị SXSW 2017 qua bài phát biểu "Bạn vừa bị cho thôi việc, làm thế nào bây giờ?"

    Gross cho biết, hậu quả của việc bị sa thải rất khủng khiếp nhưng bạn cần phải lên kế hoạch cho bản thân. 9 bước sau đây sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại phong độ và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    1. Hồi phục

    Có thể bạn là người kiên cường, nhưng mất việc vẫn là cú đánh mạnh vào tâm trí bạn. Nếu thấy buồn bã, hãy cảm xúc của bạn được tự nhiên. Đó là lời chia sẻ của Steve Spires - Giám đốc kiêm quản lý nhân lực của BPI Group. "Điều đầu tiên nên làm là tập trung vào cảm xúc của chính mình, nếu cần hãy yêu cầu được giúp đỡ", ông nói.

    Hãy tận dụng mạng lưới hỗ trợ xunh quanh mình như gia đình, bạn bè...hoặc thông tin có sẵn từ công ty cũ. Có thể chúng sẽ giúp ích cho bạn.

    Dù làm gì, đừng cố tỏ ra chuyện bị sa thải chưa từng xảy ra. Nếu không cho bản thân vài ngày để vượt qua những cảm xúc tiêu cực, sẽ dẫn đến những quyết định hay chọn lựa sai lầm cho công việc tiếp theo.

    2. Chú ý đến tài chính của bản thân

    Đương nhiên là vừa bị đuổi việc thì bạn cũng chưa thể "ngỏm" luôn được, tuy nhiên, không thể cứ ngủ ngon mãi trong khi không hề có nguồn tiền nào chảy vào tài khoản. Nên nhớ, bạn vừa mới mất việc.

    Hãy tổng hợp lại tình hình tài chính của bản thân, từ những khoản thu - chi nhỏ nhặt nhất, để chắc chắn rằng bạn không bị rơi vào khủng hoảng. Cố gắng chi tiêu hợp lý nhất có thể cho đến khi tìm được việc mới, rõ ràng một con người đầy nhiệt huyết không muốn bị phụ thuộc kinh tế vào gia đình.

    3. Giữ lịch sinh hoạt cố định

    Mất việc rồi, bạn có thể thức đêm và ngủ một mạch đến trưa? Suy nghĩ đó thật sai lầm.

    Theo kinh nghiệm của Gross, bạn sẽ cảm thấy ổn hôn khi giữ một số thói quen sinh hoạt cố định. Sau khi bị sa thải, cô vẫn dậy sớm như mọi ngày và đi đến phòng gym, sau đó ngồi tập trung vào hoạt động tìm kiếm việc làm mới cho tới 11 giờ trưa.

    Giữ lịch sinh hoạt cố định giúp bạn tập trung vào các mục tiêu mình đã đặt ra và giữ cảm xúc được ổn định.

    4. Rút kinh nghiệm bản thân

    Hãy tự hỏi chính mình "Những nguyên nhân dẫn đến chuyện này là gì?", hãy khách quan, không đổ lỗi cho bản thân hay ông chủ cũ của bạn vì chuyện đó sẽ chẳng đi đến đâu. Nhìn vấn đề từ nhiều mặt, có rất nhiều điều để học hỏi từ những chuyện đã xảy ra.

    Hồi tưởng, liên kết những mắt xích liên quan đến nhau khi bạn còn tại vị. Vấn đề nằm ở bạn hay của công ty cũ? Liệu bạn làm khác đi thì có bị sa thải không? Những câu hỏi đó sẽ giúp bạn dần hoàn thiện bản thân và tránh đi vào "vết xe đổ" khi tìm được công việc mới.

    5. Biết giá trị bản thân

    Bị sa thải có thể là một đòn đánh mạnh vào cái tôi và giá trị bản thân. Dù việc bị sa thải có chính đáng hay không, đây cũng là lúc bạn nhìn nhận lại giá trị của bản thân.

    Bị cho thôi việc là việc không tốt chút nào, tuy nhiên hãy coi đó là cơ hội để đến với công việc mới, nơi thực sự phù hợp để bạn phát triển.

    6. Hiểu và đi thẳng vào vấn đề

    Một thời gian sau hay thậm chí là ngay sau khi bạn bị thôi việc, sẽ có người hỏi bạn lý do tại sao chuyện đó lại xảy ra. Câu hỏi đó là rất bình thường, tuy nhiên không phải ai cũng có sự chuẩn bị hay đáp án cho những câu hỏi kiểu đó.

    Bạn cần phải có câu trả lời cho việc bị sa thải, cho bản thân, những người xunh quanh và cả những nhà tuyển dụng tiềm năng.

    Thường thì câu trả lời sẽ không được rõ ràng và có xu hướng "đậy điệm" những sai lầm trong quá khứ của bạn. Sự thật là không ai muốn giá trị của mình bị giảm đi trước người khác.

    Tuy nhiên, việc quan trọng là phải thành thật với bản thân. Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp cần biết rõ bạn bị đuổi việc do sự yếu kém của bản thân hay do công ty cũ. Có thể, bạn chưa phù hợp với môi trường cũ nhưng môi trường phù hợp hơn thì lại khác, hãy nhớ rõ điều đó.

    7. "Đấu tranh" cho công việc mà bạn mong muốn

    Sau khi cho phép bản thân được "xả hơi" sau những căng thẳng và mệt mỏi, hãy nghĩ ngay đến bạn muốn làm công việc gì tiếp theo.

    Bạn muốn đi tiếp con đường trước kia bạn đã chọn? Nếu cảm thấy không hài lòng với công việc cũ, đây là lúc bạn thay đổi hay thậm chí là bước vào một lĩnh vực mới mẻ.

    Khi đã xác định rõ tầm nhìn cho bản thân, bắt tay ngay vào việc soạn một CV mới, hãy cho nhà tuyển dụng biết ưu điểm và những việc bạn có thể thực hiện.

    8. Sửa chữa những sai lầm, tiếp tục hoàn thiện bản thân

    Khi bạn còn đang đắn đo và chưa có tầm nhìn rõ ràng cho những dự định trong tương lai. Đừng dừng việc tiếp tục học hỏi và hoàn thiện bản thân.

    Nghiêm túc suy nghĩ, những yếu điểm gì đang gây ra bất lợi trên con đường sự nghiệp của bạn? Thường thì thời gian làm việc tại công ty cũ sẽ cho bạn những câu trả lời thỏa đáng.

    Hãy tham gia hội thảo, đăng kí những khóa học về kỹ năng quản lý hoặc lãnh đạo...nếu có thể. Đừng chần chừ, kỹ năng càng hoàn thiện thì bạn càng có cơ hội tiếp cận những công việc có khả năng thăng tiến cao.

    9. Mạnh dạn tiến tới

    Sau khi "làm mới" con người bạn cả trong lẫn ngoài, bạn đã sẵn sàng tiến tới những cơ hội đang chờ đón mình.

    Hãy chia sẻ dự định cũng như kế hoạch bản thân cho những người mà bạn tin tưởng để được tiếp thêm động lực. Tùy vào mục tiêu đặt ra, bắt đầu hẹn lịch phỏng vấn và sẵn sàng chiến đấu. Bạn đã mạnh mẽ hơn nhiều rồi đấy!

    Dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào, những va vấp chỉ đơn giản làm bạn kiên cường và thích ứng tốt hơn với cuộc sống ngày một khắc nghiệt này.

    Theo Fast Company

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ