Không phải GoJek hay Be, ứng dụng gọi xe được người Việt dùng nhiều chỉ sau Grab thuộc về một hãng taxi truyền thống
Không những sở hữu tỷ lệ sử dụng cao thứ hai, ứng dụng gọi xe của hãng taxi này cũng được yêu thích chỉ sau Grab, theo kết quả khảo sát quý 1/2023 của Decision Lab và MMA.
Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) mới đây công bố báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý 1/2023, nhằm cung cấp những cập nhật về thói quen, xu hướng của người tiêu dùng trên các nền tảng số qua mỗi quý.
Báo cáo dành một phần đề cập đến xu hướng gọi xe qua ứng dụng của người tiêu dùng Việt Nam, trong đó Grab chiếm thể áp đảo so với phần còn lại.
Về tỷ lệ sử dụng, 70% đáp viên tham gia khảo sát quý 1/2023 của Decision Lab và MMA cho biết họ sử dụng Grab để đặt xe, tương đương tỷ lệ trong quý 4/2022. Về mức độ yêu thích, 55% chọn Grab là ứng dụng gọi xe họ sử dụng thường xuyên nhất, tăng 2% so với quý 4/2022.
Xếp sau Grab cả về tỷ lệ sử dụng và mức độ yêu thích không phải nền tảng gọi xe công nghệ nào đó khác như GoJek hay Be, mà là ứng dụng Mai Linh Taxi - hãng taxi truyền thống vốn vô cùng quen thuộc với đông đảo người Việt.
Tỷ lệ sử dụng các app gọi xe phổ biến tại Việt Nam (Ảnh: Decision Lab)
Tỷ lệ sử dụng app Mai Linh Taxi trong số những người tham gia khảo sát quý 1/2023 là 29%, tăng 1% so với quý trước đó. Với ứng dụng GoJek và Be, tỷ lệ này lần lượt là 24% và 20%, đều giảm so với quý 4/2022.
Về mức độ yêu thích, 11% chọn Mai Linh Taxi là ứng dụng gọi xe họ sử dụng thường xuyên nhất, tăng 1% so với quý 4/2022. Đứng ở vị trí thứ 3 là GoJek với 8%, giảm 1% so với quý trước đó.
Xét theo từng lứa tuổi, Mai Linh Taxi là ứng dụng được yêu thích thứ 2 sau Grab đối với Gen X (sinh từ năm 1960 - 1980) và Gen Y (sinh từ năm 1981 - 1996).
Có thể thấy trừ Grab, Gen X ưa chuộng app của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh hay Vinasun hơn các nền tảng xe công nghệ. Ngược lại, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở về sau) thường xuyên sử dụng 3 app gọi xe công nghệ là Grab, GoJek và Be, khiến Mai Linh Taxi bị đẩy xuống vị trí thứ 4.
Mức độ yêu thích các app gọi xe chia theo lứa tuổi tại Việt Nam (Nguồn: Decision Lab)
Taxi truyền thống trở lại đường đua
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải thông qua quyết định cho phép thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử, mở đường cho "làn sóng" xe công nghệ tại Việt Nam. Nhờ lợi thế công nghệ và những chương trình khuyến mại hấp dẫn, các nền tảng xe công nghệ mà điển hình là Grab dần chiếm thị phần từ các hãng taxi truyền thống.
Mai Linh - cái tên hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ taxi không tránh khỏi những tác động nặng nề vào giai đoạn đó. Thị phần và doanh thu giảm, các tài xế lần lượt nghỉ việc, khiến tập đoàn dường như không thể không thay đổi để thích nghi với thời cuộc.
Mặc dù khởi động xây dựng ứng dụng gọi xe từ năm 2015, tới năm 2017 app Mai Linh Taxi mới được phát hành. Thành công cũng không đến ngay lập tức.
Theo phản ánh của người dùng, lý do họ không cài app của các hãng taxi truyền thống là giao diện sơ sài, chỉ có chức năng đặt xe trong khi với những nền tảng như Grab họ có thể gọi xe, đặt giao hàng, mua đồ ăn, đi chợ chỉ trên một ứng dụng. Điều quan trọng là các "super-app" này tung ra rất nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, tình hình gần đây dường như đang thay đổi. Sau giai đoạn "đốt tiền" để giành thị phần, các nền tảng như Grab giờ đây phải tập trung tìm kiếm lợi nhuận, đồng nghĩa với việc cắt giảm khuyến mãi. Không những vậy, nếu đặt xe vào giờ cao điểm hoặc khi trời mưa, người dùng sẽ mất thêm phụ phí, khiến giá cước lúc đó trở nên đắt hơn taxi truyền thống.
Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống âm thầm nỗ lực nâng cấp ứng dụng, cải thiện tính năng cũng như bổ sung phương thức thanh toán tiện dụng cho khách hàng. App Mai Linh Taxi đang được đánh giá 4,1 sao trên kho ứng dụng Google Play - số điểm được cho là khá tốt. Năm 2022, Taxi Mai Linh cũng đã cắt đứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp kể từ 2018.
Hồi năm 2017, sau khi Vinasun - một hãng taxi truyền thống lớn khác tuyên bố kiện Grab và Uber vì cạnh tranh không lành mạnh, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy cho biết ông ủng hộ quyết định này, nhưng đây không phải mục tiêu chính của Mai Linh.
"Thay vào đó, chúng tôi dành nguồn lực đầu tư công nghệ, thay đổi hệ thống quản trị. Cốt lõi là phải thay đổi chính mình", ông Hồ Huy trả lời Báo Đầu Tư hồi năm 2017.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?