Không phải Samsung, Meta mới là công ty tiếp theo làm kính thực tế ảo hỗn hợp để đấu với Apple

    Anh Việt, ttvn.toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Việc hợp tác với Magic Leap sẽ giúp Meta như 'hổ mọc thêm cánh', trở thành đối thủ chính đối đầu với Apple trong mảng thiết bị thực tế ảo hỗn hợp.

    Meta có thể sẽ sớm bắt tay với Magic Leap - công ty khá đình đám hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kính thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (VR/AR) hoặc thực tế ảo hỗn hợp (MR), để sử dụng các công nghệ của hãng này trong việc phát triển các thiết bị của riêng mình. 

    Trong bối cảnh Samsung vẫn đang khá 'im hơi lặng tiếng' trong việc phát triển thiết bị thực tế ảo hỗn hợp của riêng mình, việc hợp tác với Magic Leap được cho sẽ giúp Meta như như 'hổ mọc thêm cánh', đủ tầm cạnh tranh với Apple vốn cũng đang rục rịch gia nhập thị trường thực tế ảo hỗn hợp thời gian tới. 

    Không phải Samsung, Meta mới là công ty tiếp theo làm kính thực tế ảo hỗn hợp để đấu với Apple - Ảnh 1.

    Kính Magic Leap 2 sử dụng công nghệ ống dẫn sóng để hiển thị hình ảnh. Meta được cho là muốn có được những ống kính này cho tham vọng kính AR của riêng mình. Ảnh: Internet

    Cụ thể, theo thông tin của tờ Financial Times, hai công ty đang đàm phán để ký một thỏa thuận sản xuất và cấp phép sở hữu trí tuệ kéo dài nhiều năm.Thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán còn rất ít, nhưng theo nguồn tin của trang này, mối quan hệ đối tác tiềm năng giữa Meta và Magic Leap sẽ không tập trung vào việc đồng phát triển một mẫu thiết bị VR hoặc AR. 

    Thay vào đó, thỏa thuận sẽ bao gồm việc Magic Leap cung cấp cho Meta quyền tiếp cận vào một số công nghệ quang học độc quyền của công ty này. Chẳng hạn, Meta sẽ được tiếp cận công nghệ ống dẫn sóng, vốn được sử dụng để tạo hình ảnh trên một cặp kính AR. 

    Mối quan hệ đối tác cũng có thể giúp Magic Leap hỗ trợ sản xuất các thiết bị cho Meta, qua đó cho phép gã khổng lồ công nghệ sản xuất nhiều thiết bị VR hơn trong nước, trong bối cảnh các công ty Mỹ đang phải chịu nhiều áp lực hơn trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Về phần Meta, gã khổng lồ công nghệ này đang đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư trong việc phải thể hiện điều gì đó xứng đáng với số tiền mà họ đã bỏ ra để theo đuổi tầm nhìn của CEO Mark Zuckerberg.

    Trên thực tế, Meta gần như sẽ không kiếm được lợi nhuận từ tất cả các dự án metaverse (vũ trụ ảo) của mình trong vài năm nữa. Đồng thời, công ty này cũng đang đốt khoảng 10 tỷ USD hàng năm cho bộ phận Reality Labs của mình.

    Mặc dù đang sở hữu một vài thiết bị thực tế ảo khá thành công như dòng Quest, Meta còn có tham vọng AR lớn hơn nhiều trong vài năm tới. Thông tin bị rò rỉ gần đây từ Reality Labs cho thấy Meta muốn ra mắt “kính thông minh” vào năm 2025 và kính AR đa chức năng vào năm 2027. Những thiết bị có tên mã “Orion” này đã được phát triển trong gần một thập kỷ và được cho là sẽ tạo hình ảnh ba chiều giống AR trên các vật thể trong thế giới thực. Mặt khác, Meta đã thử nghiệm nhiều hơn với công nghệ "truyền qua" - vốn thực chất là camera gắn ở bên ngoài kính VR/AR - để phục vụ các tác vụ thực tế ảo hỗn hợp. 

    Tất nhiên, động thái cậy nhờ sức mạnh của Magic Leap để cạnh tranh trong thị trường thực tế ảo hỗn hợp của Meta cũng không hề dễ dàng, khi bản thân Apple cũng đang sở hữu một sản phẩm được truyền thông đánh giá rất cao dù chưa ra mắt. 

    Khi Meta phải đối đầu với Apple ở thị trường thiết bị thực tế ảo hỗn hợp

    Tờ The Wall Street Journal gần đây đã tiết lộ một số thông tin về dự án thiết bị MR được đồn đại từ lâu của Apple. Cụ thể, Táo Khuyết có kế hoạch ra mắt mẫu kính thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường của mình tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) vào tháng 6 tới đây. Tại sự kiện này, một số buổi họp sẽ được tổ chức liên quan tới việc phát triển phần mềm cho thiết bị MR của Apple.

    Được biết, thiết bị MR của Apple dự kiến sẽ tích hợp một màn hình bên trong dành công nghệ thực tế ảo, trong khi camera hướng ra ngoài sẽ cho phép người dùng xem thế giới thực bên trong tai nghe với một lớp giao diện thực tế tăng cường. 

    Không phải Samsung, Meta mới là công ty tiếp theo làm kính thực tế ảo hỗn hợp để đấu với Apple - Ảnh 2.

    Ảnh dựng 3D minh họa cho mẫu kính thực tế ảo hỗn hợp của Apple. Ảnh: Apple Insider

    Một số thông tin khác về thiết bị MR của Apple cũng được truyền thông đăng tải. Theo đó, thiết bị này được đánh giá là 'thử nghiệm' và "khác thường" so với hầu hết các sản phẩm khác của Apple, có giá khoảng 3.000 USD. Đi kèm thiết bị sẽ là một bộ pin gắn ngoài ở thắt lưng người dùng. Khi sử dụng thiết bị, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng như FaceTim, Apple Fitness++, thậm chí là chơi game.

    Mặc dù điểm hút khách nhất của mẫu kính thực tế ảo hỗn hợp của Apple vẫn chưa được xác định, một số nguồn tin khẳng định khả năng của thiết bị này "vượt xa các đối thủ cạnh tranh".

    Cụ thể, thiết bị của Apple được cho là cung cấp "mức hiệu suất và trải nghiệm nhập tâm cao hơn" so với một số thiết bị cạnh tranh, chẳng hạn như kính thực tế ảo Oculus Quest Pro của Meta.

    Với việc sự kiện WWDC sự kiến sẽ bắt đầu vào 5/6 tới đây, khi Apple có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện, mẫu kính thực tế ảo hỗn hợp của Apple nhiều khả năng sẽ sớm có lần đầu được hé lộ tới công chúng trong vài tuần nữa.

     Tổng hợp 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ