'Không thay đổi một chữ' - Nghi án đạo văn của đội nghiên cứu AI thuộc Đại học Quốc gia Seoul gây chấn động Hàn Quốc
Một luận án nghiên cứu được công bố tại hội nghị AI hàng đầu thế giới vừa bị phát hiện đã sao chép khoảng 10 luận án khác nhau từ năm 2018 tới 2021.
Theo báo cáo của đài truyền hình SBS của Hàn Quốc hôm 25/6, nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của Đại học Quốc gia Seoul, một trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại sự kiện Hội nghị về Tầm nhìn máy tính và Nhận dạng mẫu (CVPR) diễn ra hôm 23/6.
Nội dung của luận án nghiên cứu đề cập đến phương pháp nhận dạng dữ liệu sự kiện như chuyển động của vật thể trong video hoặc sự thay đổi ánh sáng, và nó được tuyên bố là nhanh hơn các công nghệ hiện có.
Tuy nhiên, luận án này đã bị phát hiện là ăn cắp ý tưởng và đang bị chỉ trích nặng nề bởi tất cả các bên. Hàn Quốc lo lắng rằng vụ bê bối này có thể trở thành "sự cố Hwang Woo Suk" lần thứ hai của nước này.
"Không thay đổi một từ nào"
CVPR là hội nghị học thuật hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy học. Năm nay sự kiện được tổ chức tại New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ từ ngày 19 đến ngày 24/6. Vào tháng 11 năm ngoái, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul đã gửi một luận án học thuật cho CVPR và nó đã được chọn là "sản phẩm xuất sắc". Và hôm 23 tháng này, kết quả đã được trình bày trước các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng chỉ một ngày sau, đã có một cuộc tranh cãi nổ ra về việc đạo văn của luận án đến từ trường Đại học Seoul. Một video trên nền tảng YouTube thậm chí đã phân tích cho thấy một số cách diễn đạt và công thức trong luận án của Đại học Quốc gia Seoul không cho biết nguồn trích dẫn và nó cũng có nhiều nội dung giống các bài nghiên cứu từng được xuất bản.
Cụ thể hơn, nhóm từ Đại học Quốc gia Seoul bị nghi ngờ đạo văn từ khoảng 10 luận án. Các luận án bị đạo văn bao gồm luận án do Đại học California tại Berkeley xuất bản năm 2018; luận án do Đại học Toronto ở Canada xuất bản năm 2019; luận án do Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và Đại học Oxford ở Vương quốc Anh xuất bản năm 2021. Lấy luận án của Đại học Toronto làm ví dụ, nhóm AI của Đại học Quốc gia Seoul thậm chí đã sao chép trực tiếp một số câu mà không thay đổi một từ nào. Ngoài ra, cấu trúc công thức là cốt lõi trong luận án của Đại học Quốc gia Seoul hoàn toàn giống với báo cáo do một nhóm nghiên cứu ở nước ngoài công bố năm ngoái.
Khi tranh cãi leo thang, đại diện ban tổ chức CVPR đã đăng trên nền tảng xã hội Twitter rằng "không thể chấp nhận được việc đạo văn" và đã ủy quyền cho Viện các kỹ sư điện, điện tử quốc tế (IEEE) điều tra, đồng thời tuyên bố rút lại các tuyên bố về nghiên cứu ở trên.
Sau đó, tác giả đầu tiên của luận án, Jongwan Kim, là tiến sĩ và nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul, cùng ba đồng tác giả khác đã để lại lời nhắn bên dưới video trên YouTube cáo buộc đạo văn rằng họ thừa nhận việc này. Ông Kim viết: “Tất cả những sai sót trong luận án là ở tôi, và tôi sẽ chấp nhận bất kỳ hình phạt nào và không bao biện nữa.”
Các nhà nghiên cứu khác cũng cho biết: “Mặc dù nội dung chính của luận án được viết bởi tác giả Kim, nhưng với tư cách là đồng tác giả, tôi rất lấy làm tiếc vì việc này."
Người tố giác là ai?
Tác giả tương ứng của luận án nghiên cứu ở trên (đề cập đến người phụ trách chung của dự án, người đảm nhận kinh phí, thiết kế, viết bài và kiểm tra dự án... cũng như chịu trách nhiệm về độ tin cậy của kết quả nghiên cứu) là Sungroh Yoon, giáo sư tại Viện Trí tuệ nhân tạo của Đại học Quốc gia Seoul.
Ông từng là chủ tịch của Ủy ban Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trực thuộc tổng thống dưới thời chính quyền ông Moon Jae-in. Sau khi tổng thống Yin Xiyue nhậm chức, Sungroh Yoon được Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc chọn làm "nhà nghiên cứu hàng đầu" và được hưởng khoảng 800 triệu won (600.000 USD) tiền tài trợ để tiến hành nghiên cứu mỗi năm. Ông được coi là một trong những học giả hàng đầu trong lĩnh vực AI của Hàn Quốc.
Sau khi vụ việc được đài SBS đưa tin, ông Yoon đã nói rằng: "Sau khi xác nhận việc đạo văn là sự thật, tôi đã chính thức yêu cầu CVPR rút lại luận án. Sau khi tác giả đầu tiên Kim trở về Hàn Quốc, Đại học Seoul sẽ bắt đầu quy trình kỷ luật."
Sungroh Yoon cũng cho biết, mặc dù là người chịu trách nhiệm chính nhưng ông "không hề biết chuyện đạo văn cho đến khi CVPR ra thông báo". Ngoài ra, hai ấn phẩm đang chờ duyệt khác của tác giả Kim đang được xem xét cũng đã bị thu hồi.
Đại học Quốc gia Seoul sau đó đã quyết định mở một cuộc điều tra đối với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Yoon. Một số nguồn tin cho biết một trong sáu đồng tác giả luận án có con của một quan chức cấp Bộ và nghiên cứu trên đã nhận được nguồn tài trợ từ một cơ quan trực thuộc Bộ này.
Trước sự việc đạo văn bị lộ, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã lên án kịch liệt trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng việc giáo sư Sungroh Yoon không biết về việc đạo văn cũng là nói dối. Ngoài ra, khi xem đoạn video trên YouTube, nhiều người suy đoán rằng người tố cáo là một đồng nghiệp.
Vụ việc thậm chí còn làm rung chuyển danh tiếng của CVPR trong giới học thuật. Một số học giả nước ngoài nói rằng CVPR đã chọn các luận án đạo văn của Đại học Quốc gia Seoul làm luận án xuất sắc mà không có sự xác minh đầy đủ. Toàn bộ quá trình lựa chọn các luận án của tổ chức này nên được kiểm tra lại.
"Sự cố Huang Yuxi" thứ hai?
Một số ý kiến cho rằng vụ việc nói trên có thể dần phát triển thành "sự cố Hwang Woo-Suk" thứ hai. Hwang Woo-Suk là một nhân vật từng được mệnh danh là "báu vật quốc gia" ở Hàn Quốc. Ông đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu khoa học đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên thế giới. Năm 2005, kết quả nghiên cứu của ông đã khắc phục được vấn đề nhân bản tế bào gốc phôi thai từ tế bào soma của bệnh nhân, mang lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư trên khắp thế giới.
Nhưng huyền thoại của Hwang Woo Suk cuối cùng đã tan vỡ. Cuối năm 2005, đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã phanh phui vụ bê bối của Hwang Woo-Suk trong quá trình nghiên cứu. Sau đó, các thành viên trong nhóm nghiên cứu của Hwang tiết lộ rằng có những yếu tố gian lận trong luận án của nhân vật này. Cuộc điều tra của Đại học Quốc gia Seoul sau đó khẳng định kết quả nghiên cứu tế bào gốc do Hwang Woo-Suk công bố là sai sự thật. Đại học Seoul ngay lập tức miễn nhiệm chức danh giáo sư của ông, và chính phủ Hàn Quốc đã thu hồi danh hiệu "nhà khoa học hàng đầu" được trao cho ông. Vào tháng 6 năm sau, các công tố viên Hàn Quốc đã đệ đơn kiện Hwang và vào tháng 8/2009 đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với ông, bao gồm các tội gian lận, biển thủ quỹ nghiên cứu và buôn bán trái phép trứng người. Cuối cùng, tòa án Hàn Quốc đã tuyên phạt Hwang 2 năm tù giam cùng 3 năm tù treo.
Sau "sự cố Hwang Woo-Suk", các hội nghị khoa học và tạp chí học thuật trên thế giới đã tăng cường giám sát nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc ở Hàn Quốc, vô hình chung khiến việc nghiên cứu tế bào gốc Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, dư luận Hàn Quốc có nhiều ý kiến cho rằng các luận án nghiên cứu khác đến từ Đại học Quốc gia Seoul cũng nên được xác minh để tránh việc tình hình thêm xấu đi.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"