Các khoang mỡ của khuôn mặt trước đây được buộc lại với nhau bằng dây chằng, bây giờ bắt đầu bị bung ra và mỡ chảy vào các khu vực thấp hơn.
Mỗi con người sinh ra đều có 20 năm để phát triển đầy đủ, tăng trưởng chiều cao, hoàn thiện các cơ quan nội tạng bên trong và cả ngoại hình bên ngoài. Nhưng rồi sau đó, tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với 40-80 năm lão hóa dần, bất chấp những nỗ lực của khoa học vẫn đang tìm kiếm một phương pháp giúp con người cải lão hoàn đồng.
Như một câu nói quen thuộc, thời gian không buông tha cho bất kì điều gì, khuôn mặt của bạn cũng bắt đầu biến dạng khi bạn già đi. Các nếp nhăn xuất hiện, màu da thay đổi, cho đến các vết đồi mồi, chảy xệ và đôi khi có cả các khối u.
Chúng ta không thể, hay ít nhất là chưa thể đảo ngược quá trình này. Vì vậy, hiểu về quá trình lão hóa vẫn là một mục tiêu trước mắt. Gizmodo đã phỏng vấn một số chuyên gia lão hóa và các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để hỏi điều gì sẽ xảy ra với khuôn mặt khi chúng ta già đi.
Và dưới đây là câu trả lời của họ:
Khuôn mặt bạn sẽ thay đổi như thế nào khi bạn già đi?
Derek M. Steinbacher
Phó giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Giám đốc Craniofacial, và Trưởng khoa Phẫu thuật răng hàm mặt tại Đại học Yale
Lão hóa khuôn mặt và những thay đổi xảy ra trên xương, da và mô mềm một phần đã được lập trình sẵn trong gen di truyền. Nhưng việc tiếp xúc với môi trường cũng là một yếu tố gây lão hóa.
Ở một người trẻ tuổi, các tế bào cấu thành mô trên khuôn mặt đàn hồi rất nhanh. Chúng xếp thành các khoang chứa nguyên vẹn, giúp giữ các cấu trúc da và mặt đúng ở vị trí thích hợp. Một khuôn mặt được gọi là trẻ khi nó có làn da căng mọng, xương gò má phát triển, các đường nét phân định rõ ràng khu vực nào lồi khu vực nào lõm.
Nhưng theo tuổi tác và thời gian, tất cả các ranh giới phân định này bắt đầu gião ra và bị xé rách. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển của lớp mỡ, chúng chảy xệ và tràn vào các khu vực không hề đầy đặn trước đó (ví dụ như hàm). Mỡ chảy xệ cũng kéo theo sự chảy xệ của da và mô mềm trên khuôn mặt.
Quá trình gần như giống như sự tan chảy của sáp, và với sự ảnh hưởng từ lực hấp dẫn, các cấu trúc một khi đã chảy xệ thì chỉ chảy xệ xuống phía dưới.
Trong lĩnh vực nghiên cứu trẻ hóa và chỉnh sửa khuôn mặt lão hóa, chúng tôi nhận ra rằng một khuôn mặt trẻ trung thực sự là một khuôn mặt có cấu trúc khung tốt, với các vị trí đầy đặn và hốc lõm phù hợp mà các mô lão hóa không bị chảy xệ. Ở một số vùng, các chất béo bị teo (co lại) và tạo ra các hốc (ví dụ như vùng quanh mắt).
Các thay đổi điển hình trên khuôn mặt khi chúng ta già đi
Một số tác động phổ biến nhất của lão hóa thường thấy trên khuôn mặt?
Khi da bị kéo giãn xuống phía dưới, biểu hiện đầu tiên bạn thấy là ở vùng trán và lông mày. Các nếp nhăn dọc giữa hai lông mày bắt đầu xuất hiện. Bản thân lông mày cũng bắt đầu chùng xuống gần mí mắt, và vùng da quanh mí mắt thì chụm lại đẩy lông mi xuống dưới cản trở tầm nhìn.
Các nếp nhăn ở vùng mí mắt tạo nên một vẻ ngoài già nua và mệt mỏi. Trong khi da mí mắt dưới trông giống như giấy crepe gói quà, với các quầng thâm bắt đầu hình thành. Giữa mi mắt và vùng má, một nếp nhăn hết sức rõ ràng xuất hiện.
Các khoang mỡ của khuôn mặt trước đây thường được buộc lại với nhau bằng dây chằng, bây giờ bắt đầu bị bung ra và mỡ chảy vào các khu vực thấp hơn. Ví dụ, mỡ má chảy xuống bên dưới mũi và phía trên môi (hình thành nếp gấp sâu chạy ra từ hai bên rìa mũi ngoài), làm lộ rõ xương gò má.
Da và mỡ dưới mặt thì chảy xuống dưới xương hàm, phía sau cằm. Da bên dưới cằm thì chùng về phía cổ, vùng cơ mỏng platysma ở cổ lộ ra, tạo thành các dải băng – về cơ bản biến cổ bạn trông như cổ gà tây:
Ngoài các dây chằng bị gião và da mất tính đàn hồi, chảy xệ, vùng xương hàm mặt cũng sẽ gặp phải những thay đổi khi bạn già đi.
Trước đó, xương hàm mặt của những người trẻ luôn được tái sinh và tu sửa thường xuyên. Cho đến khi, lão hóa bắt đầu kích hoạt quá trình loãng xương và tái hấp thu xương. Mất răng cũng là một vấn đề lớn, vì nó khiến mô môi và mặt ít được hỗ trợ, thêm nữa còn tăng tốc quá trình tái hấp thu xương của vòm hàm.
Song song với đó, vùng xương hàm trên sẽ co lên trên và thụt vào trong. Ngược lại, xương hàm dưới co xuống dưới nhưng lại chìa ra trước. Quá trình này cuối cùng tạo ra một vẻ ngoài già nua, như bạn thường thấy ông bà mình móm mém khi không đeo răng giả. Vùng cằm sẽ trông nhô lên và khép lại quá mức, trong khi vùng trên hàm và môi lõm vào trong (khi bị mất điểm tựa từ răng).
Thế nhưng, lão hóa khuôn mặt là một quá trình sinh học bình thường xảy ra với mọi người. Các đặc điểm kể trên có thể khác biệt đôi chút theo giới tính, vị trí địa lý, mức độ phơi nhiễm môi trường, bệnh tật và chăm sóc y tế.
Michael Alperovich
Phó giáo sư, bác sĩ phẫu thuật, Đại học Yale
Về cơ bản, xung quanh xương gò má, quanh miệng và các đường nhăn trên khuôn mặt đều có những ngăn mỡ được phân bổ dưới da. Những khoang mỡ đó được níu lại bởi những dây chằng chủ yếu nối từ xương trong khung xương mặt cho tới ngoài da.
Khi bạn già đi, các ngăn mỡ này bắt đầu sụp xuống, chúng chảy xệ. Vì vậy khi bạn theo dõi một bệnh nhân qua thời gian, từ khi họ hai mươi và ba mươi cho đến khi năm mươi và sáu mươi tuổi, bạn sẽ thấy mỡ mặt của họ chảy xuống phần dưới của khuôn mặt. Vì lý do đó, khuôn mặt của bệnh nhân có xu hướng trông dài hơn khi họ già đi.
Một điều khác xảy ra là, mặc dù da và mỡ của bạn chảy xuống, những dây chằng vẫn còn dính lấy bề mặt xương, do đó, chúng tạo thành những đường nổi mà bạn thấy xung quanh miệng, hoặc nếp gấp giữa mũi và miệng, những khu vực lõm rõ ràng hơn khi phần còn lại của làn da mặt chùng xuống.
Alexes Hazen
Phó giáo sư, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Trường Y khoa Đại học New York
Ngoại hình khuôn mặt của chúng ta thay đổi chủ yếu do các mô mềm hoặc thành phần chất béo trong khuôn mặt.
Nếu bạn nhìn vào những người trẻ tuổi, bất kể cân nặng của họ là bao nhiêu, khuôn mặt trông vẫn rất đầy đặn! Nhưng khi chúng ta già đi, chất béo trong khuôn mặt của chúng ta sẽ suy biến và chảy xuống phía dưới bởi trọng lực và sự lão hóa của các cấu trúc.
Thành phần xương vẫn ổn định nhưng tất cả các phần còn lại đều lão hóa và thay đổi. Chúng ta thường thấy mũi trông dài hơn và do đó lớn hơn, điều này là do sự rủ xuống của các cấu trúc đó, dái tai cũng dài hơn và treo lủng lẳng, hiện tượng tương tự xảy ra với xương hàm và cằm!
Trong khu vực giữa khuôn mặt, chúng ta thấy xương gò má cao nổi bật trông thấp hơn và không tách bạch hơn. Thường thì môi cũng mỏng đi. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng đến hình dạng và diện mạo của khuôn mặt.
Angela Cheng
Phó giáo sư, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Emory và Bệnh viện Grady Memorial
Lão hóa khuôn mặt là sự kết hợp của nhiều quá trình. Đầu tiên, đó là da. Bản thân da bị suy thoái sẽ có ít nguyên bào sợi, tế bào mast và mạch máu và các sợi đàn hồi hơn. Khi đó, da sẽ dễ bị nhăn và chảy xệ, và các nếp nhăn bắt đầu trở nên sâu hơn, đặc biệt là ở các khu vực cử động được trên khuôn mặt như trán, giữa lông mày, khóe mắt và quanh miệng.
Theo thời gian, làn da của chúng ta sẽ bị tổn thương (chủ yếu là do ánh nắng mặt trời và các lối sống kém lành mạnh như hút thuốc), dẫn đến các nếp nhăn, đốm đen và thậm chí là khối u hình thành. Mặt trời làm hỏng các sợi đàn hồi và khiến chúng tích tụ và sắp xếp bất thường.
Số lượng sợi collagen giảm và ngay cả các sợi còn tồn tại cũng phân bố vô tổ chức. Một lớp hạ bì mỏng gọi là vùng màu xanh lá cây hình thành giữa lớp hạ bì (lớp sâu hơn của da) và lớp biểu bì (lớp trên cùng của da).
Và bạn bắt đầu để ý thấy các lớp da bị mất đàn hồi khi chúng xệ xuống ở vùng lông mày, dưới cằm, xương hàm và mí mắt. Khi các mô trở nên yếu hơn, chúng chảy dài ra. Mỡ mặt cũng bị teo giảm do tiếp xúc lâu dài với trọng lực. Điều này có thể nhận thấy ở các khu vực thái dương và hốc mắt, nơi chúng có phần lõm vào. Mỡ chảy khiến má trông xệ xuống, nếp gấp mũi sâu và xương hàm lộ ra.
Sự hình thành nếp nhăn
Forget Christopher B.
Giáo sư và Chủ tịch khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Chỉnh hình, Đại học Toronto và Giám đốc Y khoa, Trung tâm Nghiên cứu và Chăm sóc sọ não
Mặt của bạn sẽ xệ xuống bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Các gen là những yếu tố bên trong, thói quen hút thuốc và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là những yếu tố bên ngoài mà chúng ta có thể kiểm soát.
Về mặt sinh lý, khi chúng ta già đi, khuôn mặt của chúng ta mất chất béo, các sợi collagen, elastin bị suy giảm và xương của khuôn mặt bị xói mòn một chút. Tất cả những điều đó đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Đó là một quá trình khá phức tạp và hấp dẫn, một quá trình mà các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo như chúng tôi nghĩ rằng mình có thể kìm hãm bằng nhiều loại phẫu thuật khác nhau.
Bác sĩ Leonard Guarente
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh học lão hóa Glenn tại MIT
Lão hóa đi kèm với việc mất chất béo dưới da và sự suy yếu của cơ xương được gọi bằng thuật ngữ sarcopenia. Cả hai điều này đều có thể khiến vẻ ngoài của bạn trông già nua, các đặc điểm trên khuôn mặt chảy xệ, và quan trọng hơn, dẫn đến sự suy giảm về độ đàn hồi và màu da.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hai nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2024 vì khám phá ra microRNA
Nghiên cứu của Ambros và Ruvkun có ý nghĩa rất lớn với việc tìm ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh, bao gồm cả ung thư.
Bị Mỹ cấm vận, người Nga bất ngờ có trên tay sản phẩm chưa ra mắt của Apple