Kiểm tra tốc độ và vùng phủ sóng của các nhà mạng 5G đầu tiên trên thế giới: vẫn còn quá chắp vá
Phạm vi phủ sóng chưa đầy đủ của mạng 5G là lý do làm người dùng vẫn còn e ngại mua các smartphone hỗ trợ công nghệ mạng thế hệ mới này.
Những lời cường điệu về công nghệ di động thế hệ mới đã lên đến mức đỉnh điểm khi Qualcomm công bố "5G đã ở đây, và giờ là lúc để ăn mừng" vào tháng Hai năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế này lại đang cần nhiều sự kiên nhẫn hơn từ người tiêu dùng bởi thời gian cần thiết cho việc triển khai mạng lưới mới và sự khan hiếm ứng dụng có thể khai thác tối đa tốc độ của công nghệ kết nối mới.
Điều này càng thấy rõ hơn khi tạp chí Bloomberg tiến hành thử nghiệm tốc độ tải xuống và phạm vi phủ sóng của những mạng 5G đầu tiên được thương mại hóa rộng rãi trên toàn cầu. Đi đầu trong việc thương mại hóa mạng 5G chính là Hàn Quốc với các nhà mạng như SK Telecom và KT khi họ đã triển khai hệ thống của mình được một năm nay. Đi sau một vài tháng nhưng cho đến nay, mạng 5G của nhà mạng China Mobile tại Trung Quốc vẫn đang là mạng 5G có vùng phủ sóng lớn nhất thế giới.
Để kiểm tra tốc độ tải xuống và phạm vi phủ sóng 5G, các phóng viên Bloomberg được gửi đến 4 thành phố đang đi đầu thế giới về tốc độ triển khai mạng 5G, bao gồm Seoul, Bắc Kinh, Hong Kong và Tokyo, để thử nghiệm bằng các smartphone 5G cũng như các ứng dụng đo tốc độ. Dưới đây là những gì họ thu được:
Seoul
KT, nhà mạng lớn thứ hai Hàn Quốc, đã cải thiện dịch vụ mạng 5G kể từ khi bắt đầu thương mại hóa vào tháng Tư năm 2019, cho dù nó vẫn thiếu các sóng tần số cao cần thiết để đưa tốc độ tải xuống đạt tới mức tối đa trong phạm vi 20Gbps. Nhà mạng này cho biết, tốc độ data của họ trong khoảng từ 800Mbps cho đến 1Gbps: "Rất khó để so sánh tốc độ dữ liệu tại Hàn Quốc, vốn phủ sóng trên cả nước, trong khi nhiều quốc gia khác mới chỉ có dịch vụ trong khu vực thử nghiệm hoặc tại một vài thành phố."
Trong khi đó nhà mạng SK Telecom, nhà mạng viễn thông lớn nhất quốc gia này, đạt được tốc độ tải xuống 1,5Gbps trong trụ sở chính của họ, nhưng nó nhanh chóng tụt xuống chỉ còn 1Gbps trong hành lang của tòa nhà.
Bắc Kinh
Tại thành phố của Trung Quốc, việc thử nghiệm sử dụng chiếc Huawei P40 Pro cho thấy tốc độ 5G ở đây khá đồng nhất và đủ để xem video độ phân giải cao 1080p trong khi đang đi ô tô. Không có tín hiệu 5G trong khu vực tàu điện ngầm và trung tâm thương mại ở Guomao, nơi các thương hiệu sang trọng từ Tiffany cho đến Vacheron Constantin được bày bán. Theo bản đồ phủ sóng của China Mobile, phần lớn quận Zhongnanhai, khu vực của các cơ quan chính phủ trung ương, cũng không có sóng 5G.
Một đại diện của China Mobile đã công bố một đoạn video cho thấy tốc độ tải xuống đạt tới hơn 1,1Gbps trong khu vực Sân bay Quốc tế Beijing Daxing.
Hong Kong
Các bài thử nghiệm bằng Huawei P40 Pro cho thấy việc stream một đoạn video 4K rất mượt mà, ngay cả khi bạn đang di chuyển trong một chiếc ô tô. Tốc độ tải xuống nhanh nhất được ghi nhận tại một cửa hàng flagship của China Mobile Hong Kong được đặt ở quận trung tâm của thành phố này. Tuy vậy tốc độ lại tụt xuống 4G khi đi vào trong các khu vực dân cư đông hoặc trong nhà kín.
Theo Alex Cheng, kỹ sư trưởng của China Mobile Hong Kong, nhà mạng này kỳ vọng mạng di động 5G sẽ thâm nhập sâu vào trong Hong Kong.
Tokyo
Việc kiểm tra tốc độ được thực hiện bằng chiếc Samsung Galaxy S20 và ứng dụng đo tốc độ mạng của Netflix tại hai cửa hàng khác nhau của NTT Docomo trong thành phố. Trong khi tín hiệu 5G trong cửa hàng của NTT Docomo thì rất mạnh, nhưng nó lại trở nên không ổn định khi rời khỏi đó một khoảng cách ngắn. Cả hai sân bay chính của Tokyo, hai nhà thi đấu Olympics và tòa tháp Tokyo Sky Tree đều là các điểm nằm trong vùng phủ sóng.
Nhà mạng này cho biết, họ đã lên kế hoạch cho 2 đợt mở rộng vùng phủ sóng 5G nữa vào cuối tháng Bảy và cuối tháng Mười tới đây. "Đợt triển khai ban đầu đã diễn ra đúng như kế hoạch." Docomo cho biết trong email.
Cơn lũ smartphone 5G đến sớm
Trong khi tốc độ và vùng phủ sóng 5G tại những thành phố đi đầu trong việc triển khai 5G vẫn chưa đạt đến phạm vi cần thiết của nó, các hãng sản xuất smartphone đang tận dụng cơ hội này để tạo ra một cơn lũ các smartphone 5G trong năm qua, với sự tham gia của Samsung, Huawei và Xiaomi. Tất cả đều nỗ lực đưa công nghệ này tiến về phía trước dù điều đó phải đánh đổi bằng thiết kế và giá bán cao hơn.
Trong khi đó, các nhà mạng lại không vội vàng như vậy. Họ đang đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập và mở rộng hạ tầng 5G, nhưng thiết kế công nghệ của tiêu chuẩn mới này đòi hỏi mật độ phủ sóng dày đặc hơn để mang lại tốc độ thần tốc như quảng cáo. Khi họ đã có đủ trạm phát sóng 5G cần thiết, họ sẽ hướng tới việc thu hồi lại chi phí đầu tư ban đầu bằng các dịch vụ ngốn nhiều băng thông, ví dụ như dịch vụ stream game GeForce Now của Nvidia.
Các kết quả không đồng nhất về tốc độ và vùng phủ sóng 5G trên phần nào cho thấy việc triển khai chậm rãi của các nhà mạng. Điều đó càng chứng minh cho sự e ngại của người dùng đối với việc chấp nhận công nghệ mới này. Cho dù đã có hàng triệu thiết bị 5G được bán ra, nhưng vẫn còn hàng tỷ người dùng khác chờ đợi công nghệ thế hệ mới này trở nên chín muồi hơn trước khi chấp nhận nó.
Trong khi các nhà mạng châu Á đang sốt sắng đi đầu trong công nghệ kết nối mới này, các nhà mạng tại châu Âu, Bắc Mỹ và ở Úc cũng đang bắt đầu thiết lập hệ thống mạng 5G. Nhưng cho đến nay các kết quả của họ đều rất khiêm tốn.
Các bài kiểm tra do RootMetrics thực hiện tại Mỹ vào tháng Ba cho thấy, trong khi hãng Verizon Wireless đạt được tốc độ tối đa 846 Mbps với độ phủ sóng chỉ 3,1% ở thành phố Chicago, nhà mạng T-Mobile lại chỉ có tốc độ thấp hơn nhiều 148 Mbps, nhưng có độ phủ sóng đến 57% tại Washington.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín