Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ?

    zknight,  

    Nói dối hoặc tạo ra một cái cớ không phải là ý tưởng hay.

    Cuối năm cũ đầu năm mới là thời điểm điện thoại và các nhóm chat của bạn rung lên liên tục. Quan hệ họ hàng, xã hội sinh ra đầy ắp những bữa tiệc, những buổi hẹn hò cafe, đi chơi… vô vàn kiểu tụ tập trên đời.

    Một mặt, chúng đều đem đến cho bạn niềm vui. Nhưng mặt khác, đôi khi những lời mời có thể đem đến áp lực.

    Làm sao tham dự đủ mọi bữa tiệc mà mọi người mong đợi sự có mặt của bạn cho nổi? Nếu cứ phải "chạy show" liên tục giữa gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, có khi hết cả 9 ngày nghỉ Tết mà bạn thực sự chẳng được nghỉ ngày nào đã phải đi làm mất.

    Vậy hãy nhớ một điều rằng: Bạn không bắt buộc phải nhận mọi lời mời. Chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia, những người đảm bảo với bạn rằng mọi việc sẽ ổn hơn khi bạn biết nói lời từ chối:

    Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ? - Ảnh 1.

    Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ?

    Đầu tiên, tại sao mọi người lại gặp khó khăn trong việc từ chối lời mời?

    Nhà tâm lý học xã hội, tiến sĩ Susan Newman cho biết vấn đề này phổ biến với khá nhiều người. Nếu bạn đánh đồng lịch sự với việc nhận lời, thì bạn cũng có thể coi việc từ chối là thô lỗ hoặc làm phật ý người khác. Điều đó khiến việc từ chối trở nên khó khăn.

    "Đối với những người đặt nặng quan hệ xã hội thì chỉ có một cách ‘đúng’ để để họ trở thành bạn bè hoặc người thân thiết, dường như không có cách nào để từ chối lời mời mà không khiến người khác buồn", tiến sĩ Newman cho biết.

    Bà đã nghiên cứu để viết hẳn một cuốn sách cho chủ đề này: "Cuốn sách của sự chối từ: 365 cách để nói không và khiến bản thần ngừng làm hài lòng người khác".

    "Từ chối", theo cách hiểu của đa số mọi người, là một từ mang nghĩa phủ định. Do đó, có một tâm lý chung rằng mỗi lời từ chối sẽ tự động gây ra phản ứng tiêu cực – bạn có thể nghĩ rằng từ chối sẽ khiến người mời bạn bị tổn thương thậm chí xúc phạm, tiến sĩ Newman giải thích thêm.

    Càng từ chối nhiều lời mời sẽ càng khiến bạn trở nên vô tâm hoặc ích kỷ trong gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội. Đó là cảm giác của đại đa số mọi người.

    Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ? - Ảnh 2.

    "Từ chối", theo cách hiểu của đa số mọi người, là một từ mang nghĩa phủ định. Do đó, có một tâm lý chung rằng mỗi lời từ chối sẽ tự động gây ra phản ứng tiêu cực.

    Nhưng liên tục miễn cưỡng nhận lời sẽ gây hại cho bản thân bạn

    Nhận lời mời của người khác trong khi gạt bỏ nhu cầu cá nhân là một công thức dẫn bạn đến cảm giác ngột ngạt và không hạnh phúc. Nó xảy ra, khi bạn đang muốn dành thời gian cho bản thân mình mà lại có người mời bạn đi ăn hoặc đi chơi với họ. 

    Bạn có thể sẵn lòng hi sinh nhu cầu của mình để làm hài lòng họ một vài lần, nhưng nếu quá nhiều, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

    "Khi những lời mời được gửi tới bạn chất đống lại, bạn có thể phải đối mặt với cảm giác bất lực, phẫn nộ với những người hỏi thăm hay giận dữ với chính bản mình vì đã không thể từ chối", tiến sĩ Newman nói.

    "Nhu cầu của riêng bạn bị hoãn lại. Sự căng thẳng từ việc quá tải [khi phải tham gia quá nhiều bữa tiệc] có thể thể hiện ra bên ngoài bằng chứng mất ngủ, đau đầu, kiệt sức và thậm chí khiến bạn dễ bị cảm lạnh hoặc ốm hơn nữa".

    Công bằng mà nói, nhận quá nhiều lời mời có thể ảnh hưởng nặng nề lên bản thân bạn, hơn là việc bạn từ chối bạn bè hay ai đó, những người có thể chẳng lưu luyến mấy với sự vắng mặt của bạn.

    "Là một người chủ trì bữa tiệc, bản thân họ đang phải bận rộn với rất nhiều thứ", tiến sĩ Newman nói. "Miễn là bạn đáp lại bằng một thái độ tử tế và ấm áp tình cảm, tôi dám cá rằng họ sẽ chẳng có gì phải để bụng".

    Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ? - Ảnh 3.

    Công bằng mà nói, nhận quá nhiều lời mời có thể ảnh hưởng nặng nề lên bản thân bạn, hơn là việc bạn từ chối một ai đó

     Vậy làm thế nào bạn có thể từ chối một cách cứng rắn mà vẫn lịch sự?

    Diane Gottsman là một chuyên gia về nghi thức xã giao. Cô có một trường dạy nghi thức lãnh đạo dành cho những doanh nhân ở Texas, Hoa Kỳ. Gottsman chỉ ra một thực tế rằng mọi người có xu hướng giải thích quá mức khi họ từ chối lời mời.

    Theo cô, cách hiệu quả hơn là hãy đáp lại bằng những câu trả lời đơn giản và dễ hiểu: "Cảm ơn ông rất nhiều, tôi sẽ cần phải kiểm tra lại lịch của tôi đã rồi mới trả lời ông được". Hoặc bạn có thể nói: "Tôi biết đi với ông thì sẽ rất vui đấy, nhưng tiếc là tôi lại có kế hoạch khác mất rồi".

    Ngoài ra, bạn không nhất thiết phải tạo ra một cái cớ nào đó. Bạn chỉ cần nói là bạn có một kế hoạch khác, đó có thể là việc bạn muốn ăn cơm với gia đình ở nhà, bạn muốn nằm ườn trong phòng ngủ và xem phim. "Một kế hoạch khác bất kể là gì vẫn là một kế hoạch", Gottsman nói.

    Tiến sĩ Newman cũng đưa ra một số câu trả lời mà bạn có thể sử dụng để từ chối một cách lịch sự:

    "Cảm ơn ông vì đã nhớ đến tôi. Tôi rất thích đến, nhưng tôi không đi được rồi".

    "Giá mà tôi có thể đến được, nhưng có vẻ như tôi không qua được rồi".

    "Tôi lại bận ngày hôm đó/ tối hôm đó/ cuối tuần đó mất rồi".

    "Chán quá, ông ạ. Tôi nghĩ tôi sẽ phải bỏ lỡ dịp vui này rồi!".

    Kín lịch hẹn hò ăn uống dịp lễ Tết, nói lời từ chối thế nào để đôi bên đều vui vẻ? - Ảnh 4.

    Đừng cố gắng giải thích quá nhiều, cách hiệu quả hơn là đáp lại bằng những câu đơn giản và dễ hiểu

     Phải nhấn mạnh lại một điều rằng, việc nói dối hoặc tạo ra một cái cớ không phải là ý tưởng tốt.

    "Nếu bạn nói dối, bạn có nguy cơ đặt mình vào cảm giác tội lỗi, mà đó lại chính xác là những gì bạn đang cố gắng tránh từ đầu khi bạn từ chối lời mời", tiến sĩ Newman nói. "Từ chối chỉ là việc đặt nhu cầu của chính bạn lên hàng đầu và phá vỡ thói quen hy sinh bản thân vì lợi ích của người khác".

    Đừng quên rằng thời gian của cuộc đời bạn là của chính bạn, cách bạn sử dụng thời gian đó đến từ quyết định của chính bạn chứ không phải ai khác.

    "Mọi người đều biết kỳ nghỉ lễ tụ tập ăn mừng có thể mang đến rất nhiều áp lực, nhưng cách bạn chọn để tiết kiệm thời gian của bản thân mình hoàn toàn phụ thuộc vào bạn", tiến sĩ Newman nói. "Hãy nhắc nhở bản thân, bạn hoàn toàn có thể gặp mặt bạn bè, gia đình hoặc tụ tập nhau vào những thời điểm khác trong năm".

    Tham khảo Huffpost

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ