Kinh nghiệm nâng cấp card đồ họa cho máy tính bàn

    PV, PAV 

    Tiếp tục loạt bài về những điều cần lưu ý khi nâng cấp phần cứng máy tính. Bài viết hôm nay sẽ bàn về những vấn đề bạn cần quan tâm khi nâng cấp card đồ họa.

    Các bài trước chúng ta đã đề cập đến những vấn đề cần lưu ý khi nâng cấp các phần cứng cơ bản của máy tính như CPU hay Mainboard. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về những vấn đề cần biết khi muốn nâng cấp một chiếc card đồ họa.
     
    Chọn card đồ họa nào là tốt nhất?
     
    Để chọn cho mình một chiếc card đồ họa ưng ý, phù hợp với túi tiền nhưng vẫn đảm bảo không quá chênh lệch với các phần cứng khác trong máy (điều này dễ dẫn tới hiện tượng nghẽn cổ chai) thì bạn cần quan tâm tới tốc độ của các thành phần khác của máy tính như CPU và RAM. Nếu chọn một card đồ họa quá mạnh thì thời gian hoàn thành các công việc của GPU sẽ diễn ra rất nhanh, nhưng do CPU vẫn chưa được nâng cấp nên sẽ không theo kịp tốc độ xử lý của GPU khiến cho GPU phải dừng lại để đợi CPU hoàn thành phần việc của nó. Ngược lại, nếu chọn 1 chiếc card quá yếu thì GPU sẽ không theo kịp tốc độ của CPU và CPU lại phải chờ.
     
    Vì vậy không phải nâng cấp máy tính là chỉ việc chọn những thứ mạnh nhất đã là tốt nhất. Các thiết bị phần cứng cơ bản này phải có tốc độ tương đương nhau thì bạn mới sử dụng hết công suất của chúng được.
     
    Trên card đồ họa có 2 thành phần quan trọng nhất là nhân xử lý đồ họa (core) và thành phần thứ 2 là RAM dùng cho card đồ họa. Phần nhân xử lý đồ họa giống như CPU cũng là bộ não của card đồ họa, to nhất nằm bên dưới bộ phận tản nhiệt hầm hố của chiếc card, còn RAM của card đồ họa cũng giống như RAM của máy tính, là những chip nhớ nhỏ nhằm trải dài xung quanh core và với các loại card tầm trung thì những chip chớ này không có tản nhiệt.
     

     
    Tốc độ xử lý của một chiếc card đồ họa phụ thuộc vào khả năng xử lý của core và khả năng truyền dữ liệu của RAM. Nếu bạn chỉ chú ý đến việc lựa chọn loại chíp đồ họa nào có khả năng xử lý cực tốt, nhưng khả năng truyền dữ liệu qua lại giữa RAM của card đồ họa tới chip xử lý lại không đáp ứng kịp lượng dữ liệu mà chip xử lý được thì hiện tượng nghẽn cổ chai có thể xảy ra ngay chính trên chiếc card đồ họa chứ không cần so sánh với những phần cứng khác.
     
    Tốc độ truyền tải của RAM trên card đồ họa (hay VRAM) phụ thuộc vào loại RAM và băng thông của RAM. Hiện nay trên thị trường card đồ họa có khá nhiều loại RAM nhưng chủ yếu vẫn là 3 loại GDDR2, GDDR3 và GDDR5. Các loại card trung cấp thường sử dụng 2 loại 2 và 3, còn loại 5 thì thường được dùng cho các loại card cao cấp.
     
    Do tốc độ truyền tải không chỉ phụ thuộc vào loại RAM nên không phải cứ chiếc card nào sử dụng GDDR5 là sẽ cho tốc độ tốt hơn GDDR3. Bởi nếu loại RAM tốt cho tốc độ xử lý cao nhưng băng thông dành cho card đồ họa lại thấp thì lượng dữ liệu truyền tải cũng không cao (băng thông ở đây chính là các chỉ số 64-bit, 128-bit hay 256-bit trên card đồ họa).
     
    Một thành viên của diễn đàn VOZ cũng đã đưa ra 1 phép so sánh khá hài hước nhưng khá đúng. Đó là nếu coi loại RAM là loại xe mà bạn chạy thì băng thông chính là đường dành cho xe đi. Nếu sử dụng RAM có tốc độ cao mà cho chạy trên băng thông hẹp thì cũng giống như mang siêu xe chạy trên đường làng. Và ngược lại nếu mang RAM có tốc độ chậm như GDDR2 chạy trên một card có băng thông tới 256 bit thì cũng không khác mang xe đạp để chạy trên đường quốc lộ.
     
    Vấn đề tốc tối ưu của card đồ họa vẫn còn liên quan đến 1 thiết bị nữa đó là Mainboard. Nếu cổng PCI-express trên main có tốc độ không đủ đáp ứng tốc độ xử lý của card đồ họa thì card đó có tốc độ cao tới đâu cũng vẫn không thể vượt qua giới hạn về tốc độ của khe cắm PCI-express. Nhưng cũng thật may mắn là hiện nay hầu hết các mainboard đời mới đều đã sử dụng chuẩn PCI-express 2.0 cho tốc độ truyền tải dữ liệu lên tới 5Gb/s, đồng thời các khe cắm này vẫn sử dụng chung 1 loại cổng vật lý với khe PCI-express 1.1 cũ nên các loại card hỗ trợ PCI-express đời cũ vẫn có thể sử dụng trên các mainboard mới bình thường.
     

     
    Khi nâng cấp card đồ họa lên dòng cao cấp hơn cũng sẽ dẫn đến việc lượng điện tiêu thụ của máy tăng lên đặc biệt là khi bạn nâng từ card đồ họa tích hợp lên card đồ họa rời. Lượng điện tiêu thụ trên các card đồ họa rời thường rất cao so với các thiết bị khác trên máy tính và thậm chí có 1 số dòng card tầm trung tiêu thụ điện bằng gần như tất cả các thiết bị còn lại trên máy tính cộng lại.
     

     
    Vì vậy nếu như muốn chọn được 1 card đồ họa tốt nhất cho dàn máy của mình thì bạn cần đảm bảo công suất của bộ nguồn hiện tại đang ở mức thừa thãi. Đối với những dòng card tầm trung như các dòng HD 4800, HD5800 hay thậm chí là cả dòng HD6800 trở xuống thì chỉ cần 1 chiếc nguồn công suất thực cỡ 500 W là đủ (các card đời cao càng tiết kiệm điện hơn). Còn với các dạng card 2 nhân đồ họa thì bạn sẽ cần loại nguồn cao cấp hơn nữa nếu muốn sử dụng hết công suất của chúng.
     
    Thao tác lắp ráp card đồ họa
     
    Ở trên chúng ta đã tìm hiểu về những vấn đề chung khi chọn mua card đồ họa và sau khi chọn được loại card phù hợp chúng ta sẽ tiến hành lắp ráp chúng.
     
    Giống như các bài thay phần cứng trước đây, việc đầu tiên bao giờ các bạn cũng cần làm trước đó là rút toàn bộ dây nối đến thùng máy và khử tĩnh điện trong tụ và các link kiện khác bằng vòng khử tĩnh điện rồi đặt thùng máy dưới ánh đèn.
     
    Mở thùng máy bên trái và tháo vít giữ card cũ ra. Trên khe cắm của card sẽ có 1 chiếc lẫy nhựa giữ card, bạn phải kéo lẫy này ra mới có thể rút đc card đồ họa cũ ra khỏi khe cắm. Nếu card đồ họa cũ của bạn có sử dụng các đầu cấp điện phụ thì bạn cần tháo hết chúng ra trước.
     

     
    Còn nếu trước đây bạn chưa từng sử dụng card đồ họa rời thì bạn cần phải mở vị trí đặt card đồ họa. Vị trí này thực ra là 1 miếng thép chắn bụi bẩn và côn trùng chui vào máy, bạn dùng tuốc nơ vít để đẩy nó ra và bẻ gãy tấm chắn này. Hầu hết các card đời mới đều chiếm đến 2 ô (1 ô cho các chân cắm 1 ô dành cho tản nhiệt) nên bạn cần mở đủ số ô cần thiết, nếu bẻ quá tay bạn có thể dùng băng dính bịt những lỗ trống không sử dụng lại để đề phòng gián chui vào thùng máy.
     
    Không áp dụng với 1 số thùng máy cao cấp có thể tháo và lắp lại tấm chắn.
     
    Tốt nhất không nên thao tác với các thiết bị phần cứng bằng tay trần, hãy kiếm 1 đôi găng tay để tránh các mạch điện tiếp xúc với mồ hôi tay gây ra các phản ứng hóa học có hại.
     
    Sau khi nhấc card cũ ra khỏi khe PCI-express, hãy tiến hành vệ sinh qua phần khe cắm trước khi cắm card mới vào. Tiếp đó hãy vặn lại vít cố định card màn hình thật chắc chắn bởi khối lượng của card đồ họa ngày nay không phải là nhẹ, mà nó thường xuyên phải hoạt động trong trạng thái nằm ngang nên nếu không cố định chặt bằng vít thì việc gãy card chỉ là vấn đề thời gian.
     

     
    Cuối cùng các bạn cắm lại tất cả các jack cấp điện phụ trên card, thường thì trong hộp đựng card nhà sản xuất sẽ cung cấp thêm đầu chuyển từ những đầu cấp điện dẹt 4 chân thông thường sang loại đầu 6 chân (hoặc 8 chân tùy loại card) dành cho card đồ họa để phục vụ cho 1 số nguồn đời cũ không có đủ đầu cấp điện cho card.
     

     
    Vậy là bạn đã hoàn tất khâu lắp đặt card đồ họa mới, chú ý rằng nếu bạn trước đây sử dụng card đồ họa tích hợp trên main thì sau khi lắp card đồ họa rời bạn phải cắm dây tín hiệu lên màn hình vào đầu VGA hoặc DVI của card mới thay vì cắm vào đầu VGA trên main như trước đây.
     
    Sau khi lắp card đồ họa mới bạn khởi động máy và cài driver có sẵn trên đĩa cài đi theo card nhưng tốt nhất là bạn nên tải driver mới nhất từ trang chủ để đảm bảo bạn không gặp phải những lỗi khó chịu do dùng driver đời cũ (vấn đề này khá quan trọng nếu bạn dùng card của ATI).
     
    Tham khảo: PC WorldWiki, VOZ.