Kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo - Ngay bây giờ hoặc quá muộn

    Ngocmiz,  

    Chia sẻ với cộng đồng nghiên cứu và khởi nghiệp AI Việt Nam, các diễn giả cho rằng Việt Nam nên tích cực chuẩn bị để có thể kịp thời đón nhận làn sóng công nghệ đang cực hot này.

    Tối 13/9 vừa qua, sự kiện “Kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo: Ngay bây giờ hay quá muộn” quy tụ hàng loạt chuyên gia và startup về AI đã được Cinnamon AI Labs phối hợp cùng Zeroth.ai và UP Co-working Space tổ chức tại Hà Nội.

    Đến với chương trình, ngoài hơn 200 khán giả đang nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực AI còn có sự góp mặt của các diễn giả như Hajime Hotta (Tiến sỹ ĐH Keio về mạng neuron, từng sở hữu và bán lại 2 công ty khởi nghiệp thành công tại Nhật Bản và hiện đang đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á, trong đó có Innovatube và Cinnamon tại Việt Nam), Rodolfo Rosini (Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Weave.ai – startup AI tiềm năng tại Châu Âu, sở hữu 4 bằng sáng chế tại Mỹ và là đồng sáng lập của nhiều công ty công nghệ khác) và Michael Ortolano (Đại diện Zeroth.ai, quỹ tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên tại Châu Á tập trung hỗ trợ các startup về AI) cùng một số nhà sáng lập các startup về AI đầu tiên tại Việt Nam.

     Ông Michael Ortolano, đại diện quỹ tăng tốc khởi nghiệp AI Zeroth.ai

    Ông Michael Ortolano, đại diện quỹ tăng tốc khởi nghiệp AI Zeroth.ai

    Xuyên suốt buổi nói chuyện, các diễn giả đã trình bày về những tiềm năng to lớn của công nghệ AI với vô vàn ứng dụng trong thực tế như Medtech (tích hợp AI với các ứng dụng chăm sóc sức khỏe), Fintech (AI trong tài chính điện tử) hay Bot (robot chat có thể giao tiếp và phục vụ con người), nông nghiệp (đưa AI vào đo lường và phân biệt các giống cây bệnh, trồng trọt, tưới tiêu),... cũng như chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các startup Việt. Trí tuệ nhân tạo được nhận định là sẽ trở thành cốt lõi của công nghệ trong tương lai. Với sự phát triển vượt bậc của các công nghệ liên quan như điện toán đám mây, dữ liệu lớn và các thiết bị IoT, AI sẽ sớm được tích hợp vào rất nhiều thiết bị và quy trình trong các ngành công nghiệp khác nhau.

    Xu hướng ứng dụng AI vào cuộc sống đang ngày càng trở thành một chủ đề nóng bỏng trong công cộng đồng khởi nghiệp toàn thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), giá trị thị trường công nghệ AI sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng 36% mỗi năm. Xu hướng đó sẽ tới Việt Nam trong tương lai gần, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị ngay từ giờ để đón đúng đầu sóng.

    Từng đầu tư vào một số startup nổi bật của Việt Nam như Lozi, Beeketing, nói về tương lai AI tại nước ta, ông Hajime Hotta cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để đón nhận làn sóng AI như lực lượng kỹ sư với nền tảng toán học và nghiên cứu tốt cũng như nguồn nhân lực trẻ đang dồi dào.

    Trong phần hỏi đáp với Rodolfo Rosini, một khán giả cũng đưa ra câu hỏi về việc nếu AI không được đào tạo nhiều trong các chương trình đại học ở Việt Nam thì các startup và nhà nghiên cứu độc lập nên làm thế nào để bổ sung kiến thức. Rosini đã trả lời rằng hiện có rất nhiều kênh và nguồn khác nhau để các bạn trẻ học và nghiên cứu AI, đơn giản nhất là qua các trang học trực tuyến hay các khóa đào tạo ngắn hạn.

     Nhà đầu tư Hajime Hotta

    Nhà đầu tư Hajime Hotta

    Nhìn chung, các thách thức lớn nhất đối với các startup AI tại Việt Nam hiện nay vẫn là quyết tâm của các nhà sáng lập (theo đuổi AI có thể bạn sẽ phải chờ đợi rất lâu mới tới được ngày hái quả), việc phải xoay sở tìm được nguồn dữ liệu lớn cho các thuật toán AI “học hỏi” cùng sự phối hợp ăn ý với các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể mà các startup này tham gia. Tuy nhiên, mảnh đất AI vẫn còn rất nhiều cơ hội ngách cho các tay chơi nhỏ mà các đại gia lớn có thể không muốn nhảy vào hay các lĩnh vực chưa nhiều người nghĩ đến việc tích hợp thêm AI.

     Đại diện một startup Việt giới thiệu kế hoạch chuẩn bị ra mắt hệ thống AI trong nông nghiệp của mình

    Đại diện một startup Việt giới thiệu kế hoạch chuẩn bị ra mắt hệ thống AI trong nông nghiệp của mình

    Sự kiện “Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo’ là hoạt động thứ hai trong chuỗi kế hoạch phát triển cộng đồng AI đầu tiên tại Việt Nam của Cinnamon AI Labs. Theo ông Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc phát triển chiến lược của Cinnamon AI Labs thì đội ngũ kỹ sư của Việt Nam có trình độ và tư duy tốt, nhưng để có thể chuyển biến những tiềm năng này thành giá trị thực, công nghệ thực, các startup và nghiên cứu viên AI cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa. Ông cho biết: "Mục tiêu của dự án là xây dựng và phát triển cộng đồng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ vốn, công nghệ và đào tạo cho cộng đồng các nhà nghiên cứu và các startup về AI."

    Cinnamon AI Labs là dự án khởi nghiệp phòng nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hiện nay Cinnamon AI Labs hoạt động với 3 mô hình chính:

    ● Ươm mầm các công ty khởi nghiệp sử dụng nền tảng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo

    ● Phát triển đội ngũ chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thông qua việc nhận các dự án nghiên cứu từ các công ty tại châu Á

    ● Đào tạo và phát triển cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo hợp tác với các tổ chức khác, xây dựng các chuỗi sự kiện và thúc đẩy chia sẻ từ cộng đồng (chẳng hạn như khóa học "Intelligence" đào tạo AI trong 6 tháng cho các sinh viên xuất sắc tại Hà Nội).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày