Kỹ thuật Feynman có thể giúp bạn nhớ mọi thứ mình đã đọc, Bill Gates cũng phải sử dụng

    Mai Lâm, Theo Nhịp sống kinh tế 

    Nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman (1918–1988) là một chuyên gia ghi nhớ những gì ông đã đọc. Bill Gates đã áp dụng thành công công thức của Feynman đến mức ông đặt tên cho Feynman là "người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có".

    Sách giúp bạn tiếp cận với những bộ não thông minh nhất. Học hỏi từ những nhà tư tưởng vĩ đại nhất là con đường nhanh chóng để bạn đạt được sức khỏe, sự giàu có và trí tuệ.

    Tuy nhiên, chỉ đọc sách không thôi không giúp bạn nâng cao cuộc sống. Bạn có thể đọc 52 cuốn sách mỗi năm mà không thay đổi được gì cả.

    Dale Carnegie từng nói kiến thức không phải là sức mạnh nếu nó không được áp dụng. Và để áp dụng những gì bạn đã đọc, trước tiên bạn phải nhớ những gì bạn đã đọc.

    Nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman (1918–1988) là một chuyên gia ghi nhớ những gì ông đã đọc. Bill Gates đã áp dụng thành công công thức của Feynman đến mức ông đặt tên cho Feynman là "người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có".

    Kỹ thuật Feynman có thể giúp bạn nhớ mọi thứ mình đã đọc, Bill Gates cũng phải sử dụng - Ảnh 1.

    Tại sao nhiều người quên béng những gì mình đã đọc

    Hầu hết mọi người nhầm lẫn giữa tiếp thu với học tập. Họ nghĩ rằng chỉ cần đọc, xem hoặc nghe thì thông tin đó sẽ trở thành của họ.

    Trừ khi bạn có một bộ nhớ khủng, nếu không thì tất cả những thông tin bạn đọc chỉ đơn thuần là thông tin.

    Để bảo vệ bản thân khỏi bị kích thích quá mức, bộ não của chúng ta lọc và quên đi hầu hết những gì chúng ta tiếp thu. Nếu chúng ta nhớ tất cả những gì mình đã tiếp nhận, thì chúng ta đã không thể sống trên hành tinh này.

    Nhưng người ta cứ hành động như thể bộ não của họ sẽ giữ mọi thứ. Họ tự vạch ra cho mình phải đọc một số lượng cụ thể sách mỗi năm. Vì quá tập trung vào số lượng, thay vì việc học, họ quên béng những gì đã đọc. Cuối cùng, đối với họ, đọc sách chỉ là giải trí.

    Vào những năm 1850, chính Schopenhauer đã từng tuyên bố: "Khi chúng ta đọc, có một người khác đang suy nghĩ giúp mình: chúng ta chỉ lặp lại quá trình suy nghĩ của người ấy. Vì vậy, để học, chúng ta cần phải tự mình suy nghĩ.”

    Nếu một người đọc sách mà không dừng lại để suy nghĩ thì sẽ không nhớ cũng như không áp dụng được bất cứ điều gì họ đã đọc.

    Bạn có thể dễ dàng nhận ra những người này. Ví dụ: họ nói rằng họ đã đọc một cuốn sách, nhưng lại không đúc kết được điều gì. Có thể, họ đã không học được điều gì khi đọc cuốn sách đó.

    Mortimer Adler đã nói rõ điều đó khi ông viết: "Nếu người nào đó nói rằng: tôi biết tôi đang nghĩ gì, nhưng lại không thể diễn đạt nó ra, thì người đó thực sự chẳng biết mình đang nghĩ gì".

    May mắn thay, có một cách để chúng ta cải thiện được tình hình này. Chúng ta thực sự có thể học được điều gì đó từ những gì mình đã đọc. Và chúng ta đã biết điều này từ lâu.

    Làm thế nào bạn có thể nhớ những gì bạn đã đọc

    Giảng dạy là cách hiệu quả nhất để đưa thông tin vào tâm trí bạn. Ngoài ra, đây là một cách dễ dàng kiểm tra xem bạn có nhớ những gì mình đã đọc hay không. Bởi vì trước khi dạy, bạn phải thực hiện một số bước: lọc thông tin có liên quan, sắp xếp thông tin này và diễn đạt rõ ràng bằng vốn từ vựng của riêng bạn.

    Không ai có thể vượt qua Feynman trong việc làm chủ quá trình này. Những người cùng thời biết đến ông vì ông có thể giải thích những quá trình phức tạp nhất bằng ngôn ngữ đơn giản nhất. Họ đặt biệt danh cho Feynman là "Người giải thích vĩ đại".

    Nếu bạn đang tìm kiếm một cách để thúc đẩy quá trình học tập và muốn trở nên thông minh hơn, thì Kỹ thuật Feynman có thể là cách tốt nhất để bạn học mọi thứ.

    Kỹ thuật Feynman là một phương pháp giúp chúng ta ghi nhớ những gì đã đọc bằng cách sử dụng các khái niệm liên kết và xây dựng. Đó là một công cụ để ghi nhớ những gì bạn đã đọc bằng cách giải thích nó bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

    Kỹ thuật Feynman không chỉ là một công thức tuyệt vời để học mà còn là một cánh cửa dẫn đến một cách suy nghĩ khác cho phép bạn chia nhỏ các ý tưởng và định nghĩa lại chúng.

    Điều tôi thích ở khái niệm này là cách tiếp cận: trí thông minh là một quá trình phát triển, kết hợp độc đáo với công trình của Carol Dweck, người đã mô tả chính xác sự khác biệt giữa tư duy cố định và tư duy phát triển.

    4 bước bạn cần thực hiện

    Về bản chất, kỹ thuật Feynman bao gồm bốn bước: xác định chủ đề, giải thích nội dung, xác định lỗ hổng kiến thức của bạn, đơn giản hóa giải thích của bạn. Đây là cách nó được áp dụng cho bất kỳ cuốn sách nào bạn đọc:

    # 1 - Chọn cuốn sách bạn muốn ghi nhớ

    Sau khi bạn đọc xong một cuốn sách đáng nhớ, hãy lấy ra một tờ giấy trắng. Ghi lại tên sách.

    Sau đó, hãy nhớ lại tất cả các nguyên tắc và điểm mấu chốt mà bạn muốn ghi nhớ. Nhiều người mắc sai lầm ở bước này, họ chỉ sao chép mục lục hoặc những dòng highlight của bản thân. Họ không gợi nhớ lại thông tin mình đã đọc, do đó, họ không thể học được gì cả.

    Thay vào đó, điều bạn nên làm là tự nhớ lại các khái niệm và ý tưởng. Bước này đòi hỏi trí tuệ của bạn. Nhưng bằng cách suy nghĩ về các khái niệm, bạn đang tạo ra một trải nghiệm học tập hiệu quả.

    Trong khi viết những điểm mấu chốt, hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhất bạn có thể. Thông thường, chúng ta sử dụng những biệt ngữ phức tạp để che giấu sự không biết của mình. Những "từ ngữ to tát" và những "từ ngữ chuyên môn" khiến chúng ta không thể đi sâu vào vấn đề.

    # 2 - Giả vờ bạn đang giải thích nội dung cho một đứa trẻ 12 tuổi

    Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng nó không hề đơn giản. Trên thực tế, việc giải thích một khái niệm càng đơn giản càng tốt đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc.

    Bởi vì khi bạn giải thích một ý tưởng từ đầu đến cuối cho một đứa trẻ 12 tuổi, bạn buộc mình phải đơn giản hóa các mối liên kết giữa các khái niệm.

    Nếu bạn xung quanh bạn không có đứa trẻ nào 12 tuổi, hãy tìm một người bạn quan tâm đến vấn đề đó, ghi âm tin nhắn thoại để giải thích cho những người có cùng chí hướng với bạn hoặc viết ra lời giải thích của bạn dưới dạng bài đánh giá trên Amazon, Goodreads hoặc Quora.

    # 3 - Xác định lỗ hổng kiến thức của bạn và đọc lại

    Giải thích những điểm mấu chốt của cuốn sách giúp bạn nhận ra những gì mình vẫn chưa hiểu. Sẽ có những chỗ bạn hiểu rất rõ. Có chỗ bạn sẽ hơi lấn cấn.

    Chỉ khi bạn tìm thấy lỗ hổng kiến thức (tức là bạn thấy mình bỏ qua một khía cạnh quan trọng, hoặc khó khăn trong việc dùng từ hoặc liên kết các ý tưởng với nhau) bạn mới thực sự bắt đầu học.

    Khi bạn biết mình đang mắc kẹt ở đâu, hãy cầm cuốn sách lên và đọc lại đoạn đó cho đến khi bạn có thể giải thích nó bằng ngôn ngữ đơn giản của mình.

    Lấp lỗ hổng kiến thức là bước cần thiết để bạn thực sự nhớ những gì mình đã đọc và nếu bạn bỏ qua bước này, bạn sẽ ảo tưởng về kiến thức của mình.

    # 4 Đơn giản hóa giải thích của bạn

    Tùy thuộc vào độ phức tạp của cuốn sách, bạn có thể giải thích và ghi nhớ các ý tưởng của tác giả luôn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không chắc chắn, hãy thực hiện thêm bước đơn giản hóa này.

    Hãy đọc to các ghi chú của bạn và sắp xếp chúng thành một câu chuyện đơn giản nhất có thể. Nếu lời giải thích nghe có vẻ đơn giản, đó là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy bạn đã thành công.

    Chỉ khi bạn có thể giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản thì bạn mới biết rằng bạn thực sự hiểu nội dung mình đã đọc.

    Chúng ta lấy kiến thức và ý kiến của những người khác dựa trên sự tin tưởng; vốn là cách học nhàn rỗi và hời hợt. Điều chúng ta cần phải biến chúng thành của riêng mình. Chúng ta cũng giống như một người khi cần lửa thì sang nhà hàng xóm xin, thấy một ngọn lửa rất ấm thế là ngồi tại chỗ sưởi ấm và rồi không nhớ mang về nhà. Chúng ta có ích lợi gì khi bụng đầy thịt nhưng nó không được tiêu hóa, nếu nó không được chuyển hóa thì sao có thể nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng ta?

    Kỹ thuật Feynman là một cách tuyệt vời để biến sự khôn ngoan từ sách thành của riêng bạn. Đó là một cách để chia nhỏ các ý tưởng và định nghĩa lại chúng.

    Theo MED

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ