Không phải là vì Galaxy S6 vẫn mang chút ít đường nét của iPhone 6. Và cũng không phải vì Samsung là ông lớn duy nhất của làng smartphone đặt nhà máy lớn tại Việt Nam.
Trước khi bạn đọc bài viết này, tôi phải khẳng định tôi là một iFan và cũng từng là từng là một fan của Sony trước khi người hùng Nhật Bản này trở nên quá trì trệ. Tôi có một chiếc iPhone, một chiếc iPod Classic và đang viết bài này bằng MacBook Air (mua thay thế cho chiếc VAIO càng nghĩ lại càng thấy... phí tiền).
Nhưng chiếc máy tính bảng của tôi không phải là iPad hay Xperia mà là một sản phẩm của Samsung: Galaxy NotePro 12.2.
Một trải nghiệm máy tính bảng hoàn toàn khác
Người tiêu dùng Việt Nam nói chung có lẽ không mấy ưa chuộng chiếc NotePRO 12.2, bởi tôi không thể mua chiếc tablet này qua các kênh chính thức mà phải nhờ xách tay từ nước ngoài về. Đó thật sự là một điều đáng tiếc.
Tại sao tôi lại nói đó là một điều đáng tiếc? Hãy nhìn vào NotePRO 12.2 và bạn sẽ thấy nhiều tính năng đi trước thời đại, trong đó đáng chú ý nhất là khả năng đa nhiệm lần đầu tiên xuất hiện trên máy tính bảng nói riêng và các thiết bị di động nói chung. Chiếc NotePRO của tôi, giống như chiếc iPad nay đã chuyển cho bố mẹ, cũng được sử dụng chủ yếu vào mục đích giải trí, nhưng kể cả với mục đích đó thì đa nhiệm vẫn là một tính năng thực sự cần có. Bạn đã bao giờ mong muốn có thể vừa xem phim online vừa chat face trên tablet? Chắc chắn câu trả lời là "có" rồi.
Cùng với sự ra đời của iOS 9 và iPad Pro, tính năng đa nhiệm trên di động đã không còn là quá xa lạ. Thế nhưng, hãy nhớ rằng NotePRO 12.2 ra mắt từ tận tháng 1/2014 còn iPad Pro thì phải tới tháng 9/2015 mới đến tay người dùng. Nói cách khác, NotePRO 12.2 ra mắt khi iPhone 5s vẫn còn là chiếc smartphone được các iFan thèm thuồng nhất, còn iPad Pro thuộc cùng một thế hệ với sản phẩm đóng vai trò "khai tử" 5s (iPhone SE). Rõ ràng là Samsung đi trước thời đại.
Đó không chỉ là điểm vượt trội duy nhất của NotePRO 12.2. Dù không phải là một thiết bị "lai" thực thụ như Surface, đây vẫn là chiếc máy tính bảng đầu tiên có thể thay thế cho chiếc MacBook của tôi nhờ có tính năng chia màn hình hữu dụng cùng bàn phím rời chất lượng tốt.
Dĩ nhiên, về bản chất NotePRO 12.2 vẫn là một chiếc tablet Android và do đó không thể "mơ tưởng" tới những ứng dụng phức tạp như AutoCAD hay Photoshop trên Windows, nhưng với dịch vụ Office Online được Microsoft cung cấp miễn phí, chiếc tablet này vẫn phục vụ tốt cho công việc viết lách của tôi trong những chuyến đi xa nhà. Và buổi tối đến, xem phim online hay "chiến" Clash of Clans cùng bạn bè trên một chiếc tablet Android thực thụ vẫn vui hơn hẳn so với trải nghiệm laptop siêu mỏng chạy Windows.
Samsung là một trong số ít các tên tuổi đưa sản phẩm công nghệ về phía trước
Sở dĩ tôi nói rất nhiều về chiếc NotePRO 12.2 là bởi chiếc tablet này đã mang tới một trải nghiệm tablet hoàn toàn khác so với những gì tôi từng hình dung khi từng sở hữu tới 2 chiếc iPad. Hãy nhớ rằng, trong khi dòng Surface của Microsoft cố gắng lai giữa laptop với tablet và trong phần lớn thời gian sử dụng vẫn chỉ thực sự có ích ở chế độ laptop (bạn thử kể tên MỘT ứng dụng Modern UI có chất lượng tốt như iOS và Android xem?), Samsung là tên tuổi đầu tiên tạo ra trải nghiệm tablet thuần túy thực sự mới mẻ khi lấn sân thành công vào trải nghiệm laptop.
Nhưng không chỉ riêng NotePRO 12.2, còn rất nhiều sản phẩm Galaxy khác cho thấy Samsung đang thực sự đưa ngành công nghệ tiến lên.
Đầu tiên có thể kể đến cú "hit" bất ngờ trong năm 2015 là chiếc Galaxy S6 edge. Smartphone màn hình dẻo đã có từ năm 2013, nhưng S6 edge lại là chiếc smartphone màn hình "dị" đầu tiên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ngoài LG với 2 chiếc smartphone (thất bại) là G Flex và G Flex 2, chưa một ông lớn nào theo đuổi các kiểu dáng màn hình thực sự mới mẻ chứ đừng nói tới thành công. Rõ ràng, nếu một nhà sản xuất nào đó có thể biến hình cho chiếc smartphone của tương lai, đó sẽ là Samsung.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên Samsung vạch ra hướng đi hoàn toàn mới cho ngành sản xuất smartphone. Vào năm 2011, khi các iFan vẫn còn bị trói trong trải nghiệm màn hình... 3.5 inch, Samsung đã sẵn sàng ra mắt một chiếc điện thoại có kích cỡ tới 5.3 inch. Tất cả những lời phàn nàn về tính khả thi của một chiếc điện thoại quá lớn nhanh chóng bị dẹp sang một bên, và phablet trở thành một trào lưu của thế giới smartphone nhờ trải nghiệm lướt web, chơi game, xem video vượt trội hơn hẳn. Đó là còn chưa kể Samsung là nhà sản xuất đầu tiên đưa bút stylus trở lại smartphone theo cách có nghĩa khi trang bị các tính năng ghi chú, vẽ vời thuận tiện.
Hay, ngay cả một chuyện rất đơn giản là từ bỏ công nghệ LCD cũ kỹ để tiến lên công nghệ AMOLED vượt trội, ngoài Samsung ra cũng chưa ai thực hiện thành công. Ngay cả tên tuổi cùng Samsung đi đầu trong lĩnh vực OLED là LG cho tới nay cũng vẫn chưa dám đưa loại màn hình tân tiến này lên smartphone, còn (Nokia) Lumia và Motorola thì vẫn ngày một suy giảm thị phần.
Vị trí nổi bật giữa một làng công nghệ bảo thủ
Những nhà sản xuất khác không phải là không góp phần đưa smartphone tiến lên. Apple tiên phong cho kiến trúc 64-bit, và nếu bạn biết sự thật rằng Qualcomm đã phải ngừng toàn bộ các dự án 32-bit để vội vã tiến lên 64-bit rồi vấp ngã thảm hại với Snapdragon 810, bạn sẽ thấy giá trị của bước đi này. Đồng hương của Samsung là LG có lẽ là cấp tiến hơn hẳn khi dám đưa các nút vật lý vào sau lưng điện thoại (qua đó giải quyết bài toán dùng phablet bằng một tay) hay mới đây là tiên phong cho công nghệ smartphone module trên G5.
Nhưng tất cả những bước tiến đó đều không mang tính trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng như những công nghệ màn hình mà Samsung mang lại. Xét cho cùng, màn hình vẫn là yếu tố quan trọng nhất trên chiếc smartphone của bạn. Nâng cấp chip từ 32-bit lên 64-bit dù có ảnh hưởng đến mấy cũng sẽ không khiến cho người tiêu dùng thực sự cảm thấy khác biệt, còn một vài tính năng mới cũng sẽ chỉ mang tới cảm giác "cải thiện" chứ không phải là một trải nghiệm hoàn toàn mới như Galaxy Note, Galaxy S6 edge hay Galaxy NotePRO 12.2.
Và đó là còn chưa kể tới những "cải thiện" đáng giá của Samsung. Apple có thể đã thu hút sự chú ý đông đảo khi ra mắt Apple Pay và được giới công nghệ tung hô là "tương lai của thanh toán di động", nhưng Samsung Pay thậm chí còn đi thêm một bước khi có thể hỗ trợ tất cả các máy thanh toán loại cũ chứ không đòi hỏi các cửa hàng mua mới thiết bị như Apple.
Khi so sánh Samsung cùng Sony, một ông lớn đã từng là đối lập của nhà sản xuất Hàn Quốc, bạn sẽ càng nhận thấy ý nghĩa to lớn của những đóng góp do Samsung mang lại. Trong toàn bộ lịch sử tồn tại của thương hiệu Xperia, Sony có lẽ mới chỉ một lần duy nhất mang đến cho người dùng smartphone một thứ gì đó mới mẻ khi cung cấp khả năng chống nước cho Xperia Z (2012). Nhưng chiến lược đó rõ ràng là sai lầm khi Sony không dám bảo hành cho smartphone bị nước vào, và đến chiếc X Performance đóng vai trò thay thế cho dòng Z thì nhà sản xuất Nhật Bản lại phải "ỉm" tính năng này đi. Nói cách khác, qua toàn bộ 7 thế hệ của mẫu đầu bảng, Sony không thể mang lại bất cứ một thứ gì mới mẻ cho smartphone cả.
Trong những năm gần đây, gã khổng lồ Hàn Quốc đang gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc khi các công ty này liên tiếp tung ra smartphone cấu hình cao giá rẻ. Nhưng, giữa một rừng smartphone chẳng có gì mới lạ mà chỉ chạy đua cấu hình cùng nhau, bạn sẽ thấy "tinh thần Samsung" là đặc biệt quan trọng. Hãy nhớ rằng chạy đua về giá sẽ làm tiêu tan nguồn vốn của các công ty, những khoản R&D vốn nên được dùng để ra mắt những trải nghiệm hoàn toàn mới nay sẽ được đổ vào những chiếc smartphone nâng cấp cấu hình từ năm ngoái. Nói cách khác, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dùng những chiếc smartphone "mới mà nhàm chán" để kích động một cuộc đua không có ai chiến thắng.
Nhưng khi trào lưu "đua xuống vực" đó bắt đầu nổi trội thì Samsung có câu trả lời bằng chiếc Galaxy S6 edge. Đó là lần thứ hai Samsung cách tân chiếc smartphone, sau thành công của Galaxy Note. Chiếc tablet thậm chí còn chỉ được cách mạng hóa một lần duy nhất, và Samsung là người đi đầu cho cuộc cách mạng đó. Ngay cả Apple dù tạo ra chiếc smartphone hoàn hào cho người tiêu dùng cũng chưa một lần tạo ra một trải nghiệm iPhone hoàn toàn mới nếu không có sức ép từ Samsung. Nếu Samsung không đưa phablet trở thành trào lưu, chiếc iPhone 6 Plus có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện.
Vươn mình về phía trước
Nhưng rõ ràng là Samsung đang gặp ảnh hưởng rất nhiều từ sức ép của Apple ở phân khúc trên và các tên tuổi Trung Quốc ở khúc dưới. Hãy nhìn cách giải quyết của nhà sản xuất Hàn Quốc: ngay lập tức chuyển hướng từ smartphone sang các công nghệ mới như thiết bị đeo thông minh, nhà thông minh, Internet of Things cùng các công nghệ "bất tử" như chip xử lý. Gần đây nhất, Samsung sử dụng các dòng smartphone đầu bảng của mình để phổ cập thực tại ảo - công nghệ được dự đoán sẽ sớm tạo ra một cuộc cách mạng mới cho thị trường hi-tech, một trải nghiệm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng.
Dĩ nhiên, khi viết bài viết này, tôi vẫn là một fan của Apple. Với tôi, Samsung và các nhà sản xuất khác vẫn thiếu đi sự chau chuốt hoàn thiện thường có trên một iDevice. Và tôi vẫn thích thiết kế Apple, thích iMessage, thích chiếc MacBook Air không hay gặp lỗi lặt vặt như những chiếc laptop Windows như Samsung Notebook hay ATIV.
Nhưng là một fan của công nghệ nói chung, tôi không thể không ghi nhận những đóng góp to lớn mà Samsung mang lại. Chưa một lần tạo ra những thay đổi tầm cỡ như iPod, iPhone và iPad, Samsung vẫn đã nhiều lần đóng góp những thay đổi thực sự ý nghĩa tới người dùng. Bất kể là một iFan, Samfan, Sony fan hay đang dùng điện thoại Trung Quốc, bạn đều đang được hưởng lợi ích từ những trào lưu do Samsung tiên phong.
Quan trọng hơn, thái độ nhanh nhạy để đón đầu những cơn sóng công nghệ mới của Samsung là rất đáng quý - đặc biệt là trong bối cảnh chỉ trong vòng 5 năm qua chúng ta đã chứng kiến quá nhiều gã khổng lồ ngã quị chỉ vì một căn bệnh bảo thủ: Nokia, Sony, BlackBerry, Nintendo, Palm... Samsung không phải là chưa từng vấp ngã - Galaxy View, Galaxy S4 Zoom, Galaxy Gear thất bại thảm hại, ngay cả chiếc NotePRO tôi yêu quý cũng chưa có phiên bản tiếp theo - nhưng những thất bại đó lại là minh chứng cho thấy gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn luôn sẵn sàng tiến về phía trước để thay đổi những gì đã có trên thị trường.
Apple đi từ chỗ lỗ hàng trăm triệu USD mỗi năm tới những khoản lãi hàng chục tỷ USD mỗi năm cũng nhờ tinh thần vươn mình ra khỏi lối mòn, còn hành trình đi từ chỗ "biểu tượng cho... hàng rẻ chất lượng kém" đến vị thế ngang ngửa Apple và áp đảo Sony như hiện nay của Samsung cũng chẳng phải là rất đáng khâm phục hay sao?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4