Lại phát hiện thêm một bể chứa metan khổng lồ nằm trong đại dương, vậy nguồn gốc của lượng metan này từ đâu mà có?

    Nguyễn Tuấn Tài,  

    Chúng ta có thể biết về lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra, vậy còn lượng khí nhà kính trên toàn cầu thì sao?

    Các nhà khoa học đã phát hiện nguồn gốc của bể chứa khí thải nhà kính (metan) lớn nhất trên thế giới nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương.

    Khám phá này có thể tác động đến cách con người khai thác biển, bởi bất kỳ xáo trộn nào cũng có thể làm phát tán một lượng lớn khí thải nhà kính vào khí quyển, góp phần tạo nên sự biến đổi khí hậu.

    Hiệu ứng ấm lên của metan mạnh hơn gấp 25 lần so với carbon dioxide, nhưng loại khí này không phổ biến và không tồn tại lâu trong khí quyển. Lượng lớn Metan được lưu trữ ở dạng đóng băng trong vùng lãnh nguyên Bắc cực và tận cùng của đáy biển. Khi Trái Đất ấm lên đến một mức độ nào đó, những nguồn lưu trữ metan này có thể được giải phóng, dẫn tới sự ấm lên “đột ngột” toàn cầu.

    Nhưng metan nồng độ cao cũng được phát hiện ở trong các tầng nước, trải dài trên nhiều khu vực rộng lớn của đại dương - tạo thành các “bể chứa metan khổng lồ”. Một trong số chúng trải dài từ bờ biển của Trung Mỹ tới Hawaii. Nước ở khu vực này được đánh giá là “giàu metan”, gấp đến 50 lần lượng khí gas trung bình có trong nước biển.

    Vùng nước giàu metan trải dài từ Costa Rica đến Hawaii
    Vùng nước giàu metan trải dài từ Costa Rica đến Hawaii

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Queen Mary của London (QMUL) đã dành sáu tuần trên tàu RSS James Cook để tìm kiếm nguồn gốc của lượng metan này. Họ đã phát hiện ra rằng, phần lớn lượng metan này được tạo ra bởi vi khuẩn ở đáy biển, chúng đã phát triển mạnh trong điều kiện oxy thấp và điều này cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác trong đại dương.

    Mức độ metan cao nhất được tìm thấy trong tầng nước sâu từ 300 - 500 m.

    Tiến sĩ Felicity Shelley, thuộc nhóm nghiên cứu QMUL, nói rằng: “Nếu lượng metan này ở tầng mặt nước, nó sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi nước biển”.

    Tuy nhiên, cách mà đại dương hoạt động có vẻ như chưa bao giờ đưa chúng đến bề mặt.

    Cô cũng nói rằng, đây được cho là vùng nước có lượng oxy tối thiểu (OMZ), nó sẽ ngày càng dày lên và gần hơn với mặt nước hơn nhờ sự ấm lên của Trái đất. Và các hoạt động của con người như nạo vét, đánh cá bằng lưới rà đáy hoặc đặt các giàn khoan dầu, có khả năng khuấy động biển cả và dịch chuyển những vùng nước giàu metan lên bề mặt.

    Khu vực này của Thái Bình Dương đang dần trở thành OMZ, nơi mà cá và những loài sinh vật biển khác không thể tồn tại. Điều đó không chỉ có nghĩa là con người đang giết chết hệ sinh thái biển mà còn gián tiếp tạo ra một lượng lớn metan.

    Tiến sĩ Shelley nói rằng phát hiện của họ đã nhấn mạnh sự hiểu biết về đại dương và tác động của biến đổi khí hậu của các nhà khoa học vẫn còn rất hạn chế.

    Tham khảo Independent

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày