Lãi siêu khủng nhưng CEO Samsung vẫn từ nhiệm, nói công ty đang đối mặt với "khủng hoảng chưa từng có", vì sao lại thế?
Tuyên bố từ nhiệm của CEO Samsung Electronics, Kwon Oh-hyun thể hiện một mong muốn cháy bỏng: Samsung cần phải trẻ hóa lớp lãnh đạo. Nhưng Samsung đang được xây dựng trên một mô hình trái ngược hoàn toàn: chaebol.
Trong bức thư công bố quyết định từ nhiệm, CEO của Samsung Electronics đưa ra lời tuyên bố: “Khi chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có từ trong ra ngoài, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Samsung phải có khởi đầu mới, với một tinh thần mới và đội ngũ lãnh đạo trẻ để phản ứng tốt hơn với các thử thách đến từ ngành công nghiệp IT luôn thay đổi chóng mặt”.
Quyết định của ông Kwon Oh-hyun tương phản hoàn toàn với tình hình tài chính của Samsung. Cũng trong ngày hôm qua, Samsung Electronics đưa ra dự báo cho thấy hãng này có thể phá vỡ kỷ lục lợi nhuận trong quý tài chính vừa qua. Trước đó, Samsung đã từng lập kỷ lục lợi nhuận cao hơn Apple tới 2 tỷ USD trong quý 2.
Vậy cuộc khủng hoảng chưa từng có này thực chất là gì?
Nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy tất cả các khoản lãi “khủng” đều đến từ các mảng kinh doanh truyền thống của Samsung như màn hình và bán dẫn, vốn là các lĩnh vực đã được các thế hệ lãnh đạo trước xây dựng trong hàng chục năm. Trên mảng phần cứng đang tập trung toàn bộ trí lực của thế giới, Samsung đang bộc lộ những dấu hiệu hụt hơi trước 2 đối thủ lớn là Apple và Google.
Cả 2 đối thủ lớn nhất (và nhiều đối thủ nhỏ) đều đã xác thực lợi ích khi loại bỏ cổng tai nghe.
Sự bảo thủ trong văn hóa chaebol
Bất ngờ thay, jack tai nghe là một trong những điểm cần nói tới. Trong khi loại bỏ cổng cắm 3.5 là một bước đi mang tính chống lại người dùng (rõ ràng bạn cũng đang phản đối điều đó?), xu thế chung của các nhà sản xuất khác đã cho thấy loại bỏ jack tai nghe vừa mang lại lợi ích công nghệ cho chính smartphone, vừa đem đến những lợi ích kinh tế không thể chối bỏ cho nhà sản xuất.
Đến cả Google cũng đã phải loại bỏ jack tai nghe khỏi cả 2 mẫu Pixel 2/Pixel 2 XL mới ra mắt, chỉ một năm sau khi hãng này (và Samsung) lên tiếng chỉ trích quyết định tiên phong gây tranh cãi từ Apple.
Trong năm 2017, Samsung vẫn mang jack tai nghe lên Galaxy S8/S8 và Galaxy Note8. Gã khổng lồ Hàn Quốc cũng không quên mỉa mai Apple bằng tuyên bố “Đoán đi, chúng tôi vẫn có jack tai nghe” trong sự kiện Unpacked tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Hội trường phản ứng một cách hờ hững. Trong lúc tất cả các hãng smartphone khác đều lên tiếng về lợi ích cho pin khi bỏ cổng 3.5mm, Galaxy Note8 lại gây tranh cãi vì pin dung lượng thấp hơn Galaxy S8 (có thể là do phải tích hợp bút S Pen vào trong thân).
Văn hóa chaebol được chính chủ tịch mảng di động, DJ Koh, nhận định là một vấn đề lớn tại Samsung.
Theo phỏng đoán của chúng tôi, văn hóa chaebol có thể đã đóng một phần quan trọng trong quyết định giữ lại cổng tai nghe (và hy sinh toàn bộ các lợi ích kinh tế/công nghệ đi kèm): các kỹ sư của Samsung chắc chắn đã nhận ra lợi ích của xu thế chung nhưng không dám nêu lên với cấp dưới.
Thực chất, đây cũng chính là nhận định của tổ chức tài chính Bloomberg khi nói về sự cố Note7: các kỹ sư cấp dưới có thể đã sớm nhận ra những tín hiệu “đỏ” ngay từ đầu, nhưng không dám hé lộ với cấp trên vì sợ ảnh hưởng đến thời hạn ra mắt. Để đón đầu iPhone 7, Samsung đã đẩy sớm ngày ra mắt Galaxy Note7 so với mọi năm.
Bài báo này cũng đã đưa ra một tuyên bố của lãnh đạo mảng di động, DJ Koh: “Tôi ghét điều đó. Nhân viên mới đông cứng lại. Họ không nói ra điều gì cả”. Nhắc đến nỗ lực “startup hóa” của Samsung, ông Koh thừa nhận: “Con người không thể thay đổi chỉ trong một ngày”.
Khi ông chủ của hệ điều hành được cài đặt trên những chiếc Galaxy cũng đã tạo ra phần cứng của riêng mình với những lợi thế phần mềm riêng, Samsung không thể chỉ đối phó bằng những chiếc điện thoại "tốt hơn" được nữa.
Và mối đe dọa khủng khiếp nhất trong hàng chục năm đã xuất hiện
Những nhận định của ông Koh trùng khớp với tuyên bố “cần đổi mới” của CEO Kwon ngày hôm nay và cũng chỉ là một phần trong nỗ lực “startup hóa” đã được Samsung bắt đầu từ 2014, khi những chiếc Galaxy S5 bị chỉ trích nặng nề vì vẫn sử dụng thiết kế nhựa kém cao cấp.
Trên thực tế, thiết kế đã và sẽ luôn là một vấn đề nhỏ với những thế lực phần cứng như Samsung. Galaxy S8 là biểu tượng mới của thiết kế điện thoại trong khi Galaxy Note 8 là smartphone với hình hài đẹp không thể chê vào đâu được.
Nhưng trong năm 2017, gã khổng lồ Hàn Quốc bắt đầu phải đối mặt với thử thách khủng khiếp nhất trong hàng chục năm tồn tại: AI. Đối thủ lớn nhất của Samsung là Apple đã bắt đầu vận dụng AI/máy học một cách nhuần nhuyễn vào iPhone. Đáng lo ngại hơn, Google cũng đã tạo ra một phiên bản Android của riêng mình với những lợi thế phần mềm riêng, không chia sẻ cho bất kỳ OEM nào khác.
Samsung sẵn sàng làm mếch lòng Google. Nhưng dũng cảm là không đủ: Samsung cần phải "startup hóa" nhanh hơn nữa nếu không muốn thua cuộc đau đớn trong cuộc chiến AI.
Đứng trước những công nghệ như FaceID hay Google Assistant, các công nghệ AI được Samsung quảng bá qua thương hiệu Bixby tỏ ra hoàn toàn mờ nhạt. Trong lúc Apple và Google đi giải những bài toán chưa ai nghĩ đến (dùng neural network để xác thực mô hình 3D của khuôn mặt hoặc dùng máy học để tăng mức độ “đẹp” của hình ảnh), các tính năng của Bixby thực chất đã có mặt từ lâu trên các trợ lý ảo khác. Nhận diện vật thể - tính năng đỉnh duy nhất của trợ lý ảo này trên Galaxy S8 thời gian đầu ra mắt – thực chất lại là bài toán rất quen thuộc của thế giới AI.
Và đó là còn chưa tính đến những trào lưu AR/VR hay Internet of Things: năm 2017, không có một trào lưu công nghệ nào không đòi hỏi năng lực phần mềm vượt trội cả. Mảng bán dẫn hay màn hình có thể vẫn kinh doanh rất tốt, song nếu cứ bám vào những mảng kinh doanh hàng chục năm như vậy, Samsung có thể sẽ sớm trở thành một "con khủng long" chuyên đi bán linh kiện. Nhật Bản đã từng đi qua một giai đoạn tương tự, và tương lai công nghệ đã không còn nằm trong tay Nhật Bản nữa.
Đối mặt với những xu thế công nghệ mới ngay trong cơn bão scandal của nhà Lee có lẽ là "khủng hoảng chưa từng có tiền lệ" mà CEO Kwon nói đến.
Rõ ràng là Samsung cần thay đổi. Nhưng Samsung không chỉ cần tự thay đổi mà còn đang bị ép phải thay đổi: chủ tịch huyền thoại Lee Kun-hee đến nay vẫn nằm liệt giường, “thái tử” Lee Jae-yong vừa bị tuyên án 5 năm tù vì tội hối lộ.
Samsung đã được gia đình Lee soi sáng suốt hàng chục năm vừa qua. Thiếu đi bàn tay dìu dắt ấy, cuộc chuyển đổi sang văn hóa startup sẽ là vô cùng khó khăn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI